Người ta thường có câu “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sống”. Nói thế thôi, đôi khi đời nghiệt ngã đến mức, xô vào mặt tôi những thứ đủ chán chẳng cho tôi cách sống để lựa chọn nữa, như ngoại hình, như đủ thứ mối quan hệ trong cuộc đời này, như công việc hiện tại. Nhưng vứt đi hết thì mất hết đấy.
Nghề nào cũng chán
Đó là lý do mà tôi đã thành thật với nhà tuyển dụng rằng: ”nghề nào cũng chán” khi họ hỏi tôi có khi nào tôi lại chán công việc hiện tại hay không.
Đương nhiên tôi không trả lời trống không thể rồi, tôi bảo họ rằng: “thật ra đối với em nghề nào cũng chán thế thôi! Nhưng quan trọng là mình tự tạo ra thú vui cho nó, công việc có thú vị mà làm ngày qua ngày, làm riết thì cũng chán mà thôi!”.
Sau đó, tôi được gọi đi làm.
Thật lòng, khi trả lời phỏng vấn, trong đầu tôi nghĩ như nào tôi nói như thế, chứ không phải kiểu thể hiện tôi cá tính, khác thường của một thằng designer cho họ thấy và họ ấn tượng. Ấn tượng kiểu gì mà khi nói câu đó với nhà tuyển dụng trống không, không khôn khéo thì bạn cũng sẽ bị đạp ra khỏi phòng vì thái độ quá kiêu ngạo mà thôi. Ai lại đi lôi kéo một thằng đến cả cái nghề đang ứng tuyển mà cũng chán thì làm sao làm nên chuyện gì được?
Vậy vì sao tôi lại trả lời như vậy? Bạn nên thành thật khi trả lời phỏng vấn là một chuyện. Thứ hai, vì đã có quá nhiều lời than vãn của hàng trăm bạn bè trên đủ các thể loại mạng xã hội về công việc hiện tại mà họ đang làm.
Thử xem có một trạng thái nào nói rằng mình yêu công việc tha thiết đến mức như yêu người tình và nếu một ngày không được làm việc đó chắc mình sẽ không thể sống nỗi. Đa phần đều là muốn chạy trốn khỏi công việc hiện tại và nhìn ngắm công việc của người khác, vừa thèm thuồng, vừa khao khát, vữa ngưỡng mộ vừa thấy thú vị lại vừa ngán ngẫm cho chính vị trí mà mình đang làm.
Thực tế công việc
Hiện tại tôi là designer cho công ty sau khi qua được vòng phỏng vấn đó và đã làm được hơn 1 năm rồi. Một năm ăn nằm với tụi client, bị đè đầu cưỡi cổ thì tôi muốn nói với các bạn rằng, dù đôi khi đi theo cái đam mê, làm việc với cái đam mê, và làm cái nghề mà bạn bè tôi ganh tị vì nó sáng tạo thì nó cũng nhục nhã và chán chường lắm, nhưng tôi có chịu bỏ nó đâu.
Một năm qua, làm công việc hết sức sáng tạo, hết sức đúng với chuyên môn của mình, thế mà đôi khi tôi lại thấy chán. Chán đến mức muốn xóa hết phần mềm đồ họa và làm một chuyến giải nhiệt cuộc sống dù nó thật sự là thứ tôi đã đeo đuổi rất nhiều năm rồi.
Rất nhiều người nhìn vào tôi, bảo rằng đời sống công việc của tôi thật thú vị. Luôn luôn tìm kiếm những điều sáng tạo, màu mè về làm tư liệu cho mình, rồi thoải mái tung hoành với trí tưởng tượng của mình, chắc là nghệ sĩ lắm. Họ nói không sai, vì thực chất đó là công việc mà tôi phải làm.
Nhưng chỉ làm rồi mới hiểu, nó không đủ thi vị để ngày đêm lao đầu vào và thấy cuộc đời mình sao sướng thế. Một tác phẩm của tụi designer làm ra, nó chứa một cái tôi cao ngất trời. Nhưng đôi khi vì công ty, vì client mà phải cắn răng nuốt cái tôi ấy vào bên trong, vứt bỏ hết những gì đã tốn công sức làm chỉ vì một câu nói “chị thấy chỗ này nó không sáng tạo lắm!”. Vậy “sáng tạo” là như thế nào hả chị?” Mệt chưa, sáng tạo như thế nào thì làm sao giải thích được, nhưng vẫn muốn tụi thiết kế như tôi đổi lại tác phẩm khác. Đôi khi làm công việc mình thích nó cũng nhục nhã như vậy đấy.
