Thị trường lao động cạnh tranh gay gắt không chỉ đến từ vị trí ứng viên mà còn trở thành một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Để tối ưu quá trình tuyển dụng, việc đánh giá kỹ năng và năng lực ứng viên là vô cùng quan trọng. Aptitude Test và Cognitive Test là những bài test tuyển dụng được hàng loạt nhà tuyển dụng áp dụng hiện nay. Vậy Aptitude Test là gì? Cognitive Test là gì? Điều gì khiến Aptitude Test và Cognitive Test là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình tuyển dụng ứng viên? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá trong bài viết này nhé!
Aptitude Test là gì?
Aptitude Test là bài kiểm tra năng lực hoặc đánh giá tâm lý nhằm đo lường và đánh giá khả năng thiên bẩm của ứng viên trong việc thực hiện một công việc hoặc một nhiệm vụ cụ thể. Điểm đặc biệt của Aptitude Test là không tập trung vào kiến thức chuyên môn của ứng viên trong những chủ đề quen thuộc, mà tập trung vào các kỹ năng vốn có và khả năng áp dụng chúng vào các tình huống bất ngờ.
Aptitude Test được sử dụng rộng rãi trong quá trình tuyển dụng, đặc biệt là khi doanh nghiệp muốn tìm kiếm những ứng viên có tiềm năng phát triển và khả năng thích ứng tốt với vị trí công việc. Kết quả của bài kiểm tra này giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về khả năng và năng lực của ứng viên, từ đó đưa ra quyết định chính xác hơn khi lựa chọn người phù hợp cho các vị trí việc làm.
Cognitive Assessment, Cognitive Test là gì?
Cognitive Assessment (Đánh giá nhận thức) là quá trình đo lường và đánh giá các chức năng nhận thức của một cá nhân, bao gồm các khả năng như tư duy, ghi nhớ, trí thông minh, khả năng chú ý, học tập và xử lý thông tin. Mục tiêu của việc đánh giá nhận thức là cung cấp thông tin chi tiết về các khía cạnh nhận thức của cá nhân, từ đó giúp xác định trình độ nhận thức của họ và hỗ trợ trong việc chẩn đoán các vấn đề liên quan đến bệnh lý, chấn thương, hoặc hiệu suất nhận thức bị suy giảm.
Loại bài kiểm tra này nhằm xác định các điểm mạnh và hạn chế trong cách bộ não của bạn suy nghĩ, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng ghi nhớ thông tin,…
Điểm khác biệt giữa Cognitive Test và Aptitude Test là gì?
Aptitude Test và Cognitive Test là hai loại bài kiểm tra quan trọng trong quá trình đánh giá khả năng của cá nhân, nhưng chúng có một số điểm khác biệt mà bạn cần biết.
1. Mục đích sử dụng
- Aptitude Test: Xác định năng lực thiên bẩm và tiềm năng trong tương lai của cá nhân trong việc thực hiện một công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể.
- Cognitive Test: Đánh giá khả năng nhận thức và tư duy của cá nhân.
2. Phạm vi đánh giá
- Aptitude Test: Đánh giá năng lực chung của cá nhân, không yêu cầu kiến thức hoặc kỹ năng chuyên ngành. Bài test này đo lường khả năng thích ứng và thích nghi của người tham gia với các nhiệm vụ khác nhau.
- Cognitive Test: Đánh giá những khía cạnh cụ thể về nhận thức và tư duy của người tham gia, như trí thông minh, tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề,… Yêu cầu kiến thức và kỹ năng nhất định để giải quyết các bài kiểm tra này.
3. Tính công bằng
- Aptitude Test: Bài test được thiết kế công bằng cho tất cả ứng viên, không yêu cầu kỹ năng hoặc kiến thức chuyên ngành.
- Cognitive Test: Bài test này yêu cầu một số kiến thức cơ bản và kỹ năng tư duy nhất định.
4. Ứng dụng
- Aptitude Test: Thường được sử dụng trong quá trình tuyển dụng và định hướng nghề nghiệp để đánh giá tiềm năng và mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí công việc cụ thể.
- Cognitive Test: Được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm tuyển dụng, tuyển sinh, giáo dục, nghiên cứu và chẩn đoán bệnh trong lĩnh vực y tế.
Mặc dù có sự khác biệt, cả hai bài kiểm tra này đều đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và chọn lựa ứng viên phù hợp, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nhân sự hiệu quả và đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Các dạng phổ biến của Aptitude Test là gì?
Aptitude Test có tới hơn 10 dạng test khác nhau, phụ thuộc vào vị trí và lĩnh vực làm việc, nhưng có 5 dạng Aptitude Test phổ biến được nhiều doanh nghiệp sử dụng như sau:
1. Bài kiểm tra khả năng tính toán (Numerical Reasoning Test)
Numerical Reasoning Test là bài kiểm tra được sử dụng để đo lường và đánh giá khả năng đọc hiểu và sử dụng thông tin số liệu, tư duy tính toán và xử lý số liệu. Bài kiểm tra này thường bao gồm một loạt các câu hỏi kiểm tra liên quan đến toán học, số học như phép tính, tỷ lệ, tỉ lệ phần trăm, cơ số, đồ thị, biểu đồ, và các vấn đề liên quan đến tiền tệ,…
Phạm vi câu hỏi Numerical Reasoning Test được sử dụng cho nhiều cấp bậc khác nhau, từ các vị trí quản lý cấp cao (Senior Manager) cho đến vị trí dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, trong cả lĩnh vực quản lý, hành chính lẫn sales. Quá trình làm bài kiểm tra đòi hỏi người tham gia phải cẩn trọng, tập trung cao độ và sử dụng kỹ năng tính toán nhanh chóng, chính xác.
2. Bài kiểm tra khả năng tư duy ngôn ngữ (Verbal Reasoning Test)
Verbal Reasoning Test là bài kiểm tra khả năng tư duy ngôn ngữ dựa trên các kỹ năng đọc hiểu – tư duy – phân tích. Bài kiểm tra này được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.
- Vocabulary (Từ vựng): Phần thi đánh giá khả năng sử dụng từ vựng phong phú và chính xác trong các tình huống khác nhau.
- Grammar (Ngữ pháp): Phần này kiểm tra khả năng sử dụng ngữ pháp và hoàn thành các câu hỏi dang dở theo ngữ cảnh đưa ra.
- Comprehension (Đọc hiểu): Phần thi yêu cầu thí sinh đọc và hiểu nội dung trong một đoạn văn bản, từ đó trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung được đưa ra.
- Critical Reasoning (Suy luận): Phần thi đánh giá khả năng phân tích thông tin từ đoạn văn bản và đưa ra những suy luận đúng đắn. Khả năng suy luận và phân tích thông tin là một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định và giải quyết các vấn đề.
3. Bài kiểm tra biểu đồ (Diagrammatic Reasoning Test)
Diagrammatic Reasoning là bài kiểm tra khả năng tư duy trực quan, logic và kỹ năng giải quyết vấn đề của ứng viên dựa trên các biểu đồ, sơ đồ hoặc hình ảnh trừu tượng khác nhau. Ứng viên cần tìm ra mối quan hệ giữa các quy luật hoạt động và dựa vào những quy tắc đó để giải quyết các câu kiểm tra.
Các dạng câu hỏi trong Diagrammatic Reasoning Test có thể bao gồm việc điền vào ô trống, tìm điểm giống và khác nhau giữa các hình ảnh, dự đoán các sơ đồ hoặc biểu đồ tiếp theo dựa trên mẫu đã cho,… Bài test này thường được sử dụng trong các lĩnh vực yêu cầu khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
4. Bài kiểm tra khả năng xử lý tình huống (Situational Judgement Test)
Situational Judgement Test là bài kiểm tra khả năng đối diện và giải quyết các tình huống bất ngờ trong môi trường làm việc. Bài kiểm tra này tập trung vào khả năng đánh giá và lựa chọn các phương án xử lý tốt nhất dựa trên các tình huống có thể xảy ra trong công việc. Các tình huống có thể liên quan đến kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xây dựng mối quan hệ,…. Đối với các vị trí quản lý cấp cao hơn, các kỹ năng sẽ phức tạp và mang tính chiến lược hơn, như động lực để thúc đẩy đội nhóm, khả năng lập kế hoạch dài hạn và thực hiện chiến lược.
