Đó là kết quả phân tích của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương về tình trạng thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tăng hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp
Cụ thể, trong chín tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 45.100 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó có hơn 53.440 lao động có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước).
Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có khoảng 97% số người lao động được hưởng chế độ thất nghiệp. Đồng thời có xấp xỉ 100% lao động thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, trong khi đó lao động được hỗ trợ học nghề tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, so với tổng số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số lao động tham gia học nghề để quay lại thị trường lao động chỉ chiếm khoảng 3,6%.
Nhóm lao động có tay nghề – kinh nghiệm
Đáng chú ý, nhóm người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất là nhóm lao động có tay nghề và kinh nghiệm ở độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi.
Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương đánh giá rằng xu hướng chuyển đổi công việc của nhóm lao động từ 25-40 tuổi cao hơn các nhóm khác. Đây cũng là lý do dẫn tới tỉ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhóm tuổi này cao hơn các nhóm tuổi khác.
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương, muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sau:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ LĐTBXH quy định)
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn; quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động-hợp đồng làm việc
- Sổ Bảo hiểm xã hội
Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động.
- Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm giới thiệu việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp: Ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.
- Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.
- Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
- Hàng tháng người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định trợ cấp thất nghiệp).
Theo Pháp luật TP.HCM