ESG là gì? Doanh nghiệp đầu tư vào tiêu chuẩn ESG có lợi ích gì?

Việc tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững đang ngày một phổ biến. Trong đó, tiêu chuẩn ESG với ba yếu tố chính là môi trường, xã hội và quản trị được xem là trọng tâm của chiến lược đầu tư bền vững. Vậy ESG là gì, tại sao các doanh nghiệp lại chú trọng vào tiêu chuẩn này? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

ESG là gì?

ESG là viết tắt của ba từ tiếng Anh: Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, Governance – Quản trị. ESG thường được sử dụng để mô tả các tiêu chí đánh giá và báo cáo về các khía cạnh không chỉ về lợi nhuận tài chính mà còn về tác động của hoạt động kinh doanh đối với môi trường, xã hội và quản trị nội bộ. Trong đó:

– Môi trường: Đánh giá về cách tổ chức ảnh hưởng đến môi trường bao gồm các vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý năng lượng và sử dụng tài nguyên tự nhiên.

– Xã hội: Liên quan đến tác động của tổ chức đối với cộng đồng, an sinh xã hội.

– Quản trị: Tập trung vào cách một công ty được quản lý và điều hành. Các yếu tố này bao gồm cấu trúc quản lý, quyền lực của Hội đồng quản trị, chính sách đối với cổ đông, chuẩn mực đạo đức.

Tiêu chuẩn ESG là gì?

Tiêu chuẩn ESG không chỉ là công cụ đánh giá mức độ thực hành ESG mà còn là nền tảng quan trọng để xác định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường báo cáo về mức độ thực hành ESG dựa trên các khung báo cáo phát triển bền vững. Tiêu chuẩn ESG bao gồm nhiều vấn đề, xuất phát từ luật quốc tế, luật địa phương hoặc các thỏa thuận và nguyên tắc ở mỗi quốc gia. Để thực hiện ESG hiệu quả, doanh nghiệp cần đáp ứng ba trọng tâm chính và tuân theo hàng loạt tiêu chí cụ thể.

Điểm số ESG phản ánh tác động của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị. Điểm ESG cao không chỉ là minh chứng doanh nghiệp thực hiện tốt các nguyên tắc ESG mà còn làm tăng giá trị thương hiệu.

Một số khung báo cáo phát triển bền vững chính

– Khung báo cáo của Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative – GRI): bao gồm 3 chuẩn mực toàn cầu (Universal Standards) áp dụng cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp; 33 chuẩn mực liên quan đến các nội dung cụ thể và được chia làm ba nhóm kinh tế, môi trường, xã hội. Các doanh nghiệp chỉ lựa chọn và sử dụng các chuẩn mực có liên quan dựa trên các lĩnh vực trọng yếu.

– Khung báo cáo của Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế (International Integrated Reporting Council – IIRC).

– Khung báo cáo của Hội đồng Báo cáo phát triển bền vững tiêu chuẩn (Sustainability Accounting Standards Board – SASB).

– Khung báo cáo của Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact).

Tại Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI đã xây dựng bộ chỉ số CSI 2022 với 130 chỉ số. Sử dụng CSI cũng hỗ trợ doanh nghiệp thực hành khung đánh giá ESG.

3 yếu tố quan trọng nhất của ESG

Môi trường

1. Biến đổi khí hậu

Tiêu chí về biến đổi khí hậu sẽ được đánh giá dựa trên các cam kết quốc tế, trong nước cũng như chính sách, quy định quốc gia và ở địa phương. Đối với Việt Nam, tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu đó là:

– Mục tiêu giảm tổng lượng phát thải quốc gia 43,5% vào năm 2030 và không phát thải carbon vào năm 2050.

– Nỗ lực giảm phát thải metan ít nhất 30% vào năm 2020 và 40% vào năm 2030.

Với vai trò tiên phong trong việc tạo ra các chính sách ESG, chính phủ sẽ khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đạt được những cam kết liên quan đến mục tiêu ESG.

esg là gì
ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

2. Năng lượng

Các doanh nghiệp thực hiện ESG cần đảm bảo sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả. Không chỉ tối ưu hóa việc sử dụng mà còn khuyến khích áp dụng các nguồn năng lượng thay thế vô hạn như năng lượng mặt trời và gió. Điều này sẽ bảo vệ môi trường khỏi cạn kiệt năng lượng, đồng thời các doanh nghiệp cũng linh hoạt hơn khi không phụ thuộc quá mức vào nguồn cung có hạn.

3. Tài nguyên thiên nhiên

Để đạt điểm ESG cao về tài nguyên, doanh nghiệp cần đảm bảo có đầy đủ giấy tờ cấp phép khi sử dụng đất, nước, cây xanh, khoáng sản, không khí… Ngoài ra, việc chủ động cải tạo và khôi phục khu vực bị ô nhiễm cũng là yếu tố được đánh giá tích cực.

