Phụ cấp ưu đãi nghề là một phần phụ cấp lương dành cho người lao động. Pháp luật có quy định cụ thể về mức phụ cấp này, dựa trên mức lương cơ bản. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về các loại phụ cấp ngành nghề.
Phụ cấp ưu đãi nghề là gì?
Phụ cấp ưu đãi theo ngành nghề là loại phụ cấp lương dành cho người lao động làm việc trong những ngành nghề cần ưu tiên. Mức phụ cấp này do pháp luật quy định và phù hợp theo điều kiện về kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Phụ cấp ưu đãi nghề áp dụng cho những đối tượng nào?
Phụ cấp ưu đãi ngành nghề được áp dụng cho những đối tượng sau:
- Giáo viên (kể cả người đang thử việc hoặc hợp đồng) thuộc biên chế chi trả lương và đang trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy tại các trường công lập. Các cán bộ quản lý giáo dục thuộc biên chế trả lương tại các trường công lập, giảng dạy trực tiếp đủ số giờ… (căn cứ trên Thông tư liên tịch 01 năm 2006, được sửa đổi năm 2018).
- Viên chức, công chức hoặc cán bộ y tế cấp xã trở lên trực tiếp thực hiện chuyên môn về y tế.
- Viên chức, công chức thực hiện công tác quản lý hoặc phục vụ không trực tiếp về chuyên môn y tế tại các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyên khoa phong, tâm thần… (căn cứ theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP).
- Viên chức, công chức ngành kiểm lâm, thú y, bảo vệ thực vật, kiểm soát đê điều (có chữ số mã vạch đầu ngành là 09, 10, 11) trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và được chuyển xếp lương dựa theo Nghị định 204 (căn cứ trên Thông tư liên tịch 64/2006)
- Chức danh lãnh đạo Nhà nước, các chức danh chuyên môn nghiệp vụ ngành kiểm sát, toà án với quy định bảng lương ban hành kèm Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
- Chức danh do bầu cử đảm nhiệm nhiệm vụ theo nhiệm kỳ tại Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc TW, cấp thị xã, quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.
- Công chức thuộc cơ quan Nhà nước (NN) được quy định tại Điều 2 trong Nghị định số 117/2003/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ và công chức.
- Công chức dự bị theo Điều 2 trong Nghị định 115/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
- Viên chức trong đơn vị sự nghiệp NN theo quy định ở Điều 2 trong nghị định số 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
- Viên chức, công chức, cán bộ trong biên chế NN, hưởng lương dựa theo bảng lương NN quy định và được cử đi làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, hội, dự án, tổ chức quốc tế đặt ở Việt Nam.
- Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã (thị trấn, phường) theo quy định ở Khoản 1 và Khoản 2 trong Điều 2 thuộc Nghị định 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Điều 22 trong Nghị định 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
- Người đảm nhận công tác cơ yếu tại các tổ chức cơ yếu.
- Quân nhân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
Cách tính phụ cấp ưu đãi nghề
Như vậy, bạn đã hiểu phụ cấp ưu đãi theo ngành nghề là gì và những ai được hưởng khoản phụ cấp ưu đãi này.
Theo Khoản 1 tại Điều 5 trong Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC, phụ cấp ưu đãi theo ngành nghề tính theo công thức sau:
Phụ cấp ưu đãi nghề = Lương tối thiểu chung * (hệ số ngạch/bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ + % phụ cấp thâm niên vượt khung) *mức phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định.
Trong đó:
- Lương tối thiểu chung chính là lương cơ bản. Từ ngày 01/07/2023, mức lương cơ sở chính thức tăng lên 1.800.000 đồng.
- Mức phụ cấp ưu đãi theo ngành nghề được quy định trong Điều 6 của Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo % khác nhau.
Khoản tiền phụ cấp ưu đãi này được trả vào kỳ tính lương hàng tháng và không dùng để tính bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế.
Phụ cấp y tế
Cán bộ, viên chức, công chức ngành y tế là một trong những đối tượng được nhận phụ cấp ưu đãi theo ngành nghề. Cách tính mức ưu đãi này với nghề y tế được quy định tại Điều 2 trong Nghị định 56/2011/NĐ-CP như công thức trên. Ngoài ra, khi tính phụ cấp này cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
- Mỗi viên chức, công chức chỉ hưởng một phụ cấp ưu đãi về nghề ở mức cao nhất.
- Từ ngày 01/01/2024, phụ cấp ưu đãi nghề y tế mới nhất được áp dụng theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP (bổ sung bởi Điều 1 thuộc Nghị định 05/2023/NĐ-CP) như sau:
+ Mức 70%: Với công chức viên chức trực tiếp hoặc thường xuyên làm công việc sau:
a) Xét nghiệm, điều trị, khám, chăm sóc bệnh nhân bị HIV/AIDS, phong, tâm thần, lao.
b) Giám định pháp y, giải phẫu bệnh lý, pháp y tâm thần.
+ Mức 60%: Với công chức, viên chức trực tiếp làm công việc:
a) Khám, chăm sóc, điều trị cho người bệnh cấp cứu, cấp cứu 115, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm.
b) Xét nghiệm hoặc phòng chống đối với bệnh truyền nhiễm.
c) Kiểm dịch y tế tại biên giới.
+ Mức 50%: Với viên chức, công chức trực tiếp hoặc thường xuyên khám, chăm sóc, điều trị, phục vụ bệnh nhân gây mê hồi sức, bệnh nhi, điều trị tích cực, chống độc, da liễu, bỏng.
