Làm Branding luôn được gắn với những mỹ từ hào nhoáng với các TVC hoành tráng, làm việc cùng các KOL hay mức thu nhập hấp dẫn cho những ai yêu thích sáng tạo. Liệu thực sự Brand Marketing có phải là “mảnh đất màu mỡ” để các Marketer dấn thân, tha hồ thể hiện cá tính. Việc Làm 24h đã có cuộc trò chuyện cùng anh Huy Trần – Brand Marketing Manager, Siêu Việt Group để hiểu hơn về nghề và gợi ý các bạn trẻ những vị trí việc làm phù hợp nếu muốn thử sức.
Làm Brand là làm gì?
Chào anh Huy, rất vui vì anh đã nhận lời tham gia chương trình. Để có thể hiểu hơn về công việc anh đang làm, anh có thể chia sẻ theo anh làm Brand là làm gì?
Nói nôm na Brand là thương hiệu, còn làm Branding là công tác xây dựng thương hiệu. Ví dụ đơn giản nếu mà nhắc tới son, mọi người sẽ nghĩ đến thương hiệu nào đầu tiên. Có phải là Maybelline đúng không? Đó chính là công tác xây dựng thương hiệu.
Xem thêm: Brand Marketing là gì? Mô tả tất tần tật những điều bạn cần biết về Brand Marketing
Khi khách hàng quan tâm và muốn tìm mua một sản phẩm nào đó, họ có thể gọi tên thương hiệu quen thuộc của mình. Khi được hỏi về thương hiệu, khách hàng cũng có thể miêu tả bằng các tính từ hoặc danh từ khác nhau liên quan tới thương hiệu đó, như thể họ đã hiểu về thương hiệu rất rõ.
Vậy làm Brand chỉ làm quảng cáo thôi, có phải không anh?
Với câu hỏi này thì câu trả lời của anh vừa có vừa không. Có là vì như anh nói ban đầu, xây dựng thương hiệu là làm sao để mình nhắc nhớ người dùng về thương hiệu của mình, mình tăng được độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness). Đến khi mọi người có nhu cầu sử dụng một cái sản phẩm dịch vụ nào đó họ sẽ nhớ tới và lựa chọn thương hiệu mình đầu tiên.
Còn không là vì xây dựng thương hiệu là cả một cái quá trình bao gồm rất nhiều bước như xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu là ai, insight là gì, điểm mạnh và điểm khác biệt, giá trị cốt lõi, những tính cách, những thuộc tính của thương hiệu là gì. Từ đó mình có những chiến lược theo tháng theo quý, theo năm để xây dựng được định vị thương hiệu bền vững trong lòng khách hàng. Quảng cáo chỉ là một phần nhỏ trong quá trình dài hạn này.
Xem thêm: Tung hoành trong lĩnh vực Marketing với 21 thuật ngữ Brand Marketing quan trọng
Anh có nhắc đến thuật ngữ Brand Awareness – độ nhận biết thương hiệu, và người làm Brand luôn phải nhắc người dùng nhớ về mình. Điểm này em thấy khá tương đồng với một trong các tiêu chí của Digital Marketing. Vậy làm Brand và làm Digital có mối quan hệ như thế nào?
Thật ra đây là một chủ đề được các Marketer thảo luận rất nhiều. Làm Brand cần Performance và ngược lại làm Performance cần đến Brand.
Bởi khi làm Performance, chúng ta sẽ cần một nền tảng thương hiệu tốt, một định vị thương hiệu mạnh để khi giới thiệu đến người dùng những chương trình khuyến mãi hoặc những lợi ích đi kèm, nếu mọi người đã có sẵn nhận biết về thương hiệu của mình, người ta dễ đưa ra cái quyết định mua hàng hơn.
Ngược lại Brand như một cái khối óc, một cái con tim, có những tính cách với tất cả những giá trị tốt đẹp muốn mang tới cho người tiêu dùng nhưng nó không có tứ chi, không có tay chân, dù múa may quay cuồng thì cũng không ai nghe, không ai thấy, không ai biết hết. Làm Brand cần độ phủ và kênh phân phối của Performance để có thể tiếp cận được nhiều người dùng. Đây mối quan hệ tương tác với nhau dài hạn.
