Kế toán là một trong những vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp hiện nay. Thông thường các doanh nghiệp nhỏ chỉ cần một vài kế toán là đủ tuy nhiên các doanh nghiệp lớn lại cần đến một đội ngũ kế toán với nhiều vị trí chuyên môn khác nhau. Kế toán thanh toán là một trong những vị trí không thể thiếu của bộ phận kế toán. Vậy kế toán thanh toán là gì? Bài viết sau đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giới thiệu đến bạn đọc mô tả công việc chi tiết nhất, cùng theo dõi nhé!
Kế toán thanh toán là gì?
Kế toán thanh toán (Payment Accountant) là nhân sự kế toán, chịu trách nhiệm thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến chứng từ thu nhập, chi phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo nhu cầu thanh toán trong doanh nghiệp. Sau đó, họ sẽ tổng hợp các giao dịch trong tháng và làm báo cáo kế toán để trình lên kế toán trưởng. Khi phát sinh giao dịch, khách hàng có thể đến trực tiếp doanh nghiệp để tiến hành thanh toán hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.
Kế toán thanh toán là làm gì?
Dưới đây là mô tả chi tiết công việc:
1. Thực hiện công tác theo dõi và quản lý các khoản thu trong doanh nghiệp
- Trực tiếp thu tiền các đối tượng bên trong và ngoài doanh nghiệp như thu tiền góp vốn của các cổ đông, thu hồi công nợ khách hàng, thu tiền từ bộ phận thu ngân,…
- Theo dõi tiền gửi vào ngân hàng.
- Theo dõi các khoản phải thu của các nhà đầu tư, cổ đông đã cam kết góp nhưng chưa góp, nhân viên, khách hàng.
- Kiểm soát các hoạt động thu ngân của doanh nghiệp. Tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ liên quan từ bộ phận thu ngân.
- Theo dõi quá trình thanh toán bằng thẻ của khách hàng.
- Quản lý các chứng từ về thu, chi dòng tiền.
- Hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến khoản thu của doanh nghiệp.
2. Thực hiện công tác theo dõi và quản lý các khoản chi trong doanh nghiệp
- Lập kế hoạch và vạch ra chiến lược thanh toán các khoản công nợ với các nhà cung cấp.
- Chủ động liên hệ với các nhà cung cấp nếu kế hoạch thanh toán chưa đảm bảo.
- Trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ thanh toán bằng tiền mặt hay tiền gửi ngân hàng cho các nhà cung cấp như đối chiếu công nợ, kiểm tra phiếu đề nghị thanh toán, nhận hóa đơn, lập phiếu thanh toán (phiếu chi, giấy báo nợ của Ngân hàng,…).
- Quản lý các chứng từ liên quan đến khoản chi của doanh nghiệp.
- Hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến khoản chi của doanh nghiệp.
3. Theo dõi và quản lý quỹ tiền mặt doanh nghiệp
- Kết hợp với thủ quỹ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ thu – chi theo quy định doanh nghiệp.
- Đối chiếu và kiểm tra tồn quỹ vào cuối ngày với thủ quỹ.
- Theo dõi và lập báo cáo tồn quỹ cho cấp trên hàng ngày.
4. Một số công việc khác
- Theo dõi và lập báo cáo trình lên cấp trên những khoản thu – chi không rõ ràng.
- Tham gia các cuộc họp phòng ban và khóa đào tạo nghiệp vụ,…
- Lập báo cáo, in chứng từ, sổ sách trình cấp trên định kỳ hoặc đột xuất.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của cấp trên.
Lưu ý: Nhiều người thường nhầm lẫn công việc của kế toán thanh toán và kế toán công nợ do 2 vị trí này có chung cách thức theo dõi và quản lý. Tuy đây là hai vị trí hoàn toàn khác nhau trong ngành kế toán. Tuy nhiên, hai bộ phận kế toán này lại có liên quan mật thiết với nhau.
Các tố chất và kỹ năng giúp bạn thành công với vị trí kế toán thanh toán
Tương tự các vị trí kế toán khác, ngoài kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn, các kế toán thanh toán cần có những kỹ năng và tố chất quan trọng sau:
Nắm vững các nghiệp vụ kế toán và am hiểu các quy định về hóa đơn, chứng từ,…
Trung thực, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao: Không chỉ báo cáo thông tin chính xác mà còn phải tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc kế toán, không báo cáo sai lệch gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp.
Tôn trọng tính bảo mật thông tin tài chính doanh nghiệp: Các thông tin tài chính như số liệu về thu nhập, chi phí, lợi nhuận, số liệu cân đối kế toán,… là những thông tin nhạy cảm. Kế toán thanh toán cần bảo mật các thông tin này trong quá trình làm việc.
Kỹ năng toán học: Do tính chất đặc thù của công việc mà người làm vị trí này cần có kỹ năng toán học tốt để dễ dàng làm việc với các con số cũng như hỗ trợ quá trình phân tích và giải thích các dữ liệu, số liệu.
Tỉ mỉ, tập trung và cẩn trọng trong công việc: Nghề kế toán nói chung và kế toán thanh toán nói riêng buộc bạn phải cẩn thận, tỉ mỉ và tập trung vào chi tiết để giữ thông tin chính xác, khoa học, có tổ chức. Nên nhớ rằng, một sai sót đơn giản về số liệu có thể chuyển thành các tổn thất lớn hơn nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Tinh thần tập trung giúp bạn không gặp sai sót trong quá trình làm việc với các dữ liệu tài chính.
Am hiểu về kinh doanh: Để hoàn thành tốt nghiệp vụ của kế toán thanh toán, bạn cần có kiến thức cơ bản về quy trình kinh doanh của doanh nghiệp để phân tích và diễn giải các dữ liệu tài chính chính xác.
Kỹ năng tin học văn phòng: Đây là kỹ năng hết sức quan trọng đối với các kế toán thanh toán. Trong quá trình làm việc, bạn sẽ phải tiếp xúc và sử dụng các phần mềm kế toán chuyên dụng để thực hiện thống kê giao dịch cũng như lên kế hoạch hạch toán chính xác.
Kỹ năng phân tích và tổng hợp: Kế toán thanh toán thường phụ trách khá nhiều nghiệp vụ khác nhau như báo cáo, ghi chép số liệu, thu thập chứng từ,… Do đó, kỹ năng thu thập thông tin, phân tích và tổng hợp giúp các bạn phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề tiềm ẩn mà doanh nghiệp gặp phải.
Kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp này giúp kế toán thanh toán thu thập thông tin cần thiết từ khách hàng, đối tác hoặc quản lý. Đồng thời, cần có kỹ năng trình bày các báo cáo tài chính và đưa ra những tư vấn rõ ràng, chính xác cho quản lý doanh nghiệp.
Tuyển dụng kế toán thanh toán có khó không, mức lương như thế nào?
Đây là công việc có thu nhập tương đối ổn định và là vị trí đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực ngành kế toán tăng mạnh mỗi năm, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho những ai muốn dấn thân và phát triển sự nghiệp trong ngành này. Chưa kể, kế toán thanh toán là vị trí giữ vai trò quan trọng tại hầu hết loại hình công ty, doanh nghiệp. Chính vì thế mà cơ hội tuyển dụng trên thị trường lao động luôn rất rộng mở.
Mức lương còn phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp cũng như trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của người đảm nhiệm. Thông thường, mức lương mới ra trường từ 8 – 9 triệu đồng/tháng. Những người có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên có mức lương từ 9 – 15 triệu đồng/tháng. Còn những người có năng lực tốt và đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề có mức lương từ 15 – 20 triệu đồng/tháng.
Không khó tìm được công việc dù là sinh viên mới tốt nghiệp, bên cạnh đó, các bạn còn có cho mình lộ trình thăng tiến đầy hứa hẹn trong tương lai với vị trí kế toán trưởng hay giám đốc tài chính doanh nghiệp,… Các bạn nên cố gắng trau dồi năng lực và nghiệp vụ chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm cần thiết để có được công việc đáng mơ ước.
Xem thêm: Lương kế toán có cao không? Lời khuyên để tăng thu nhập trong ngành kế toán
Kết luận
Hy vọng những thông tin hữu ích mà Nghề Nghiệp Việc Làm 24h chia sẻ qua bài viết trên đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về mô tả công việc và cơ hội tuyển dụng. Hiện nay, kế toán nói chung và kế toán thanh toán nói riêng là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trên thị trường lao động. Đừng quên truy cập và ứng tuyển các vị trí trên Việc Làm 24h ngay hôm nay nhé!
Xem thêm: Kế toán nội bộ làm những công việc gì, mức lương hấp dẫn ra sao?