Nếu như trước đây, cụm từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường,… đã quá quen thuộc thì bây giờ, vấn đề “bạo lực ngôn từ” cũng gây sát thương không kém. Người xưa có câu “lời nói có thể làm tổn thương con người hơn cả dao kiếm” cho thấy sức mạnh to lớn của ngôn từ. Trong xã hội hiện đại, sức mạnh này bị sử dụng sai cách, dẫn đến hành vi bạo lực ngôn từ nhức nhối. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu thực trạng và hậu quả của bạo lực ngôn từ qua bài viết dưới đây nhé!
Bạo lực ngôn từ là gì?
Bạo lực ngôn từ (Verbal abuse) là hành vi sử dụng ngôn ngữ bằng thái độ thù địch để xúc phạm, tạo cảm giác không an toàn, gây tổn hại lòng tin, quan điểm hoặc làm tổn thương lòng tự trọng của người khác.
Bạo lực ngôn từ lại gây ra hậu quả nặng nề cho tinh thần của người bị hại. Bạo lực ngôn từ xuất hiện ở nhiều ngữ cảnh khác nhau, từ giao tiếp trên mạng xã hội cho đến môi trường công sở hoặc bất kỳ nơi nào có sự tương tác giữa con người. Bất kì ai cũng có thể bạo lực ngôn từ trong lúc khó chịu hoặc căng thẳng tinh thần cao. Đối với một số người, đây hành vi để kiểm soát hoặc thao túng người khác, thậm chí là trả thù.
Thực trạng bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội
Xã hội ngày càng hiện đại, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực ngôn từ. Tự do ngôn luận đang có dấu hiệu “biến tướng”, đặc biệt là trên mạng xã hội. Hành vi bạo lực ngôn từ có thể gây ảnh hưởng xấu đến đến quá trình phát triển nhân cách con người. Nhiều người đang vô tình trở thành kẻ bạo lực và thậm chí, nạn nhân vì muốn đáp trả mà trở thành “thủ phạm”.
Thế hệ Gen Z vẫn đang trong giai đoạn học hỏi để trưởng thành nên thường nhạy cảm với những tác động bên ngoài và còn nhiều thiếu sót. Họ luôn muốn khẳng định phong cách sống và cá tính, chất riêng nhưng lại chưa biết cách cân bằng các mối quan hệ. Điều này nảy sinh tâm thế mâu thuẫn, cạnh tranh, dễ xúc phạm lẫn nhau về ngôn từ, thậm chí là mất kiểm soát hành vi.
Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Cũng vì sự phổ biến của nó mà nhiều người “tự do ngôn luận” quá đà và sử dụng mạng xã hội thiếu văn minh. Họ sẵn sàng đem một cá nhân ra bình phẩm, chê cười, dèm pha và giam đối tượng vào “một cái lồng” để miệt thị ngoại hình (bodyshaming), nói xấu hoặc thậm chí là hành động bắt nạt. Nhiều thành phần còn “a dua” tham gia “ném đá công khai” mà không cần biết lý do hoặc bản chất vấn đề. “Tâm bão” bình luận bùng nổ, gây sức ép nặng nề cho tinh thần và tâm hồn của người bị hại. Hậu quả của bạo lực ngôn từ vô cùng nặng nề, khi nạn nhân không đủ sức đối mặt với áp lực, họ rơi vào stress, trầm cảm, thậm chí là tự tử.
Xem thêm: Body Shaming là gì? Đừng để lời nói trở thành vũ khí sát thương nơi công sở
Biểu hiện của bạo lực ngôn từ nơi công sở: Chuyện không của riêng ai
Góp ý không mang tính xây dựng
Đôi lúc chúng ta góp ý với mục đích tốt nhưng lại lờ đi tâm trạng của đối phương. Những lời góp ý thiếu khéo léo dễ trở thành bạo lực ngôn từ.
Hơn nữa, nhiều người thường dựa vào cảm tính thay vì kinh nghiệm chuyên môn để phân tích, giải thích hay đề xuất giải pháp hợp tình hợp lý. Thậm chí họ có thể lôi khuyết điểm của người khác để mổ xẻ, chê bai, hạ bệ và chỉ trích khiến người nghe tổn thương, tự ti. Nạn nhân bất lực khi lắng nghe góp ý nhưng không nhận được bất kỳ gợi ý giá trị nào.
Phỉ báng thay vì khiển trách đúng mực
Việc bị sếp khiển trách khi làm chưa đủ tốt cũng không có gì mới lạ. Khiển trách khác với chỉ trích, phỉ báng và đương nhiên, không phải cứ là sếp thì luôn đúng. Những người sếp làm tốt vai trò lãnh đạo sẽ khéo léo khiển trách đúng người đúng việc.
Nhiều vị sếp “xấu tính” lại thích phỉ báng cá nhân với những lời lẽ khá gay gắt, dùng câu từ thiếu lịch sự, sẵn sàng hạ thấp cá nhân.
