Javascript là ngôn ngữ lập trình được ứng dụng phổ biến trong các trang web từ cơ bản đến phức tạp. Bạn mới tiếp xúc lập trình web nhưng không hiểu JavaScript là gì? JavaScript dùng để làm gì? JavaScript hoạt động như thế nào? Vì sao thiết kế website cần đến JavaScript? Tất cả sẽ được Nghề Nghiệp Việc Làm 24h giải đáp trong bài viết dưới đây!
JavaScript là gì?
JavaScript là ngôn ngữ lập trình được sử dụng để phát triển ứng dụng web như tương tác động, chức năng và hiệu ứng tương tác trên trang web. Khi được nhúng vào HTML, JavaScript sẽ thực thi trực tiếp trên trình duyệt web của người dùng và tạo ra các hiệu ứng sống động mà không cần cài đặt phần mềm bổ sung.
JavaScript được phát triển bởi Brendan Eich và ra mắt vào năm 1995 trên trình duyệt Netscape Navigator. Sau đó được tích hợp trên các trình duyệt khác như Internet Explorer, Opera. Tên ban đầu là Mocha, sau đó đổi thành LiveScript và cuối cùng là JavaScript để tận dụng sự phổ biến của Java.
Là ngôn ngữ kịch bản phía client (client-side scripting language), JavaScript được xem là một trong những công nghệ quan trọng của World Wide Web. JavaScript có thể chuyển trang web từ trạng thái tĩnh sang động, tạo tương tác để cải thiện hiệu suất máy chủ và nâng cao trải nghiệm người dùng. JavaScript là ngôn ngữ đa nền tảng, không chỉ hoạt động trên mảng trình duyệt, trong môi trường nhúng mà còn chạy được trong nhiều môi trường máy chủ, phần mềm máy tính và các ứng dụng di động,…
Thư viện JavaScript là gì?
Thư viện JavaScript là tập hợp các đoạn mã JavaScript được viết sẵn và có thể được sử dụng lại để tạo các hàm JavaScript chuẩn. Việc sử dụng thư viện JavaScript giúp các nhà phát triển web tiết kiệm thời gian và công sức vì họ không cần phải viết đoạn mã từ đầu đối với các chức năng phổ biến.
Có 2 loại thư viện JavaScript chính:
- Thư viện chức năng: Cung cấp các hàm JavaScript cho các chức năng cụ thể như thao tác DOM, xử lý dữ liệu, Ajax,…
- Framework: Cung cấp cấu trúc và framework cho các ứng dụng web lớn.
Cách thức hoạt động của JavaScript là gì?
JavaScript hoạt động trên website thông qua trình duyệt web (browser) và có thể thay đổi nội dung của các phần tử HTML, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh, liên kết,… và thay đổi giá trị thuộc tính HTML, kiểu HTML (CSS), đồng thời ẩn hoặc hiển thị các phần tử HTML.
Các lập trình viên sẽ tạo các tệp JavaScript riêng biệt rồi liên kết chúng vào trang HTML. Khi truy cập trang web, trình duyệt sẽ tự động tìm kiếm, tải và thực thi mã JavaScript. Mã JavaScript có thể truy cập và thao tác với các yếu tố HTML và CSS trên trang web, thực hiện các phép tính, xử lý dữ liệu và tương tác với máy chủ.
JavaScript có thể gọi các API (Application Programming Interface) và truy cập, tương tác với những tài nguyên trên website như đọc và ghi dữ liệu từ cơ sở dữ liệu, gửi yêu cầu HTTP, xử lý dữ liệu JSON,… JavaScript còn có thể giao tiếp với dịch vụ web AJAX (Asynchronous JavaScript and XML) để tương tác với máy chủ và cập nhật nội dung trên trang mà không cần tải lại. Đặc biệt, trong quá trình chạy mã JavaScript, trình duyệt quản lý và tự động giải phóng bộ nhớ khi các đối tượng không còn được sử dụng, nhờ đó tối ưu hiệu suất ứng dụng.
JavaScript được dùng để làm gì?
Phát triển web Front-end
Web Front-end là hình thức phát triển giao diện website mà người dùng có thể tương tác để sử dụng. Có 3 ngôn ngữ lập trình chính được sử dụng để phát triển front end, bao gồm:
- HTML (Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản): Cung cấp nội dung cơ bản cho website và định nghĩa cấu trúc cũng như các phần tử hiển thị.
- CSS (Trang tính kiểu xếp tầng): Định dạng và thiết kế website, xử lý kiểu dáng, quy định bố cục, màu sắc, canh lề,…
- JavaScript: Nâng cao hiệu quả hoạt động website, giúp trang web xử lý sự kiện, có hiệu ứng động, tăng tính thẩm mỹ và nâng cao trải nghiệm.
