Một số bạn đã nhận thức từ rất sớm sở thích, đam mê của bản thân và may mắn được gia đình vạch ra lộ trình rõ ràng để theo đuổi đam mê. Nhưng cũng có những bạn trẻ còn mơ hồ, không rõ hướng đi của mình là gì, học ngành gì ngay cả khi kỳ thi xét tuyển đại học kề cận. Nếu bạn vẫn đang trên hành trình đi tìm câu trả lời cho những điều trên thì bài viết này dành cho bạn đấy. Hãy cùng Việc làm 24h khám phá top 5 bài trắc nghiệm tính cách miễn phí giúp bạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhé!
1. Trắc nghiệm tính cách MBTI
Giới thiệu về MBTI
MBTI viết tắt của cụm từ tiếng Anh ‘’Myers-Briggs Type Indicator’’, là một bài trắc nghiệm sử dụng những câu hỏi nhằm kiểm tra tâm lý, tính cách của một người trên cơ sở đáp án mà người đó chọn đối với vấn đề được đặt ra.
Mục tiêu của MBTI là cho phép người tham gia khám phá và hiểu thêm về tính cách của mình, bao gồm sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu về nghề nghiệp và khả năng tương thích với người khác. Từ đó, người tham gia có thể hiểu rõ hơn về bản thân và những người xung quanh, tìm được công việc phù hợp. Trắc nghiệm MBTI đặc biệt nhấn mạnh vào sự khác biệt về mặt tự nhiên của từng người dựa trên câu trả lời và suy ra cá tính riêng biệt của họ.
4 tiêu chí của MBTI
1. Sensing (giác quan) – iNtuition (trực giác)
Tiêu chí đầu tiên của MBTI chính là việc tìm hiểu và nhận thức thế giới. Cặp Sensing (giác quan) – iNtuition (trực giác) là xu hướng đối lập nhau về cách mà con người tiếp nhận sự việc, hiện tượng xung quanh. Thế giới được mỗi người hiểu và nhận thức thông qua các giác quan cụ thể. Chẳng hạn như màu sắc, hình ảnh được con người nhận biết thông qua thị giác còn âm thanh sẽ được cảm nhận bằng thính giác. Ngoài ra, 5 giác quan của con người sẽ liên tục sắp xếp, phân loại các sự kiện thực tế đang diễn ra.
Trường hợp nhận thức thế giới thông qua trực giác, não bộ chính là đơn vị có trách nhiệm tìm hiểu, diễn dịch, phân lý và lý giải mô hình thông tin. Não bộ phải làm việc hết sức để suy luận và phán đoán tương lai.
2. Thinking (lý trí) – Feeling (cảm xúc)
Yếu tố tiếp theo là quyết định và lựa chọn. Thinking – Feeling là hai xu hướng đối lập về cách mà con người lựa chọn câu trả lời cho từng vấn đề cụ thể. Trong não bộ, phần lý trí luôn được đánh giá cao nhất với vai trò tìm hiểu các thông tin liên quan dựa trên bộ phận tiêu chí đúng sai, trái phải. Sau đó, con người sẽ suy luận một cách logic, trực tiếp cho đáp án cụ thể, có căn cứ và khoa học.
Giác quan sẽ đưa ra những quyết định dựa vào việc xem xét tổng thể, yêu hoặc ghét, sự tác động lẫn nhau và kể cả những giá trị nhân đạo, thẩm mỹ. Đây được xem là bản chất chủ quan của con người. Nhóm giác quan của con người sẽ xem xét cảm giác của cá nhân và những ảnh hưởng tới người khác trước khi đưa ra một quyết định. Đồng thời, nhóm này dễ xúc động trước nhu cầu hay phản ứng của người khác, yêu thích tìm kiếm những ý kiến từ số đông và rất khó xử lý khi có xung đột xảy ra.
3. Extraversion (hướng ngoại) – Introversion (hướng nội)
Đây là hai xu hướng đối lập trong các ứng xử của một người với thế giới quan bên ngoài và với chính họ. Trong đó:
- Hướng nội: hướng vào nội tâm, gồm cả ý nghĩ, tư tưởng lẫn trí tưởng tượng.
- Hướng ngoại: hướng về thế giới bên ngoài gồm những hoạt động, con người, đồ vật.
