Một số hoạt động đơn giản như tập thể dục, nấu ăn hoặc nghe nhạc có thể giúp bạn “sản xuất” hormone hạnh phúc. Có thể bạn từng nghe qua về sự quan trọng của serotonin hay endorphin để tạo cảm xúc tích cực. Vậy chính xác hormone hạnh phúc là gì? Có bao nhiêu loại hormone hạnh phúc? Làm thế nào tạo ra các hormone hạnh phúc? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu.
Hormone hạnh phúc là gì?
Hormone hạnh phúc là một nhóm các chất hoá học tồn tại trong cơ thể con người. Các loại hormone hạnh phúc giúp tạo ra cảm giác hạnh phúc, sự thỏa mãn và “boost” tinh thần trở nên tích cực hơn.
Có nhiều loại hormone hạnh phúc quan trọng, bao gồm: serotonin, endorphin, oxytocin và dopamin. Tuy nhiên, hormone hạnh phúc không đơn thuần là những chất hoá học đơn giản. Trên thực tế, các loại hormone là một mạng lưới phức tạp, được cấu thành từ sự tương tác và cân bằng trong cơ thể. Để tạo ra các hormone hạnh phúc, bạn phải cần bằng các yếu tố như chế độ ăn uống, giấc ngủ, hoạt động thể chất, tình trạng tâm lý.
Có thể nói, việc hiểu rõ hormone hạnh phúc là tiền đề để bạn cải thiện sức khỏe, trạng thái tinh thần tích cực, lạc quan. Nhờ đó, bạn có thể làm việc và học tập năng suất, hiệu quả hơn.
4 loại hormone hạnh phúc phổ biến
1. Dopamine – hormone hạnh phúc được biết phổ biến
Dopamine là một hormone tự nhiên, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh mức độ hưng phấn, sự vui vẻ và tạo động lực. Loại hormone này mang lại sự hứng thú, động lực chinh phục mục tiêu. Dopamine tác động đến hệ thần kinh, quá trình học hỏi, sự chú ý và kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, Dopamine cũng có mối quan hệ chặt chẽ đến cảm giác hài lòng, sự thỏa mãn. Khi tạo ra loại hormone này, bạn sẽ sống trong cảm giác đạt được thành công, tận hưởng những trải nghiệm tích cực.
Tình trạng thiếu hụt dopamine
Sự thiếu hụt dopamine có liên quan đến những bệnh lý như Parkinson, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và một số chế độ ăn kiêng không cấp đủ protein. Bên cạnh đó, mức độ dopamine thấp còn ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, sự cảm nhận của bạn đối với cuộc sống.
Một số ảnh hưởng khi dopamine trong cơ thể của bạn thấp:
- Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ, tư duy, ghi nhớ mọi thứ. Đây còn được gọi là tình trạng sương mù não.
- Luôn cảm thấy uể oải, buồn bã.
- Thiếu động lực và hứng thú làm việc, chinh phục mục tiêu.
- Khó tập trung, làm việc kém hiệu suất.
Xem thêm: Imposter syndrome là gì? Vì sao tôi luôn cảm thấy mình không xứng đáng?
2. Serotonin
Serotonin là một hormone và neurotransmitter xuất hiện trong hệ thần kinh, ruột non. Hormone này có vai trò quan trọng trong quá trình tuyền thông tin giữa các tế bào thần kinh. Serotonin còn được gọi với tên gọi khác là “hormone vui vẻ”.
Serotonin liên quan mật thiết đến tâm lý tích cực, tạo ra cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn và giảm căng thẳng. Đồng thời, đây cũng là chất điều chỉnh giấc ngủ, sự thèm ăn và tâm trạng. Mức độ thiếu hụt serotonin có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Ngoài ra, dù là chất hoá học trong não, nhưng hầu hết serotonin được sản xuất trong ruột non.
Tình trạng thiếu hụt serotonin
Sự thiếu hụt serotonin có thể xảy ra khi bạn cảm thấy áp lực, căng thẳng. Lúc này, cơ thể của bạn sẽ không đủ tryptophan và các chất dinh dưỡng khác, cụ thể là vitamin D. Tryptophan là một axit amin giúp thúc đẩy sự tăng trưởng. Đồng thời, đây cũng là “thần dược” tuyệt vời để sản xuất serotonin.
Serotonin thấp còn làm cơ thể bạn mệt mỏi, gây ra những lo ngại về sức khỏe tinh thần, thể chất.
