Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, các nhà tuyển dụng bắt đầu quan tâm và tìm hiểu đến hoạt động cá nhân trên mạng xã hội của ứng viên để tìm ra nhân sự tiềm năng. Các bài đăng, bình luận hoặc hình ảnh trên mạng xã hội của ứng viên có thể tác động đến ấn tượng của nhà tuyển dụng về ứng viên đó. Sử dụng mạng xã hội đúng cách giúp ứng viên thoát khỏi những rủi ro không đáng có gây ảnh hưởng đến cơ hội công việc. Vậy làm thế nào để sử dụng mạng xã hội đúng cách? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay
Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Theo thống kê của We Are Social và Hootsuite, tính đến tháng 1 năm 2021, trên toàn cầu có hơn 4,2 tỷ người sử dụng mạng xã hội, tương đương với hơn nửa dân số thế giới.
Các mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, Twitter, LinkedIn,… Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội tăng cao cũng đặt ra nhiều thách thức về nguy cơ bảo mật thông tin cá nhân, nạn bắt cóc trẻ em, việc lạm dụng các dịch vụ và sản phẩm trên mạng xã hội để gây hại cho người dùng khác, nội dung sai lệch hay nội dung không phù hợp với trẻ em,…
Hậu quả của việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách
Dạo gần đây, dư luận vẫn chưa nguôi cơn bất bình trước những lời vạ miệng của một nhân viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS). Bài viết trên Facebook cá nhân của người này như sau: “Ủa nay có đại hội xe lăn hay gì mà sáng giờ chuyến nào cũng 4-5 khách xe lăn, phục vụ muốn tuột quần, không kịp đi toalet…”. Dẫu đã ẩn khỏi trang cá nhân, tuy nhiên cơn bất bình khiến cộng đồng mạng quyết làm cho ra lẽ bằng hàng loạt tin nhắn gửi đến trực tiếp VIAGS. Phía lãnh đạo công ty VIAGS đã tuyên bố đình chỉ và áp dụng hình thức kỷ luật vì hành vi chưa đúng đắn về phục vụ hành khách của nhân viên vạ miệng này.
Trường hợp trên đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về rủi ro khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng tài khoản mạng xã hội một cách cẩn trọng đối với những người đang tìm kiếm việc làm. Các nhà tuyển dụng thường quan tâm đến hoạt động trên mạng xã hội của ứng viên bởi đó là cách để họ tìm hiểu những khía cạnh khác. Các bài đăng, bình luận hoặc hình ảnh trên mạng xã hội của ứng viên có thể tác động mạnh mẽ đến ấn tượng của nhà tuyển dụng.
Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ra những bài đăng hoặc hình ảnh không phù hợp trên trang mạng xã hội của ứng viên, họ có thể loại bỏ ứng viên này khỏi danh sách tiềm năng. Điều này có thể khiến ứng viên mất cơ hội làm việc và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến khả năng tiến thân trong sự nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên nghiệp.
Việc bị loại khỏi danh sách ứng viên tiềm năng hoặc bị đánh giá thấp vì những thông tin không phù hợp trên mạng xã hội có thể khiến ứng viên cảm giác mất mát về mặt tinh thần. Vì vậy, các ứng viên cần chú ý và đảm bảo rằng hoạt động cá nhân trên mạng xã hội phù hợp với chuẩn mực đạo đức, uy tín cá nhân và thể hiện được tính chuyên nghiệp.
Xem thêm: Tổng hợp các Marketing tool cần biết để có một chiến dịch truyền thông thành công
Nhà tuyển dụng nhìn thấy gì qua tài khoản cá nhân của ứng viên trên mạng xã hội?
Trong thời buổi Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì mạng xã hội chính là công cụ đắc lực giúp các nhà tuyển dụng tìm hiểu ứng viên, thay vì những thông tin đã được “tỉa tót” hoa mỹ trên CV ứng tuyển.