4. Judging (nguyên tắc) – Perceiving (linh hoạt)
Đây là cách con người lựa chọn nhằm tác động với thế giới bên ngoài của họ. Nguyên tắc là cách tiếp cận thế giới một cách có tổ chức, kế hoạch và đạt đến một kết quả rõ ràng. Nhóm những người nguyên tắc thường lên kế hoạch chu đáo trước khi hành động. Họ thường làm việc hiệu quả và không bị stress khi vượt trước thời hạn, mục tiêu tự đặt ra.
Linh hoạt là cách tiếp cận thế giới một cách tự nhiên nhằm tìm ra phương pháp để thích nghi với hoàn cảnh. Nhóm người linh hoạt sẽ hành động mà không cần lập kế hoạch hoặc kế hoạch tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Họ là những người chịu được áp lực tốt, làm việc tốt khi sắp đến thời hạn và tìm cách né cam kết nếu ảnh hưởng đến sự tự do.
Lựa chọn nghề nghiệp bằng MBTI
Trắc nghiệm MBTI được phát triển dựa vào nền tảng của tâm lý học, độ chính xác cao và phổ biến với mọi người. Trong công việc, MBTI giúp người tham gia hiểu thêm thông tin về bản thân để dễ dàng lựa chọn nghề nghiệp thích hợp. Vì thế, MBTI còn được xem như “bí kíp” “trắc nghiệm nghề nghiệp” cho tương lai.
Đồng thời, nhà tuyển dụng có thể sử dụng MBTI để đánh giá về tính cách của nhân viên. Qua đó, nhà tuyển dụng có thể sắp xếp vị trí công việc, phòng ban sao cho hợp lý và phát huy thế mạnh của nhân viên.
Tiềm ẩn trong mỗi người là những nét tính cách riêng biệt. Chính sự khác biệt này sẽ tạo nên chất riêng giữa người này và người khác. Trắc nghiệm MBTI nhấn mạnh vào sự khác biệt ở mặt tự nhiên của từng người thông qua câu trả lời của họ.
Xem thêm: MBTI là gì? Trả lời câu hỏi Tôi là ai với bài trắc nghiệm tính cách MBTI
2. Trắc nghiệm tính cách DISC
Giới thiệu về DISC
DISC là bài trắc nghiệm giúp người tham gia tự khám phá tính cách của bản thân. Tương tự như một ‘’hệ thống hồ sơ tính cách’’, DISC được nghiên cứu và phát triển bởi nhà khoa học Charles Moulton vào năm 1928.
Trắc nghiệm DISC gồm hàng chục câu hỏi với nhiều lựa chọn khác nhau, thực hiện trong thời gian ngắn khoảng từ 5-10 phút. Kết quả trả về cho người dùng là biểu đồ DISC. Đây là biểu đồ giúp các cá nhân hiểu rõ về xu hướng hành vi, cách bạn hành động và tương tác với môi trường xung quanh.
DISC gồm 4 loại tính cách cụ thể là:
- Dominance (D) – Nhóm Người Thủ lĩnh
- Influence (I) – Nhóm Người Ảnh hưởng
- Steadiness (S) – Nhóm Người Kiên định
- Conscientiousness (C) – Nhóm Người Tận tâm
Về cơ bản, tính cách của con người thường bị chi phối bởi một yếu tố nào đó. Bài trắc nghiệm tính cách này sẽ giúp người tham gia tìm hiểu cách cả 4 đặc điểm trên tương tác với nhau và ảnh hưởng đến hành vi của con người.
Nhìn chung, trắc nghiệm DISC là bài kiểm tra và đánh giá hành vi, tích cách của con người nhưng không tập trung vào phân loại tính cách. DISC còn được xem là công cụ đánh giá cá nhân được dùng để cải thiện năng suất làm việc, khả năng làm việc nhóm, giao tiếp bán hàng và lãnh đạo.
DISC và các lựa chọn nghề nghiệp
Chỉ với một bài test DISC chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn rằng cá nhân là người như thế nào, phù hợp với ngành nghề gì. Tuy nhiên, DISC sẽ cung cấp cho người tham gia định hướng: với kiểu hành xử, sở thích giao tiếp và khả năng tương tác của bạn thì cơ hội nghề nghiệp nào sẽ thích hợp hơn.
Chẳng hạn, nhóm tính cách DISC của bạn là D, bạn sẽ thích hợp với công việc kinh doanh, kỹ sư. Còn nếu bạn chọn nghề lễ tân, công việc hành chính thì rất khó để gắn bó lâu dài.