Phát triển web Back-end
Phát triển web back-end là phát triển phía máy chủ, đây là công việc của lập trình viên liên quan đến việc tạo máy chủ tệp, cơ sở dữ liệu, API, dịch vụ đám mây,…
Với sự xuất hiện của Node.js, JavaScript được sử dụng nhằm đồng bộ hóa mã nguồn giữa máy chủ và người dùng. Các khung JavaScript được sử dụng để quá trình phát triển web back-end đơn giản hơn, bao gồm:
- Express Js: Web Application framework phát triển dựa trên Node.js, được dùng để phát triển Web Applications và API REST.
- Fastify: Server-Side Web Framework tập trung vào hiệu suất ứng dụng và trải nghiệm của nhà phát triển.
- Koa: Framework trung gian cho các Web Applications và APIs.
Phát triển ứng dụng di động (mobile app)
Việc phát triển mobile app thường được thực hiện bởi các ngôn ngữ lập trình dành riêng cho hệ điều hành Java (Android) hoặc Swift (iOS). Tuy nhiên, các lập trình viên cũng có thể tạo ra các ứng dụng di động cho nhiều hệ điều hành bằng một code dựa trên JavaScript thông qua các framework như sau:
- React Native: Framework mã nguồn mở được dùng để xây dựng cross-platform native apps (ứng dụng gốc đa nền tảng). Các thành phần của React Native sử dụng lập trình khai báo phù hợp cho giao diện người dùng.
- NativeScript: Framework đa nền tảng giúp phát triển các mobile app trên cả Android và iOS. Do là mã nguồn mở, nên các lập trình viên có thể sử dụng các biến phụ thuộc khác nhau và điều chỉnh giao diện người dùng trên nhiều màn hình và thiết bị.
- Ionic: Framework được dùng để xây dựng các ứng dụng kết hợp.
Ưu và nhược điểm khi thiết kế website bằng JavaScript
Ưu điểm khi sử dụng JavaScript là gì?
- JavaScript là ngôn ngữ chạy trực tiếp trên máy người dùng mà không cần cài đặt phần mềm bổ sung, giúp triển khai và phát triển ứng dụng web trở nên đơn giản hơn.
- JavaScript tạo ra các hiệu ứng động, thay đổi nội dung và tương tác người dùng trên trang web sống động, mượt mà. Ngôn ngữ lập trình này còn cung cấp khả năng thay đổi và kiểm soát giao diện người dùng.
- JavaScript giúp xử lý các sự kiện trên trang web để mang đến trải nghiệm tương tác và phản hồi nhanh chóng.
- Cung cấp nhiều tính năng hấp dẫn tính năng giỏ hàng đối với website bán hàng trực tuyến; tính năng kiểm tra người dùng mà không cần tải lại trang hoặc truy xuất cơ sở dữ liệu; tính năng gợi ý từ khóa trên thanh tìm kiếm; tính năng xem video,…
- Nhờ JavaScript, trang web có thể tự động cập nhật thông tin và tính năng mới nhất mà không cần tốn thời gian tải lại.
- JavaScript giúp ứng dụng web kích hoạt chuỗi hành động đã được lên kịch bản ngay khi người dùng vừa mới truy cập website.
- Với cú pháp đơn giản và linh hoạt, JavaScript cho phép tạo ra mã dễ đọc, dễ bảo trì. Hơn nữa, JavaScript cung cấp nhiều thư viện và framework như Reactjs (dành cho ứng dụng mobile), Node.js (xây dựng và phát triển ứng dụng realtime từ máy chủ), Angular (xây dựng ứng dụng Single Page),… giúp lập trình viên phát triển ứng dụng web nhanh chóng.
Nhược điểm khi sử dụng JavaScript là gì?
- Do chạy trực tiếp trên trình duyệt người dùng, JavaScript có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật. Kẻ tấn công có thể chèn mã JavaScript độc hại vào trang web, khiến người dùng thực thi mã mà họ không hề hay biết. Mã JavaScript độc hại có thể thực hiện nhiều hành động nguy hiểm, chẳng hạn như: Đánh cắp dữ liệu người dùng, kiểm soát trình duyệt và lây lan mã độc sang các máy tính khác.
- Trong quá trình chạy website, trình duyệt cần phải thông dịch và thực thi mã JavaScript, điều này làm chậm hiệu năng của ứng dụng. Tuy nhiên, tốc độ chạy của JavaScript đã được cải thiện đáng kể khi xuất hiện các công nghệ và cải tiến như JIT (Just-In-Time).