Lời đùa thiếu tinh tế
Những câu đùa về thói quen làm việc, ngoại hình, vóc dáng, cách ăn mặc hay cả sở thích ăn uống khiến “nhân vật chính” chẳng mấy vui vẻ. Những lời đùa thiếu tinh tế có thể khiến người nghe thiếu tự tin, không thoải mái hay thậm chí khó chịu. Dù bên ngoài họ vẫn tỏ vẻ cười vui để giữ “hoà khí” nhưng trong lòng lại trở nên mặc cảm.
Hậu quả của bạo lực ngôn từ công sở
Điều đáng sợ của bạo lực ngôn từ là nó có thể giết chết chúng ta từ bên trong. Nạn nhân dần thu mình và hoang mang trước tất cả mọi thứ, họ sợ ra đường, sợ chỗ đông người. Cảm giác bị người khác nhìn thấu, đàm tiếu và nói xấu sau lưng khiến người bị hại luôn căng thẳng, mệt mỏi. Vết thương thể xác có thể lành nhưng vết thương tâm hồn kéo dài rất lâu, gây ảnh hưởng tới tâm lý.
Nạn nhân có thể bị tổn thương, stress, lo âu, trầm cảm. Những lời nói xúc phạm, miệt thị dù vô tình hay cố ý có thể khiến họ mất đi sự tự tin, lòng tự trọng, thậm chí dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và hành vi tự hại. Không những thế, có thể khiến nạn nhân dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, suy giảm hệ miễn dịch,… dẫn khó tập trung và giảm năng suất làm việc.
Không những thế, còn gây mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các mối quan hệ hợp tác khi làm việc, khiến bầu không khí lúc nào cũng căng thẳng, áp lực. Về lâu dài, điều này có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chung và làm mất hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp.
Nói “không” với bạo lực ngôn từ nơi công sở bằng cách nào?
Đối với cá nhân
Để bảo vệ bản thân trước nhiều trường hợp bạo lực ngôn từ không hay có thể xảy ra nơi công sở, mỗi cá nhân nên xác định ranh giới khi giao tiếp. Hãy phân biệt rõ những góp ý mang tính xây dựng và lời nói xúc phạm, hạ bệ bản thân. Lắng nghe cởi mở với góp ý chân thành, nhưng cũng nên dứt khoát “quay lưng” với những lời nói thiếu tôn trọng.
Bị tấn công bằng ngôn từ tiêu cực có thể khiến bạn tức giận, buồn bã hay tổn thương. Tuy nhiên, hãy giữ bình tĩnh, tự kiềm chế và tránh phản ứng gay gắt, tuôn ra những lời nói nói xúc phạm, thiếu tôn trọng để không làm tình hình thêm tồi tệ. Nhắc nhở bản thân rằng giá trị của bạn không được định nghĩa bởi lời nói của người khác.
Không những thế, mỗi cá nhân cần ý thức lời nói của chính mình với bất kỳ ai. Bạn cũng nên tôn trọng những cá tính khác biệt nơi công sở và thấu hiểu đồng nghiệp bằng cách quan sát, cân nhắc kỹ lưỡng trong giao tiếp. Bên cạnh đó, hãy quan tâm, động viên, an ủi và giúp những người gặp phải bạo lực vượt qua tổn thương.
Nếu bạn đã từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ, dù biết là rất khó nhưng hãy học cách vị tha, bao dung và đừng cố tìm cách trả đũa người khác. Hơn ai hết, bạn là người hiểu rõ những nỗi khổ khi bị nói xấu, xúc phạm, chửi bới,… và bạn không thể vượt qua những điều xấu xa bằng một điều xấu khác. Hãy tìm cách “chữa lành” cho chính mình và nhờ đến sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình, người thân. Trong một số trường hợp, bạo lực ngôn từ có thể khiến bạn bị tổn thương sâu sắc, hãy chủ động tìm gặp chuyên gia tâm lý nếu không thể vượt qua.
Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp nên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về bạo lực ngôn từ để nâng cao nhận thức cho nhân viên. Đồng thời, cung cấp các thông tin, tài liệu về hậu quả. Hơn nữa, khuyến khích xây dựng văn hóa doanh nghiệp văn minh, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Tốt nhất là xây dựng kênh phản hồi để nhân viên có cơ hội đóng góp ý kiến hoặc tố cáo hành vi bạo lực ngôn từ.
Doanh nghiệp nên xây dựng quy định cụ thể về việc xử lý hành vi trong môi trường công sở, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm. Đặc biệt là ban lãnh đạo cần đi đầu trong việc sử dụng ngôn ngữ văn minh, lịch sự và đề cao lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến của người khác.
Kết luận
Từ những cuộc tranh luận nảy lửa cho đến những hành động châm chọc không chỉ gây tổn thương cho tinh thần mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp và hiệu suất làm việc. Bằng cách xây dựng văn hóa làm việc văn minh và thiết lập cơ chế phản hồi tích cực, chúng ta có thể xây dựng môi trường công sở lành mạnh, tôn trọng và mỗi cá nhân đều được đối xử công bằng. Vieclam24h.vn hy vọng mọi người có thể hướng đến một tương lai làm việc tích cực và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Sex joke là gì? Có nên đùa chuyện 18+ trong môi trường làm việc?