Một số ảnh hưởng do sự thiếu hụt serotonin gây ra là:
- Tăng cảm giác chán nản, lo lắng.
- Đi tiêu không đều.
- Ít năng lượng và cảm giác mệt mỏi.
- Thay đổi tâm trạng, giảm khả năng tự kiểm soát.
Xem thêm: Thực hành kỹ thuật Worry Time để giúp bạn giảm stress, tăng hiệu quả công việc
3. Oxytocin
Oxytocin được biết đến với tên gọi là “hormone tình yêu” hoặc “hormone gắn kết xã hội”. Loại hormone có tác dụng tạo ra cảm giác yêu thương, sự gắn kết và tin tưởng trong các mối quan hệ.
Oxytocin được sản xuất tại tuyến yên và não, có vai trò quan trọng trong quá trình kích thích cảm xúc yêu thương hoặc các cử chỉ gần gũi, âu yếm. Tình yêu mẹ dành cho con hoặc tình cảm lứa đôi cũng được kích thích bởi hormone oxytocin. Bên cạnh đó, oxytocin cũng có thể làm giảm căng thẳng.
Tình trạng thiếu hụt oxytocin
Thiếu hụt oxytocin xảy ra khi lượng oxytocin trong cơ thể giảm xuống mức báo động. Oxytocin là một hormone tự nhiên, được sản sinh ra tại não bộ và tuyến yên. Mức Oxytocin thấp có thể khiến bạn bị mất kết nối xã hội, giảm khả năng gắn kết với các mối quan hệ xung quanh.
Một số dấu hiệu khi thiếu hụt oxytocin bao gồm:
- Gặp khó khăn trong việc thiết lập, duy trì các mối quan hệ xã hội.
- Cảm thấy xa lạ hoặc không thoải mái trong các tình huống giao tiếp.
- Thiếu tự tin và cảm giác an toàn.
- Giảm khả năng tận hưởng và tạo ra một mối quan hệ gắn kết sâu sắc hơn.
- Tăng cảm giác cô đơn, lo lắng, gây ra sự bất an, thiếu ổn định trong tâm trạng.
- Giảm khả năng xử lý stress, gây ra sự căng thẳng, khó khăn trong việc thích nghi với các tình huống mới.
4. Endorphin
Endorphin là hormone tự nhiên được tạo ra trong cơ thể khi chúng ta trải qua cảm giác đau đớn, căng thẳng hoặc hoạt động thể chất. Chức năng chính của endorphin là làm giảm đau, tạo ra cảm giác phấn khích và hưng phấn.
Endorphin sẽ tương tác với các thụ thể opioid trong hệ thần kinh, tạo ra cảm giác thoải mái và an ủi một cách tự nhiên. Đây là lý do vì sao khi chạy bộ, tập thể dục hoặc thư giãn massage, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, sảng khoái.
Tình trạng thiếu hụt endorphin
Đau đớn và căng thẳng kéo dài chắn hẳn là điều không ai mong muốn. Endorphin là loại hormone làm bạn cảm thấy dễ chịu, giảm bớt sự tác động của nỗi đau lên cơ thể. Vì vậy, nếu endorphin thấp, cơ thể của bạn sẽ phải vật lộn để đối phó với những trạng thái tiêu cực.
Một số ảnh hưởng do thiếu hụt endorphin bao gồm:
- Căng thẳng mãn tính, mệt mỏi kéo dài thường xuyên.
- Khó ngủ.
- Cáu kỉnh, thường xuyên xuất hiện tâm trạng tồi tệ và lo lắng.
Xem thêm: 3 yếu tố hình thành tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn
Làm thế nào cải thiện hormone hạnh phúc của bạn?
Việc Làm 24h sẽ tiếp tục chia sẻ đến bạn những cách tạo ra hormone hạnh phúc bằng các thói quen cực kỳ đơn giản sau đây.
1. Hình thành thói quen tập thể dục
Bạn đã từng nghe đến cảm giác hưng phấn khi chạy bộ chưa? Đây là một trạng thái tích cực mà bạn có thể cảm nhận được khi tập thể dục. Lúc vận động, cơ thể bạn sẽ tiết ra endorphin. Không chỉ cải thiện thể chất, rèn luyện thể dục, thể thao còn nâng cao sức khỏe tinh thần của bạn.