Nó là một “mối quan hệ với” chứ không phải là một “mối quan hệ hoặc”. Anh lấy ví dụ một công ty làm Performance nhưng không có brand, cần đâu đó tầm 5 đến 7 lần để tiếp cận người tiêu dùng, nhắc cho họ nhớ về thương hiệu. Từ đó người dùng mới đưa ra quyết định mua hàng. Lúc này Performance cần có một cái nền tảng thương hiệu tốt từ Brand. Nếu Brand có một chiến lược rất hay và một ý tưởng rất táo bạo, muốn giới thiệu đến người tiêu dùng mà không có độ phủ và những kênh phân phối của Performance thì độ tiếp cận không cao, cũng không giúp cho nhiều người biết, khó tăng được Brand Awareness.
Xem thêm: Hiểu rõ Performance Marketing là gì để bách chiến bách thắng
Tóm lại theo anh một chiến dịch truyền thông hiệu quả, cần phải đạt mục tiêu về mặt doanh số trong ngắn hạn nhưng đồng thời cũng phải thành công trong việc ghim được cái hình ảnh thương hiệu vào trong tâm trí người dùng về mặt dài hạn. Tưởng tượng giống như trong mô hình phễu Marketing thì Brand chính là đầu phễu (Upper Funnel), Marketer đánh mạnh về mặt nhận nhiện ở Lower Funnel là Performance và các nhánh khác của Marketing. Các nhánh này dựa vào nền tảng mà Brand đã xây dựng để có những chiến thuật nhắc nhớ người dùng liên tục về thương hiệu của mình.
Làm Brand bắt buộc phải theo ngành FMCG mới thành công?
Vậy với những bạn trẻ bạn muốn làm Brand thì nên bắt đầu từ đâu?
Khi nói về nghề Branding chúng ta có thể sẽ nghĩ đến những công ty FMCG (công ty về hàng tiêu dùng nhanh) vì nói thật thì FMCG là ngành định hình cho nghề Branding. Vậy nên khi nói về nghề Brand, mọi người sẽ nghĩ đến những cơ hội ở ngành FMCG này hoặc là các công ty liên doanh nước ngoài.
Xem thêm: FMCG là gì, cơ hội nghề nghiệp ở ngành này ra sao, top công ty hàng đầu
Có con đường nào khác cho các bạn không hứng thú với FMCG không?
Nghề Branding hiện tại được đầu tư khá nhiều và được quan tâm nhiều hơn trước, nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn vào Branding như các công ty mỹ phẩm, thời trang, công nghệ, phần mềm, thương mại điện tử và giáo dục đều tuyển các vị trí Brand Marketing. Điều quan trọng khi người làm Brand muốn tìm cơ hội thì cần đọc mô tả công việc kỹ càng. Thực tế hiện nay anh thấy các doanh nghiệp khi tuyển dụng không ghi cụ thể là tôi cần tuyển Brand mà họ chỉ ghi chung chung cần tuyển Marketing thôi nhưng trong mô tả công việc sẽ gạch đầu dòng cần những bạn có kinh nghiệm và làm các công việc liên quan tới xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, những người làm Brand thường kiêm luôn việc chăm lo công tác truyền thông như làm Social Media, PR, Event… Đây cũng là nhánh các bạn thích làm Brand có thể đầu quân. Những công ty tuyển các vị trí này luôn cần những bạn có nền tảng về xây dựng thương hiệu. Nền tảng kiến thức về thương hiệu tốt sẽ giúp làm Marketing tốt.
Các bạn nên tự xây dựng thương hiệu cá nhân của mình thật tốt, để từ đó đáp ứng được các yêu cầu trong mô tả công việc. Ngoài ra có các công ty tuyển dụng Brand Marketing nhưng không yêu cầu nhiều về mặt doanh số như FMCG. Đây cũng là hướng các bạn có thể suy nghĩ để phát triển sự nghiệp của mình.
