Trước tình hình đáng báo động về ô nhiễm môi trường, người tiêu dùng ngày nay đã có ý thức hơn về những tác động của mình đối với Trái Đất. Do đó, nhiều người bắt đầu tìm kiếm và sử dụng những sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Để đáp ứng nhu cầu này, các thương hiệu cũng dần dịch chuyển ý tưởng tiếp thị theo xu hướng thân thiện với môi trường, được gọi là Green Marketing. Theo Viện Tiếp thị Quốc gia Hoa Kỳ, 80% người tiêu dùng ngày nay tham gia vào hoạt động Green Marketing, 17% trong số họ tham gia rất tích cực. Vậy Green Marketing là gì, có hiệu quả như thế nào đối với doanh nghiệp? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Green Marketing là gì?
Green Marketing là tiếp thị xanh, đề cập đến những hoạt động tiếp thị sản phẩm thân thiện với môi trường. Green Marketing kết hợp các nguyên tắc bền vững vào những khía cạnh của tiếp thị, chẳng hạn như thiết kế sản phẩm, bao bì, truyền tải thông điệp… thông qua một số chiến lược như:
– Tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.
– Sử dụng bao bì được làm từ vật liệu tái chế.
– Giảm chất thải từ quá trình sản xuất.
– Áp dụng các hoạt động kinh doanh bền vững với môi trường.
– Đầu tư lợi nhuận vào năng lượng tái tạo.
Green Marketing đang trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều người dùng quan tâm đến vấn đề môi trường. Mặc dù tiếp thị xanh tốn kém hơn so với tiếp thị truyền thống nhưng lại có thể mang lại lợi nhuận và danh tiếng cho thương hiệu. Bên cạnh đó, đối với một số người tiêu dùng, họ sẽ coi trọng những lợi ích cho môi trường hơn là sự chênh lệch về giá.
Mục đích của Green Marketing là gì?
Về bản chất, cũng giống như các hoạt động tiếp thị khác, Green Marketing là cầu nối để doanh nghiệp tạo dựng các giá trị tích cực trong lòng người tiêu dùng. Các thảm họa môi trường toàn cầu như ô nhiễm không khí, mất đa dạng sinh học, hiện tượng nóng lên của Trái Đất, mất diện tích rừng,… đang ngày càng gia tăng. Qua đó, mức độ nhận thức về môi trường của người tiêu dùng cũng ngày càng cao. Theo World Wildlife Fund (WWF), số lượng bài đăng trên Twitter liên quan đến thiên nhiên và mất đa dạng sinh học đã tăng từ 65% kể từ năm 2016.
Green Marketing tập trung vào việc bán sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo số liệu từ Statista, vào năm 2020 hơn ¾ người tiêu dùng cho rằng tính bền vững và trách nhiệm với môi trường của thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc họ lựa chọn sản phẩm. Đồng thời, một khảo sát của LendingTree cho thấy 55% khách hàng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường và tránh xa các doanh nghiệp ít có ý thức về vấn đề này.
Xem thêm: Top 10 phần mềm Marketing Facebook hiệu quả nhất bạn nên tham khảo
Green Marketing mang đến lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Nâng cao hình ảnh và danh tiếng thương hiệu
Việc áp dụng các hoạt động tiếp thị xanh sẽ mang đến lợi ích trong việc cải thiện hình ảnh cũng như danh tiếng thương hiệu, gây được tiếng vang tích cực đối với khách hàng. Từ đó tạo dựng niềm tin, tăng lòng trung thành của khách hàng và Marketing truyền miệng tích cực.
Lợi thế cạnh tranh
Khi tính bền vững với môi trường trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dùng, các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động và sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ có khả năng tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới. Từ đó, tạo được USP (unique selling point) và lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường.
Tăng khả năng giữ chân khách hàng
Những khách hàng ưu tiên tính bền vững thường có xu hướng trung thành với các thương hiệu phù hợp với giá trị của họ. Bằng cách thể hiện cam kết với môi trường, doanh nghiệp có thể tạo dựng mối liên hệ sâu sắc với khách hàng.
Green Marketing là một con dao hai lưỡi
Dù được ủng hộ nhưng không ít các công ty sử dụng chiến lược tiếp thị xanh chỉ vì mục đích chạy theo xu hướng. Greenwash chính là “lưỡi dao” còn lại của Green Marketing. Hiểu một cách đơn giản, Greenwash là hành động cố gắng thuyết phục người dùng rằng thương hiệu đang làm điều gì đó tốt cho môi trường bằng cách áp dụng các sáng kiến hay gắn nhãn mác mang tính bền vững nhưng trên thực tế hoàn toàn ngược lại như kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Một số ví dụ phổ biến về Greenwash như:
– Sử dụng vô tội vạ các từ ngữ như “xanh”, “tự nhiên”, “organic” để mô tả sản phẩm.
– Thiết kế bao bì có màu xanh lá cây hoặc có biểu tượng môi trường như cây cối.
– Tạo ra các nghiên cứu hoặc thống kê sai lệch để hỗ trợ thông điệp tiếp thị xanh.
