Nếu không muốn mọi chuyện trở nên nghiêm trọng, đã đến lúc bạn cần lên tiếng khi bị quấy rối nơi công sở. Im lặng chỉ càng khiến bạn tổn thương và vô tình khiến những “hành vi đáng xấu hổ” này tiếp diễn. Quấy rối nơi công sở ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là quấy rối tình dục. Khi mà có đến 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục từ hai đến năm lần (theo số liệu khảo sát từ tổ chức ActionAid tại Việt Nam).
Bạn cần phải biết được các hành vi và hình thức của quấy rối nơi công sở và cách để tự bảo vệ mình.
1. Quấy rối nơi công sở là gì?
1.1. Quấy rối nơi công sở (Workplace Harassment)
Quấy rối nơi công sở hay tệ hơn là quấy rối tình dục nơi công sở xảy ra khi một nhân viên hoặc một nhóm nhân viên cảm thấy bị xúc phạm hoặc bị đồng nghiệp coi thường. Mục đích của kẻ quấy rối là khiến nạn nhân cảm thấy không an toàn và không thoải mái.
Trong khi các hình thức quấy rối cơ bản nhất là bằng lời nói và tâm lý, cũng có những hình thức nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như quấy rối về thể chất và tình dục. Đây là hành vi không được hoan nghênh dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, tuổi,… Tất cả các hình thức quấy rối nơi làm việc đều là bất hợp pháp và không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sự thoải mái và an toàn của nhân viên mà còn khiến tổ chức vướng phải nguy hiểm về mặt pháp lý.
1.2. Các hình thức quấy rối tại nơi làm việc
Quấy rối bằng lời nói: bao gồm những lời nhận xét hạ thấp, xúc phạm, lăng mạ, nói xấu, đùa cợt; hay những bình luận, nhận xét không đúng đắn, có ngụ ý; và những lời chỉ trích vô lý. Quấy rối bằng lời nói có thể khó nhận ra và là một hình thức bạo lực phi vật chất.
Quấy rối thể xác: bao gồm những cử chỉ không mong muốn như tiếp xúc và cố tình đụng chạm vào quần áo, tóc, mặt hoặc da của người khác. Hoặc nghiêm trọng hơn như hành hung thể xác, đe dọa bạo lực và gây thiệt hại cho tài sản cá nhân.
Quấy rối tâm lý: điển hình là coi thường thành tích của ai đó, đưa ra những yêu cầu bất khả thi, áp đặt thời hạn không hợp lý cho một nhân viên cụ thể, liên tục yêu cầu nhân viên thực hiện những nhiệm vụ nằm ngoài phạm vi công việc của họ hoặc kiên trì phản đối mọi điều ai đó nói. Hành vi quấy rối tâm lý có thể xem là một hình thức bắt nạt tâm lý có chủ ý.
Xem thêm: Gaslighting là gì mà khiến bạn bị thao túng tâm lý nơi công sở?
Quấy rối trên mạng (bắt nạt trên mạng): bao gồm đăng những lời đe dọa hoặc bình luận hạ thấp trên mạng xã hội, tạo tài khoản ảo để bắt nạt, lăng mạ, chế giễu ai đó trực tuyến cũng như đưa ra những cáo buộc sai trái trên mạng.
Quấy rối tình dục nơi công sở
Quấy rối tình dục là một hành vi phạm tội nghiêm trọng và phổ biến. Đây có thể là hình thức quấy rối nghiêm trọng nhất tại nơi làm việc. Theo một cuộc khảo sát, 40% nữ giới và 14% nam giới được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục nơi công sở. Đó là một “tội ác” phổ biến không dành riêng cho phụ nữ. Một người thuộc bất kỳ giới tính nào cũng có thể là thủ phạm hoặc nạn nhân của quấy rối tình dục.
Theo định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục nơi công sở tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì:
“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”
Quấy rối tình dục bao gồm những hành vi xâm phạm người khác mà không được cho phép. Chẳng hạn như đụng chạm không phù hợp, đùa giỡn tình dục, chia sẻ nội dung khiêu dâm, gửi tin nhắn tình dục hoặc yêu cầu hỗ trợ tình dục để đổi lấy sự thăng tiến hoặc đảm bảo công việc. Mặc dù định nghĩa quấy rối tình dục có vẻ đơn giản, nhưng nó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bởi nó vẫn diễn ra thường xuyên tại công sở dưới nhiều hình thức từ “công khai lộ liễu” đến “ẩn nấp tinh vi”.
2. Tại sao mọi người thường chọn im lặng khi bị quấy rối?
Những nạn nhân của nạn quấy rối nơi công sở thường chọn cách im lặng và tránh nói tới hay báo cáo tình trạng này, bởi vì:
- Lo lắng về suy nghĩ của người khác: Ngoài thực tế là khó chứng minh hành vi bị quấy rối, các nạn nhân thường lo lắng về những gì người khác sẽ nghĩ về họ. Nên họ thường chọn cách im lặng khi trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối nơi công sở, đặc biệt là bị quấy rối tình dục. Sau cảm giác lo lắng, họ cảm thấy bối rối và xấu hổ về những gì đã và đang xảy ra với họ.
- Công ty thiếu sự quan tâm và hỗ trợ: Một nghiên cứu chỉ ra rằng quấy rối thường bị ban quản lý công ty, tổ chức phớt lờ hoặc coi thường. Đó là nơi có văn hóa làm việc không hỗ trợ nạn nhân. Thậm chí nền văn hóa đó có thể ủng hộ hành vi quấy rối và coi đó là việc bình thường. Một số công ty khác, nạn nhân không biết nên báo cáo cho ai, đặc biệt là trong tình huống có môi trường làm việc nhiều thù địch và cấp trên là người có liên quan.
- Sợ bị trả thù: Một lý do khác để nạn nhân không báo cáo quấy rối là sợ bị trả thù. Mặc dù trả đũa là bất hợp pháp, nó vẫn thường xuyên xảy ra. Có lẽ nạn nhân đã thấy điều đó xảy ra với những người khác và không nghĩ rằng mình nên báo cáo việc này. Hoặc, họ sợ nếu vấn đề không giải quyết thì tình hình sẽ càng tệ hơn. Đặc biệt khi người thực hiện hành vi quấy rối là người có quyền lực và địa vị nơi làm việc.
- Sợ nghĩ về quá khứ: Với bản thân nạn nhân, việc nói ra vấn đề này khiến họ hồi tưởng lại sự việc đã xảy ra. Những việc mà họ cảm thấy rất khó khăn để đối mặt và phải “trải qua một lần nữa cú sốc” trong quá trình thẩm vấn và điều tra.
- Thiếu hiểu biết về hành vi quấy rối: Có thể người đó không chắc liệu những gì họ trải qua có thực sự bị coi là hành vi quấy rối hay không và do đó, họ có thể không cảm thấy mình có bất kỳ quyền nào để báo cáo điều đó. Mọi người đều không rõ điều gì thực sự cấu thành hành vi quấy rối hoặc quấy rối tại nơi làm việc.
3. Ảnh hưởng tiêu cực của quấy rối nơi công sở
3.1. Vấn đề về sức khỏe
Sau khi bị quấy rối, nạn nhân sẽ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi hay trầm cảm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi quấy rối. Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân còn mắc phải hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, thậm chí là cố gắng để tự tử. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị giảm sự tự tin và lòng tự trọng. Và gặp các vấn đề phát sinh về sức khỏe thể chất như mất ngủ và chán ăn, cân nặng thay đổi, buồn nôn, đau đầu và các bệnh khác do căng thẳng thần kinh kéo dài.
3.2. Vấn đề trong công việc
Quấy rối nơi công sở khiến nạn nhân sợ hãi và giảm tự tin. Từ đó họ chủ động nghỉ việc hoặc tránh né đồng nghiệp khác. Họ cũng thường mất sự tập trung và bỏ bê nhiệm vụ. Đặc biệt, nếu nạn nhân báo cáo về hành vi quấy rối, họ có thể gặp phải những trở ngại trong thăng tiến như bị cho qua để thăng chức, bị loại khỏi các cuộc họp quan trọng, bị trả thù và bị gán cho là kẻ gây rối. Các vấn đề tài chính khác như giảm lương và nghỉ việc không lương cũng có thể xảy ra.