Liệu có nên ứng tuyển vào các công ty lớn để có cơ hội cọ sát với nghề nhiều hơn?
Điều này không sai nhưng không phải là toàn cảnh của bức tranh. Các thương hiệu lớn, các công ty lớn có khả năng xây dựng thương hiệu và họ sẽ làm các chiến dịch “bigboom” và đó là cơ hội để các bạn cọ sát và nâng cao tay nghề hơn. Tuy nhiên ở những công ty nhỏ hơn, thậm chí chưa có Branding, vẫn sẽ có cơ hội cho các bạn làm Brand. Các bạn có thể tìm các công việc liên quan đến truyền thông nhưng vẫn vận dụng các kỹ năng và tư duy về xây dựng thương hiệu để tự tạo ra định vị thương hiệu tốt hoàn hảo với công ty rồi dùng làm cơ sở áp dụng vào công việc mà công ty đang yêu cầu.
Bên cạnh đó, các bạn có thể cân nhắc làm Brand cho nhiều thương hiệu khác nhau bằng cách đầu quân vào Agency chẳng hạn tại các vị trí như Account, hay Strategic Planner để đồng hành với nhiều chiến dịch và nhãn hàng hơn.
Xem thêm: Giải mã về nghề Account là gì, kỹ năng cần thiết để trở thành Account chuyên nghiệp
Giữa quá nhiều ngã rẽ nghề nghiệp như vậy, anh có lời khuyên nào cho các bạn về cách lựa thế nào cho hợp lý?
Để có thể bắt đầu lựa chọn, anh nghĩ người làm Brand nên chọn từ sản phẩm, thương hiệu và ngành hàng. Vì một người làm thương hiệu cần phải tin và biết cái sản phẩm tốt và hay như thế nào để từ đó mình muốn giới thiệu đến nhiều người hơn. Nếu làm thương hiệu mà không biết sản phẩm tốt đẹp ở đâu và giúp ích gì cho người ta thì mình không thể nào thuyết phục mọi người sử dụng thương hiệu.
Vậy với bản thân anh, anh đã tiếp cận nghề này như thế nào và mất bao lâu để thăng tiến đến vị trí hiện tại?
Nói một xíu câu chuyện đời anh ha, anh là Cử nhân Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Như bao bạn bè muốn làm Brand, sau khi tốt nghiệp anh đi thi Management Trainee (MT) nhưng anh rớt. Điều này không khó hiểu bởi vì anh không có chuyên môn và không đầu tư từ sớm như các bạn khác.
Anh quyết định làm vị trí Account cho một Agency chuyên về quảng cáo và truyền thông tích hợp. Anh không thi Management Trainee nữa mà đi theo con đường Account. Sau 2 năm làm với nhiều nhãn hàng khác nhau, anh thấy thích làm về giáo dục và đồng hành cùng Brand làm về giáo dục và thăng tiến lên vị trí Brand Manager cho một ứng dụng phát âm tiếng anh có trí tuệ nhân tạo. Sau đó anh làm quản lý thương hiệu cho Việc Làm 24h cho đến hiện nay.
Con đường của anh khoảng đâu đó 5 năm từ Fresher cho đến vị trí Manager hiện tại. Anh nghĩ là sẽ không ai giống anh mà anh sẽ không giống ai. Câu chuyện này quan trọng ở chỗ mình cần biết mình thích gì và mình làm được gì, rồi bằng nhiều cách tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng, làm bén khả năng của mình và nâng được giá trị bản thân, sẽ có nhiều người muốn mời mình về làm việc.
Xem thêm: Manager là gì? Bật mí các kỹ năng cần có để thành Manager chuyên nghiệp
Muốn thành công với nghề Brand, phải làm sao?
Theo anh các bạn làm Brand nên nắm vững kỹ năng nào nhất?
Nếu mà nói về kỹ năng của người làm brand thì có 2 bộ, một bộ là kỹ năng chuyên môn (hard skill) và kỹ năng mềm (soft skill).
