Những thay đổi về văn hóa, công nghệ và xã hội đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết trong thời đại ngày nay. Trong môi trường công sở, lần đầu tiên có 5 thế hệ làm việc cùng nhau. Do đó những vấn đề về khoảng cách thế hệ là điều tất yếu mà các nhà quản lý phải đối mặt. Vậy nguyên nhân dẫn đến khoảng cách thế hệ là gì, làm thế nào để hóa giải hay thu hẹp khoảng cách này? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Khoảng cách thế hệ là gì?
Khoảng cách thế hệ hay sự khác biệt giữa các thế hệ ở nơi làm việc đề cập đến niềm tin, giá trị và thái độ khác nhau giữa các nhóm tuổi. Nguyên nhân dẫn đến khoảng cách thế hệ chủ yếu là do trải nghiệm khác nhau mà mỗi người trải qua đã hình thành quan điểm của họ về mọi thứ như đạo đức làm việc, giao tiếp, khả năng tiếp cận công nghệ…
Không khó để bắt gặp những môi trường làm việc mà ở đó sinh viên mới tốt nghiệp làm việc cùng các “đồng nghiệp” lớn hơn họ vài thập kỷ. Dưới đây là những phân tích của Purdue về 5 thế hệ đang hiện diện ở nơi làm việc:
Traditionalists – thế hệ im lặng (1925 – 1945): 2%
Đặc điểm của thế hệ này là ưu tiên giao tiếp trực tiếp hoặc qua ghi chú, email. Họ tin tưởng và tuân theo chủ nghĩa cá nhân, thâm niên theo độ tuổi và thăng tiến theo thứ bậc. Họ được đánh giá là những người đáng tin cậy, thẳng thắn, khéo léo và trung thành.
Baby boomers – thế hệ bùng nổ dân số (1946 – 1964): 25%
Họ sẵn sàng giao tiếp theo bất kỳ cách nào, miễn là đạt được hiệu quả, chẳng hạn như điện thoại hay gặp mặt trực tiếp. Họ tin rằng thành tựu đến từ nỗ lực và hy sinh. Thế hệ này được đánh giá là những người lạc quan, cạnh tranh, tham công tiếc việc và có tinh thần đồng đội.
Gen X (1965 – 1980): 33%
Phương thức giao tiếp của những người thuộc thế hệ này là qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp. Họ tin tưởng vào sự đa dạng, sẵn sàng rời bỏ công ty nếu không đáp ứng được mong muốn và từ chối những thay đổi làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Những người này được xem là linh hoạt, độc lập và có tính hoài nghi.
Gen Y (1981 – 1996): 35%
Cách thức giao tiếp ưa thích của Gen Y là tin nhắn và email. Thế hệ này ưu tiên việc tìm kiếm những thách thức, tăng trưởng và phát triển, cân bằng giữa công việc với cuộc sống cá nhân. Họ được đánh giá là có tính cách cởi mở, hướng tới thành tích, có tính cạnh tranh và trách nhiệm.
Gen Z (1997 – 2012): 5%
Đây là thế hệ của những con người cá tính, đa dạng, tính cá nhân cao, thích làm việc với các nhà quản lý trẻ, những đồng nghiệp sáng tạo và công nghệ mới. Phương thức giao tiếp yêu thích là tin nhắn và mạng xã hội. Họ được đánh giá là có tính cầu toàn, tinh thần ham học hỏi nhưng lại ít tập trung.
Xem thêm: Nắm bắt 7 đặc điểm của Gen Z, giúp doanh nghiệp quản lý nhân sự hiệu quả
Những vấn đề về khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc
Một số ví dụ về vấn đề phổ biến xảy ra ở môi trường làm việc do khoảng cách thế hệ như:
– Định kiến: Các thế hệ lớn tuổi có thể xem những người trẻ là lười biếng, ngược lại người trẻ lại xem người lớn đã lỗi thời.
