Bên cạnh làn sóng nhảy việc, thế giới công sở ngày nay không thiếu những Grumpy stayer – những kẻ mắc kẹt tại văn phòng. Họ vẫn đến làm việc hàng ngày, nhưng luôn phàn nàn, cáu bẳn về công việc hiện tại. Trong thâm tâm, họ muốn thoát khỏi nơi làm việc bức bối này, nhưng họ không dám. Người chị đồng nghiệp một ngày đòi nghỉ việc ba lần, nhưng suốt mấy năm nay vẫn ngồi yên một chỗ có thể là một Grumpy stayer điển hình.
Vậy Grumpy stayer là gì? Họ có ảnh hưởng thế nào đến môi trường làm việc? Và điều quan trọng là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng Grumpy stayer gia tăng trong công ty gây ảnh hưởng tiêu cực tới những đồng nghiệp khác? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc làm 24h tìm hiểu ngay!
Grumpy stayer là gì?
Grumpy stayer (những người ở lại cáu bẳn) là những người đang bị mắc kẹt trong công việc hiện tại, nhưng họ lại không thể rời đi vì khó (hoặc không thể) tìm thấy cơ hội việc làm tốt hơn. Thiếu tự tin, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm công việc mà mình không thích. Không tìm thấy hạnh phúc trong công việc, không có động lực để phát triển hơn nữa, Grumpy stayer luôn thể hiện thái độ bất đắc chí – cáu kỉnh, bất mãn.
Không chỉ vậy, Grumpy stayer luôn cảm thấy thất vọng và thường xuyên không hài lòng với thực tại. Họ biết rằng sẽ tốt hơn nếu nghỉ việc, tìm một công việc mới, nhưng họ không đủ khả năng cạnh tranh với những người ứng viên trẻ hơn, tài năng hơn.
Họ nghĩ, thôi thì công việc hiện tại có chán, nhưng vẫn ổn định. Họ làm việc ở công ty lâu rồi, cũng không sợ bị sa thải. Mà nếu đuổi thì nghỉ, đi làm hay ở nhà, với Grumpy stayer thì cũng chán như nhau. Do đó, một số người buông xuôi, không quan tâm tới công việc. Họ đến công ty chỉ để chấm công.
Mặc dù chán nản và luôn miệng than phiền về công ty, đồng nghiệp hay lương bổng, các Grumpy stayer lại không chủ động bỏ việc và tìm kiếm cơ hội mới. Họ chọn ở lại, nhưng không đóng góp giá trị gì cho tập thể. Họ giống như một kẻ ăn bám, mỗi ngày đều tỏa ra năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới tâm trạng đồng nghiệp và hiệu suất công việc.
Đặc điểm
Ai mà chẳng có lúc gặp khó khăn, cảm thấy chán nản, mất động lực trong công việc, nhưng không phải trường hợp nào cũng là Grumpy stayer. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo, giúp bạn nhận ra ai là người ở lại cáu bẳn bị mắc kẹt trong công ty.
Hay phàn nàn
Grumpy stayer có xu hướng liên tục phàn nàn về nhiều khía cạnh khác nhau trong công việc của họ. Ví dụ như tiền lương thì thấp mà việc thì nhiều, có cái báo cáo mà phải sửa liên tục, tác vụ này có lợi gì cho công ty đâu, vẽ rắn thêm chân chỉ tổ phí thời gian,… Ngoài ra họ cũng thường xuyên nói xấu đồng nghiệp, sếp, khách hàng hoặc môi trường làm việc. Họ cũng tỏ ra ghen ghét nếu thấy ai đó nỗ lực vì công việc, đề xuất ý tưởng mới hay được khen thưởng.
Grumpy stayer cũng thường xuyên vắng mặt không lý do, hoặc có đến công ty thì cũng không làm gì. Những người lao động kiểu này thường tỏ ra bất mãn với thực tại, nhưng họ lại không chủ động tìm kiếm giải pháp hay nỗ lực cải thiện tình hình.
Grumpy stayer thiếu sự gắn kết với tập thể
Grumpy stayer ít tham gia và thường thể hiện sự thờ ơ với các hoạt động kết nối tại công ty. Họ tỏ thái độ việc ai nấy làm, hết giờ làm thì tắt máy ra về. Họ không muốn góp ý hay hỗ trợ người khác và cũng không chấp nhận việc người khác góp ý cho công việc của mình. Họ cũng không tham gia các hoạt động gắn kết ngoài giờ làm việc như cà phê, teambuilding,…
Những người ở lại cáu bẳn có thể thấy mình thường xuyên vướng vào xung đột, bất đồng ý kiến với đồng nghiệp hoặc cấp trên. Tính cách cáu kỉnh và quan điểm tiêu cực của họ có thể dẫn đến các mối quan hệ căng thẳng, giảm sự hợp tác và gây ra một bầu không khí làm việc không lành mạnh.
Xem thêm: Maverick trong công sở: Ngôi sao toả sáng hay kẻ nổi loạn giữa tập thể?