Bí kíp giúp ứng viên chinh phục Aptitude Test là gì?
Tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng
Bằng cách nắm bắt thông tin chính xác về yêu cầu của nhà tuyển dụng, bạn sẽ có lợi thế trong việc chuẩn bị và làm bài kiểm tra. Đầu tiên, hãy đọc kỹ thông tin công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng để hiểu rõ về vị trí công việc, từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cho đến những tính cách, phẩm chất cần thiết.
Thực hành các bài Aptitude Test
Hãy duy trì thói quen luyện tập Aptitude Test hàng ngày và chú trọng vào việc nắm vững kiến thức cơ bản của các bài kiểm tra này. Thực hành các bài Aptitude Test giúp bạn làm quen với các dạng câu hỏi và chủ đề khác nhau. Đồng thời, luyện tập thường xuyên giúp bạn nâng cao tốc độ và khả năng trả lời câu hỏi chính xác. Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với bài kiểm tra thực tế, vì đã quen với các tình huống và kỹ năng yêu cầu. Một số bài Aptitude Test mà bạn có thể tham như: SHL, Kenexa, Cubiks, Talent Q,…
Hiểu rõ dạng Aptitude Test
Hiểu rõ các dạng Aptitude Test giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho bài kiểm tra và nắm bắt những nội dung có thể xuất hiện. Bạn nên tìm hiểu cấu trúc câu hỏi và định dạng của từng loại bài test, đồng thời xem xét số lượng câu hỏi và thời gian dành cho từng phần.
Đọc kỹ hướng dẫn
Hướng dẫn được đưa ra cung cấp những thông tin chi tiết về cấu trúc bài kiểm tra, số lượng câu hỏi, thời gian làm bài và các quy định cụ thể. Nhờ đó, bạn có thể được hướng dẫn cụ thể về cách trả lời câu hỏi, quy tắc đánh dấu, hoặc lời khuyên để làm bài hiệu quả.
Trung thực và nhất quán trong các câu trả lời
Một số ứng viên cố gắng tìm kiếm câu trả lời đúng mà họ cho là nhà tuyển dụng mong muốn. Tuy nhiên, hầu hết các bài kiểm tra đề cao sự trung thực và tính nhất quán trong câu trả lời của ứng viên. Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu “bạn là ai”, do đó, hãy tự tin thể hiện những khía cạnh tích cực và nỗ lực cải thiện những mặt còn hạn chế. Điều này giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn toàn diện và đánh giá xem bạn có phù hợp với văn hóa công ty cũng như các yêu cầu công việc hay không..
Quản lý tốt thời gian
Bằng cách nắm rõ thời gian bắt đầu và kết thúc của mỗi phần, bạn có thể phân bổ chính xác và tránh trường hợp lãng phí thời gian. Bạn có thể hoàn thành những câu hỏi dễ trước để tiết kiệm thời gian. Nếu gặp phải câu hỏi khó, cần nhiều thời gian, hãy chuyển sang câu hỏi tiếp theo và quay lại câu hỏi đó sau khi đã hoàn thành các câu hỏi khác.
Xem thêm: Trở thành bậc thầy quản lý thời gian hiệu quả chỉ trong 3 bước
Kết luận
Hy vọng qua bài viết trên của Việc Làm 24h, Aptitude Test là gì và Cognitive Test là gì đã không còn là những câu hỏi khó. Trong kinh doanh, quá trình tuyển chọn nhân tài đã trở thành một trong những chìa khóa quan trọng đưa doanh nghiệp đi đến thành công bền vững.
Aptitude Test và Cognitive Test không chỉ là những bài kiểm tra ứng viên thông thường, mà còn là công cụ quan trọng giúp nhà tuyển dụng định hướng khả năng thăng tiến của những cá nhân xuất sắc. Chính vì vậy, ứng viên cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu thực hiện các bài test để đạt được kết quả tốt nhất.
Xem thêm: Tiết lộ cách viết giới thiệu bản thân ấn tượng thu hút nhà tuyển dụng