YOY là một trong các chỉ số được các nhà quản lý và đầu tư sử dụng để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp. Vậy YOY là gì? Chỉ số này có ý nghĩa gì? Cách tính có phức tạp? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về YOY qua bài viết.
YOY là viết tắt của từ gì?
YOY là viết tắt cho cụm tiếng Anh của Year Over Year. Đây là cụm từ chỉ phương pháp so sánh một chỉ số nào đó qua thời gian năm, để thấy được sự thay đổi: tăng trưởng hoặc suy giảm.
Nội dung so sánh có thể là chỉ số của tháng (so sánh với cùng tháng này năm trước); quý (so sánh với cùng quý này năm trước); năm (so sánh tổng kết năm nay với kết quả năm trước).
Chỉ số YOY là gì?
Chỉ số YOY thường được sử dụng trong kinh doanh. Đây là kỹ thuật so sánh kết quả tài chính của doanh nghiệp trong cùng một khoảng thời gian qua từng năm. Từ đó, người so sánh đánh giá được mức độ tăng trưởng hoặc suy giảm.
Ví dụ:
- So sánh doanh thu năm 2021 và 2022 – chỉ số YOY doanh thu năm.
- So sánh lợi nhuận quý I năm 2021 với quý I năm 2022 – chỉ số YOY lợi nhuận quý.
- So sánh chi phí hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2021 với 6 tháng cuối năm 2022 – chỉ số YOY chi phí hoạt động 6 tháng.
Chỉ số này cho thấy rõ sự tăng trưởng hoặc sụt giảm trong tài chính và phần nào phản ánh độ hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, YOY thường được các nhà đầu tư sử dụng trong tài chính, chứng khoán để đánh giá về sức khoẻ của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như Logistics, F&B… trước khi ra quyết định đầu tư.
Các chỉ số YOY thường dùng
Doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư thường quan tâm tới các chỉ số YOY sau:
- Chỉ số doanh thu (phản ánh hiệu quả kinh doanh)
- Chỉ số lợi nhuận (phản ánh hiệu quả và khả năng phát triển kinh doanh)
- Chỉ số giá vốn bán (phản ánh mức độ hiệu quả của tỷ suất lợi nhuận)
- Chỉ số thu nhập ròng (phản ánh khả năng sử dụng, quản lý, hiệu quả hoạt động…)
Bên cạnh các chỉ số trên, còn nhiều loại chỉ số YOY khác như: lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận trước thuế, chi phí hoạt động, thu nhập trên cổ phần… Nhà đầu tư hoặc nhà quản lý có thể dựa trên báo cáo tài chính hoặc báo các kinh doanh của các năm để tính YOY cho chỉ số bất kỳ họ quan tâm.
Cách tính YOY là gì?
Công thức tính YOY đơn giản như sau:
- Bước 1: Lấy số liệu của một năm bất kỳ trừ đi số liệu cùng kỳ năm trước đó để ra hiệu số chênh lệch. (lưu ý là cần lấy đúng số liệu cùng kỳ).
- Bước 2: Dùng kết quả từ bước 1 chia cho số liệu năm trước để tính ra tốc độ tăng trưởng.
- Bước 3: Quy đổi kết quả vừa tính thành tỷ lệ %,
Ví dụ: Doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp A là 850 tỷ đồng. Năm 2022, công ty này đạt doanh thu là 988 tỷ đồng.
Chỉ số YOY theo doanh thu của công ty A là: (988-850)/850 = 0.1623 tương đương 16% tăng trưởng YOY dương.
Ý nghĩa của YOY là gì?
Thông qua tính toán chỉ số YOY, người sử dụng (quản lý hoặc nhà đầu tư) có được nhiều thông tin về:
- Đánh giá tổng quan kết quả hoạt động của doanh nghiệp (tăng trưởng hay suy giảm).
- Hiệu suất tài chính của doanh nghiệp (tăng trưởng âm hay dương).
- Nhìn được bức tranh hoạt động qua từng giai đoạn, nhận định được doanh nghiệp có đang tăng trưởng theo đúng lộ trình và có đang vận hành hiệu quả hay không.
- Đánh giá được tác động của các yếu tố khách quan (biến động thị trường, xã hội…) và chủ quan (thay đổi nhân sự, thay đổi chiến lược…) đến hoạt động vận hành của doanh nghiệp.
- Phát hiện các sai sót hoặc chênh lệch với số liệu ghi nhận qua sổ sách qua từng năm.
Thông qua đánh giá chỉ số này, người sử dụng có thể:
- Đưa ra phương án khắc phục (với tăng trưởng âm) hoặc định hướng mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
- Định vị chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường và có kế hoạch phát triển kinh doanh trong tương lai.
- Đánh giá mức độ tiềm năng của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư hay không.
Ưu điểm – hạn chế của YOY là gì?
Sử dụng YOY có nhiều ưu điểm nhưng cũng có không ít hạn chế.
Ưu điểm
So sánh YOY được sử dụng phổ biến khi phân tích hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp bởi nhiều ưu điểm như:
- Giảm thiểu tính thời vụ
Hầu hết ngành nghề kinh doanh đều có mùa cao điểm (nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hoá cao) và mùa thấp điểm (nhu cầu về dịch vụ, hàng hoá thấp). Các chỉ số về lợi nhuận, doanh thu và nhiều chỉ số tài chính thường thường thay đổi theo giai đoạn. Do đó, chỉ số YOY mang tới sự so sánh tương đối chính xác, loại bỏ sự khác nhau do tác động của yếu tố mùa vụ tới kết quả kinh doanh.
- Dễ so sánh trong cùng ngành
Chỉ số YOY thể hiện theo %, do đó, nó giúp dễ dàng so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, đối thủ cạnh tranh hoặc phân tích nội bộ công ty.
- Dễ tính toán
Chỉ cần số liệu tài chính của 2 đơn vị cần so sánh, bạn có thể tính được YOY nhanh chóng. Các số liệu này thường có sẵn trong các báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Chỉ số YOY cũng gắn liền mốc thời gian cụ thể (tháng, quý, 6 tháng đầu năm hoặc cuối năm…) giúp nhà đầu tư dễ dàng định lượng.
Hạn chế
Bên cạnh nhiều ưu điểm, chỉ số này có các hạn chế như sau:
- YOY có thể bị gây nhiễu thông tin, nhà đầu tư hoặc nhà quản lý cần nắm bắt thêm nhiều thông tin khác để phân tích YOY và ra quyết định chuẩn xác nhất.
- YOY tính toán dựa trên số liệu cuối kỳ chứ không cho thấy toàn bộ quá trình. Điều này khiến cho nhà đầu tư gặp khó khăn khi đánh giá cả quá trình hoạt động cũng như các yếu tố tác động.
- YOY cho kết quả dương mang tới ý nghĩa là hoạt động kinh doanh tăng trưởng. Tuy nhiên trong trường hợp YOY cho kết quả âm thì không mang đến nhiều ý nghĩa. Bỏi, YOY âm không đồng nghĩa với phương pháp kinh doanh kém hiệu quả, và không chỉ ra được yếu tố khiến kết quả này đi lùi. Muốn biết, nhà quản lý hoặc nhà đầu tư cần thu thập thêm nhiều thông tin khác.
- Chỉ nhìn vào YOY theo năm sẽ khiến bạn bỏ qua các chỉ số theo quý hoặc theo tháng, dẫn đến thiếu thông tin và không nắm bắt được điều gì đã diễn ra trong giai đoạn này.
Sử dụng YOY sao cho hiệu quả
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu rõ YOY là chỉ số gì, ý nghĩa của YOY cũng như ưu điểm và hạn chế của chỉ số này. Sau đây là một số lời khuyên để sử dụng chỉ số này hiệu quả hơn.
- Đặt YOY vào đúng bối cảnh, đúng thời gian.
- Luôn xem xét các yếu tố liên quan (chủ quan và khách quan).
- Cẩn trọng với YOY tăng hoặc giảm bất thường.
- Để tránh bị “làm phẳng” các biến động trong năm, bạn nên sử dụng YOY theo tháng để có được bức tranh đầy đủ hơn.
- Không nên xem xét YOY riêng lẻ mà cần sử dụng cùng các chỉ số về tài chính, kinh doanh khác để có được thông tin chính xác nhất.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về YOY là gì và ý nghĩa của chỉ số này. Trên thực tế, YOY đóng góp vào đánh giá tổng quan về sức khỏe kinh doanh của một doanh nghiệp nhưng chỉ là một trong rất nhiều chỉ số cần quan tâm khác. Do đó, Việc Làm 24h mong rằng giúp bạn hiểu đúng hơn về chỉ số này và có cách sử dụng phù hợp.
Xem thêm: Crowdfunding là gì? Làm thế nào để Startup crowdfunding hiệu quả?