Hiểu vốn điều lệ là gì rất cần thiết cho bất kỳ ai muốn thành lập doanh nghiệp hay góp vốn cho công ty. Do đó, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ được quy định tại Khoản 34 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản mà các thành viên đã đóng góp hoặc cam kết đóng góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Về tài sản góp vốn bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ chuyển đổi tự do, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, công nghệ và các tài sản khác có thể định giá bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các tài sản đã nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Thông tin về vốn điều lệ sẽ được ghi trong Điều lệ công ty và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ý nghĩa
Vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng đối với một doanh nghiệp khi thể hiện:
– Cam kết trách nhiệm và quyền lợi: Vốn điều lệ không chỉ là một số tiền, mà còn là sự cam kết về trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên đối với doanh nghiệp, đối tác, khách hàng. Đồng thời cũng là cơ sở để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên góp vốn và cổ đông.
– Đầu tư, phát triển: Vốn điều lệ được sử dụng để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh. Đây là nguồn tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động, phát triển, đầu tư vào các dự án mới.
– Phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro: Giá trị phần vốn góp của mỗi thành viên tương ứng với quyền và nghĩa vụ của họ trong kinh doanh. Điều này tạo ra sự tỷ lệ thuận giữa vốn đóng góp và quyền lợi, rủi ro của mỗi thành viên.
Sự khác biệt giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu là gì?
Vốn điều lệ | Vốn chủ sở hữu |
---|---|
Vốn điều lệ là tài sản mà một người đưa vào công ty nhằm đóng góp vốn, từ đó trở thành chủ sở hữu, thành viên đóng góp vốn hoặc cổ đông của công ty. | Vốn chủ sở hữu là số tài sản của những người đang là chủ sở hữu của công ty và được thu lại trong quá trình hoạt động kinh doanh. |
Vốn điều lệ được hình thành dựa trên số tiền vốn mà các thành viên, cổ đông đã đóng góp hoặc cam kết đóng góp trong một khoảng thời gian nhất định và thông tin này được ghi vào điều lệ công ty. | Vốn chủ sở hữu có thể xuất phát từ việc doanh nghiệp tự chi trả, hoặc được cấp từ nguồn vốn của nhà nước, bổ sung từ lợi nhuận tích lũy, hoặc đến từ các nguồn thu khác của doanh nghiệp. |
Vốn điều lệ được xem là một khoản tài sản hoặc cũng có thể là một khoản nợ khi doanh nghiệp phá sản. | Vốn chủ sở hữu do chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả kinh doanh, do đó nguồn vốn chủ sở hữu không phải là một khoản nợ. |
Vốn điều lệ thể hiện sự cam kết về trách nhiệm vật chất của các thành viên đối với khách hàng, đối tác. Ngoài ra, đây cũng là nguồn vốn đầu tư quan trọng cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là cơ sở để phân chia lợi nhuận hay xác định rủi ro trong quá trình kinh doanh của các thành viên đóng góp vốn. | Vốn chủ sở hữu phản ánh sự biến động của các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên đóng góp vốn. |
Cách tra cứu vốn điều lệ
Để tra vốn điều lệ của doanh nghiệp, hãy thực hiện những cách dưới đây:
Cách 1: Tra cứu trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp
Ngoài vốn điều lệ còn có thể tra cứu những thông tin khác của doanh nghiệp như địa chỉ, mã số thuế, mã số kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, số thành viên…
– Bước 1: Truy cập vào website cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, tại đây.
– Bước 2: Điền tên thông tin doanh nghiệp/mã số thuế/mã số doanh nghiệp trên thanh tìm kiếm.
– Bước 3: Click tra cứu và kết quả được hiển thị.
Tuy nhiên việc tra cứu trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp còn có một số hạn chế hoặc không tìm được thông tin. Điều này là do:
– Doanh nghiệp mới thành lập nên chưa có số liệu.
– Cổng tra cứu thông tin mới được đưa vào sử dụng nên chưa cập nhật hết thông tin của các doanh nghiệp trên cả nước.
Cách 2: Tra cứu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
Để đăng ký giấy phép kinh doanh và đầu tư, các doanh nghiệp cần đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, nếu muốn tra cứu vốn điều lệ bạn có thể đến đây và thực hiện các bước như sau:
– Bước 1: Lập hồ sơ xin cung cấp vốn điều lệ và thông tin doanh nghiệp.
– Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ, bộ phận chuyên trách ở Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét và gửi kết quả cho bạn.
Hạn chế của cách này là Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ cung cấp thông tin và duyệt hồ sơ cho những cá nhân hay tổ chức có đủ thẩm quyền, chức trách, nghĩa vụ đối với doanh nghiệp mà bạn đang muốn tìm kiếm. Nếu bạn không có khả năng chứng minh được quyền, nghĩa vụ hoặc mối liên quan đặc biệt đối với công ty đó thì bạn sẽ không được duyệt hồ sơ cũng như cung cấp thông tin về vốn điều lệ.
Cách 3: Liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp cần tra cứu
Nếu bạn có mối quan hệ mật thiết với doanh nghiệp và công việc của bạn bắt buộc cần đến thông tin vốn điều lệ của họ thì có thể liên hệ trực tiếp để tra cứu. Đây là cách tra cứu nhanh chóng và chính xác nhất. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng chia sẻ thông tin này.
Những câu hỏi thường gặp về vốn điều lệ
1. Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 123 và khoản 6 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, có các trường hợp làm tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần như sau:
“Điều 123. Chào bán cổ phần
1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ. […]”
“Điều 135. Trả cổ tức
[…] 6. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.”
Do đó có hai phương án tăng vốn điều lệ đó là chào bán cổ phần hoặc trả cổ tức.
2. Vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng như các Nghị định và Thông tư hướng dẫn không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu cũng như giới hạn mức vốn điều lệ tối đa khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các ngành kinh doanh đặc thù cần đáp ứng yêu cầu vốn pháp định hoặc ký quỹ thì phải tuân theo quy định của pháp luật về vốn.
3. Thời hạn góp vốn là bao lâu?
Các thành viên cũng như cổ đông thường phải góp vốn điều lệ trong vòng 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Loại hình công ty | Thời hạn |
---|---|
Công ty TNHH 2 thành viên | Theo Khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020:Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản). |
Công ty TNHH 1 thành viên | Theo Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020:Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản) |
Công ty cổ phần | Theo Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020:Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty/hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định thời hạn ngắn hơn.Thời hạn này không bao gồm thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. |
Công ty hợp danh | Theo Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020: Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.Riêng đối với thành viên góp vốn công ty hợp danh, trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên. |
Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu về vốn điều lệ là gì. Đừng quên truy cập vào blog của Vieclam24.vn để khám phá những chủ đề thú vị khác nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: ESG là gì? Doanh nghiệp đầu tư vào tiêu chuẩn ESG có lợi ích gì?