+ Mức 40%: Với viên chức, công chức trực tiếp hoặc thường xuyên làm chuyên môn y tế dự phòng; kiểm soát nhiễm khuẩn, phục hồi chức năng, chăm sóc người bệnh, giám định y khoa; dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe sinh sản… tại cơ sở y tế công lập, cơ sở điều dưỡng bệnh binh, thương binh, người khuyết tật đặc biệt (trừ những trường hợp được quy định trong khoản 1, 2 và 3 của điều này).
+ Mức 30%: Với các trường hợp viên chức, công chức sau:
a) Trực tiếp làm chuyên môn về y tế phục vụ truyền thông giáo dục về sức khỏe; dân số và kế hoạch hóa gia đình.
b) Quản lý hoặc phục vụ không trực tiếp tại viện, bệnh viện chuyên khoa, cơ sở, trung tâm về HIV/AIDS, lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh lý.
Đặc biệt, với trường hợp viên chức, công chức không trực tiếp làm chuyên môn về y tế, quản lý hoặc phục vụ ở đơn vị sự nghiệp về y tế; hoặc viên chức, công chức làm công tác về chuyên môn y tế tại trường học, cơ quan, thủ trưởng của đơn vị dựa theo đặc thù công việc và nguồn thu để quyết định. Tuy nhiên, mức phụ cấp không vượt quá 20% lương ngạch cộng phụ cấp khác.
Phụ cấp với giáo viên
Giáo viên là một trong những đối tượng được nhận phụ cấp ưu đãi ngành nghề. Phụ cấp này đối với giáo viên được căn cứ theo Khoản 1, Mục I trong Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC như sau:
- Đối tượng:
+ Nhà giáo (kể cả giai đoạn thử việc, hợp đồng) đang thuộc biên chế trả lương và trực tiếp giảng dạy tại cơ sở giáo dục (CSDG) công lập, cơ sở được nhà nước cung cấp kinh phí để hoạt động.
+ Nhà giáo (kể cả giai đoạn hợp đồng, thử việc) trong biên chế trả lương ở CSGD công lập và thực hiện các nhiệm vụ như: tổng phụ trách đoàn, dội, hướng dẫn thực hành tại trạm, trại, xưởng, phòng thí nghiệm của trường.
+ Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương tại CSGD công lập và thực hiện đủ số giờ giảng dạy theo quy định.
- Mức phụ cấp như sau:
+ Mức 25% với nhà giáo trực tiếp giảng dạy tại CSGD công lập gồm: trường Đại học, trường Cao đẳng, học viện, trường bồi dưỡng thuộc các Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ, các tổ chức chính trị – xã hội TW, tổ chức Đảng hoặc cơ quan trong Chính phủ; trường chính trị tại các tỉnh/ thành phố (trừ giáo viên dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học Mác Lê-nin, các giáo viên dục dạy tại khoa sư phạm, trường sư phạm.
+ Mức 30% với nhà giáo trực tiếp dạy học tại CSGD công lập gồm: trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, trường trung học (TH) dạy nghề, TH chuyên nghiệp, trung tâm bồi dưỡng chính trị tại huyện, quận, thị xã…
+ Mức 35% đối với nhà giáo trực tiếp dạy tại CSGD công lập sau:
- Trường mầm non, tiểu học.
- Trường THPT, trung tâm hướng nghiệp, GDTX, dạy nghề tại hải đảo, miền núi, vùng sâu vùng xa.
+ Mức 40% với nhà giáo dạy trực tiếp tại:
- Trường sư phạm, khoa sư phạm (bậc TH, Cao đẳng, Đại học).
- Trường cán bộ quản lý về giáo dục.
- Giáo viên dạy môn chính trị tại trường dạy nghề, trường TH chuyên nghiệp.
+ Mức 45% áp dụng cho giảng viênmôn tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học Mác – Lênin tại các Cao đẳng, Đại học.
+ Mức 50% áp dụng cho nhà giáo đang giảng dạy tại trường mầm non và tiểu học tại vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo.
Trong đó, địa bàn miền núi được quy định bởi Uỷ ban Dân tộc, địa bàn hải đảo dựa theo địa lý thực tế, địa bàn vùng sâu vùng xa được thống nhất theo đặc điểm của từng địa phương.
Lưu ý: Phụ cấp ưu đãi cho giáo viên không được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Đang công tác, học tập hoặc làm việc ở nước ngoài và hưởng 40% lương theo quy định thuộc Khoản 4 trong Điều 8 của Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
- Có thời gian học tập hoặc đi công tác trong nước nhưng không tham gia giảng dạy liên tục suốt 3 tháng.
- Có thời gian nghỉ việc riêng và không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên.
- Thời gian nghỉ ốm, thai sản quá thời hạn so với quy định của Bảo hiểm xã hội hiện hành.
- Đang bị đình chỉ việc giảng dạy.
Lời kết
Vieclam24h.vn đã giới thiệu tới bạn những thông tin cơ bản về phụ cấp ưu đãi nghề. Bài viết hy vọng giúp bạn có thêm kiến thức về ngành nghề đang công tác để bảo vệ quyền lợi tốt hơn.
Ngoài ra, hiện Vieclam24h.vn đã trang bị tính năng tạo CV miễn phí giúp hành trình tìm việc trở nên đơn giản cho ứng viên. Hàng trăm mẫu CV với nhiều màu sắc, bố cục cho bạn thỏa sức sáng tạo và tùy chỉnh để sở hữu bộ CV xin việc cực ấn tượng.
Xem thêm: Phụ cấp thu hút là gì? Cách tính phụ cấp thu hút mới nhất hiện nay