- Các phiên bản và các trình duyệt web khác nhau có thể có cách giải thích và thực thi các mã JavaScript khác nhau. Điều này khiến các tính năng và mã JavaScript được hỗ trợ khác nhau trên các nền tảng.
Cơ hội nào cho lập trình JavaScript?
JavaScript là ngôn ngữ lập trình được các nhà phát triển web sử dụng nhiều nhất hiện nay. Mang bản chất linh hoạt và đa năng, ngôn ngữ lập trình này có thể chạy trên nhiều thiết bị từ điện thoại di động, máy tính để bàn đến máy chủ, thiết bị IoT,… Nhờ vào các công nghệ như Node.js, Angular và React, JavaScript còn được sử dụng để phát triển web front-end, back-end, game, mobile app,… JavaScript không ngừng cải tiến với các phiên bản khác nhau, gần đây nhất là phiên bản tiêu chuẩn chính thức ECMAScript. Đặc biệt, ngôn ngữ này xây dựng một cộng đồng người dùng lớn, với hàng ngàn thư viện và framework JavaScript hỗ trợ hiệu quả cho các coder.
Điều này đã khiến lập trình JavaScript trở thành kỹ năng được nhắc đến nhiều nhất trong các tin tuyển dụng liên quan đến phát triển website. Ngoài ra, kỹ năng lập trình JavaScript được trả lương cao nhất trong các kỹ năng phát triển web front-end, web back-end,… với mức lương vô cùng hấp dẫn.
Làm thế nào học lập trình JavaScript hiệu quả?
Có nhiều khóa học Javascript trực tuyến mà các bạn có thể tham khảo từ cơ bản đến nâng cao, miễn phí hoặc có phí:
- JavaScript Tutorial for Beginners: Learn JavaScript in 1 Hour: Đây là video của kênh YouTube Programming with Mosh hướng dẫn cơ bản về JavaScript trong 1 giờ.
- Learn JavaScript: Khóa học JavaScript miễn phí của Codecademy, với các bài giảng, bài tập và dự án thực tế.
- The Complete JavaScript Course 2024: From Zero to Expert! hoặc Complete JAVASCRIPT with HTML5,CSS3 from zero to Expert-2024: Khóa học JavaScript toàn diện của Udemy, gồm các bài giảng video, bài tập lập trình, bài kiểm tra và 6 dự án.
Bên cạnh đó, các bạn có thể tham khảo các tài liệu hướng dẫn để tra cứu khái niệm, cú pháp và ví dụ về JavaScript:
- JavaScript Tutorial: Bài viết hướng dẫn của W3Schools chi tiết và cực kỳ dễ hiểu, chứa các ví dụ chạy trực tiếp ngay trên trình duyệt.
- JavaScript Guide: Tài liệu về JavaScript của MDN Web Docs, gồm các khái niệm nâng cao và tính năng mới của JavaScript.
- JavaScript Reference: Các thông tin tham khảo của MDN Web Docs được cập nhật liên tục, đầy đủ về các đối tượng, thuộc tính, phương thức và các toán tử của JavaScript.
Các bạn cũng nên tương tác với cộng đồng “coder” để tiếp nhận những lời góp ý hữu ích và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm.
- Trực tuyến: Tham gia các diễn đàn, podcast, blog, newsletter,… về JavaScript. Các bạn có thể tham gia diễn đàn lớn và uy tín Stack Overflow hoặc nền tảng mạng xã hội Reddit để chia sẻ các chủ đề liên quan đến lập trình JavaScript
- Tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo, workshop,… như JSConf, Node.js Interactive, React Summit,…
Ngoài ra, các bạn cũng cần áp dụng kiến thức lập trình Javascript vào các bài tập và dự án thực tế để nâng cao kỹ năng.
- Codewars: Trang web cho phép giải quyết các bài toán về lập trình với độ khó khác nhau.
- freeCodeCamp: Trang web cho phép học và thực hành lập trình JavaScript thông qua các bài giảng, bài kiểm tra và dự án.
- JavaScript30: Khóa học Javascript miễn phí giúp bạn xây dựng 30 dự án về JavaScript với các video hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu.
Kết luận
Mặc dù có nhiều ngôn ngữ lập trình hiện đại nhưng JavaScript vẫn là ngôn ngữ lập trình quan trọng mà bất kỳ lập trình viên nào cũng cần biết đến. Hy vọng những thông tin được Vieclam24h.vn chia sẻ trên đã giúp bạn đọc nắm rõ JavaScript là gì và cách hoạt động của JavaScript. Chúc bạn thành công
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.