Dùng thẻ tín dụng để chi tiêu đã trở thành xu hướng của nhiều người. Loại thẻ này cho phép người dùng có thể chi tiêu trước và trả tiền sau với một hạn mức cụ thể. Tuy nhiên, có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh việc sử dụng thẻ tín dụng. Vậy thực chất thẻ tín dụng là gì? Dân văn phòng có nên dùng thẻ tín dụng không? Cách làm thẻ tín dụng như thế nào?
Thẻ tín dụng – “bí quyết” chi tiêu của dân văn phòng
Thẻ tín dụng là gì?
Dù được sử dụng phổ biến nhưng không phải ai cũng biết thẻ tín dụng là gì. Hiểu đơn giản, thẻ tín dụng (Credit Card) là một công cụ tài chính do ngân hàng cung cấp dưới hình thức cho vay với hạn mức tín dụng quay vòng. Người dùng có thể sử dụng số tiền trong hạn mức thông qua tài khoản thẻ tín dụng. Khoản vay được cung cấp bởi thẻ tín dụng có một giới hạn được gọi là “hạn mức tín dụng”. Người dùng sử dụng thẻ tín dụng cho các chi phí hàng ngày hoặc mua sắm lớn.
Tương tự các khoản vay truyền thống, hạn mức tín dụng phải chịu lãi suất, được gọi là APR (Annual Percentage Rate – tỷ suất lợi nhuận mỗi năm). Nếu không trả hết số dư của mình vào mỗi tháng, APR sẽ được cộng dồn vào hoá đơn thẻ của bạn.
Thẻ tín dụng có thể phát sinh nợ khi bạn vượt mức chi tiêu mà mình có thể trả mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, thẻ tín dụng sẽ trở thành công cụ tài chính tối ưu, mang đến nhiều ưu đãi hấp dẫn cho bạn. Thậm chí, thẻ tín dụng có thể giúp bạn chinh phục được những mục tiêu trong tương lai nhanh chóng, chẳng hạn như mua một chiếc xe hơi hay ngôi nhà.
Nhưng trước khi quyết định đăng ký một loại thẻ tín dụng phù hợp với mình, bạn cần dành thời gian tìm hiểu chính xác thẻ tín dụng là gì, cách làm thẻ tín dụng như thế nào, ưu điểm và hạn chế ra sao.
Một số điều khoản quan trọng của thẻ tín dụng
Sau khi tìm hiểu thẻ tín dụng là gì, bạn cần nắm rõ một số điều khoản quan trọng của loại thẻ này. “Chiếc chìa khóa” tốt nhất giúp bạn mở “cánh cửa” thẻ tín dụng là tìm hiểu ý nghĩa của những thuật ngữ liên quan. Dưới đây là một số thuật ngữ phổ biến:
Lãi suất (Interest rate)
Đây là một khoản phí mà ngân hàng tính dựa trên hạn mức tín dụng mà họ giới hạn cho khách hàng. Tuỳ vào thẻ và điểm tín dụng của khách hàng, lãi suất sẽ có sự thay đổi nhất định. Nếu không thanh toán đúng số dư nợ thẻ tín dụng theo sao kê mỗi tháng, bạn buộc phải trả lãi cho ngân hàng.
Hiện tại, một số ngân hàng cung cấp lãi suất 0% khi sử dụng thẻ tín dụng trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, sau khi khoảng thời gian này kết thúc, nếu không thanh toán số dư nợ hằng tháng, bạn sẽ bắt đầu chịu lãi.
Tỷ suất lợi nhuận mỗi năm (APR)
APR của thẻ tín dụng là một tên gọi khác của lãi suất. Tuỳ vào từng loại thẻ, APR sẽ dao động từ khoảng 12% – 24%.
Hạn mức tín dụng (Credit limit)
Hạn mức tín dụng là giới hạn chi tiêu trên thẻ tín dụng của chủ sở hữu hay giới hạn mức cho vay tối đa của tổ chức tín dụng. Tuỳ vào uy tín của khách hàng (thường dựa trên lịch sử tín dụng, mức thu nhập mỗi tháng và tài sản đảm bảo), ngân hàng sẽ xem xét và đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp.
Về bản chất, hạn mức tín dụng là số tiền tối đa bạn có thể vay bằng thẻ tín dụng mà không bị phạt. Tuy nhiên, nếu sử dụng vượt mức tối đa của thẻ, bạn phải chịu thêm phí do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng quy định. Mỗi thẻ tín dụng sẽ có những hạn mức khác nhau dựa trên mục đích sử dụng của người dùng.
Điểm tín dụng (Credit point)
Đây là yếu tố quan trọng mà các tổ chức hoặc ngân hàng phát hành thẻ tín dụng xác định mức độ uy tín của bạn. Điểm số càng cao, bạn càng được đánh giá tốt. Đặc biệt, từ 740 là số điểm tuyệt vời giúp bạn được các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính đánh giá cao. Nhờ đó, bạn có thể hưởng được mức lãi suất tốt nhất trong quá trình giao dịch.
