Nếu làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh, Marketing, chăm sóc khách hàng chắc hẳn bạn đã nghe qua về phần mềm CRM. Vậy CRM là gì, đâu là phần mềm CRM tốt nhất? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Phần mềm CRM là gì?
CRM (Customer Relationship Management) là quản lý mối quan hệ khách hàng. Phần mềm CRM là công cụ được thiết kế để quản lý và tối ưu hóa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng. Hệ thống CRM bao gồm các tính năng như quản lý thông tin khách hàng, theo dõi tương tác với khách hàng, quản lý hoạt động bán hàng, tổ chức lịch trình và phân tích dữ liệu khách hàng để cải thiện chiến lược kinh doanh.
Mục tiêu của CRM là tăng cường hiệu suất kinh doanh, cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua những hiểu biết về nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng.
Phần mềm CRM được cung cấp cho tất cả các ngành từ bán hàng, dịch vụ khách hàng, kinh doanh, tuyển dụng, tiếp thị. Công cụ này lưu trữ thông tin của khách hàng, xác định các cơ hội bán hàng, ghi lại các vấn đề về dịch vụ và quản lý những chiến dịch tiếp thị, đồng thời cung cấp thông tin cho bất kỳ nhân viên nào đang cần. Ví dụ một số thông tin như sản phẩm đã mua, thời điểm mua, cách liên hệ với khách hàng, phương thức thanh toán…
Các tính năng của phần mềm CRM
Phần mềm CRM có nhiều tính năng hỗ trợ quản lý mối quan hệ khách hàng và cải thiện hoạt động kinh doanh. Dưới đây là một số tính năng chính:
– Quản lý thông tin khách hàng:
- Lưu trữ thông tin của khách hàng.
- Theo dõi lịch sử tương tác và mua sắm của khách hàng.
– Quản lý liên lạc:
- Ghi chú về cuộc gọi điện thoại, cuộc họp, email với khách hàng.
- Tích hợp email và lịch để theo dõi.
– Quản lý bán hàng:
- Theo dõi quá trình chăm sóc khách hàng.
- Quản lý quy trình bán hàng từ tiếp cận khách hàng đến đóng gói sản phẩm.
– Tạo và quản lý chiến dịch tiếp thị:
- Theo dõi và đánh giá hiệu suất chiến dịch tiếp thị.
- Tích hợp công cụ quảng cáo và tiếp thị để theo dõi khách hàng tiềm năng.
– Quản lý dịch vụ khách hàng:
- Ghi chú về yêu cầu hỗ trợ và phản hồi từ khách hàng.
- Theo dõi quá trình giải quyết vấn đề và hỗ trợ kỹ thuật.
– Phân tích dữ liệu:
- Tạo báo cáo và biểu đồ về hiệu suất kinh doanh và tương tác khách hàng.
- Phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định chiến lược và dự đoán xu hướng.
– Quản lý lịch trình:
- Tổ chức lịch trình làm việc và cuộc họp.
- Tự động nhắc nhở về các sự kiện quan trọng.
– Tích hợp với các hệ thống khác:
Liên kết dữ liệu CRM với các ứng dụng khác như email, mạng xã hội và hệ thống tài chính.
– Quản lý thông tin sản phẩm:
- Lưu trữ thông tin chi tiết về sản phẩm và dịch vụ.
- Theo dõi lịch sử mua sắm của khách hàng đối với từng sản phẩm.
– Bảo mật, quản lý quyền truy cập:
- Bảo vệ dữ liệu khách hàng và thông tin doanh nghiệp.
- Quản lý quyền truy cập để đảm bảo chỉ những người cần thiết có thể truy cập thông tin nhạy cảm.
– Xử lý báo cáo đa chiều:
Đa dạng các loại báo cáo về doanh số, khách hàng, thị trường, năng suất nhân viên…
Các tính năng này giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin chi tiết về khách hàng, tối ưu hóa quá trình bán hàng cũng như cung cấp cơ hội để tối ưu hóa chiến lược kinh doanh.
CRM quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?
Theo số liệu từ Gartner, CRM là phần mềm ứng dụng doanh nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất, chi tiêu trên toàn thế giới cho CRM dự kiến sẽ đạt 114,4 tỷ USD vào năm 2027. Ngày càng có nhiều công ty sử dụng giải pháp CRM để tìm kiếm nhiều khách hàng tiềm năng, cải thiện quy trình bán hàng, tăng năng suất và cải thiện sự hài lòng của người dùng. Doanh nghiệp có thêm góc nhìn toàn diện về khách hàng bao gồm nhu cầu, sở thích, lịch sử mua hàng. Một hệ thống CRM tốt sẽ cung cấp được những điều này. Tất cả dữ liệu đều ở cùng một nơi, có thể xem và truy cập dễ dàng trên một nền tảng.
Ngoài ra, bộ phận tiếp thị có thể tận dụng các giải pháp CRM để điều phối những chiến dịch cá nhân hóa và tạo khách hàng tiềm năng. Thông qua CRM sẽ theo dõi được tất cả các tương tác đa kênh và toàn bộ hành trình của khách hàng.
Top 5 phần mềm CRM tốt nhất
Hiện nay có nhiều nhà cung cấp phần mềm CRM khác nhau. Tuy nhiên phần mềm CRM tốt nhất dành cho doanh nghiệp cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
– Dễ sử dụng.
– Phù hợp với ngân sách.
– Tích hợp tốt với các hệ thống phần mềm khác.
