Hợp đồng nguyên tắc được sử dụng phổ biến trong hoạt động thương mại, tuy nhiên nhiều người vẫn còn khá lạ lẫm về loại hợp đồng này. Vậy hợp đồng nguyên tắc là gì? Có những mẫu hợp đồng nguyên tắc nào phổ biến nhất hiện nay? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về hợp đồng nguyên tắc cũng như thời hạn, giá trị, nội dung cơ bản và những điều cần lưu ý khi xây dựng hợp đồng nguyên tắc qua bài viết dưới đây nhé!
Hợp đồng nguyên tắc là gì?
Hợp đồng nguyên tắc hay còn gọi là thỏa thuận nguyên tắc, là văn bản thỏa thuận hành vi giữa các bên về giao dịch mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Cụ thể hơn thì hợp đồng nguyên tắc là dạng hợp đồng khung để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch phát sinh sau đó.
Hợp đồng nguyên tắc thường được sử dụng khi các bên mới bước đầu tiếp cận tìm hiểu nhu cầu, khả năng của nhau và đã thống nhất một số nội dung hợp tác. Hợp đồng này quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia giao dịch, tuy nhiên hợp đồng này thường được ký kết chỉ mang tính chất định hướng để làm cơ sở để ký kết hợp đồng chính thức.
Thời điểm nào nên ký kết hợp đồng nguyên tắc?
Trong quá trình thương thảo, những thay đổi giữa bên mua và bên bán sẽ được điều chỉnh bằng hợp đồng nguyên tắc. Hợp đồng này sẽ được dùng thay thế cho hợp đồng chính thức khi các bên đã tìm thấy thỏa thuận chung nhưng chưa xác định được khối lượng hàng hóa và dịch vụ giao dịch cụ thể.
Hợp đồng nguyên tắc có hiệu lực trong bao lâu?
Thông thường khi ký kết hợp đồng nguyên tắc, các bên sẽ thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực theo tháng hoặc năm để thuận tiện cho việc quyết toán và đối chiếu công nợ.
Hiệu lực của hợp đồng nguyên tắc sẽ được xác định theo các cách thức như sau:
Thứ nhất: Áp dụng thời hạn hợp đồng theo thỏa thuận của các bên đã ký trong hợp đồng nguyên tắc.
Thứ hai: Áp dụng thời hạn tính từ ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực cho đến ngày chấm dứt hợp đồng. Hoặc 01 trong 02 bên ký kết hợp đồng không có khả năng tiếp tục thực hiện. Hoặc khi cả 02 bên tham gia ký kết thỏa thuận chấm dứt hay thanh lý hợp đồng.
Thứ ba: Áp dụng thời hạn tính từ ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực cho đến ngày chấm dứt hợp đồng theo quyết định của Tòa án. Hoặc áp dụng ngày mà 01 trong 02 chủ thể ký kết hợp đồng bị giải thể hay tuyên bố phá sản.
Thứ tư: Áp dụng thời hạn tính từ ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực cho đến ngày hợp đồng bị thay thế bởi thỏa thuận hoặc cam kết khác giữa các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng.
Các trường hợp nên ký kết hợp đồng nguyên tắc
Thông thường, các bên nên ký kết hợp đồng nguyên tắc trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Khi giao dịch chính thức giữa các bên chưa sẵn sàng nhưng cần có văn bản đảm bảo những thỏa thuận, cam kết về điều kiện và dự định giao dịch.
Trường hợp 2: Khi các bên có nhiều giao dịch hoặc giao dịch giữa các bên cần được thực hiện trong nhiều lần nhưng các nội dung thỏa thuận, cam kết chỉ tương đối giống nhau. Khi đó, các bên cần ký kết hợp đồng nguyên tắc và sau đó, mỗi giao dịch phát sinh chỉ cần lập một phụ lục hợp đồng tương ứng.
Trường hợp 3: Khi 01 trong 02 bên hoặc cả 02 bên cần chứng minh về mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy giữa hai bên với một bên thứ ba.
Hợp đồng nguyên tắc có giá trị pháp lý như thế nào?
Trong giai đoạn đàm phán hợp đồng chính thức, hợp đồng nguyên tắc có vai trò định hướng các thỏa thuận và cam kết rõ ràng, các điều kiện chi tiết khác sẽ được tiến hành thỏa thuận sau. Do đó, các bên có thể dựa vào hợp đồng nguyên tắc để tiến hành ký kết hợp đồng chính thức. Bên cạnh đó, các bên có thể thêm vào hợp đồng nguyên tắc các phụ lục phù hợp liên quan đến những gì đã đàm phán mà không phải ký kết quá nhiều hợp đồng khác.
Hợp đồng nguyên tắc sẽ thay thế một bản hợp đồng chính thức nếu các bên chưa thể hoặc chưa muốn xác định số lượng hàng hóa/dịch vụ trao đổi rõ ràng. Đồng thời, các bên có thể sử dụng hợp đồng nguyên tắc trong trường hợp chỉ muốn hợp tác trong một khoảng thời gian nhất định và không bắt buộc phải tiếp tục ký kết khi có bất kỳ giao dịch khác phát sinh.
Trường hợp xảy ra tranh chấp trong thời gian đàm phán hợp đồng chính thức, các bên có thể dựa vào các thỏa thuận và cam kết đã nêu trong hợp đồng nguyên tắc để giải quyết vấn đề chưa được thống nhất trong hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp nếu các bên vi phạm quyền và nghĩa vụ của mình sẽ rất khó để giải quyết vì hợp đồng nguyên tắc chỉ thể hiện các quy định chung.
Nội dung hợp đồng nguyên tắc là gì?
Mặc dù chỉ bao gồm các điều khoản cơ bản, nhưng các chủ thể ký kết hợp đồng nguyên tắc cần phải tôn trọng quy tắc pháp lý về lĩnh vực ký kết hợp đồng. Hợp đồng nguyên tắc cần có những nội dung quan trọng sau:
- Chủ thể giao kết hợp đồng: Nhằm xác định chủ thể ký kết hợp đồng và vai trò trong quá trình mua bán hàng hóa.
- Thông tin các đối tượng chính trong hợp đồng.
- Thông tin và vai trò của bên thứ ba trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng hoặc đứng ra giải quyết tranh chấp hợp đồng.
- Số lượng và chất lượng hàng hoá.
- Thỏa thuận xác định giá mua – bán hàng hóa.
- Thỏa thuận phương thức thanh toán.
- Thỏa thuận phương thức đặt hàng và hình thức xác nhận đơn đặt hàng.
- Thỏa thuận thời gian, địa điểm giao – nhận hàng hóa và cách các bên thay đổi trong quá trình mua bán hàng hóa.
- Thỏa thuận bảo hành sản phẩm
- Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt hợp đồng.
- Điều khoản ràng buộc trách nhiệm: Các bên dự trù các tình huống phát sinh nếu đối phương không thực hiện các cam kết liên quan đến hợp đồng. Các bên có thể soạn thảo những điều khoản liên quan đến trách nhiệm của bên mua và bên bán trong quá trình đàm phán.
- Thời hạn thực hiện hợp đồng: Quy định rõ thời điểm hợp đồng bắt đầu có hiệu lực và thời gian chấm dứt hợp đồng, cùng với đó là các căn cứ phát sinh dẫn đến việc hợp đồng buộc phải chấm dứt hiệu lực.
- Điều khoản giải quyết tranh chấp: Nếu tranh chấp xảy ra, các bên có thể đưa ra Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài thương mại giải quyết.
- Cam kết chung giữa các bên.
Xem thêm: Bonus là gì? Bạn đã biết khi nào mình được hưởng tiền bonus chưa?
Hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng kinh tế có gì khác nhau?
