Hiểu về Employee Attrition, đặc biệt là nguyên nhân gây ra sẽ giúp người làm nhân sự quản lý và lên chiến lược nhân sự hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Vậy Employee Attrition là gì, ý nghĩa ra sao? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hiểu hơn qua bài viết.
Employee Attrition là gì
Employee Attrition nghĩa là hao mòn lao động (hay hao mòn nhân sự) – đây là cụm từ mô tả việc giảm dần số lượng nhân viên theo cách có chủ ý (thường là nhân viên từ chức, nghỉ hưu, xin nghỉ việc) nhưng không được thay thế bởi người mới.
Trong nhiều trường hợp, hao mòn lao động còn được dùng tương đương với tỷ lệ nhảy việc, nhất là đối với những doanh nghiệp có nguồn nhân sự trẻ.
Tuy nhiên, nếu tỷ lệ nhảy việc đề cập tới cả bài toán về chất lượng tuyển dụng thì hao mòn lao động khiến người làm nhân sự phải băn khoăn về lý do nhân sự chủ động muốn rời đi:
- Họ không hài lòng với công việc?
- Họ thiếu môi trường phát triển?
- Họ không phát huy được năng lực?
- Văn hoá làm việc độc hại?
- Văn hoá quản lý kém chất lượng?
…
Bởi vậy, hao mòn lao động được xem là khái niệm vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng lao động. Khái niệm này giúp công ty đánh giá được tình trạng và có những chiến lược nhân sự phù hợp tiếp theo để phát triển trong tương lai.
Xem thêm: Làm thế nào để xây dựng văn hóa tương trợ trong doanh nghiệp?
Công thức đo lường Employee Attrition
Công thức tính chỉ số Employee Attrition như sau:
Tỷ lệ hao mòn nhân sự trong giai đoạn X (%) = (Số nhân viên nghỉ việc trong giai đoạn / số nhân viên ở đầu giai đoạn) *100
Tỷ lệ này có thể tính theo tháng, quý, hoặc năm tuỳ theo giai đoạn thị trường kinh tế nói chung và thị trường nhân sự nói riêng. Trong đó, cách phổ biến là tính theo tháng.
Employee Attrition khác gì với Employee Retention
Một chỉ số khác thường khiến nhiều người nhầm lẫn với Employee Attrition là chỉ số Employee Retention (tỷ lệ giữ chân nhân sự).
Hai chỉ số này đều giúp người làm nhân sự đánh giá tình trạng “sức khoẻ nhân lực” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai chỉ số này đo lường 2 khía cạnh hoàn toàn đối lập, cụ thể so sánh qua bảng sau:
Employee Attrition | Employee Retention | |
Ý nghĩa | Đo lường số lượng nhân sự đã thôi việc | Đo lường số lượng nhân sự ở lại |
Công thức tính | Có tính cả nhân viên mới vào ở thời điểm tính toán.Bắt buộc bao gồm lượng nhân viên nghỉ việc tự nguyện vì lý do khách quan (bệnh tật, nghỉ hưu, qua đời) | Không tính nhân viên mới ở thời điểm tính toánNhững nhân viên rời vị trí do lý do khách quan (bệnh tật, qua đời, nghỉ hưu…) có thể tính vào hoặc không tuỳ theo doanh nghiệp. |
Thời gian đo lường | Đánh giá về những vấn đề nổi cộm hiện tại và thường được đo lường theo tháng. | Chịu sự tác động lớn từ các thay đổi về chính sách nhân sự, chiến lược nhân sự. Do đó, chỉ số này cần được đo lương trong thời gian từ 1 năm đến 5 năm. |
Ý nghĩa của Employee Attrition trong quản trị nhân sự
Hao mòn nhân sự về bản chất vẫn là một sự suy giảm về số lượng nhân sự và có tác động tới quá trình quản trị nhân sự cũng như quản lý doanh nghiệp nói chung. Cụ thể, chỉ số này có những tác động sau:
Ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất
sự thiếu hụt đi nhân sự đang đảm nhiệm ở một vị trí, đặc biệt nếu đây là một nhân sự giỏi hoặc vị trí quan trọng chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung tới năng suất của cả hệ thống. Với các doanh nghiệp vận hành theo chính sách nhân sự tinh gọn, sự ảnh hưởng sẽ càng thấy rõ rệt.
Tình trạng burnout của nhân sự
Một khảo sát cho thấy 41,1% nhân viên cho rằng nguyên nhân khiến họ burnout là do thiếu nhân sự. Trong một khảo sát khác năm 2022, 80% nhân sự tham gia cho biết họ trải qua burnout trong năm rồi. Nghiêm trọng hơn là tình trạng burnout nhưng ngại lên tiếng – 46% nhân viên tham gia khảo sát tại công ty công nghệ cho biết họ sẽ không chia sẻ tình trạng burnout với người quản lý vì sợ rằng bị đặt câu hỏi về năng lực làm việc.
Điều này có thể dẫn tới “điểm mù” trong quản lý nhân sự nếu các nhân viên này nghỉ việc vì burnout và có thể dẫn tới vòng luẩn quẩn của tình trạng thiếu nhân sự, hao mòn nhân sự và kiệt sức trong doanh nghiệp.
Mất mát về kiến thức chuyên môn
Khi một nhân sự nghỉ việc, doanh nghiệp không đơn thuần là giảm hiệu suất công việc mà còn mất đi một nguồn kiến thức chuyên môn và đào tạo tại vị trí nhân sự hao mòn đó (tribal knowledge). Kiến thức này thường là những tích lũy kinh nghiệm làm việc cá nhân do sự am hiểu về văn hoá doanh nghiệp, cách làm việc nhóm, cách phối hợp với các phòng ban khác để tạo nên mắt xích vận hành mượt mà.