– Cung cấp dữ liệu chính xác.
Dưới đây là những thông tin giúp bạn so sánh các phần mềm CRM trước khi quyết định sử dụng:
1. Salesforce
Đây là cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến phần mềm CRM. Thương hiệu này đã tiên phong sáng tạo phần mềm CRM và chiếm thị phần lớn trong một khoảng thời gian dài. Salesforce gần như là phần mềm CRM toàn diện với đa dạng các tính năng gồm bán hàng, thương mại, chăm sóc khách hàng, tiếp thị…
Ưu điểm:
– Là phần mềm CRM miễn phí với bản dùng thử.
– Linh hoạt, khả năng tùy biến cao.
– Giao diện thân thiện, dễ sử dụng.
– Thế mạnh ở tính năng quản lý bán hàng.
Nhược điểm:
– Chi phí khá cao.
– Không hỗ trợ tiếng Việt.
Chi phí: dao động từ 5$ – 300$/người dùng/tháng.
2. Hubspot
Hubspot là một trong nhà cung cấp phần mềm CRM tốt nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Những tính năng nổi bật của phần mềm này có thể kể đến như:
– Trình quản lý quảng cáo giúp doanh nghiệp dễ dàng thiết lập, so sánh hiệu quả các hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, đồng bộ hóa khách hàng tiềm năng từ quảng cáo vào Hubspot.
– Kết nối với mọi phương tiện sale thông qua Hubspot Sales như web, email, điện thoại, Outlook…
Ưu điểm:
– Có bản dùng thử miễn phí.
– Đa dạng tính năng.
– Khả năng liên kết dữ liệu tốt.
Nhược điểm:
– Chưa có tính năng phân tích hoạt động kinh doanh.
– Chi phí cao.
– Không hỗ trợ tiếng Việt.
– Người mới sử dụng CRM sẽ khó tiếp cận với giao diện của Hubspot.
Chi phí:
– Phần mềm CRM cho Marketing: 45$ – 3200$/người dùng/tháng.
– Phần mềm CRM cho bán hàng và chăm sóc khách hàng: 45$ – 1200$/người dùng/tháng.
3. Zoho
Zoho là phần mềm CRM tập trung vào giải quyết các vấn đề cơ bản trong quản lý và xây dựng mối quan hệ khách hàng. Với giao diện người dùng đơn giản, khả năng thiết lập quy trình công việc cụ thể, mô-đun có thể tùy chỉnh cùng chức năng tự động hóa, nền tảng này là sự lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ưu điểm:
– Là phần mềm CRM miễn phí với bản dùng thử 15 ngày cho 3 người dùng.
– Dễ sử dụng.
Nhược điểm:
Không hỗ trợ tiếng Việt.
Chi phí: 12$ – 35$/người dùng/tháng.
4. Microsoft Dynamics
Phần mềm CRM này là một sản phẩm trong hệ sinh thái của Microsoft. Microsoft Dynamics CRM tích hợp nhiều chức năng và phù hợp với mọi lĩnh vực của doanh nghiệp như bán hàng, tiếp thị, chăm sóc khách hàng… Một số tính năng nổi bật của hệ thống này như bảo mật an toàn, tích hợp nhiều ứng dụng trên nền tảng công nghệ, hoạt động trên cả web và thiết bị di động.
Ưu điểm:
– Phù hợp với doanh nghiệp ở mọi quy mô lớn nhỏ.
– Dễ dàng tích hợp với các ứng dụng khác của Microsoft như Outlook, Office, Dynamics GP…
– Truy cập mọi lúc mọi nơi.
Nhược điểm:
– Chi phí khá cao.
– Giao diện phức tạp.
– Không hỗ trợ tiếng Việt.
Chi phí:
– CRM bán hàng: 65$ – 162$/người dùng/tháng.
– CRM chăm sóc khách hàng: 50$ – 95$/người dùng/tháng.
– CRM Marketing: 1500$/người dùng/tháng.
5. SugarCRM
Được ra mắt từ năm 2004 đến nay SugarCRM đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Những tính năng nổi trội của phần mềm CRM này bao gồm:
– Tự động hóa các hoạt động lặp lại.
– Tích hợp mạng xã hội.
– Quản lý giao việc.
– Theo dõi mức độ hài lòng của khách hàng.
– Cung cấp báo cáo về khách hàng theo thời gian thực.
Ưu điểm:
– Phù hợp với mọi doanh nghiệp.
– Có phiên bản CRM miễn phí dùng thử 7 ngày.
– Có khả năng kết nối, đồng bộ dữ liệu.
Nhược điểm:
– Chi phí khá cao so với mặt bằng chung.
– Không hỗ trợ tiếng Việt.
Chi phí: 40$ – 150$/người dùng/tháng.
Bên cạnh những thương hiệu của nước ngoài, hiện tại các phần mềm CRM Việt cũng được người dùng ưa chuộng vì giá thành phù hợp, ngôn ngữ tiếng Việt cùng khả năng hỗ trợ trong quá trình sử dụng nhanh chóng, linh hoạt. Có thể kể đến một phần mềm CRM Việt tốt nhất hiện nay như MISA AMIS, CRMVIET, CRM NextX.
Trên đây là những thông tin cụ thể giúp bạn đọc so sánh các phần mềm CRM để chọn được giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu và ngân sách. Đừng quên truy cập blog của Vieclam24h.vn để khám phá những chủ đề bổ ích khác nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.