Xem thêm: Bật mí 4 cách ngồi thiền đúng tư thế để luôn khỏe đẹp hơn mỗi ngày!
2. Luôn mỉm cười để sản sinh hormone hạnh phúc
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nụ cười mang lại giá trị và sức mạnh to lớn hơn bạn nghĩ. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc mỉm cười có thể giúp bạn giảm căng thẳng và sản xuất ra serotonin. Không những thế, nụ cười còn giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng khả năng tập trung.
Vì vậy, bạn hãy dành thời gian để xem phim, nghe hoặc đọc những câu chuyện hài hước. Nếu được, bạn cũng nên dành thời gian trò chuyện với những người thân yêu, bạn bè để tạo ra tiếng cười cho cả mình và người xung quanh nhé!
3. Dành thời gian thiền định
Chánh niệm và thiền định là yếu tố giúp bạn sống chậm lại, nhận thức rõ ràng hơn về cơ thể cũng như sức khỏe của mình. Không những thế, đây cũng là cách hữu ích giúp bạn tăng dopamine. Vì khi ngồi thiền, bạn cần sự tập trung và lắng nghe từng nhịp thở. Thực hiện thiền định, chánh niệm vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy hoặc trước lúc đi ngủ chính là thói quen lành mạnh giúp bạn tái tạo những hormone hạnh phúc.
Xem thêm: Meditation là gì? Giũ sạch muộn phiền, căng thẳng khi thiền định đúng cách
4. Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Có rất nhiều loại thực phẩm giúp bạn cải thiện tâm trạng, kích thích sản xuất hormone hạnh phúc và khả năng tập trung. Trong đó, chocolate đen là thực phẩm tuyệt vời giúp bạn sản sinh ra nhiều loại hormone hạnh phúc. Vì chocolate đen có chứa tyramine, một loại axit amin có khả năng tạo ra dopamine.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm khác như sữa chua, trứng và hạnh nhân cũng giúp bạn giải phóng dopamine hiệu quả. Bạn cũng có thể bổ sung các thực phẩm chứa hàm lượng tryptophan cao làm tăng mức serotonin như yến mạch, đậu phộng hoặc cá ngừ. Chế độ ăn uống của bạn không nhất thiết phải xoay quanh những thực phẩm này. Tuy nhiên, việc kết hợp chúng với bữa ăn chính sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Xem thêm: Thực đơn giảm cân nhanh gọn, dễ chuẩn bị dành cho dân văn phòng
5. Chơi với thú cưng giúp gia tăng hormone hạnh phúc
Có một sự thật thú vị là khi gần gũi, chơi đùa với thú cưng cũng sẽ giúp bạn sản sinh ra hormone hạnh phúc. Những hoạt động giải trí cùng chú chó, bé mèo có khả năng tạo ra serotonin và oxytocin. Đây là hai loại hormone liên quan đến tình yêu và các mối quan hệ xung quanh.
6. Ôm hoặc hôn người thân
Không chỉ là cách thể hiện tình yêu, sự bao dung, che chở và ham muốn, các hành động gần gũi, thân mật còn giúp bạn sản sinh ra hormone hạnh phúc. Chúng ta thường thực hiện những hành động này với người mình yêu thương, giúp cơ thể sản xuất ra một số loại hormone khác nhau, như endorphin, dopamine và oxytocin.
7. Tắm nắng
Bên cạnh việc hấp thụ vitamin D từ nhiều loại cá, gan cá và lòng đỏ trứng, bạn cũng nên để cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tốt nhất, bạn cũng nên tắm nắng vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều (tránh khoảng thời gian từ 10:00 – 15:00). Đây là cách giúp da của bạn sản xuất vitamin D. Không chỉ giúp xương chắc khoẻ, xây dựng “hàng rào” hệ miễn dịch, vitamin D còn kích thích cơ thể tạo ra serotonin – loại hormone có khả năng làm giảm các triệu chứng liên quan đến trầm cảm.
Hạnh phúc luôn là “đích đến”, là khát vọng của mỗi người trong chúng ta. Việc Làm 24h hy vọng qua bài viết, bạn đã biết cách tạo ra niềm vui, năng lượng tích cực bằng việc sản xuất ra những hormone hạnh phúc. Chúc bạn luôn vui khoẻ và gặt hái thật nhiều thành công nhé!
Xem thêm: Vì sao bạn mãi kìm hãm bản thân trong những niềm tin giới hạn?