Số dư thẻ tín dụng (Credit card balance)
Số dư thẻ tín dụng được hiểu đơn giản là số tiền bạn đã chi tiêu trên thẻ tín dụng của mình và số tiền bạn nợ đơn vị phát hành thẻ tín dụng vào cuối chu kỳ thanh toán.
Ứng tiền mặt (Cash advance)
Đây là cách bạn sử dụng thẻ tín dụng của mình để rút tiền mặt. Thông thường, khi rút tiền mặt thông qua thẻ tín dụng bạn sẽ phải chịu phí khá cao, không có thời gian ân hạn. Trên thực tế, phần lớn các ngân hàng đều không khuyến khích người dùng ứng tiền mặt trừ khi thật sự cần thiết.
Bảng sao kê thẻ tín dụng
Bảng sao kê thẻ tín là một bảng tổng hợp về phương thức bạn sử dụng thẻ tín dụng của mình trong kỳ sao kê, bao gồm:
- Số tiền đã trả vào kỳ trước.
- Khoản dư nợ cần trả vào kỳ này.
- Thời gian phải thanh toán khoản dư nợ để tránh phát sinh lãi.
Thông thường, các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ gửi bảng sao kê thẻ tín dụng cho khách hàng ít nhất 15 ngày trước kỳ hạn thanh toán.
Dân văn phòng có nên dùng thẻ tín dụng không?
Đối với những người có thu nhập ổn định mỗi tháng như nhân viên văn phòng, việc mở tài khoản tín dụng là điều hoàn toàn hợp lý. Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm, chi tiêu.
Ngoài ra, trả góp qua thẻ tín dụng cũng là một cách sử dụng thẻ thông minh mà nhiều dân văn phòng áp dụng. Thay vì chờ đợi một khoảng thời gian dài để dành dụm, tích cóp, bạn có thể dùng thẻ tín dụng để mua những sản phẩm có giá trị cao một cách nhanh chóng.
Xem thêm: TOP 5 cách tiết kiệm tiền mua nhà dành cho người lương tháng từ 10 triệu
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thẻ tín dụng cũng có một số hạn chế nhất định mà dân văn phòng cần lưu ý. Vậy ưu điểm và hạn chế của thẻ tín dụng là gì? Việc Làm 24h sẽ bật mí ngay sau đây:
Ưu điểm | Hạn chế |
Cho phép người dùng mua sắm, chi tiêu nhanh chóng và thanh toán sau. | Mua hàng vượt hạn mức có thể khiến người dùng phát sinh nợ. |
Hỗ trợ người dùng kiếm được lãi suất dựa trên các chi phí hàng ngày. | Bất kỳ số dư nào không được thanh toán hết đều bị tích lũy lãi suất cộng dồn hàng ngày. |
Người dùng có thể thanh toán hết số dư một lần hoặc trả dần theo thời gian. | Thói quen sử dụng thẻ tín dụng kém sẽ khiến lịch sử tín dụng và điểm tín dụng của người dùng bị đánh giá xấu. |
Giúp người dùng tiết kiệm tiền thông qua các chương trình ưu đãi hấp dẫn như trả góp qua thẻ tín dụng, hoàn tiền, voucher,… | Quá trình điều tra gian lận thẻ tín dụng có thể mất đến 90 ngày để hoàn thành. |
Rất dễ sử dụng, phổ biến và được chấp nhận rộng rãi. | Phí thường niên khá cao, dao động từ 50.000 – 500.000 tuỳ vào từng chính sách của ngân hàng. |
Giúp người dùng xây dựng lịch sử tín dụng và điểm tín dụng tích cực nếu có thói quen sử dụng tín dụng tốt. | Khó kiểm soát chi tiêu, dễ dẫn đến việc sử dụng vượt hạn mức. |
Có khả năng bảo vệ thông tin người dùng, tránh các gian lận bảo mật. | Phí rút tiền mặt cao, rơi vào khoảng 4% cho mỗi lần rút. |
Hướng dẫn cách làm thẻ tín dụng đơn giản, hiệu quả
Điều kiện đăng ký thẻ tín dụng là gì?
Trên thực tế, không phải đối tượng nào cũng có thể đăng ký thẻ tín dụng. Vì vậy, bạn cần xem xét các điều kiện dưới đây để biết mình có được đăng ký thẻ tín dụng hay không.
Thông tin rõ ràng, giấy tờ tùy thân đầy đủ
Điều kiện đầu tiên cũng là điều kiện tiên quyết khi đăng ký thẻ tín dụng là bạn phải có thông tin, giấy tờ tùy thân đầy đủ. Trước tiên, bạn buộc phải là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, những đối tượng được đăng ký thẻ tín dụng phải nằm trong độ tuổi từ 18 – 60. Khi đăng ký thẻ tín dụng, khách hàng cần mang theo CMND/CCCD hoặc hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân khác theo yêu cầu.
Tài chính ổn định
Để chứng minh tài chính của mình, bạn có thể thông qua 1 trong 2 yếu tố là tài sản đảm bảo và thu nhập. Dựa vào nguồn tài chính, ngân hàng sẽ xem xét và phê duyệt yêu cầu đăng ký thẻ tín dụng của bạn.