Đặc biệt, thông tin này thường không được chia sẻ hoặc ghi lại dễ dàng để người tiếp nhận công việc tiếp theo có thể thích nghi nhanh chóng. Một ước tính cho thấy khoảng 42% kiến thức chuyên môn cần thiết để vận hành trơn tru một vị trí chỉ được biết bởi người đang đảm nhiệm vị trí đó.
Khi kiến thức tại nơi làm việc bị mất đi, doanh nghiệp sẽ phải trả giá về cả chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo lẫn thời gian, công sức để vị trí mới xây dựng lại được kiến thức này và thực hiện vai trò của mình hiệu quả.
Xem thêm: Quiet quitting và quiet firing là gì? Ảnh hưởng đến thị trường lao động ra sao?
Có thể dẫn tới hao mòn nhiều hơn
Hao mòn lao động chỉ xảy ra khi công ty quyết định không lấp vị trí trống. Do đó, nó vẫn gây tác động tiêu cực đến nhân sự đương nhiệm do làm gia tăng khối lượng công việc từ vị trí bỏ trống. Điều này có thể khiến hạn chế sự phát triển theo đúng tiến độ của doanh nghiệp hoặc tệ hơn là hao mòn lao động nhiều hơn dự kiến.
Cảnh báo mức độ hài lòng của nhân sự
Hao mòn lao động phản ánh một phần về mức độ hài lòng với công việc của nhân viên. Nếu tỷ lệ sụt giảm lao động lớn có thể dấy lên cảnh báo về sự bất mãn nhiều mặt trong đội ngũ nhân sự. Khi đó, doanh nghiệp nên xem xét lại về chế độ lương, phúc lợi, quản lý… Điều này đồng thời tác động mạnh tới năng suất công việc lẫn sự gắn bó của nhân sự với công ty. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu chính xác lý do hao mòn để giải quyết tình trạng này.
Tác động lên chi phí
Hao mòn nhân sự sẽ ảnh hưởng tới chi phí tuyển dụng, thậm chí cả chi phí đào tạo, chi phí onboarding, offboarding… Khi hiểu được đà tiêu hao, người làm nhân sự có thể dự đoán tình hình và đưa ra những biện pháp quản lý chi phí tối ưu hơn.
Tác động đến Employer branding – thương hiệu tuyển dụng
Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ hao hụt lao động cao, hình ảnh của nhà tuyển dụng sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ cần một vài lời đồn, những nhận xét không hay từ nhân sự đã nghỉ việc trên mạng đều có thể khiến công ty giảm sức hút với nhân tài.
Thước đo hiệu quả của hoạt động nhân sự
Tỷ lệ hao hụt lao động, cùng với tỷ lệ duy trì lao động mang tới góc nhìn tổng thể về bức tranh nhân sự của doanh nghiệp, mức độ hài lòng của nhân sự, ưu điểm và hạn chế của quá trình đào tạo, tuyển dụng.
Hỗ trợ chiến lược nhân sự
việc nhận biết tỷ lệ nhân viên trung thành ở từng bộ phận còn giúp cho HR biết cách ưu tiên nguồn lực linh hoạt hơn và xây dựng chiến lược nhân sự đúng trọng tâm hơn.
Nền tảng cho các chiến lược nhân sự
Nhận biết tỷ lệ nhân viên trung thành cao hay thấp, tỷ lệ hao mòn ít hay nhiều và mức độ thường xuyên ở từng bộ phận sẽ giúp HR linh hoạt ưu tiên nguồn lực; và thời gian vào đúng trọng tâm.
Xem thêm: Xu hướng nhân sự 2024: Nhiều thách thức và cơ hội đón chờ
Nguyên nhân Employee Attrition gia tăng
Có nhiều lý do khiến nhân sự nghỉ việc chủ động, bao gồm cả lý do khách quan và lý do chủ quan có ảnh hưởng từ doanh nghiệp.
Lý do khách quan: về hưu, tai nạn, bệnh tật, chuyển đổi ngành nghề…
Lý do chủ quan:
- Quản lý kém hiệu quả?
- Điều kiện làm việc không thoả mãn hoặc đảm bảo?
- Mức lương không thỏa đáng?
- Môi trường làm việc thiếu minh bạch?
- Công việc thiếu cơ hội phát triển?
…
Để biết được lý do nhân sự nghỉ việc chủ động, doanh nghiệp có thể thực hiện những buổi phỏng vấn nghỉ việc. Đây là phần quan trọng trong quá trình Offboard chuyên nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được đúng nguyên nhân hao mòn nhân sự và có phương án khắc phục phù hợp.
Làm sao để quản lý hao mòn nhân sự?
Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp các vấn đề liên quan tới hao mòn nhân sự, sau đây là một số lời khuyên có thể giúp quản lý hao mòn lao động hiệu quả hơn:
- Xác định nguyên nhân dẫn tới hao mòn nhân sự để điều chỉnh cho đúng.
- Tăng sự hài lòng của nhân viên bằng những chính sách nhân sự phù hợp.
- Đưa mức lương hấp dẫn hơn.
- Chính sách tuyển dụng toàn diện, lâu dài, hấp dẫn.
Tạm kết
Trên đây, Việc Làm 24h đã chia sẻ cơ bản về Employee Attrition – hao mòn nhân sự. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm này cũng như các tác động của nó tới quá trình quản trị nhân sự doanh nghiệp. Đừng quên thường xuyên theo dõi Việc Làm 24h để nâng cao thêm vốn kiến thức đa dạng phục vụ công việc nhé.
Xem thêm: Grumpy stayer: Những nhân viên cáu bẳn mắc kẹt ở văn phòng