Mạng lưới quan hệ
Mạng xã hội là nơi phản ánh các mối quan hệ chuyên môn và cá nhân của ứng viên trong cuộc sống thực tế, như bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hoặc đối tác. Việc phân tích mạng lưới quan hệ trên mạng xã hội giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về cách mà các mối quan hệ này có thể ảnh hưởng đến hành vi, suy nghĩ và quyết định của ứng viên.
Khía cạnh đạo đức
Các hoạt động trên mạng xã hội của ứng viên thể hiện đạo đức của họ, như tôn trọng quyền riêng tư; không gây rối, làm phiền hoặc tấn công người khác i; không đăng tải thông tin giả mạo, lừa đảo hoặc làm lộ thông tin sai sự thật; tôn trọng ý kiến khác biệt và không phát ngôn xúc phạm hay phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính hoặc hành vi đồi trụy,… Đồng thời, cách mà ứng viên đóng góp tích cực để xây dựng cộng đồng và lan tỏa thông điệp tích cực cũng là điều khiến nhà tuyển dụng để mắt đến.
Sở thích và tầm nhìn
Mạng xã hội có thể cho thấy sở thích và tầm nhìn của ứng viên thông qua những gì mà họ chia sẻ trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, việc tham gia các nhóm, cộng đồng,… hoặc theo dõi trang cá nhân của các chuyên gia, người nổi tiếng,… cũng thể hiện những sở thích của họ khi kết nối với những người có cùng tần số.
Sử dụng mạng xã hội đúng cách giúp bạn thể hiện kiến thức chuyên môn
Mạng xã hội cũng có thể cho thấy kiến thức chuyên môn của ứng viên thông qua các bài viết và bình luận liên quan đến lĩnh vực mà họ quan tâm. Bên cạnh đó, các kết quả đạt được trong công việc, dự án hoặc những ý kiến đóng góp trong các diễn đàn, các nhóm,… giúp nhà tuyển dụng đánh giá được trình độ chuyên môn của ứng viên.
Kỹ năng mềm
Các hoạt động trên mạng xã hội thể hiện những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng cần xem xét như:
Kỹ năng giao tiếp: Các bài đăng có tính tương tác cao, thể hiện khả năng lắng nghe, trao đổi ý kiến và đưa ra quan điểm đúng đắn sẽ giúp cho nhà tuyển dụng có cái nhìn tốt hơn về kỹ năng giao tiếp của ứng viên.
Kỹ năng quản lý thời gian: Nếu ứng viên có những bài đăng thường xuyên, đều đặn và liên tục, mang đến những thông điệp tích cực, chuyên nghiệp,… điều đó cho thấy ứng viên có tinh thần nỗ lực và kiên trì.
Tính sáng tạo: Được thể hiện qua các bài đăng, bình luận, thảo luận thu hút sự chú ý và tạo nên sự khác biệt, điều này có thể là một lợi thế lớn cho ứng viên trong quá trình tìm việc.
Xem thêm: Tư duy sáng tạo là gì? Làm thế nào cải thiện tư duy sáng tạo mỗi ngày?
Khả năng làm việc nhóm: Nếu ứng viên thường xuyên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thể hiện sự hợp tác và chia sẻ thông tin, điều này có thể cho thấy khả năng làm việc nhóm tốt của ứng viên.
Xem thêm: Bỏ túi 8 kỹ năng làm việc nhóm cần phải biết để làm việc hiệu quả
Đương nhiên, những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội chỉ thể hiện một phần của các ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ kết hợp nhiều nguồn khác nhau để đưa ra đánh giá chính xác nhất. Ngoài ra, không phải bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng kiểm tra thông tin trên mạng xã hội của ứng viên. Tùy thuộc vào vị trí ứng tuyển, yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng lựa chọn hình thức kiểm tra phù hợp.
