Làm việc cùng một người sếp tận tâm với công việc luôn là một điều vô cùng may mắn. Thế nhưng sẽ có những lúc sếp say mê làm việc quên cả giờ giấc dẫn đến tình trạng sếp giao nhiều việc gấp cho bạn vào cuối giờ làm. Những lúc như vậy thì nên xử lý như thế nào để không mất lòng sếp? Từ chối khéo léo hay cam chịu chấp nhận? Đừng lo lắng, những tips nhỏ nhưng có võ dưới đây của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn.
Là một người đứng đầu công ty, bận bịu và quay cuồng giữa hàng núi công việc khiến sếp không thể quản lý được tất cả mọi thứ. Chính vì vậy, rất nhiều lần sếp yêu cầu bạn xử lý công việc trong khi đã sắp hết giờ làm. Dù là vô tình hay cố ý nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên khiến bạn vô cùng khó xử. Vậy thì hãy nhanh tay bỏ túi các chiến thuật xử lý vô cùng hợp tình hợp lý ngay dưới đây nhé.
Đánh giá nhiệm vụ được giao
Khi sếp giao nhiều việc vào sát giờ tan làm, hãy nhớ đừng vội từ chối hay thể hiện bất kỳ thái độ nào. Đây là một kỹ năng ứng xử tối thiểu mà bất kỳ người mới đi làm hay nhân viên văn phòng lâu năm nào cũng đều cần phải biết. Lúc này, điều bạn cần làm là xem xét tình huống và đánh giá khối lượng công việc mà mình nhận được. Chẳng hạn như có một sự cố bất ngờ xảy đến, nằm ngoài tầm kiểm soát mà chỉ có bạn mới có thể xử lý thì bạn nên hiểu và thông cảm với đề nghị đó.
Ngoài ra, nếu đó là những việc đơn giản, không quá phức tạp như: gửi email, gọi điện cho đối tác… thì nên vui vẻ nhận lời. Còn nếu gặp phải nhiệm vụ siêu khó nhằn, ngốn nhiều thời gian để xử lý như: lập kế hoạch, làm báo cáo, tổng kết… bạn cần có một chiến lược khôn khéo hơn.
Cùng sếp phân tích công việc
Trong trường hợp phải giải quyết một nhiệm vụ lớn, đầu tiên bạn cần xem lại vị trí của nó trong danh sách ưu tiên, đưa ra một ước tính về thời gian sẽ mất bao lâu để hoàn thành, cần những ai hỗ trợ… Hãy trao đổi rõ ràng và cụ thể tất cả những điều này với sếp. Việc này giúp sếp biết rằng khi thực hiện một nhiệm vụ mới sẽ ảnh hưởng đến những nhiệm vụ khác của bạn và khả năng sẽ bị trễ deadline. Từ đó giúp sếp nhận ra rằng đâu là việc quan trọng hơn cần phải ưu tiên thực hiện. Hơn nữa, khoảng thời gian quá ngắn không đủ để xử lý nhiệm vụ mới cũng sẽ khiến sếp cân nhắc và thay đổi deadline cho bạn.
Đưa ra giải pháp thay thế
Nếu như không thể thực hiện những yêu cầu đó, bạn cũng có thể từ chối khéo léo và nói chuyện thẳng thắn với sếp rằng mình có việc riêng sau giờ làm. Sau đó đàm phán một giải pháp khác như: chuyển công việc được giao sang ngày hôm sau. Nhớ đưa ra lời hứa sẽ ưu tiên xử lý công việc đó ngay trong đầu giờ ngày mai để sếp biết rằng bạn coi nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng và cần có thời gian để có thể hoàn thành nó tốt hơn.
Một lưu ý mà bạn phải nằm lòng đó là khi đàm phán hay thương lượng với sếp, bạn cần kiên định với lập trường của mình, thể hiện thái độ dứt khoát, giọng nói tự tin và mạch lạc. Nếu vẫn còn do dự hay lo sợ, sếp sẽ nắm bắt được điểm yếu này và dễ dàng điều khiển bạn.
Luôn chủ động trong công việc
Tất cả những cách trên chỉ mang tính chất tạm thời, để có thể hạn chế “thói quen” sếp giao nhiều việc vào sát giờ nghỉ, bạn cần phải chủ động trong công việc của mình. Luôn theo dõi tiến độ công việc để kiểm soát và kịp thời lên kế hoạch trong những tình huống khẩn cấp. Nhờ vào sự chủ động sắp xếp và ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống sẽ giúp công việc diễn ra suôn sẻ, hạn chế rủi ro từ đó sếp cũng không còn nhiều cơ hội thúc giục bạn cuối giờ nữa. Không những vậy, sếp cũng sẽ đánh giá cao khả năng tự chủ trong công việc của bạn.
Trên đây là một vài lời khuyên hữu ích của Việc Làm 24h dành tặng cho những người thường xuyên bị sếp dí việc vào cuối mỗi giờ làm. Hy vọng sau khi đọc bài viết này, bạn đã có thêm những kinh nghiệm để ứng phó một cách thuận buồm xuôi gió trong những tình huống khó xử với người sếp yêu công việc này.