– Phong cách giao tiếp: Người trẻ thường ưu tiên email, tin nhắn hơn là nói chuyện điện thoại hoặc giao tiếp trực tiếp như các thế hệ trước.
– Phong cách làm việc: Các nhà quản lý lớn tuổi không tin tưởng năng suất làm việc khi những nhân viên trẻ thích làm việc từ xa hoặc hybrid.
Ngoài ra, theo khảo sát của LiveCareer, những điều quan trọng nhất đối với các thế hệ khi lựa chọn nhà tuyển dụng là:
– Tất cả đều coi trọng uy tín doanh nghiệp nhất. Trong đó, Gen Z 53%, Gen Y 58%, Gen X 42%, Baby boomers 59%.
– Tiếp theo là lĩnh vực công việc dành cho Gen Z 44%, đảm bảo việc làm đối với Baby boomers 46%, cơ hội phát triển với Gen X 42% và Gen Y 46%.
– Lợi ích hàng đầu đối với Gen Z (39%) là bảo hiểm y tế, trong khi đối với Gen Y (38%), gen X (33%) và Baby boomers (32%) là công việc linh hoạt.
Hậu quả của khoảng cách thế hệ
Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc có thể gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến cả cá nhân và tổ chức. Sự khác biệt về giá trị, quan điểm, phong cách làm việc giữa các thế hệ thường dẫn đến bất đồng, giao tiếp không hiệu quả, thiếu tôn trọng trong môi trường làm việc.
Một hậu quả khác của khoảng cách thế hệ là sự mất mát kiến thức và kỹ năng quan trọng cho tổ chức. Các nhân viên trẻ thường mang lại sự đổi mới trong khi những nhân viên có kinh nghiệm lại có kiến thức sâu rộng. Tuy nhiên, nếu không có sự chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các thế hệ, hai yếu tố này sẽ không tồn tại ở doanh nghiệp.
Thêm vào đó, khoảng cách thế hệ có thể dẫn đến thất thoát nhân tài. Các nhân viên trẻ có thể cảm thấy không được đánh giá cao hoặc không có cơ hội phát triển nếu họ không nhận được sự ủng hộ, hướng dẫn từ các “đồng nghiệp” của thế hệ trước. Từ đó gây ra sự không hài lòng và thậm chí là rời bỏ tổ chức.
Mặc dù khoảng cách thế hệ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực nhưng vẫn có những ưu điểm không ngờ.
Khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc không đáng sợ như bạn nghĩ
Theo khảo sát của LiveCareer, gần 90% số người được hỏi đồng ý rằng sự đa dạng về tuổi tác ở nơi làm việc mang đến nhiều yếu tố tích cực, 87% cho rằng đây là cơ hội để mỗi thế hệ học hỏi lẫn nhau. Lợi ích của khoảng cách thế hệ bao gồm:
– Đa dạng góc nhìn: Mỗi thế hệ mang lại những trải nghiệm, giá trị độc đáo hay ý tưởng đổi mới và cách giải quyết vấn đề sáng tạo hơn.
– Cơ hội đào tạo: Mỗi nhân viên đều xây dựng kỹ năng bằng cách học hỏi từ đồng nghiệp ở các thế hệ.
– Người cố vấn: Các thế hệ trước thường là cố vấn cho các đồng nghiệp trẻ hơn, hướng dẫn và hỗ trợ họ định hướng sự nghiệp.
– Cải thiện khả năng giao tiếp: Sự khác biệt về thế hệ sẽ dẫn đến hiểu lầm, nhưng chúng cũng là cơ hội để mọi người rèn luyện khả năng lắng nghe tích cực và giao tiếp rõ ràng.
– Ra quyết định tốt hơn: Các quyết định thường chính xác và hiệu quả hơn khi trải qua nhiều góp ý, xem xét ở nhiều góc nhìn.