Không chấp nhận thay đổi
Grumpy stayer có xu hướng chống lại hoặc từ chối sự thay đổi. Họ khó thích ứng thậm chí chống đối khi quy trình, công nghệ hoặc sáng kiến mới được thực thi. Họ góp phần tạo ra môi trường làm việc trì trệ và tiêu cực.
Không chỉ ngại thay đổi trong công việc, họ cũng rất ít quan tâm đến sự phát triển cá nhân hoặc các cơ hội nghề nghiệp mới. Grumpy stayer có thể tìm cách từ chối tiếp thu các kỹ năng mới, tham gia các chương trình đào tạo hoặc đảm nhận các nhiệm vụ thách thức. Chính thái độ này khiến trạng thái trì trệ và bất mãn của họ ngày một nghiêm trọng hơn.
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng Grumpy stayer?
Để giảm tình trạng Grumpy stayer tại nơi công sở, các nhà quản lý có thể áp dụng một số mẹo sau đây, nhằm tạo môi trường tích cực hơn nơi làm việc.
Giao tiếp cởi mở tại nơi làm việc với grumpy stayer
Cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng chán nản, cáu bẳn nơi làm việc là kỹ năng giao tiếp cởi mở và trung thực với nhau. Bạn có thể tạo một không gian an toàn để mọi người bày tỏ mối quan tâm và sự thất vọng của mình. Ngoài ra, hãy tích cực lắng nghe những lời phàn nàn và tìm cách hiểu những vấn đề tạo nên thái độ gắt gỏng.
Cung cấp sự hỗ trợ cần thiết
Bước đầu tiên để khắc phục vấn đề của những người ở lại cáu bẳn là đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn lực, công cụ để thực hiện công việc hiệu quả hay không. Hãy xem chúng ta có thể hỗ trợ họ như thế nào để cải thiện tình huống hiện tại. Ví dụ như công ty có thể đưa họ đi đào tạo bổ sung, điều chỉnh khối lượng công việc hoặc giải quyết các mối quan tâm cụ thể để giúp giảm bớt suy nghĩ cáu bẳn của họ.
Xây dựng môi trường làm việc tích cực cho grumpy stayer
Xây dựng một môi trường làm việc tích cực sẽ thúc đẩy nền văn hóa lành mạnh. Hãy ghi nhận và tôn vinh những thành tích của nhân viên, khuyến khích tinh thần đồng đội và hợp tác, đồng thời tích cực giải quyết mọi hành vi hoặc xung đột tiêu cực khiến mọi người khó chịu.
Bạn cũng cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng, khuyến khích nhân viên nỗ lực phát triển nghề nghiệp bằng những phần thưởng có giá trị như tăng lương, thưởng theo hiệu suất và thăng tiến.
Đặt kỳ vọng và mục tiêu rõ ràng
Công ty cũng nên xác định rõ ràng kỳ vọng và mục tiêu công việc với nhân viên. Đảm bảo mọi người hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và kỳ vọng về công việc của mình. Tốt nhất là thường xuyên trao đổi, phản hồi và đưa ra hướng dẫn mang tính xây dựng để giúp Grumpy stayer lấy lại sự tập trung và định hướng trong công việc.
Cân bằng công việc và cuộc sống
Để tránh tình trạng cáu bẳn, hãy khuyến khích mọi người xây dựng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khuyến khích họ nghỉ giải lao, sử dụng hết thời gian nghỉ phép theo luật định và tham gia vào các hoạt động nâng cao sức khỏe bên ngoài công việc.
Nếu khả thi, hãy cân nhắc tạo môi trường làm việc linh hoạt, bổ sung hình thức làm việc từ xa,… Bước này có thể giúp mọi người tìm thấy sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, từ đó cải thiện thái độ làm việc của mình.
Xem thêm: Thiên vị là gì? Cách đối phó khi trở thành nạn nhân của thiên vị công sở?
Tóm lại, Grumpy stayer không phải vấn đề xa lạ. Mọi tổ chức đều có ai đó thuộc nhóm những người ở lại cáu bẳn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện các hành động thích hợp để khắc phục vấn đề này và thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực và hòa nhập hơn.
Trong một số trường hợp, hãy khuyến khích những nhân sự không còn phù hợp rời đi. Hãy giúp họ tìm công việc phù hợp hơn hoặc có chính sách thưởng khi nghỉ việc như một lời tri ân sau những năm tháng họ đã cống hiến cho công ty. Cách làm này này có thể khiến những nhân viên không hài lòng có thêm động lực rời khỏi công ty. Bằng cách chủ động giải quyết tình trạng Grumpy stayer, các tổ chức có thể nâng cao năng suất, cải thiện sức khỏe của nhân viên và nuôi dưỡng văn hóa tích cực và hợp tác tại nơi làm việc.
Rất nhiều thông tin thú vị đã và đang được cập nhật mỗi ngày trên Việc Làm 24h. Theo dõi chúng tôi để trở thành một trong những người đón đọc bài viết mới nhất nhé!
Xem thêm: Hiệu ứng hào quang là gì, vì sao có thể tác động đến tâm lý con người?