4. Cách bảo vệ bản thân khỏi nạn quấy rối nơi công sở
Nếu chẳng may trở thành nạn nhân, bao gồm cả quấy rối tình dục, bạn ắt hẳn sẽ bối rối không biết làm gì khi bị quấy rối nơi công sở. Bạn hãy thực hiện các bước dưới đây để đối phó với nó.
4.1. Dứt khoát với “thủ phạm”
Thay vì im lặng chịu trận, bạn hãy tỏ thái độ dứt khoát với mọi hành vi quấy rối ngay từ đầu. Thẳng thắn nói rõ với người quấy rối bạn là bạn không chấp nhận những hành vi này và yêu cầu họ dừng lại. Đây là cách tốt nhất để bạn bảo vệ bản thân bạn và tránh những hành vi tương tự trong tương lai.
4.2. Tìm hiểu quy định và chính sách
Tất cả những hành vi quấy rối nơi công sở đều không được cho phép. Nên bạn hãy chủ động tìm hiểu những thông tin về chính sách nội bộ của công ty, các quy định trong bộ luật lao động,… Đây là việc rất cần thiết khi bạn muốn báo cáo và truy cứu trách nhiệm trong tương lai.
4.3. Ghi chép lại sự việc
Nếu bạn không thể yêu cầu “thủ phạm” dừng lại, hãy lưu lại những bằng chứng có thể tố cáo hành vi quấy rối. Đối với mỗi sự việc, hãy ghi lại ngày, giờ và địa điểm cụ thể, những gì đã xảy ra, ai đã thực hiện hành vi đó, bất kỳ nhân chứng nào và bao gồm cả phản ứng của bạn.
4.4. Dũng cảm báo cáo
Sau khi đã đủ những thông tin trên, hãy báo cáo nó. Bạn có thể báo cáo bằng văn bản/email để đảm bảo quyền riêng tư, hoặc báo cáo trực tiếp với người có thẩm quyền. Nếu bạn làm việc trong một tổ chức lớn, có thể sẽ có hướng dẫn để bạn biết phải báo cáo cho ai. Nhưng nếu nghi ngờ, hãy đến gặp người quản lý của bạn hoặc bộ phận nhân sự để hỏi. Nếu khó nói chuyện với người quản lý của bạn hoặc họ là thủ phạm, hãy đến gặp cấp trên của người quản lý.
Bạn cũng có thể nói chuyện với bạn bè và gia đình của mình về những gì đang xảy ra. Họ sẽ có thể hỗ trợ thêm và giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn.
4.5. Cân nhắc thay đổi công việc
Đôi khi bạn không thể chứng minh rằng quấy rối nơi công sở đã xảy ra. Nếu bạn làm trái lời họ, tình hình có thể cực kỳ khó khăn cho bạn.
Để tránh bị kẻ quấy rối bạn thách thức về việc sa thải bất hợp pháp, thay vào đó, công ty có thể chọn chuyển bạn sang vị trí khác để hai người tách ra. Ngay cả khi kẻ quấy rối của bạn bị sa thải, bạn có thể thấy rằng đồng nghiệp khó chịu và đổ lỗi cho bạn vì đã đánh mất người mà họ quý trọng.
Trong những trường hợp này, bạn có thể chọn cách tìm kiếm một công việc mới với một công ty ít có khả năng bị quấy rối hoặc bắt nạt hơn.
Trở thành nạn nhân của quấy rối nơi công sở là điều không mong muốn. Nếu chẳng may bạn trở thành nạn nhân, hãy bình tĩnh và thực hiện các bước trên để bảo vệ mình và những người xung quanh.
Sau tất cả, nếu bạn cảm thấy cần phải thay đổi công việc, tham khảo ngay những công việc đang tuyển trên Việc Làm 24h. Cùng nhau cùng tạo dựng môi trường làm việc văn minh, lành mạnh bạn nhé!