Nếu chứng minh tài chính dựa trên thu nhập, bạn cần chuẩn bị một số loại giấy tờ như sổ tiết kiệm, bảng sao kê lương trong 3 tháng gần nhất, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng,… Nếu chứng minh tài chính dựa trên tài sản đảm bảo, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ như cà vẹt xe, sổ đỏ, giấy tờ đất,…
Mức độ uy tín
Độ uy tín tín dụng cũng là điều kiện quan trọng bạn cần phải có khi mở thẻ. Những người từng có lịch sử trả góp hoặc vay tín dụng đều sẽ được cập nhật tên trên hệ thống chung của các ngân hàng.
Thế nên, nếu có tiền sử nợ xấu hoặc thanh toán các khoản vay trễ, bạn có thể bị liệt vào “blacklist”. Lúc này, việc mở thẻ tín dụng của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn. Vì vậy, bạn cần chú ý đóng khoản vay, lãi suất đúng hẹn để không bị liệt vào danh sách cân nhắc hoặc hạn chế của ngân hàng nhé!
Các điều kiện khác
Ngoài những điều kiện bắt buộc trên, mỗi ngân hàng sẽ có chính sách và các quy định mở thẻ khác nhau. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết tại website chính thức của ngân hàng mình định mở thẻ.
Thủ tục đăng ký thẻ tín dụng là gì?
Tuỳ vào mỗi ngân hàng, thủ tục đăng ký thẻ tín dụng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều có thủ tục đăng ký tương đồng. 3 bước đăng ký thẻ tín dụng thường gặp là:
- Bước 1: Điền thông tin, xác nhận các thông tin cá nhân vào form có sẵn do ngân hàng cung cấp.
- Bước 2: Điền thông tin vào giấy đề nghị mở thẻ tín dụng, ký hợp đồng với ngân hàng theo yêu cầu.
- Bước 3: Nộp và xác nhận các loại giấy tờ chứng minh với ngân hàng.
Nhằm mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cho phép làm thủ tục đăng ký online. So với trước đây, thủ tục đăng ký mở thẻ tín dụng đã đơn giản hoá hơn rất nhiều. Chính vì thế, việc mở thẻ tín dụng sẽ không “ngốn” quá nhiều thời gian, công sức của bạn.
Mỗi ngân hàng sẽ có thủ tục đăng ký mở thẻ tín dụng online khác nhau. Nhưng nhìn chung, các ngân hàng thường yêu cầu người dùng thực hiện tối đa 5 bước:
- Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như thủ tục đăng ký truyền thống.
- Bước 2: Tải ứng dụng Internet Banking của ngân hàng mà bạn muốn mở thẻ.
- Bước 3: Chọn mục “Đăng ký thẻ tín dụng” trên ứng dụng Internet Banking vừa tải.
- Bước 4: Điều đầy đủ thông tin, đặt lịch hẹn với ngân hàng để nhân viên xác nhận.
- Bước 5: Gửi các loại giấy tờ bản cứng. Bạn sẽ được nhận thẻ sau khi nhân viên ngân hàng xác nhận thông tin.
Vậy là bạn đã hoàn tất các bước đăng ký mở thẻ tín dụng. Thời gian phát hành thẻ sẽ tùy thuộc vào quy định của mỗi ngân hàng. Thông thường, sau khi hồ sơ và thủ tục đăng ký hoàn tất, thẻ tín dụng của bạn sẽ được cấp sau 8 ngày. Ngân hàng sẽ gửi thẻ tín dụng kèm với các quy định về trả nợ tín dụng, quy định xử phạt nếu bạn không thanh toán dư nợ đúng thời hạn.
Khi thanh toán nợ tín dụng, bạn có thể:
- Thanh toán trực tiếp tại ngân hàng giao dịch.
- Thanh toán thông qua ứng dụng Internet Banking.
- Thanh toán qua các ứng dụng điện tử như Momo, Payoo, Viettel Money,…
Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều khuyến khích người dùng thanh toán thông qua các ứng dụng điện tử. Không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí chuyển tiền, phương thức thanh toán này còn hỗ trợ nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, được cập nhật liên tục trên các ứng dụng.
Kết luận
Nhìn chung, đối với nhân viên hành chính – văn phòng nói chung, những người có nhu cầu chi tiêu, mua sắm, thẻ tín dụng đã trở thành “vật bất ly thân”, “trợ thủ đắc lực” không thể thiếu.
Dù vậy, để đăng ký thẻ tín dụng thành công, bạn cần phải hiểu rõ thẻ tín dụng là gì, quy trình đăng ký, hồ sơ chuẩn bị và các điều kiện mở thẻ. Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng, bài viết trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích giúp bạn có thêm kiến thức về thẻ tín dụng. Chúc bạn mở thẻ thành công, sử dụng hợp lý, mua sắm hiệu quả!
Xem thêm: Tự do tài chính là gì? Đâu là bí quyết cho một cuộc sống an nhiên, vô lo vô nghĩ