Việc sử dụng Greenwash để tiếp thị không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Ví dụ sau bê bối năm 2015 liên quan đến báo cáo khí thải giả, giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm hơn 50% và phải mất 6 năm để phục hồi hoàn toàn.
2 yếu tố then chốt để thành công khi triển khai Green Marketing
Tránh Greenwash
Như đã đề cập ở trên, Greenwash có thể giảm thiểu hiệu quả của tiếp thị xanh nói chung và gây tổn hại đến danh tiếng của công ty. Thật không may, không có tiêu chuẩn nào được đặt ra để tiếp thị một sản phẩm thân thiện với môi trường.
Do đó, điều quan trọng là doanh nghiệp cần thiết lập các tiêu chuẩn nội bộ và hoạt động tiếp thị xanh. Các tiêu chuẩn này cần nhấn mạnh đến việc quảng cáo minh bạch và cụ thể, từ đó tạo dựng niềm tin với khách hàng, góp phần tạo nên nhận thức tích cực về thương hiệu.
Bên cạnh đó, dù phong cách sống xanh và mua sản phẩm thân thiện với môi trường hiện nay phổ biến hơn bao giờ hết, nhưng thực chất vẫn là mới phát triển gần đây trên thị trường tiêu dùng. Nói cách khác, đa số người tiêu dùng không quen với các thuật ngữ và khái niệm trong tiếp thị xanh hoặc không chắc chắn về tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh bền vững. Do vậy, khi thực hiện Green Marketing, thương hiệu cần đánh giá xem người tiêu dùng có nhận thức được các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động kinh doanh hay không và điều chỉnh chương trình tiếp thị phù hợp hơn.
Tối ưu hóa chất lượng với tính bền vững
Có hai yếu tố song hành để phát triển tiếp thị xanh là sự hài lòng của khách hàng và tính thân thiện với môi trường. Nhìn chung, các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ làm tăng thêm sự hài lòng. Tuy nhiên, việc “xanh hóa” nếu gây tổn hại đến chất lượng sản phẩm hoặc làm tăng giá sản phẩm lên quá mức sẽ làm giảm sự hài lòng của khách hàng.
Để duy trì và phát triển một doanh nghiệp thân thiện với môi trường, các sản phẩm phải vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa bền vững với môi trường.
Các sản phẩm xanh phải hoạt động tốt như các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh và có giá hợp lý trong cùng một danh mục sản phẩm. Lý tưởng nhất là các sản phẩm xanh có thể mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng như chất lượng tốt hơn, giá thành tốt hơn ngoài tính thân thiện với môi trường.
Những ví dụ về Green Marketing thành công
Apple
Khi cho ra mắt phiên bản cập nhật của MacBook Mini và MacBook Air, Apple đã giới thiệu rằng những sản phẩm này được sản xuất bằng nhôm có thể tái chế 100%.
Đây là một ví dụ điển hình về tiếp thị xanh khi Apple đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới, đồng thời giảm lượng rác thải được tạo ra. Các thành phần và hóa chất sử dụng trong sản phẩm không chỉ an toàn cho người dùng mà còn cho môi trường tự nhiên. Đến năm 2022, thương hiệu này đã sử dụng khoảng 20% vật liệu tái chế – mức sử dụng vật liệu tái chế lớn nhất trong lịch sử.
Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund for Nature – WWF)
Đây là một trong những trường hợp nổi bật nhất về việc các tổ chức dần chuyển sang “xanh hóa”. Mục tiêu chính của WWF là thực hiện các hành động giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide và thúc đẩy tái chế hiệu quả. Ví dụ điển hình là việc triển khai hệ thống thu gom nước mưa, giảm chuyến bay của nhân viên, khuyến khích khách hàng di chuyển các phương tiện khác ngoài ô tô như thuyền hoặc tàu hỏa.
IKEA
Là nhà bán lẻ đồ nội thất toàn cầu, IKEA cam kết phát triển bền vững và đã thực hiện một số ý tưởng tiếp thị xanh. Họ quảng bá các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cung cấp các chương trình tái chế đồ nội thất và bóng đèn, đồng thời cung cấp các dòng sản phẩm bền vững được làm từ vật liệu tái tạo. Các nhà tiếp thị của IKEA còn nhấn mạnh cam kết về tính bền vững và tác động tích cực mà khách hàng có thể tạo ra thông qua các lựa chọn của mình.
Xem thêm: Hiệu ứng IKEA là gì? Làm sao để tránh tâm lý ưu ái sản phẩm của chính mình?
Tính thân thiện với môi trường vẫn còn là một chủ đề nóng khi ngày càng có nhiều tập đoàn phát triển, quảng cáo các sản phẩm “xanh” và người tiêu dùng cũng mất dần thiện cảm với các thương hiệu không thể hiện trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, Green Marketing không phải là một bài toán dễ, mà là một quá trình đầu tư lâu dài cần có sự kiên nhẫn, quyết tâm và trên hết là trách nhiệm của doanh nghiệp mới có thể tạo ra thành công như mong muốn. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về Green Marketing. Để tìm việc ngành Marketing mới nhất, đừng quên truy cập Vieclam24h.vn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Sampling là gì? Làm thế nào triển khai chiến dịch sampling hiệu quả?