Hiện nay, dựa trên nội dung thỏa thuận và quy định của pháp luật mà hợp đồng nguyên tắc có thể được coi như là hợp đồng kinh tế. Hợp đồng nguyên tắc sẽ được coi là hợp đồng kinh tế nếu các bên giao kết hợp đồng là thương nhân. Đồng thời, hợp đồng nguyên tắc bao gồm các thỏa thuận về việc thực hiện việc sản xuất, trao đổi hàng hóa/dịch vụ, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào các thỏa thuận khác với mục đích kinh doanh. Do đó, các công ty cần phải hết sức lưu ý những thay đổi liên quan đến hợp đồng nguyên tắc để áp dụng yêu cầu đặt tên phù hợp và tránh sai sót làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Điểm giống nhau
Giá trị pháp lý: Đều có giá trị pháp lý với các giao dịch thương mại, dân sự, doanh nghiệp,…
Về nội dung: Đều là sự thỏa thuận, cam kết của các bên dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và tuân theo quy định của pháp luật.
Về hình thức: Đều được lập thành văn bản, có chữ ký, đóng dấu và xác nhận của các bên tham gia ký kết hợp đồng.
Điểm khác nhau
Tiêu chí | Hợp đồng nguyên tắc | Hợp đồng kinh tế |
Mục đích | Chỉ thỏa thuận những vấn đề chung nên được xem như là hợp đồng khung hay biên bản ghi nhớ. | Quy định cụ thể và chi tiết hơn các vấn đề có trong hợp đồng nguyên tắc.Thống nhất thỏa thuận giữa các bên để tiến hành thực hiện. |
Tên gọi | Thỏa thuận nguyên tắcHợp đồng nguyên tắc bán hàngHợp đồng nguyên tắc đại lý… | Hợp đồng vay vốn Hợp đồng mua bán hàng hóa Hợp đồng mua bán nhà Hợp đồng ủy quyền… |
Thỏa thuận trong hợp đồng | Mang tính định hướng và được sử dụng làm cơ sở để các bên ký kết hợp đồng chính thức hoặc bổ sung thêm các phụ lục cho hợp đồng nguyên tắc. | Có tính ràng buộc thực hiện và quyền lợi của các bên cũng rõ ràng hơn. |
Khả năng giải quyết tranh chấp | Chỉ quy định những vấn đề chung nên nếu có tranh chấp sẽ rất khó để giải quyết rõ ràng theo đúng quyền và nghĩa vụ của các bên. | Quy định rõ ràng và chi tiết nên dễ giải quyết khi xảy ra tranh chấp hơn. |
Thời gian ký kết | Theo thời gian thống nhất của các bên nên nếu có thay đổi thì các bên có thể tiến hành ký phụ lục hợp đồng.Hợp đồng không phụ thuộc vào số lượng đơn hàng và các thương vụ phát sinh. | Hợp đồng kinh tế sẽ chấm dứt theo mỗi đơn hàng và thương vụ; sau khi các bên hoàn thành trách nhiệm hoặc ký biên bản thanh lý hợp đồng. |
Đối tượng áp dụng | Các công ty thường xuyên giao dịch thương mại hay ở vị trí địa lý xa. | Các công ty ít giao dịch hoặc giao dịch với giá trị lớn, cần quy định rõ ràng về trách nhiệm các bên. |
Mẫu hợp đồng nguyên tắc bán hàng
Mẫu hợp đồng nguyên tắc đang được sử dụng phổ biến hiện nay
Các bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng nguyên tắc bán hàng dưới đây để nắm thêm thông tin chi tiết: Tại đây
Kết luận
Trong quá trình thương thảo thương mại, hợp đồng nguyên tắc được sử dụng để xác định những cam kết và thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch trước khi đi đến thỏa thuận chính thức. Với những chia sẻ của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h về hợp đồng nguyên tắc, hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu hơn về hợp đồng nguyên tắc là gì và những vấn đề quan trọng khác liên quan đến loại hợp đồng này.
Xem thêm: Contract là gì? Điểm danh các loại hợp đồng người lao động thường gặp