Trong môi trường làm việc, nỗ lực thể hiện khả năng của mình và tìm cách để trở nên nổi bật trước mặt sếp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có một vấn đề gây tranh cãi là có nên nịnh sếp hay không? Việc nịnh sếp có thực sự mang lại những kết quả tích cực hay chỉ là một hành động “múa miệng lấy lòng” thiếu chân thành đối với cấp trên? Trong bài viết này, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h bàn luận khách quan về chủ đề nịnh sếp và cách nịnh sếp chuẩn mang lại hiệu quả bất ngờ.
Cấp trên có thích cấp dưới khéo nịnh?
Khi nhắc đến nịnh sếp, nhiều người thường có suy nghĩ không mấy thiện cảm và cho rằng đây là hành vi nịnh bợ. Điều này cũng dễ hiểu khi một vài người không quá tài giỏi về năng lực làm việc nhưng lại có nghệ thuật giao tiếp thượng thừa, tài ăn nói khéo léo vẫn sống sót dễ dàng tại công ty. Điều này khiến tuýp người âm thầm và nghiêm túc làm việc để chứng tỏ năng lực bản thân cảm thấy bất công. Vậy theo bạn, kiểu người nào sẽ được cấp trên trọng dụng?
Đặt lên bàn cân giữa một nhân viên vui vẻ láu táu, thích làm hài lòng cấp trên với một người có năng lực nhưng nói ít làm nhiều, chúng ta dễ dàng nhận ra 2 kiểu người này đều mang lại lợi ích nhất định cho các nhà lãnh đạo.
Ai mà chẳng thích nghe lời êm tai, khen ngợi, tuy nhiên điều này chỉ nên là yếu tố bổ sung thêm cho năng lực và giá trị bản thân. Miễn sao đừng biến tướng việc nịnh sếp thành ba hoa nịnh hót để trục lợi cá nhân, điều này vừa gây ảnh hưởng đến tự tôn cá nhân cũng như hình ảnh của bạn trong mắt người khác. Đặc biệt, những “kẻ nịnh thần” từ xưa đến nay đa số đều không có kết cục tốt đẹp.
Xem thêm: 5 cách tuyệt vời giúp bạn nhanh chóng tạo ấn tượng với sếp mới
Nịnh sếp khéo léo cũng là một kỹ năng cần thiết nơi công sở
1. Cân bằng năng lực chuyên môn và việc nịnh sếp
Giữa những lời hoa mỹ, muốn lãnh đạo hài lòng thì trước hết, điều cốt lõi nằm ở năng lực làm việc. Tuy nhiên, làm hài lòng sếp cũng là một năng lực, nhiều cấp trên thường giao trọng trách cho các nhân viên được việc và thích giao tiếp với cấp dưới biết lựa lời mà nói.
Nếu biết cách dung hòa và cân bằng được 2 kiểu này trong công việc, chắc hẳn bạn sẽ là người vừa được cấp trên ưu ái vừa được đồng nghiệp ngưỡng mộ. Song hành với việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, làm tốt công việc phân công, bạn nên bồi dưỡng EQ, rèn cho mình cách ứng xử khéo léo, tinh tế để đi được đường dài.
2. Thay vì nịnh thô hãy nịnh tinh tế
Để làm sếp thì kinh nghiệm của họ cũng đủ thông minh để nhận ra bạn có nịnh hay không, có chăng là sếp có thích được nịnh hay không. Sếp đóng vai trò quyền lực nhất công ty, bất kì nhân viên nào cũng mong được để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cấp trên. Tuy nhiên, mật ngọt chết ruồi, chẳng ai thích những lời xu nịnh quá đỗi ngọt ngào.
Nịnh sếp theo kiểu thảo mai, lẻo mép, tâng bốc, bợ đỡ, đặc biệt là bất chấp mọi hoàn cảnh và thay đổi bản thân để chạy theo sở thích của sếp sẽ khiến bạn trở thành kiểu “nịnh thần” mà ai cũng ngán ngẩm. Do đó, nên khéo léo nịnh sếp đúng lúc và đúng nơi, chẳng hạn như tặng quà nhân dịp sinh nhật Nhưng chính điều này giúp thể hiện thành ý một cách tinh tế và kéo gần quan hệ bằng những hành động nhỏ vượt ngoài mong đợi.