Mỗi lĩnh vực, công việc sẽ có những yêu cầu khác nhau. Để thành công, tính cách hay hành vi chỉ là một phần, quan trọng vẫn là trình độ, kỹ năng cùng niềm đam mê của chính bạn.
Trắc nghiệm DISC chỉ giúp bạn định hướng nhưng không phải là căn cứ tuyệt đối để đưa ra quyết định cho mọi vấn đề. Thông qua biểu đồ DISC, người tham gia tự ý thức điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với từng môi trường, người cụ thể (đối tác, khách hàng, đồng nghiệp,…).
Xem thêm: DISC là gì? Đi tìm nghề nghiệp lý tưởng cùng Việc Làm 24h
3. Trắc nghiệm 16 yếu tố tính cách – 16 Personality Factor Questionnaire (16PF test)
Giới thiệu về 16PF test
Bài trắc nghiệm tính cách này đã xây dựng nên một bảng phân loại gồm 16 đặc điểm tính cách khác nhau của con người. 16PF Test được dùng để mô tả và giải thích sự khác biệt giữa mỗi cá thể thông qua tính cách của họ.
Về cơ bản, trắc nghiệm 16PF thuộc loại dữ liệu tự báo cáo. Vào năm 1940, bản trắc nghiệm tính cách 16PF được xây dựng lần đầu tiên bởi Raymond B.Cattell. Mục tiêu chính của 16PF test là đo nhân cách bình thường và trở thành công cụ đánh giá khách quan về tính cách được sử dụng phổ biến hiện nay.
Bài test gồm 185 câu hỏi trắc nghiệm bắt buộc, trong đó người tham gia phải chọn 1 trong 3 phương án khác nhau. Thời gian dự kiến để hoàn thành bài test rơi vào khoảng 35-50 phút. Các câu trả lời sẽ được đo lường qua điểm số và tổng kết lại để tìm ra loại tính cách phù hợp với người tham gia.
Định hướng nghề nghiệp với 16PF test
Trắc nghiệm nghề nghiệp với 16 yếu tố tính cách thường được sử dụng trong tư vấn nghề nghiệp, kinh doanh để kiểm tra và lựa chọn nhân viên phù hợp với từng vị trí, phòng ban.
Thông qua phạm vi kiểm tra toàn diện, bảng câu hỏi về 16 yếu tố tính cách được sử dụng để xác định những kiểu hành vi trong nhiều hoàn cảnh thực tế. Có thể kể đến như việc ứng dụng 16PF để tìm hiểu về cách đối phó, sự đồng cảm, nhu cầu tương tác giữa cá nhân, quy tắc, chuẩn mực xã hội và đặc biệt là sở thích nghề nghiệp của con người.
4. Trắc nghiệm tính cách Holland Code
Giới thiệu về Holland Code
Bài trắc nghiệm tính cách Holland Code được nghiên cứu và phát triển bởi tiến sĩ tâm lý học người Mỹ – John Holland. Với tính ứng dụng cao, trắc nghiệm Holland được sử dụng rộng rãi trong hướng nghiệp phổ thông tại nhiều quốc gia phát triển về giáo dục như Hà Lan, New Zealand, Thụy Sỹ, Italy,… Tại Việt Nam, tuy còn khá mới nhưng Holland test đang dần phổ biến rộng rãi trong công tác hướng nghiệp.
Thực tế, trắc nghiệm Holland Code được xem là cơ sở để người tham gia đối chiếu sở thích, năng lực tự nhiên của chính mình với yêu cầu của các nhóm ngành nghề. Từ đó, bạn có thể dễ dàng định hướng nghề nghiệp tương lai theo nhóm ngành phù hợp nhất.
6 nhóm tính cách trong Holland Code test
Trong bài trắc nghiệm nghề nghiệp, John Holland chia tính cách của con người làm 6 nhóm, tương ứng với 6 loại ngành nghề phù hợp: Realistic – thực tế, Investigative – nghiên cứu, Artistic – nghệ thuật, Social – xã hội, Enterprising – kinh doanh, Conventional – nghiệp vụ
Realistic – Thực tế
Những người thực tế thường nhìn nhận mọi vấn đề trong cuộc sống theo hướng khách quan và dễ dàng đưa ra câu trả lời dứt khoát, rõ ràng. Thông thường, người thực tế không thích các công việc liên quan đến giấy tờ, làm việc ràng buộc với nhiều người khác. Họ có thiên hướng làm việc độc lập và tự do.
