Khi tìm việc, lương cao, chế độ phúc lợi hấp dẫn, công việc phù hợp, có cơ hội phát triển sự nghiệp và bản thân dường như trở thành tiêu chí cho một “công việc đáng mơ ước”. Vậy còn văn hóa doanh nghiệp? Nếu nhận được lời đề nghị nhận việc của một công ty có nền văn hóa tiêu cực, liệu bạn có nhanh chóng gật đầu đồng ý? Nếu không, bạn đã biết cách từ chối công ty sao cho phù hợp chưa? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tham khảo các cách từ chối khéo léo trong bài viết bên dưới nhé!
Các lý do cho thấy bạn nên từ chối nhận việc
Thái độ và phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng
Trong cuộc phỏng vấn, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn cư xử sao cho lịch sự, chuyên nghiệp nhất, vì vậy, khi tham gia phỏng vấn với một công ty mà người phỏng vấn-bộ mặt của công ty, không nhã nhặn hay vụng về, đây là lúc bạn cần cẩn trọng. Có thể nói, dường như những hành động, cách ứng xử, làm việc của nhà tuyển dụng trong suốt quá trình tuyển dụng, đặc biệt là khi phỏng vấn, sẽ phản ánh cách mà họ “đối nhân xử thế” đối với nhân viên của mình.
Xem thêm: Công ty gia đình là gì? Vì sao nhiều nhân viên ám ảnh với công ty gia đình?
Môi trường làm việc quá ảm đạm
Dạo một vòng quanh nơi làm việc, nhân viên ở đây có đang hào hứng với công việc hay không? Họ có thỉnh thoảng vui vẻ chia sẻ vài câu chuyện nhỏ cùng đồng nghiệp hay không? Bầu không khí im ắng rất tốt để tập trung làm việc, nhưng im ắng gắn liền với ảm đạm thì thật sự đáng sợ! Hãy thử nghĩ xem nếu bạn được nhận việc, liệu môi trường làm việc nhàm chán này sẽ phù hợp với bạn chứ?
Công ty mắc phải tai tiếng
Tìm hiểu doanh nghiệp là điều mà bất cứ ai cũng thường làm trước khi ứng tuyển, vì vậy trong lúc đó, hãy tranh thủ dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về những tai tiếng, vấn đề mà công ty đã, đang mắc phải. Bởi lẽ, tin đồn không tự nhiên xuất hiện nếu như doanh nghiệp không thật sự gây ra bất cứ điều gì. Tuy nhiên, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, sẽ tốt hơn nếu như bạn có thể trực tiếp hỏi thăm “người của công ty” và xác nhận thông tin thật kĩ càng.
Tỉ lệ nhân viên trung thành thấp
Nếu công ty mà bạn đang muốn ứng tuyển không phải là một doanh nghiệp start-up mà tỉ lệ nhân viên mới nhiều hơn nhân viên lâu năm, cũng như công ty thường xuyên phải tuyển thêm người mới chỉ để thay thế người cũ thì tình trạng này thật sự đáng báo động. Rất ít nhân viên nào muốn từ bỏ một nơi làm việc hay công việc tuyệt vời chỉ để tìm kiếm cho mình “một lối thoát” đúng không nào?
Xem thêm: Cẩm nang sinh tồn chốn công sở từ A-Z giúp bạn thoát khỏi vòng vây drama!
Bảng mô tả công việc không rõ ràng
Bảng mô tả công việc có vai trò như căn cứ cho những trách nhiệm mà bạn sẽ gánh vác trong tương lai, do đó, chúng tuyệt đối không được mơ hồ. Bởi lẽ, nếu công ty không trình bày rõ ràng bạn phải làm gì, quyền lợi của bạn,…có khả năng bạn sẽ phải đối mặt với hàng loạt điều phiền toái nếu đảm nhiệm vị trí đó như làm những việc mà bạn không có bổn phận, lương bổng, quyền lợi không đúng như thỏa thuận,…
Xem thêm: Bản mô tả công việc là gì? Bí kíp xây dựng bản mô tả công việc hiệu quả
Từ chối công ty ra sao?
Bước 1: Bày tỏ sự cảm kích của bạn dành cho nhà tuyển dụng
Lời cảm ơn là điều trước hết bạn phải làm. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng là người đã dành rất nhiều thời gian để đọc thư xin việc, kiểm tra xu hướng sử dụng mạng xã hội của bạn và đặc biệt là ngồi đối diện để phỏng vấn, tìm hiểu về bạn kĩ càng hơn. Đừng quên bày tỏ tâm trạng phấn khởi, hào hứng của bạn khi tìm được công việc này và nhận được lời mời phỏng vấn.
Bước 2: Đưa ra lời từ chối công ty một cách khéo léo
Khi nói lời từ chối, để tránh làm “tổn thương” nhà tuyển dụng vì đã dành nhiều sự ưu ái cho bạn cũng như “bảo toàn” cho mối quan hệ của mình về sau, bạn không cần phải đề cập thẳng thắn lí do khiến bạn quyết định từ chối công việc. Dù gì bạn cũng đã “từng” cảm thấy đây là công việc phù hợp với mình nên mới ứng tuyển, do đó, hãy hồi tưởng về khoảnh khắc phấn chấn khi tìm được việc như mong muốn và thuật lại cho nhà tuyển dụng nghe bằng “những lời có cánh”, sau đó khéo léo dẫn dắt đến lí do bạn muốn từ chối.
Xem thêm: Tiết lộ 6 mẫu thư từ chối ứng viên khéo léo mà nhà tuyển dụng nên biết
Bước 3: Luôn giữ liên lạc nếu có thể sau khi từ chối công ty
Thế giới này nhỏ lắm, đặc biệt là mạng lưới các công ty cùng ngành. Do đó, hãy luôn cư xử lịch sự và giữ mối quan hệ ngay cả khi bạn không là người của công ty. Ngoài ra, hãy thể hiện rằng bạn rất mong được tiếp tục gặp gỡ và hợp tác với họ trong tương lai.
Hi vọng rằng những chia sẻ trên mà Việc Làm 24h gợi ý sẽ thực sự giúp ích cho các bạn biết thêm về cách từ chối công ty khéo léo, lịch sự không làm mất lòng nhà tuyển dụng nhé!
Xem thêm: Tổng hợp 25+ cây để bàn làm việc theo từng mệnh trong ngũ hành