Đặc biệt, trong thời đại 4.0, một số doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu sử dụng tài nguyên mà còn nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới có thể tự tạo ra tài nguyên mà không gây tác động đến môi trường.

4. Xử lý và tái chế chất thải

Để đạt tiêu chuẩn ESG về xử lý chất thải, các doanh nghiệp cần thống kê cũng như liệt kê chi tiết về loại và lượng chất thải nguy hiểm. Sau đó, thu gom, phân loại, trữ chúng tại địa điểm an toàn không gây ô nhiễm. Dựa theo các chính sách, các tổ chức có thể vận chuyển chất thải đến nơi xử lý được cấp phép hoặc tối ưu hóa việc tái chế và giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên phát huy khả năng sáng tạo giải pháp hoặc tận dụng dịch vụ tái chế sẵn có để đảm bảo xử lý chất thải hiệu quả.

Xã hội

1. Quyền riêng tư và bảo mật

Để thực hiện chiến lược ESG, doanh nghiệp cần có sự cho phép của chủ sở hữu trước khi thu thập, sử dụng, hoặc xử lý bất kỳ dữ liệu nào của họ. Đặc biệt, tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân và cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu.

2. Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập 

Doanh nghiệp không được phân biệt đối xử với nhân viên và cần đảm bảo công bằng về mọi mặt như công việc, lương thưởng, cơ hội thăng tiến, đào tạo…

3. Môi trường làm việc an toàn

Nơi làm việc phải đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe. Tiêu chuẩn ESG cấm mọi hình thức ép buộc, ngược đãi, bóc lột, quấy rối lao động, sử dụng lao động chưa đủ tuổi. Ngoài ra cũng yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ giờ làm việc và tính chất công việc theo quy định của Luật Lao động.

Xem thêm: 4 cách giúp bạn đánh giá văn hóa công ty mới ngay từ ngày đầu đi làm

4. Điều kiện làm việc

ESG sẽ áp dụng các quy định của luật pháp để đánh giá điểm cho doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố như mức lương, giờ làm việc, kiểm tra sức khỏe, và chính sách bảo hiểm.

esg là gì
Xây dựng môi trường làm việc công bằng là một trong những tiêu chuẩn của ESG.

Quản trị doanh nghiệp

1. Công bố báo cáo ESG là gì

Luật Việt Nam quy định rằng các doanh nghiệp thực hiện ESG phải công bố thông tin, kết quả hoạt động hàng năm như khai thác, tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính, đóng góp cho cộng động… Báo cáo này phải được nộp công khai cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán.

2. Chống hối lộ và tham nhũng

Đây là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị và sẽ đánh giá theo luật Phòng chống hối lộ và tham nhũng – luật Hình sự của Việt Nam.

3. Tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị

Tiêu chí này đánh giá về nguồn gốc của các thành viên trong hội đồng quản trị theo giới tính và lý lịch. Theo luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp còn buộc phải có hội đồng quản trị độc lập, ví dụ 1/5 thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết phải độc lập.

Lý do doanh nghiệp nên đầu tư vào ESG là gì?

ESG không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. Việc thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:

– Thu hút nhà đầu tư: ESG thay đổi cách đánh giá và làm tăng sức hút của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư. Tiêu chuẩn ESG giúp nhà đầu tư hiểu toàn diện về hoạt động kinh doanh, không chỉ dựa vào các chỉ số tài chính truyền thống. 

– Tăng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm được tạo ra bởi mô hình phát triển bền vững.

– Giảm rủi ro về pháp lý: Thực hành ESG giúp giảm rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý, tài chính và danh tiếng của doanh nghiệp.

– Tăng hiệu suất và tiết kiệm tài nguyên: ESG có thể giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, giảm chi phí và sử dụng tài nguyên bền vững.

– Mở rộng thị trường: Doanh nghiệp thực hiện ESG có thể tận dụng cơ hội mới khai thác thị trường.

– Đóng góp tích cực cho xã hội, môi trường: Bằng cách thực hiện ESG, doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị cho cổ đông mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng và môi trường.

esg là gì
Người tiêu dùng đã dần chú ý đến tính bền vững môi trường của các sản phẩm.

Thực hiện ESG và chú trọng vào tính bền vững không chỉ là yêu cầu mà còn là chìa khóa đối với sự thành công của doanh nghiệp. Cách tiếp cận này thúc đẩy một môi trường kinh doanh linh hoạt, sáng tạo và đạo đức. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về ESG là gì. Đừng quên truy cập blog của Vieclam24h.vn để đón đọc những chủ đề hấp dẫn khác nhé!

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.

Xem thêm: GWP là gì? 8 bước đơn giản tạo chiến dịch khuyến mãi thu hút khách hàng

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục