Một ngày nọ, chị C. bước vào văn phòng với đôi mắt sưng húp, mái tóc cắt ngắn quá vai, thần sắc mệt mỏi và… muốn nghỉ việc. Đêm qua, chị vừa cãi nhau to với người yêu – anh L., một trưởng phòng của bộ phận làm việc ngay bên cạnh. Chẳng là, hai người đang ở trong một mối quan hệ yêu nhau nơi công sở được một năm nay.
Vì sao nhiều doanh nghiệp đưa ra quy định nhân viên cùng công ty không được yêu nhau nơi công sở?
Không khó để tìm thấy những trường hợp tương tự như chị C. Bởi lẽ, với tính chất công việc, hầu hết dân công sở đều phải làm việc 8 – 12 tiếng, thậm chí là 14 tiếng một ngày tại văn phòng. Nghĩa là, có đôi khi thời gian gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống cùng đồng nghiệp còn nhiều hơn cả người thân trong gia đình. Vô hình trung, nếu không thực sự tỉnh táo để phân biệt giữa công việc và cảm xúc, bạn sẽ dễ rơi vào những mối quan hệ yêu đương với đồng nghiệp trong cùng văn phòng.
Một khi đã “té vào tình yêu” với một người, quyết định của bạn sẽ dễ bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân. Ví dụ, một ngày bạn mang một tâm trạng tồi tệ bước vào văn phòng sau khi cãi nhau to với nửa kia, liệu bạn có còn đủ công tâm để phân tích và đồng thuận với đề xuất của họ trong cuộc họp quan trọng ngay trong sáng hôm đó? Hoặc nếu xuất hiện sai phạm ở trong công việc của nửa kia, liệu bạn có thể mạnh dạn gạt bỏ tình cảm cá nhân để thẳng thắn góp ý hoặc đề xuất kỷ luật (đối với những sai phạm nghiêm trọng)?
Không chỉ e ngại các ảnh hưởng xấu trong quá trình làm việc, các doanh nghiệp còn phải đối diện với các hệ lụy nặng nề hơn của yêu đương công sở như bắt tay trục lợi (đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng) hoặc lôi kéo nhau nghỉ việc, dẫn đến nhiều bất ổn về sau cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Vậy nên giải quyết như thế nào nếu đã “lỡ” vào yêu nhau nơi công sở?
Đầu tiên, bạn nên xác định rõ ràng rằng việc yêu đương và kết hôn giữa hai đối tượng trong cùng nơi làm việc là không xấu, không phạm pháp, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, khi đã chấp nhận làm việc tại một doanh nghiệp, bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và cầu thị bằng cách tuân thủ Code of conduct (Bộ chuẩn mực hành vi) do doanh nghiệp đưa ra. Nếu trong Code of conduct của công ty có điều khoản “Nhân viên không được có mối quan hệ yêu đương, vợ chồng trong công ty”, bạn cần tuân thủ quy định này.
Xem thêm: Quản lý có nên cấm tình yêu công sở, phải làm sao khi nhân viên yêu nhau?
Tiếp theo, bạn cần tách biệt rõ ràng giữa việc TƯ và việc CÔNG, giữ thái độ chuyên nghiệp trong công việc để đảm bảo minh bạch, trách nhiệm, không gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của bộ phận và doanh nghiệp.
Và cuối cùng, hãy giữ khoảng cách với “người ấy” khi đang làm việc trong môi trường tập thể, đừng để tình cảm yêu đương phá vỡ những mối quan hệ đồng nghiệp công sở của bạn.
Bạn N. (24 tuổi), hiện đang làm việc tại một công ty tuyển dụng, có người yêu (28 tuổi) đang làm cùng một bộ phận trong công ty. Tuy nhiên, mối quan hệ của hai bạn không gây khó chịu cho quản lý cũng như đồng nghiệp bởi tại văn phòng, hai người luôn giữ khoảng cách chừng mực, giải quyết công việc nhanh chóng, rõ ràng theo quy định của công ty và không để cảm xúc cá nhân xen vào quyết định của mình.
Vậy nên, yêu nhau nơi công sở không phạm pháp, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vẽ ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cảm xúc, nên nếu vẫn “may mắn” chưa rơi vào “ma trận” yêu đương công sở, bạn nên giữ cho văn phòng chỉ là nơi làm việc chuyên nghiệp mà thôi.
Hy vọng những giải đáp từ Việc Làm 24h đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc có nên yêu nhau nơi công sở. Nếu đang trong mối quan hệ yêu đương này, cũng đừng quá lo lắng, hãy để ý cư xử đúng mực trong môi trường làm việc nhé. Đừng quên truy cập Việc Làm 24h nếu có nhu cầu tìm công việc mới.