Ơ, “Em tưởng” là câu nói quen thuộc của một bộ phận nhân viên trong tổ chức, nó dường như đã trở thành căn bệnh có tính lây lan rất nhanh, ảnh hưởng xấu đến công việc và cuộc sống. Hôm nay, Việc Làm 24h sẽ bật mí cho bạn phương pháp cực hay để chữa trị căn bệnh này của nhân viên cấp dưới, đọc ngay nhé!
Làm việc phải có tâm, đừng có suốt ngày “em tưởng”!
Khi một vấn đề xảy ra, hãy đến trực tiếp hiện trường tìm hiểu, đừng cố đưa ra các phỏng đoán dựa trên việc gọi điện hay các báo cáo trên bàn giấy. Lí do là sẽ có một khoảng cách rất lớn giữa những gì mình “tưởng” và những gì thực sự xảy ra. Thêm nữa là sự việc qua cách nhìn một người khác, khi được báo cáo lại, sẽ bao gồm cả cách nhìn riêng của người đó, làm cho các ý kiến trở nên thiếu khách quan và chính xác.
Căn bệnh “em tưởng” bắt nguồn từ thói quen lười động não của các nhân viên. Khi khối lượng công việc trong một ngày quá nhiều khiến họ không muốn tốn thời gian để kiểm tra lại các thông tin nhận được. Làm việc trên những dữ liệu thiếu chính xác khiến công việc trở nên tồi tệ hơn. Khi đó việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau không thể tránh khỏi.
Người Nhật có hẳn một triết lý Genchi Genbutsu Genjitsu nhằm tránh bệnh “Em tưởng” tồn tại trong công ty. Triết lý này dịch sang tiếng Anh là “Have you seen it yourself?” (Bạn đã tận mắt thấy nó chứ?), với ý nghĩa rằng, nếu bạn không thấy tận mắt một vấn đề, những hiểu biết của bạn về nó đều đáng nghi ngờ.
Mọi báo cáo đều mang tính tương đối và chủ quan. Chỉ khi nào bạn nhìn thấy tận mắt, nghe tận tai thì mới có cái nhìn chính xác nhất. Nguyên lý này bắt mỗi nhân viên có trách nhiệm hơn với công việc, chỉ khi nào thật sự nắm rõ vấn đề mới nên đưa ra quyết định.
Những câu nói mà người mắc bệnh em tưởng thường sử dụng
“Em tưởng” đang trở thành một câu cửa miệng phổ biến mà nhiều người sử dụng để đối phó với các vấn đề trong công việc. Khi gặp bất kỳ khó khăn nào, trong đầu của họ không bao giờ suy nghĩ theo hướng tìm phương án giải quyết mà sẽ tìm lý do để bao biện. Những câu nói mà người mắc bệnh em tưởng thường sử dụng như:
- Em tưởng ý sếp là như thế này.
- Em tưởng công việc đó là của người khác.
- Em tưởng deadline là ngày mai.
- Em tưởng vấn đề này là của người khác chứ ạ.
- Em tưởng…
Tác động của căn bệnh “em tưởng”
Căn bệnh “em tưởng” có tác động xấu không chỉ đối với cá nhân người đó mà còn ảnh hưởng lớn đến tổ chức:
- Đối với cá nhân: Sự thiếu trách nhiệm và luôn dùng lý do “em tưởng” để bao biện khiến họ dần trở nên lười biếng, xem việc không hoàn thành công việc là điều tất nhiên. Bộ não trở nên hạn hẹp dần, sự sáng tạo mai một, không nhận được đánh giá cao từ cấp trên, việc thăng tiến khó khăn hơn. Đặc biệt, họ dễ bị thụt lùi về phía sau, bỏ qua nhiều cơ hội. Cuối cùng là bị đào thải khỏi tổ chức, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
- Đối với tổ chức: Một tổ chức có những nhân viên thường xuyên biện minh bằng “em tưởng” thường sẽ không đạt được kết quả và mục tiêu chung. Nhất là những người này có thể tác động xấu đến tâm lý những nhân viên khác, làm hoạt động của tổ chức đi xuống. Người Việt ta thường có câu “Một con sâu làm rầu nồi canh”, câu này hoàn toàn chính xác với trường hợp này.
Dạy nhân viên ngay từ đầu và bắt họ chịu trách nhiệm cho những quyết định
Huấn luyện, đào tạo nhân viên ngay từ lúc bắt đầu công việc
Giai đoạn đầu tiên khi tuyển một nhân viên vào là huấn luyện, cung cấp một lượng kiến thức chuyên môn đầy đủ để họ có thể làm việc và thích nghi với môi trường. Giai đoạn này vô cùng quan trọng, người tuyển dụng cần cung cấp và giải thích rõ ràng những vấn đề cơ bản và cốt lõi. Đừng để nhân viên mới mày mò một mình, vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều chuyện rắc rối sau này mà chỉ công ty là bên chịu thiệt.
