Vốn đối ứng là gì? Đây là câu hỏi mà nhiều công ty, doanh nghiệp và tổ chức quan tâm khi tham gia vào các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA (Official Development Assistance) hoặc vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế. Bài viết này của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ cung cấp cho bạn đọc khái niệm, nguyên tắc sử dụng và một số quy định phân bổ vốn đối ứng.
Vốn đối ứng là gì? Vốn đối ứng tiếng Anh là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP: Vốn đối ứng là khoản vốn đóng góp của phía Việt Nam (bằng hiện vật hoặc tiền) trong chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhằm chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án, được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chủ dự án tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Vốn đối ứng tiếng Anh là Reciprocal Capital.
Vốn đối ứng của doanh nghiệp là gì?
Vốn đối ứng của doanh nghiệp là khoản tiền của các doanh nghiệp đóng góp trong các dự án, chương trình sử dụng vốn ODA hay vốn vay ưu đãi.
14 khoản chi phí sử dụng vốn đối ứng là gì?
Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, vốn đối ứng được sử dụng cho các khoản chi phí dưới đây:
(1) Chi phí hoạt động cho Ban quản lý dự án (lương, thưởng, phụ cấp, văn phòng, phương tiện làm việc, chi phí hành chính).
(2) Chi phí thẩm định thiết kế, duyệt tổng dự toán, hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và thủ tục hành chính cần thiết khác.
(3) Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu.
(4) Chi phí cho hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án.
(5) Chi phí tiếp nhận và phổ biến công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế.
(6) Chi phí tuyên truyền, quảng cáo chương trình, dự án và các hoạt động cộng đồng.
(7) Chi trả các loại thuế, phí hải quan, phí bảo hiểm theo quy định hiện hành.
(8) Tiền trả lãi, tiền đặt cọc, phí cam kết và các loại phí liên quan khác phải trả cho phía nước ngoài.
(9) Chi phí tiếp nhận thiết bị và vận chuyển nội địa (nếu có).
(10) Chi phí quyết toán, thẩm tra quyết toán hoàn thành.
(11) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
(12) Chi phí thực hiện một số hoạt động cơ bản của chương trình, dự án (khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công; xây dựng một số hạng mục công trình, mua sắm một số trang thiết bị).
(13) Chi phí cho hoạt động giám sát và đánh giá; giám sát và kiểm định chất lượng, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán, kiểm toán chương trình, dự án.
(14) Chi phí dự phòng và các chi phí hợp lý khác.
Vốn đối ứng lấy từ nguồn nào?
- Đối với nhà nước: Vốn đối ứng thường được lấy từ chính quyền địa phương, ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ trong và ngoài nước.
- Đối với doanh nghiệp: Vốn đối ứng của doanh nghiệp được lấy từ nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng, vốn vay ưu đãi của nhà nước hoặc từ các nguồn khác.
- Vốn ODA: Vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn bộ nguồn vốn đối ứng và mức vốn sẽ được quy đổi thành đô la Mỹ hoặc Việt Nam đồng. Nếu dự án có vốn đối ứng, chủ đầu tư cần chỉ rõ nguồn vốn đối ứng (ngân sách trung ương hay địa phương), giá trị đóng góp bằng hiện vật, trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của các cấp ngân sách, đối tượng thụ hưởng của dự án nếu có và đối tượng thực hiện.
Nguyên tắc sử dụng
Theo quy định tại Điều 44, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP:
- Vốn đối ứng được ưu tiên dùng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc diện ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ, từ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm.
- Vốn đối ứng cần được huy động đầy đủ, đảm bảo kế hoạch thực hiện các nguồn vốn, chương trình đã đề ra.
- Nguồn vốn, mức vốn và cơ chế góp vốn đối ứng cần phù hợp với kế hoạch chi tiêu của chương trình, dự án. Dựa trên sự thỏa thuận thống nhất giữa nhà tài trợ nước ngoài và cơ quan chủ quản thông qua các văn bản, dự án đã được chính quyền cho phép.
Nguồn của vốn đối ứng:
- Cần chuẩn bị đủ vốn đối ứng để thực hiện các dự án, chương trình đã thống nhất giữa nhà tài trợ nước ngoài và cơ quan chủ quản Việt Nam.
- Nguồn vốn, mức vốn và cơ chế của vốn đối ứng được hoạch định phù hợp với mỗi nội dung chi tiêu của chương trình, dự án.
- Mức vốn được thể hiện rõ trong văn kiện của dự án, chương trình được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Quy định phân bổ vốn đối ứng
Theo Khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 44 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP quy định việc phân bổ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án cụ thể như sau:
1. Được ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ
Đối với các chương trình, dự án được phân bổ vốn đối ứng và cấp phát toàn bộ từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản có trách nhiệm:
- Cân đối vốn đối ứng trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan chủ quản theo phân cấp quản lý ngân sách và từ các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật và phân định rõ theo nguồn vốn xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của chương trình, dự án.
- Bảo đảm bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ quy định trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quyết định đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.
2. Đối với chương trình và dự án vay lại toàn bộ
- Đối với địa phương: vốn đối ứng do địa phương bố trí từ nguồn ngân sách địa phương.
- Đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập: Chủ dự án tự bố trí vốn đối ứng hoặc trình lên cơ quan chủ quản quyết định để đảm bảo đủ vốn đối ứng theo quy định trước khi ký hợp đồng vay lại.
3. Đối với các chương trình và dự án có cơ chế tài chính hỗn hợp
Các chương trình, dự án cấp phát từ ngân sách nhà nước và vay lại: Cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án bố trí đủ vốn đối ứng phù hợp với quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng vay lại.
4. Đối với các chương trình và dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước có thời điểm phê duyệt hoặc ký kết không trùng với kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm, chưa được bố trí vốn đối ứng
Cơ quan chủ quản có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình lên cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định bổ sung vào dự toán ngân sách hàng năm.
Trường hợp thời điểm lập kế hoạch vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án được xem xét tài trợ không trùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hằng năm, cơ quan chủ quản cân đối trong tổng vốn đã được phân bổ.
Trong trường hợp không tự cân đối được, cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định việc tạm ứng vốn và sau đó khấu trừ vào kế hoạch năm tiếp theo.
Trong đó, định mức chi tiêu đối với các khoản chi từ nguồn vốn đối ứng thực hiện theo chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Kết luận
Trong các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài, phía Việt Nam cũng cần phải có vốn đối ứng. Vốn đối ứng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và thành công của chương trình, dự án. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ vốn đối ứng là gì và các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.