Xem thêm: 5 đặc điểm sếp tốt khiến nhân viên tận tâm, cống hiến hết mình cho công việc
3. Thuộc lòng tính cách của sếp
Khả năng nhạy bén trong việc đánh giá lãnh đạo và khéo léo hành động, tương tác với sếp là một kỹ năng nịnh sếp không thể bỏ qua. Nếu đúng thời điểm cần đến năng lực chuyên môn, với óc bao quát, sự nhanh nhẹn, đảm đang,… sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt trước mặt sếp. Bên cạnh đó, khi cần thiết, hãy pha trộn sự hài hước vào tình huống phù hợp. Chính sự khéo léo này giúp việc nịnh sếp trở thành một hành động đẹp và mang ý nghĩa tích cực trong môi trường công sở.
4. Phát huy khả năng giao tiếp, lấy chân thành làm gốc
Điều quan trọng nhất trong các mối quan hệ là sự chân thành. Nịnh sếp bất chấp với những câu cửa miệng khen phóng đại khiến bạn để lại ấn tượng là kiểu người “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”. Bất kỳ đồng nghiệp nào cũng không muốn dính líu hoặc có mối quan hệ. Bên cạnh đó, những lời xu nịnh lẻo mép chỉ là cái kim trong bọc sớm muộn cũng có ngày lòi ra. Việc xu nịnh không thể phát huy tác dụng mãi, do đó lấy chân thành làm trung tâm, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, bao gồm cả sếp.
Năng lực giao tiếp là loại kỹ năng mà bất kì nhân viên nào cũng cần phải có và người ưa nịnh thường là người có năng lực xã giao đáng khâm phục. Bạn có thể áp dụng cách ứng xử khéo léo, linh hoạt và tinh tế để làm đẹp lòng sếp cũng như gắn kết nhiều mối quan hệ xã giao tốt đẹp trong công việc. Một nhân viên vừa hoàn thành tính chất công việc vừa quảng giao với mọi người xung quanh sẽ giúp bạn được lòng sếp cũng như mọi người trong công ty.
Nịnh sếp bằng lời khen, nên và không nên làm gì?
Thay vì luôn miệng khen chung chung, sáo rỗng như “Anh/chị mặc đẹp quá!”, “Sếp giỏi quá!” vừa thiếu chân thành vừa giả tạo. Bạn nên trao lời khen cụ thể để không trở nên thảo mai, chẳng hạn như “Đôi khuyên tai chị mang hôm nay hợp với bộ váy quá!”. Bên cạnh đó, mật độ lời khen cấp trên dày đặc sẽ khiến việc nịnh sếp trở thành một ca tấn công lộ liễu và thiếu chuyên nghiệp. Bạn nên chọn lựa thời điểm khen ngợi và tần số vừa phải sẽ khiến cấp trên cảm nhận được thành ý. Lưu ý rằng đừng biến mình thành cỗ máy nói lời hoa mỹ, hãy dành thời gian chứng minh năng lực và cống hiến hết mình cho sự phát triển của công ty.
Kết luận
Thay vì nịnh bợ, hãy tập trung nịnh sếp tinh tế bằng cách phát triển kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ và cống hiến hết mình trong công việc. Điều quan trọng là sự chân thành thể hiện trong quá trình làm việc mà không phục thuộc vào việc nịnh sếp. Hy vọng bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã mang đến cái nhìn đa chiều về nịnh sếp một cách tinh tế trong môi trường công sở hiện nay. Đừng quên theo dõi các bài viết được cập nhật mới nhất của Việc Làm 24h để tìm hiểu những chủ đề hữu ích cần thiết khác nhé!
Xem thêm: 5 cách giúp bạn nhanh chóng phát triển mối quan hệ với sếp chốn công sở