Sếp tôi thật sự là một kho báu, nghĩa là tôi chỉ ước rằng: “Giá là có thể chôn luôn xuống đất”

Sếp tôi thật sự là một kho báu, nghĩa là tôi chỉ ước rằng: “Giá là có thể chôn luôn xuống đất”

Đó là suy nghĩ của tôi, nhưng mà cách đây đã 3 năm rồi, từ khi còn là những ngày đầu mới đi làm. Tiếp xúc với môi trường công sở là một chuyện, tiếp xúc với con người ở môi trường công sở lại là một chuyện khác. Tôi không phải là người tự tin đến mức sẽ có thể hòa đồng ngay với cuộc sống công việc từ những ngày đầu. Cái cảm giác mỗi sáng thức dậy chỉ là chán nản, chỉ muốn không đến chỗ làm nữa, tìm một công việc khác, môi trường khác.

sep-toi-that-su-la-mot-kho-bau-nghia-la-toi-chi-uoc-rang-gia-la-co-the-chon-luon-xuong-dat-hinh-anh-1
Cảm giác mỗi sáng thức dậy là không muốn đến chỗ làm nữa, chỉ muốn tìm một công việc khác, một môi trường khác

Khi đi làm không phải như mơ

Là một sinh viên mới ra trường, thực sự trong tôi hừng hực khí thế làm việc. Đó là cái bản tính muốn thể hiện thật tốt cho sếp thấy rằng mình đang rất cố gắng và sự lựa chọn của sếp là không sai.

Nhưng thực ra, đi làm rồi mới biết, thực tế công việc không như vậy. Cái cảm giác bạn đã cố gắng chăm chỉ làm việc, nhưng sau đó đưa lên sếp duyệt thì lại bị sếp “dập cho tơi tả”. Có phải suy nghĩ của người đi làm và của người mới vào làm nó khác nhau hay không, khác đến mức có thể sẽ khiến lòng tự trọng của một “đứa trẻ” mới bước chân vào đời cảm thấy bị tổn thương.

Nhưng lúc ấy, tôi chỉ biết chơi chiêu “tàu ngầm”. Tức là tôi gật gù, ôm nỗi buồn mệt mỏi ấy về nhà, than trách cuộc sống đi làm căng thẳng, áp lực. Rồi từ đó về sau tôi chỉ làm một mực theo ý sếp, không cần ý kiến gì cả, không cần lên tiếng gì nữa, mình đã cố gắng nhiều đến như vậy mà không được sếp công nhận thì cũng không muốn cố gắng thêm gì nữa, đến đâu thì đến, mệt quá, bức quá thì nghỉ thôi.

Ngày đó, đôi lúc tôi không chạy theo kịp công việc, cảm giác của tôi không gì ngoài việc mình kém cõi. Lúc đó tôi nghĩ, 22 tuổi, với chỉ tấm bằng đại học thôi không phải là tất cả để bước chân vào đời. Hoặc có lẽ cảm giác làm việc không phù hợp với sếp khiến tôi không thể bung hết được chất xám của mình.

Tôi cảm giác bị tồn đọng trong đầu và thật sự không có cách để phát huy. Tôi sợ sếp lại đập ý tưởng của tôi như người ta vẫn hay đập muỗi vậy. Và con muỗi nào mà chả bị ghét. Lúc đó tôi nghĩ, sếp chỉ nhìn nhận thôi là một đứa kém cỏi và ông đã hối hận khi ngày đó chấp nhận hồ sơ xin việc của tôi. Ngán ngẩm nhìn thái độ của sếp đều khiến tôi như càng vơi đi khí thế làm việc của mình.

8 giờ đồng hồ trên văn phòng thật sự là 8 giờ chiến đấu với chính bản thân mình. Và vì đồng tiền, cũng vì là sinh viên mới ra trường, can đảm để bỏ việc là một thử thách và tôi không thể vượt qua được thử thách đó.

Nay tôi đã có được 3 năm kinh nghiệm với ngành, vẫn hàng ngày đi làm công việc này, vẫn bị sếp khiển trách. Nhưng tôi vẫn không từ bỏ. Tôi thấy mình vẫn tồn tại và phát triển được.

sep-toi-that-su-la-mot-kho-bau-nghia-la-toi-chi-uoc-rang-gia-la-co-the-chon-luon-xuong-dat-hinh-anh-2
Mặc dù hàng ngày đi làm vẫn bị sếp khiển trách nhưng tôi vẫn không từ bỏ

Sếp nào cũng thế, hãy kiên định

Tôi chỉ muốn nói thế này các bạn ạ, là sinh viên mới ra trường và may mắn có được một công việc hiện tại, hãy dần dần tập cho mình tính kiên định và đừng bao giờ từ bỏ khi có một thử thách nào đó. Ở một vị trí cao hơn, với nhiều năm kinh nghiệm và trải đời hơn, sếp có thể là những người có cái nhìn khác bạn. Thế nên cứ thử chơi chiêu “tàu ngầm” như tôi, im lặng và lắng nghe để thấu hiểu và xem xét những góc nhìn khác lạ của sếp, vẫn đưa ra tiếng nói với sếp một cách bình tĩnh nhất.

Đôi khi bạn muốn vứt bỏ đi công việc hiện tại vì nó chán, và vì ông sếp tạo quá nhiều áp lực. Đối với tôi, nghề nào cũng chán cả. Một số nghề chỉ được cái vẻ bề ngoài gây cảm giác hứng thú. Nhưng cốt lõi vấn đề cũng sẽ là chán. Cũng là đến công ty, cũng là gặp đồng nghiệp khó ưa và đa phần sếp nào cũng khiến bạn muốn chôn đi cả. Nhưng đã là sinh viên mới ra trường đi làm không chỉ vì lương mà còn cần một quá trình gây dựng kinh nghiệm nghề nghiệp.

Sếp sẽ là người tạo ra cho bạn kinh nghiệm ấy. Như tôi, 8 tiếng trên công sở là chưa đủ để hài lòng sếp. Áp lực càng nhiều, kinh nghiệm càng cao. Ngày đó, chỉ vì đồng tiền mà chịu đựng cắn răng ở lại. Bây giờ gắn bó rồi mới biết, nếu sếp không tạo ra áp lực cho mình, thì tôi không thể nào làm việc hiệu quả cả.

Đến bây giờ leo lên được một cấp mới, phía dưới quản lý những người cũng vừa chập chững như tôi ngày đó, tôi mới hiểu để họ phát triển tôi cần phải giao việc đủ cho họ cảm giác không thoải mái một chút.

Không thoải mái tức là có thêm một chút áp lực để đẩy nhanh tiến độ làm việc hơn. Nên sếp nào cũng vậy, cũng phải có cái uy, có cái khó tính và có cái gọi là “đáng chết” trong mắt nhân viên. Có rất nhiều người mới đã nhảy việc vì áp lực. Họ không đủ can đảm để chịu đựng cho đến cùng.

Nhưng nói chung, công việc nào cũng vậy thôi, cứ nói chuyện thẳng thắn với sếp về những gì mình cảm thấy không ổn để tìm hướng giải quyết. Nếu bức bối đến mức sống chết muốn chôn sếp xuống đất thì cứ đi thôi. Còn không hãy nghiêm túc với sự lựa chọn ban đầu của mình, từ từ học việc và từ từ giải phóng chất xám của mình.

Bây giờ tôi đang nghĩ trong lòng, có lẽ không ít nhân viên cũng muốn chôn sống tôi đây. Làm sếp đâu phải chuyện đùa! Cũng khó lắm các bạn ạ!

Kim Ngân
Nhân viên Marketing

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục