Logistics là gì? Các vị trí công việc và mức lương trong ngành này là thắc mắc của rất nhiều bạn học sinh, sinh viên và những người muốn học xuất nhập khẩu. Vì vậy, Việc Làm 24h sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây:
Logistics là gì?
Logistics hiểu đơn giản có nghĩa là hậu cần. Mặc dù chúng ta thường hay thấy thuật ngữ logistics và supply chain đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng hậu cần là một yếu tố của chuỗi cung ứng tổng thể (supply chain).
Logistics đề cập đến sự di chuyển của hàng hóa từ điểm A đến điểm B, bao gồm 2 chức năng là vận chuyển và lưu kho. Chuỗi cung ứng tổng thể là một mạng lưới doanh nghiệp và tổ chức làm việc theo một chuỗi các quá trình, bao gồm cả logistics, sản xuất và phân phối hàng hóa.
Tầm quan trọng của logistics là gì?
Logistics tập trung vào sự di chuyển của hàng hóa nhưng ảnh hưởng của nó lại rộng hơn thế. Trong kinh doanh, thành công trong công tác logistics sẽ giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, tốc độ sản xuất nhanh hơn, kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn, sử dụng không gian kho thông minh hơn, tăng sự hài lòng của khách hàng và nhà cung cấp.
Vai trò của logistics là gì?
Bản chất của một doanh nghiệp là thương mại, trao đổi hàng hóa, dịch vụ để lấy tiền. Logistics là con đường mà hàng hóa, dịch vụ được trao đổi để hoàn thành các giao dịch. Đôi khi hàng hóa được vận chuyển với số lượng lớn, cũng có lúc hàng hóa được di chuyển dưới dạng các khoản giải ngân riêng lẻ, chỉ với một khách hàng tại một thời điểm.
Logistics có ảnh hưởng đến 7 yếu tố sau:
1. Nguồn cung ứng
Nguồn cung ứng phù hợp cần đáp ứng một số điều kiện, ví dụ như chi phí, thời gian giao hàng… Nhiệm vụ của logistics lại bao gồm việc quản lý các yếu tố này. Do đó, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn cung ứng tốt nhất.
2. Vận chuyển
Có thể nói đây là hoạt động cốt lõi của logistics. Có nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa khác nhau như: đường hàng không, đường bộ, đường biển… Ở mỗi phương thức sẽ có chi phí, quy định riêng. Do vậy cần tối ưu những yếu tố này để chọn ra phương án tốt nhất. Sau đó thực hiện các thủ tục liên quan để tiến hành vận chuyển hàng hóa. Trong quá trình này, cần theo dõi, quản lý và báo cáo về hàng hóa, hóa đơn, tiến độ vận chuyển.
3. Thực hiện đơn hàng
Để hoàn thành một đơn hàng, cần trải qua quy trình lấy sản phẩm từ kho, đóng gói đúng quy cách và vận chuyển đến khách hàng. Đây được xem là trung tâm của chuỗi logistics trong phân phối hàng hóa.
4. Lưu kho
Đây là phần quan trọng khi lập kế hoạch logistics. Lưu kho bao gồm các hoạt động như: khả năng chứa của kho, sắp xếp hàng hóa, thời gian lưu hàng…
5. Dự báo nhu cầu
Để tránh trường hợp thiếu sản phẩm hay nguyên vật liệu thì việc dự báo nhu cầu là cần thiết trong logistics. Ngoài ra, khi hàng hóa bán chậm, dự báo cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư vào.
6. Quản lý tồn kho
Quản lý tồn kho giúp công ty giải quyết 2 vấn đề. Đầu tiên là đạt lợi nhuận và quay vòng sản phẩm nhanh hơn khi tới mùa vụ. Thứ hai đó là luân chuyển hàng hóa giữa các điểm bán để đạt doanh thu tốt nhất. Để làm được 2 điều này thì không thể thiếu logistics.
7. Quản lý chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng thực chất là chuỗi các giao dịch khác nhau, trong đó có logistics. Do đó, nếu logistics bị đình trệ thì chuỗi cung ứng sẽ không hoạt động, dẫn đến những tổn thất cho doanh nghiệp.
Lợi ích của việc quản lý logistics là gì?
Khả năng hiển thị
Quản lý logistics mang lại khả năng hiển thị tốt hơn cho chuỗi cung cứng. Điều này cho phép các doanh nghiệp kiểm soát chi phí, phát huy các điểm mạnh, phát hiện các vấn đề của chuỗi cung ứng…
Giảm chi phí
Bằng cách chủ động kiểm soát mức tồn kho sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, thu hẹp diện tích tồn kho…
Cải thiện trải nghiệm khách hàng
Đây là yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng. Khi phân phối các đơn đặt hàng chính xác và nhanh chóng sẽ tăng độ trung thành với thương hiệu và doanh thu trong tương lai.
Ngăn ngừa tổn thất
Quản lý logistics giúp ngăn ngừa tổn thất theo một số cách. Một là hạch toán tồn kho thực sự, do đó công ty sẽ biết chính xác số lượng hàng tồn kho tại bất kỳ thời điểm nào. Các công ty cũng có thể theo dõi biến động và vị trí hiện tại để hàng không bị thất lạc hoặc chuyển hướng. Ngoài ra, đảm bảo các điều kiện lưu trữ và vận chuyển tối ưu sẽ hạn chế hư hỏng hàng hóa.
Hỗ trợ mở rộng quy mô
Dự báo mở rộng bằng cách tính toán nhu cầu thực tế, hàng tồn kho, vận chuyển và dự trữ sao cho phù hợp. Hơn nữa, mở rộng quy mô còn giúp công ty hoàn thành nhiều đơn đặt hàng của khách đúng hạn hơn.
Lợi thế cạnh tranh
Cung cấp đơn đặt hàng chính xác và đúng hạn là yếu tố nền tảng trong trải nghiệm của khách hàng và giúp tăng doanh thu. Đảm bảo được khâu logistics sẽ tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tại sao logistics lại thu hút được nguồn nhân lực lớn?
Logistics là ngành đang rất hot với tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 10% và đóng góp khoảng 5% vào GDP quốc gia, số liệu được ghi nhận bởi vneconomy. Đây được xem là một trong những ngành chủ chốt của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Chính vì lý do này mà ngành logistics cần nguồn nhân lực cả về số lượng cũng như chất lượng, mở ra cánh cửa cho các bạn trẻ dấn thân và phát triển sự nghiệp. Nơi nào có nhu cầu, nơi đó sẽ có cơ hội. Vì lẽ đó mà logistics trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu khi tìm kiếm công việc hay dự định chuyển sang ngành mới tiềm năng hơn.
Các vị trí việc làm trong ngành logistics là gì?
Trong thực tế, ngành logistics sẽ bao gồm các vị trí:
1. Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và kho vận
Đây là bộ phận bán hàng và sản phẩm là dịch vụ vận chuyển.
2. Nhân viên chứng từ
Bộ phận thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến chứng từ xuất nhập khẩu. Nhân viên chứng từ có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của các chứng từ hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi thông quan, đảm bảo hàng hóa được giao cho khách hàng theo đúng thủ tục pháp lý.
3. Nhân viên thu mua
Vị trí này có nhiệm vụ lựa chọn và mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất từ các nhà cung cấp có uy tín. Điều quan trọng là họ phải tìm ra giá trị tối đa cho công ty thông qua thương lượng thời gian và chi phí với nhà cung cấp.
4. Nhân viên thanh toán quốc tế
Đây là vị trí làm việc với rất nhiều tài liệu và yêu cầu sự cẩn thận. Đồng thời phải giỏi tiếng Anh, am hiểu các tiêu chuẩn như UCP 600 cũng như các nguyên tắc quốc tế khác.
5. Nhân viên hiện trường
Nhiệm vụ của nhân viên hiện trường trong ngành logistics là gì? Đó là trực tiếp đến kho bãi, sân bay, cảng biển để làm thủ tục hải quan và nhận hàng từ các công ty vận tải. Nhân viên hiện trường thường làm việc cho các công ty Forwarder và các công ty dịch vụ khai thuế hải quan.
6. Nhân viên giao nhận
Vị trí này chịu trách nhiệm về mọi việc chuyển phát thư từ, bưu kiện, hàng hóa.
7. Nhân viên kho và cung ứng
Quản lý kho hàng là một trong những khâu không thể thiếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nhân viên kho hàng có kỹ năng, kiến thức và nhạy bén là điều cần thiết để công việc được vận hành trơn tru và hiệu quả.
8. Nhân viên cảng
Nhân viên cảng sẽ chịu trách nhiệm điều phối các container trên tàu hoặc từ tàu đến cảng.
9. Nhân viên chăm sóc khách hàng
Vị trí này ở ngành logistics không chỉ là người tư vấn, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, mà còn đòi hỏi phải liên tục nắm bắt thông tin cập nhật.
10. Nhân viên hải quan
Năng lực nghiệp vụ của nhân viên hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính hợp pháp của hàng hóa xuất nhập khẩu và luân chuyển hàng hóa để tránh tình trạng ùn tắc cảng.
Lương của nhân viên logistics là bao nhiêu?
Mức lương khởi điểm cho ngành này khi mới ra trường dao động tầm 6-8 triệu/tháng. Với những người đã có 1-2 năm kinh nghiệm thì có thể ở mức 15-20 triệu/tháng. Tùy vào vị trí, khối lượng công việc và quy mô công ty mà mỗi vị trí sẽ có mức lương khác nhau. Chẳng hạn như nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và logistics thường có lương trung bình trên 10 triệu/tháng. Nhân viên thu mua sẽ cần ứng viên có ngoại ngữ, mức lương dao động 9-15 triệu/tháng. Nhân viên kho bãi không yêu cầu bằng cấp, chủ yếu cần sức khỏe và kỹ năng, lương sẽ tầm 6-8 triệu/tháng.
Khi làm việc nhiều năm, được thăng chức lên quản lý, giám sát hay giám đốc thì mức lương rất đáng mơ ước, dao động từ 20 – 100 triệu/tháng. Ngoài ra vị trí giám đốc chuỗi cung ứng lên đến 150 – 200 triệu/tháng, mức lương của vị trí này là cao nhất trong ngành logistics.
Logistics hiện đang là một trong những ngành có tiềm năng công việc cao. Do đó nếu bạn yêu thích và mong muốn làm việc trong lĩnh vực này thì có thể tham khảo các thông tin về logistics là gì, các vị trí và mức lương. Nếu bạn cần tìm việc làm logistics hãy truy cập Việc Làm 24h với hàng ngàn cơ hội hấp dẫn đang chờ bạn ứng tuyển. Và đừng quên theo dõi những bài viết mới từ Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!