Mỗi công ty thường có phương pháp đào tạo nhân viên mới riêng nhưng cách tốt nhất vẫn là phân một nhân viên cũ trực tiếp kèm cặp người mới. Điều này giúp người mới dễ dàng nắm bắt công việc, hiểu rõ được việc họ cần làm cũng như trách nhiệm của vị trí. Đồng thời, người mới cảm thấy thoải mái hòa nhập với môi trường làm việc, ngày càng nỗ lực, cố gắng nhiều hơn.
Giao tiếp với nhân viên để tìm ra vấn đề
Luôn nhắc nhở nhân viên kiểm tra công việc và hỏi nếu gặp vấn đề không biết. Đừng để nhân viên sợ bạn, chỉ khi nào họ dám mở miệng đề cập đến những rắc rối mà họ đang gặp phải, bạn mới có thể hạn chế tối đa những rủi ro mà những nhân viên mới có thể gây ra. Đưa tất cả các công việc vào quy trình rõ ràng, dạy cho các nhân viên “học đi trước khi học chạy”, chỉ khi nào họ vững vàng những kiến thức chuyên môn thì họ mới có thể phát huy và sáng tạo.
“Tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm”.
William Arthur Ward
Có biện pháp xử lý khi nhân viên không hoàn thành công việc
Bên cạnh đó, luôn bắt các nhân viên mới chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Đừng lấy lý do người mới mà bỏ qua cho những lỗi lầm sai sót. Hình phạt không cần quá nặng, song phải đảm bảo những nhân viên mới nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và họ phải chịu trách nhiệm thế nào nếu việc đó diễn ra lần hai. Chỉ như vậy, những nhân viên mới mới có thể bỏ đi căn bệnh “Em tưởng” của chính mình và luôn cẩn thận mỗi khi làm việc.
Việc đưa ra pháp chế khi nhân viên không hoàn thành công việc cần phải đảm bảo cương nhu đúng lúc. Hình phạt đừng nên quá cứng nhắc nhưng cũng đảm bảo sự răn đe, bởi một trong những nguyên nhân khiến nhân viên mới mắc bệnh “em tưởng” chính là xuất phát từ sự dễ dãi của bộ phận quản lý.
Ví dụ một công ty đưa ra pháp chế đối với nhân viên khi đi muộn như sau:
- Lần đầu đi muộn: Nhắc nhở
- Lần thứ 2 đi muộn: Phạt 100 ngàn
- Từ lần thứ 3 trở đi: phạt 300 ngàn
Đề cao tính trách nhiệm, đảm bảo nhân viên hiểu và ý thức được điều họ cần làm
Bệnh “Em tưởng” là thói quen do tính lười nhác tạo ra. Cách duy nhất trị dứt căn bệnh này là khiến mỗi nhân viên đều có tính thần trách nhiệm cao với công việc của mình. Thay đổi được bản chất từ con người thì mọi vấn đề cũng không còn quá khó khăn. Hãy cố gắng tạo môi trường làm việc thật tốt vừa giúp bản thân quản lý nhân viên dễ dàng hơn vừa giúp hoạt động của công ty được vận hành hiệu quả.
Người quản lý nên xây dựng KPI cho từng nhân viên để họ nắm được điều cần làm, mục tiêu công việc đặt ra, trách nhiệm đối với công việc và từ đó thôi thúc sự sáng tạo để đạt được kết quả tốt nhất.
Công nhận thành tựu mà nhân viên đạt được
Dù là nhân viên mới hay nhân viên cũ thì cũng cần nhận sự công nhận khi họ đạt được thành tựu trong công việc. Sự công nhận của cấp trên khiến họ có động lực lớn hơn để nỗ lực và ngày càng thành công, mang lại hiệu quả, doanh thu cao cho doanh nghiệp.
Chẳng có một nhân tài nào sẵn sàng cống hiến lâu dài cho công ty nếu như cố gắng của họ không được công nhận. Rất nhiều người đã thừa nhận rằng có một người sếp tồi chính là nguyên nhân lớn khiến đam mê công việc của họ bị giảm sút.
Cho nên những lời khen ngợi, phần thưởng, sự công nhận chính là sức mạnh truyền năng lượng cho nhân viên, để họ ý thức trách nhiệm và cống hiến nhiều hơn, đồng hành lâu dài hơn. Lúc này nhân viên sẽ không còn đưa lý do “em tưởng” nữa mà thay vào đó họ sẽ nói “Là lỗi của em, em sẽ làm tốt hơn”; “Em làm được rồi”; “Em thành công rồi”…
Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng rằng với những chia sẻ về căn bệnh “em tưởng” và cách khắc phục sẽ giúp bạn có được phương án tốt nhất để tạo động lực cho nhân viên, giúp họ tránh được căn bệnh này và không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đạt được thành tựu cao trong công việc.