Một khi người ta không hài lòng chính là lúc người ta chê trách sự sáng tạo của mình. Rồi lại mày mò, cày đêm để lại ra một tác phẩm mới. Nhưng chưa chắc đó là tác phẩm cuối cùng. Phải chiều lòng hàng mấy con người, rồi lại phải như một cái máy sản xuất sự sáng tạo vậy.
Quăng nội dung qua chưa đầy một hôm là đòi ngay thành phẩm. Vậy thì công việc này nó nghệ chỗ nào, và sướng chỗ nào. Cái người khác thấy chỉ là những tác phẩm đã hoàn thiện. Họ trầm trồ, họ ngưỡng mộ một công việc luôn ăn ngủ với sự sáng tạo nên cuộc sống hẳn trở nên sặc sỡ và sinh động lắm. Nhưng chắc có lẽ đó là kết quả của những lần bị đè đầu cưỡi cổ không thương tiếc của đủ thứ bên có liên quan.
Đó, tính chất công việc của tôi, nhìn bề ngoài thấy hay lắm, cá tính quằn quại, lại được làm việc với những người cởi mở, chắc là sướng lắm. Nhưng về bản chất thì cũng chán như tất cả các công việc khác mà thôi. Cũng sẽ phải ngồi hàng giờ trên máy tính, cũng sẽ gặp những đồng nghiệp khó ưa, cũng sẽ gặp khách hàng chẳng đâu vào đâu, sếp thì chắc chắn đáng ghét rồi, lại áp lực dồn dập từ nhiều nơi.
Công việc có sáng tạo, có sôi nổi đến mấy thì dù có làm đi làm lại một thứ ngày qua ngày nó cũng đâm ra chán mà chẳng thể dứt nỗi, cũng như nghề kế toán, tài chính, suốt ngày phân tích và làm việc với hàng trăm thứ con số giống hệt nhau, hay telesales chẳng hạn, nói mãi một câu, nói hoài một nghĩa, thế có chán không. Thật sự, chuyện chán việc không của riêng ai, cũng chẳng của riêng ngành nghề nào.
Làm việc có cần đam mê?
Tôi thường nghe người ta nói, làm công việc mình yêu thích thì mỗi ngày thức dậy là một khởi đầu đầy thú vị. Câu nói quá đúng đi chứ, nhưng hãy làm công việc đó với những khách hàng mà họ chiều chuộng bạn, sếp chiều chuộng, đồng nghiệp chiều chuộng. Bạn là trung tâm, là vũ trụ tại nơi làm việc. Ừ thì lúc đó sẽ sướng. Chứ làm công việc mình đam mê và gặp đủ thứ kiểu người trên cuộc đời này, vừa hách dịch lại vừa hống hách chẳng coi trời đất là gì thì lúc đó cũng chẳng phải muốn bỏ việc lắm sao? Cũng giống như hàng ngày phải đọc 10 cuốn sách, viết 10 cái book review. Có khi lại chán đến mức từ bỏ luôn một sở thích đấy chứ.
Nên nghề nào cũng có cái chán của nó hết. Đừng nhìn nghề của người khác rồi ngán ngấm nghề của mình sao lại quá chán. Cái chán đó chỉ có thể là môi trường xung quanh tạo ra, nếu không đủ dũng khí đứng lên nghỉ việc thì hãy yên vị và tìm lý do để yêu nghề. Lý do mà tôi đã tạo ra để yêu nghề của mình ư? May mắn là tôi được làm đúng nghề mình đam mê là thứ nhất.
Thứ hai là tự nhiên cảm thấy may mắn hơn nữa khi cuộc đời xô mình vào cái nghề này. Tự nhiên chỉ cần xô vào thôi mà lại đang sinh sống bằng chính đồng lương mà nó đem đến. Nếu đam mê giúp tôi sống, thì nghề nó giúp tôi tồn tại. Nên nhiều khi, cứ tìm hiểu nó một chút, thêm một chút nữa thì thấy nó cũng đáng để yêu thêm một chút. Vì vậy, cũng rất ít khi tôi than vãn nghề nghiệp của mình. Khi người ta rơi vào bế tắt rồi, thì dễ buông bỏ lắm chứ chẳng làm được gì cả, lúc ấy lại chẳng có cái gì để chán thì lại càng chán hơn.
Tôi nói thế, để đừng ai so sánh tính chất công việc này với công việc kia nữa. Vì thật sự nghề nào nó cũng chán như nhau thôi mà, quan trọng là tìm cách để yêu nó. Tự nhiên trời đập vô mặt bạn cái nghề đó, thì chắc chắn cũng có nguyên nhân rồi.
Chia sẻ từ độc giả Yến Trinh
– Designer.