Cách quản lý sự khác biệt thế hệ ở nơi làm việc
Khoảng cách thế hệ có thể dẫn đến xích mích nội bộ vì những kỳ vọng khác nhau về cách mà mọi công việc nên được thực hiện. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại môi trường làm việc đa dạng cho doanh nghiệp. Điều quan là cần biết cách giải quyết những khác biệt này. Dưới đây là một số giải pháp thu hẹp khoảng cách thế hệ mà các nhà quản lý có thể thực hiện:
Khuyến khích sự hướng dẫn giữa các thế hệ
Hành động này giúp nhân viên học hỏi kinh nghiệm của nhau. Ví dụ ghép nhân viên có kinh nghiệm với nhân viên trẻ hơn trong một dự án để cùng chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Chấp nhận các phong cách giao tiếp đa dạng
Việc thích ứng này có thể hạn chế những hiểu lầm giữa các thế hệ. Chẳng hạn như tổ chức các cuộc họp trực tuyến đồng thời đảm bảo những cập nhật quan trọng được chia sẻ qua nhiều kênh khác nhau để tất cả đều nắm rõ.
Xem thêm: Nghệ thuật dĩ hòa vi quý là gì? Bí kíp vàng trong giao tiếp ứng xử nơi công sở
Cung cấp cơ hội phát triển nghề nghiệp phù hợp
Nên hiểu rằng nhân viên ở các độ tuổi khác nhau sẽ có những mục tiêu khác nhau để cung cấp các lựa chọn phù hợp. Ví dụ như chương trình đào tạo tập trung vào nâng cao kỹ năng, thăng tiến hoặc cập nhật kiến thức nghề nghiệp.
Thực hiện chính sách làm việc linh hoạt
Tính linh hoạt về giờ hoặc địa điểm làm việc có thể đáp ứng nhu cầu của nhân viên ở các thế hệ. Từ đó thúc đẩy sự hài lòng cũng như động lực làm việc. Do đó, hãy cân nhắc các lựa chọn như làm việc từ xa hoặc hybrid để đáp ứng nhu cầu cá nhân nhưng vẫn duy trì được năng suất.
Nuôi dưỡng văn hóa tôn trọng
Nhà lãnh đạo nên khuyến khích giao tiếp cởi mở về khoảng cách thế hệ để tăng cường sự đồng cảm cũng như hiểu biết giữa các thành viên trong nhóm.
Xem thêm: Làm thế nào để xây dựng văn hóa tương trợ trong doanh nghiệp?
Tôn vinh sự đa dạng để thu hẹp khoảng cách thế hệ
Hãy làm nổi bật những điểm mạnh riêng biệt mà mỗi thế hệ mang lại cho công ty bằng cách giới thiệu thành tựu hay câu chuyện thành công của họ trên các bản tin nội bộ hay kênh truyền thông xã hội của doanh nghiệp.
Thúc đẩy tính toàn diện trong quá trình ra quyết định
Khuyến khích sự hợp tác giữa các nhóm tuổi khác nhau khi đưa ra chiến lược, thúc đẩy ý thức đóng góp của tất cả các thế hệ như mời đại diện của mỗi nhóm tuổi phát biểu ý kiến, đưa ra ý tưởng trong các buổi họp.
Cuối cùng, tất cả phụ thuộc vào việc nhà lãnh đạo của doanh nghiệp quản lý tốt và truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc cùng nhau. Do đó việc đào tạo đội ngũ quản lý cũng rất quan trọng để gắn kết cũng như thu hẹp khoảng cách thế hệ. Theo thời gian, nơi làm việc của bạn sẽ trở thành môi trường mà bất kỳ ai cũng muốn làm việc và cảm thấy có giá trị.
Qua bài viết trên, hy vọng đã mang đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc về sự khác biệt thế hệ ở nơi làm việc. Để tìm hiểu những chủ đề hấp dẫn khác, đừng quên theo dõi blog Vieclam24h.vn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Quỹ hưu trí tự nguyện là gì? Quỹ hưu trí tự nguyện có tính thuế TNCN?