Đối với kỹ năng chuyên môn, người làm Brand cần Logical Thinking để nắm định vị thương hiệu chắc chắn và xây dựng các chiến lược, còn Creative Thinking là nghĩ ra được những ý tưởng phù hợp cho thương hiệu để tìm kiếm những cộng sự có thể giúp mình hiện thực hóa ý tưởng.
Kỹ năng thứ 3 là xử lý số liệu (Data Analyst). Những bạn làm ở FMCG hoặc các công ty đa quốc gia cần xử lý về doanh số bán hàng liên quan đến thương hiệu, do vậy làm Brand nên có khả năng và tư duy xử lý số liệu. Những kỹ năng mềm khác cần như kỹ năng quản trị dự án, và kỹ năng quản lý vấn đề phức hợp. Đây là kỹ năng rất quan trọng mà Diễn đàn kinh tế thế giới nhấn mạnh rất cần đến trong giai đoạn 2025 cho người đi làm vì các vấn đề hiện nay không đơn giản nữa mà bao gồm nhiều vấn đề tích hợp và liên đới với nhau.
Xem thêm: 12 kỹ năng Brand Marketing quan trọng của người làm Brand chuyên nghiệp
Theo anh, những bạn làm Brand nên có cần sáng tạo ý tưởng thật sắc bén và khả năng viết tốt giống như những bạn Creative không?
Đúng nhưng không hoàn toàn đủ vì thật ra ý tưởng của nhiều chiến dịch hiện nay đến từ các bạn Creative. Tuy nhiên còn tùy vào từ nhu cầu cụ thể và khả năng của bạn làm Brand. Khi đọc phần mô tả công việc, bạn cần xác định được công ty cần người thiên về Logical Thinking hay Creative Thinking hơn để từ đó xác định điểm mạnh và phù hợp nhất của mình
Nếu bạn cân bằng được não trái và não phải thì quá tuyệt vời rồi. Tuy nhiên nếu được chọn anh sẽ ưu tiên bạn có Logical Thinking hơn vì khi làm Brand, mình là người cần nắm thương hiệu rất vững về định vị và điều gì mình cần làm cho thương hiệu. Nếu không thể sáng tạo thì có thể liên hệ các bạn có chuyên môn sáng tạo hoặc Agency để được hỗ trợ, nhưng quan trọng là bạn cần phải nắm vững nền tảng thương hiệu và biết mình phải làm gì.
Ngoài các kỹ năng, theo anh người làm Brand cần phải trang bị tư duy như thế nào để cho ra các chiến dịch thật hay?
Theo anh có 3 tư duy. Thứ nhất mình cần phải tâm huyết với sản phẩm, thương hiệu và nhãn hàng của mình. Thứ hai, mình cần có tư duy Customer Centric và cái thứ ba là Solution Oriented. Customer Centric là luôn đặt trọng tâm về phía người dùng để luôn thức thời với những cái chuyển biến về mặt tâm lý nhu cầu của họ để làm thương hiệu tốt hơn. Còn Solution Oriented là tư duy khi một sản phẩm hay thương hiệu được làm ra phải giải quyết được vấn đề cụ thể của người dùng. Luôn tư duy đi tìm giải pháp cho các vấn đề để đi theo nhu cầu của người dùng, đi theo sự phát triển của họ và sự phát triển xã hội.
Theo anh làm Brand có cần hướng ngoại không?
Anh là một người hướng nội và anh hiện vẫn đang làm Brand. Anh đã từng đọc được một bài đăng khá hay mà anh quên mất người viết là ai.
Xem thêm: Điểm nổi bật của người hướng ngoại là gì? Phù hợp với công việc nào?
Cám ơn anh đã chia sẻ với chương trình.
Nghề Brand Marketing mang đến nhiều cơ hội thăng tiến và tăng thu nhập hấp dẫn cho các bạn trẻ. Hy vọng những chia sẻ từ anh Huy Trần đã giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn về nghề, lựa chọn cho mình những vị trí công việc phù hợp trong tương lai. Chúc bạn sẽ luôn vững lòng vững tin với những lựa chọn của mình.