Ứng viên cũng nên cân nhắc khi cung cấp thông tin về các mạng xã hội mình đang sử dụng. Mạng xã hội cũng là con dao 2 lưỡi mang đến nhiều rủi ro khiến ứng viên vuột mất cơ hội trong tầm tay nếu không biết cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả.
Xem thêm: Influencer là gì? Làm sao để chuyên nghiệp và mang tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội?
Cách sử dụng mạng xã hội đúng cách mà ứng viên cần lưu ý
1. Chọn mạng xã hội phù hợp với lĩnh vực làm việc
Mạng xã hội phù hợp giúp truyền tải và xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả. Ứng viên nên chọn các mạng xã hội phù hợp với lĩnh vực làm việc của mình như Facebook, LinkedIn, Behance, Instagram,… để chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình và kết nối với nhà tuyển dụng dễ dàng.
2. Xây dựng hồ sơ mạng xã hội chuyên nghiệp
Hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội nên được cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân, kinh nghiệm làm việc, bằng cấp và chứng chỉ, các kỹ năng mềm và chuyên môn,…. Thêm các dự án đã làm hoặc đã tham gia và mô tả chi tiết về quá trình hoàn thành dự án. Đừng quên thường xuyên cập nhật hồ sơ để phản ánh sự tiến bộ và các thành tích mới nhất của bản thân. Hồ sơ cá nhân của ứng viên càng đầy đủ và chuyên nghiệp thì khả năng thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng càng cao.
3. Thể hiện bản sắc riêng
Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ các thông tin về bản thân như sở thích, đam mê và quan điểm cá nhân. Những bài viết được chia sẻ dưới góc nhìn sâu sắc, chuyên môn và mang nhiều giá trị liên quan đến ngành nghề, công việc của bạn sẽ thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trước nhà tuyển dụng.
4. Thiết lập riêng tư
Thay vì để tài khoản mạng xã hội của mình quá cởi mở, ứng viên có thể thiết lập không gian riêng bằng chế độ cài đặt riêng tư (privacy setting) trên mạng xã hội. Việc cài đặt riêng tư cũng có thể gây khó khăn cho nhà tuyển dụng trong việc đánh giá ứng viên. Do đó, trước khi cài đặt riêng tư cho tài khoản mạng xã hội, ứng viên nên cân nhắc kỹ lưỡng để “lọc sạch” những thông tin không cần thiết trên tài khoản cá nhân. Đồng thời, ứng viên cũng có thể tạo một tài khoản riêng để chia sẻ những thông tin liên quan đến công việc mà không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân.
5. Loại bỏ yếu tố không đúng chuẩn mực
Mạng xã hội là nơi thể hiện cá tính, nhưng đừng quên giữ thái độ tích cực và tránh những từ ngữ, bài đăng nhạy cảm hoặc hình ảnh phản cảm, liên quan đến các vấn đề nóng về chính trị, tôn giáo, cộng đồng,… Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thấp ứng viên khi nhìn thấy những thông tin này. Do đó, các bạn nên gỡ bỏ những hình ảnh, bài đăng, bình luận,… gây bất lợi cho bản thân. Hãy thường xuyên chia sẻ những thông điệp tích cực và đóng góp cho cộng đồng, tránh chia sẻ thông tin không chính xác hoặc những nội dung tiêu cực.
Kết luận
Hiện nay, việc các nhà tuyển dụng tìm hiểu các tài khoản mạng xã hội của ứng viên để xem các thông tin như bài đăng, bình luận, hình ảnh, hoạt động xã hội và các mối quan hệ mạng xã hội của ứng viên trở nên phổ biến. Sử dụng mạng xã hội đúng cách giúp ứng viên thể hiện những khía cạnh tích cực về năng lực, tính cách, thái độ, sự chuyên nghiệp,… Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ trên giúp bạn hạn chế những rủi ro khi sử dụng mạng xã hội và tìm cho mình cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả nhất.
Xem thêm: Influencer Marketing là gì? Ứng dụng chiến lược sao cho hiệu quả?