Một số ngành nghề phù hợp: Kỹ sư công trình, y tá, thợ điện, điều dưỡng,…
Investigative – Nghiên cứu
Đây là nhóm người thích nghiên cứu chuyên sâu về mọi vấn đề trong cuộc sống. Họ thích hợp với những công việc liên quan đến ý tưởng và góc nhìn ở nhiều khía cạnh của một vấn đề hơn là công việc thể chất, làm lãnh đạo.
Một số ngành nghề phù hợp: Nhà hóa học, nhà vật lý học, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư phần mềm, nhà khảo cổ học, IT,…
Artistic – Nghệ thuật
Đây là những người có thiên hướng về nghệ thuật. Công việc mà họ yêu thích thường liên quan đến các khía cạnh nghệ thuật.
Một số ngành nghề phù hợp: Diễn viên, phóng viên, biên tập viên, kiến trúc sư, thiết kế thời trang, truyền thông quảng cáo,…
Social – Xã hội
Những người có thiên hướng về xã hội ưa thích môi trường làm việc tập thể lớn, khao khát cống hiến, giúp ích cho đời. Họ thích làm việc với con người thay vì làm việc với đồ vật, máy móc.
Một số ngành nghề phù hợp: giáo sư, giáo viên, nhà thiện nguyện, nhà hoạt động xã hội, tu sĩ, bác sĩ,…
Enterprising – Kinh doanh
Đây là những người cá tính mạnh, dám nghĩ dám làm và yêu thích những hoạt động startup, thực hiện dự án kinh doanh. Họ thường là những người có năng khiếu thuyết phục, lãnh đạo và quản lý các tổ chức, công ty.
Một số ngành nghề phù hợp: Chủ doanh nghiệp, nhân viên bất động sản, nhân viên bảo hiểm, quản lý khách sạn,…
Conventional – Nghiệp vụ
Những người có tính nguyên tắc nhất quán thường yêu thích các công việc có quy định rõ ràng, thủ tục chỉn chu. Họ thích làm việc với những con số, thông tin số liệu chi tiết rõ ràng, thay vì làm việc với các ý tưởng sáng tạo.
Một số ngành nghề phù hợp: kế toán, kiểm toán viên, thanh tra, luật sư, thu ngân,…
Định hướng nghề nghiệp từ trắc nghiệm Holland
Trắc nghiệm Holland là lựa chọn lý tưởng mà cha mẹ nên sử dụng khi hướng nghiệp cho con ở giai đoạn phổ thông. Bởi vì, bài test này giúp cha mẹ khám phá được những nét tính cách tiềm ẩn của con họ.
Ở giai đoạn trung học phổ thông, các con thường có nhu cầu thể hiện bản thân và khao khát được học hỏi chuyên ngành cao, nhưng lại thiếu sự chỉ dẫn đủ tin cậy và khách quan để đưa ra quyết định nghề nghiệp. Bài trắc nghiệm Holland như “ngọn hải đăng’’ soi đường, chỉ lối cho cha mẹ và các con trên hành trình sự nghiệp giai đoạn đầu đời này. Dựa vào kết quả trắc nghiệm, cha mẹ có thể giúp con lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tính cách của con.
Không chỉ tập trung hướng nghiệp, trắc nghiệm Holland còn giúp cha mẹ đưa ra định hướng phát triển về học vấn để con cái theo đuổi nghề nghiệp con thích. Chẳng hạn như con thuộc nhóm “nghệ thuật”, mong muốn trở thành nhà thiết kế thời trang. Dựa trên những mong muốn của con và kết quả trắc nghiệm, cha mẹ có thể cho con theo học những lớp năng khiếu vẽ, khuyến khích tham gia các hoạt động về thời trang tại phường xã, trường lớp hay cùng con tìm hiểu về chương trình đào tạo thiết kế thời trang.
Xem thêm: Trắc nghiệm Holland là gì, nói điều gì về bạn? Cách làm trắc nghiệm Holland miễn phí
Kết luận
Có thể thấy, trắc nghiệm tính cách là một trong những công cụ hữu ích và thực tế để con người khám phá bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai. Mỗi bài test sẽ có những đặc điểm riêng, để có được thông tin đa chiều và khách quan hơn, bạn nên kết hợp làm nhiều bài trắc nghiệm nghề nghiệp.
Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã phần nào giúp bạn có cái nhìn tổng quan về top 4 bài trắc nghiệm tính cách miễn phí. Từ đó, bạn có thể đánh giá đúng tính cách và chọn hướng đi phù hợp cho chính mình nhé!