Dù mới khởi nghiệp hay là một doanh nghiệp lớn, việc phân tích đối thủ cạnh tranh là vô cùng cần thiết để “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng làm thế nào để phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả, cách nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Đối thủ cạnh tranh là gì?
Đối thủ cạnh tranh là những công ty đang cung cấp sản phẩm tương tự với nhau cho cùng phân khúc thị trường. Họ không chỉ cạnh tranh về sản phẩm mà còn về giá cả, chất lượng, dịch vụ cũng như các yếu tố khác liên quan đến trải nghiệm của khách hàng. Hầu như bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nào cũng có đối thủ. Do đó, điều quan trọng là cần phải làm gì để nổi bật, có được chỗ đứng trên thương trường.
Có thể phân loại đối thủ thành ba loại chính dựa trên mức độ cạnh tranh và sự tương đồng của sản phẩm:
1. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp
Đây là những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm giống hệt với bạn. Sự cạnh tranh chủ yếu là về giá cả, chất lượng, dịch vụ khách hàng, chiến lược tiếp thị. Ví dụ điển hình là Coca-Cola và Pepsi, hai thương hiệu này cạnh tranh trực tiếp trong ngành nước giải khát có ga, hay Adidas – Nike, Milo – Ovaltine, TH True Milk – Vinamilk – Cô gái Hà Lan…
2. Đối thủ cạnh tranh gián tiếp
Đối thủ cạnh tranh gián tiếp là những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm khác nhưng có thể thay thế cho sản phẩm của bạn. Mặc dù sản phẩm không giống nhau nhưng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu hoặc mong muốn của khách hàng. Ví dụ, rạp chiếu phim và dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix cạnh tranh gián tiếp với nhau vì cả hai đều cung cấp giải trí phim ảnh cho người tiêu dùng.
3. Đối thủ cạnh tranh tiềm năng
Đây là những doanh nghiệp có khả năng gia nhập thị trường và trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai. Họ có thể đang hoạt động trong một lĩnh vực khác hoặc là các doanh nghiệp mới nổi có tiềm năng phát triển mạnh. Đối thủ tiềm năng có thể trở thành mối đe dọa lớn khi họ quyết định mở rộng hoạt động vào thị trường của bạn.
Tại sao cần phải phân tích đối thủ cạnh tranh?
Phân tích đối thủ cạnh tranh là một bước rất quan trọng trong chiến lược kinh doanh hay tiếp thị của bất kỳ doanh nghiệp nào vì giúp:
1. Hiểu rõ thị trường
Phân tích đối thủ cạnh tranh là cách để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường đang hoạt động. Qua việc xem xét các đối thủ, doanh nghiệp có thể nhận diện được các xu hướng, nhu cầu của khách hàng và cách thức thị trường đang phát triển. Từ đó có thể định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội để tìm kiếm, khai thác những khoảng trống trong thị trường mà đối thủ chưa nhắm đến. Đồng thời, việc phân tích này cũng giúp nhận diện những thách thức mà doanh nghiệp cần đối mặt và đưa ra các biện pháp phòng ngừa hoặc giải quyết kịp thời.
2. Định vị thương hiệu, phát triển chiến lược
Nếu không phân tích đối thủ cạnh tranh doanh nghiệp sẽ khó mà xác định vị trí của mình trong thị trường. Điều này rất quan trọng để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng và mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp nổi bật cũng như thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, phân tích đối thủ còn cung cấp thông tin cần thiết để doanh nghiệp điều chỉnh, phát triển chiến lược sản phẩm hay tiếp thị. Thông qua việc hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, doanh nghiệp có thể cải thiện sản phẩm, quy trình kinh doanh, hoạt động Marketing để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
3. Định hình chiến lược giá
Có thể nói cuộc chiến về giá là cuộc chiến gay gắt nhất trên thị trường. Và phân tích đối thủ cạnh tranh chính là điều vô cùng cần thiết để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chiến lược giá cả của đối thủ. Từ đó, đưa ra các quyết định về giá cả hợp lý, cạnh tranh hơn hoặc thậm chí là phát triển các chiến lược giá trị gia tăng để làm tăng sự hấp dẫn của sản phẩm.
4. Xác định xu hướng và sáng tạo đổi mới
Phân tích đối thủ không chỉ là một công cụ để doanh nghiệp nhận biết những thay đổi và xu hướng mới trong ngành mà còn là cách để học hỏi từ những đổi mới, sáng tạo mà đối thủ đang áp dụng. Khi tiến hành phân tích, doanh nghiệp có thể phát hiện ra những công nghệ mới, phương pháp kinh doanh độc đáo hoặc những chiến lược tiếp thị sáng tạo mà đối thủ đang triển khai.
Ngoài việc học hỏi từ những thành công, phân tích đối thủ còn giúp doanh nghiệp nhận diện những thất bại và sai lầm của đối thủ. Việc hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến thất bại của đối thủ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro tương tự trong hoạt động của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa các quy trình nội bộ.
Các bước phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả
Để thu thập thông tin và nghiên cứu, phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả, bạn có thể tham khảo các bước sau:
1. Xác định đối thủ cạnh tranh
– Xác định các đối thủ chính: Cần nhận diện được đối thủ trực tiếp, gián tiếp và cả đối thủ tiềm năng thông qua việc nghiên cứu thị trường, phân tích ngành và sử dụng các công cụ tìm kiếm.
– Thu thập thông tin về đối thủ: Thu thập thông tin từ các nguồn như báo chí, internet, mạng xã hội, các bài đánh giá sản phẩm và phản hồi của khách hàng. Các báo cáo tài chính công khai, bài báo, hồ sơ công ty cũng là một nguồn thông tin quan trọng.
– Công cụ theo dõi đối thủ: Sử dụng các công cụ như SEMrush, Ahrefs, SimilarWeb để theo dõi hoạt động trực tuyến của đối thủ, bao gồm lưu lượng truy cập web, chiến dịch quảng cáo và hiệu suất SEO.
2. Phân tích thông tin
– Phân tích SWOT: Xác định điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities), thách thức (Threats) của đối thủ là bước cơ bản để hiểu rõ về năng lực và chiến lược của đối thủ.
– Phân tích chiến lược kinh doanh: Đánh giá các chiến lược tiếp thị, phân phối, và giá cả của đối thủ. Đồng thời, xem xét các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi đang triển khai như thế nào.
– Đánh giá sản phẩm, dịch vụ: So sánh chất lượng, tính năng, giá cả, dịch vụ khách hàng của đối thủ để xác định các ưu thế cạnh tranh và điểm yếu.
Xem thêm: SWOT là gì? Cách các doanh nghiệp ứng dụng mô hình SWOT đạt hiệu quả cao
3. So sánh
– So sánh điểm mạnh và điểm yếu: Đánh giá sự khác biệt giữa doanh nghiệp của bạn với đối thủ về các yếu tố chính như sản phẩm, dịch vụ, quy trình kinh doanh, chiến lược tiếp thị.
– Đánh giá sự khác biệt: Nhận diện những yếu tố làm nên sự khác biệt, lợi thế của doanh nghiệp bạn so với đối thủ để xác định các lĩnh vực cần cải thiện và những điểm mạnh cần phát huy.
Phân tích đối thủ là một quá trình liên tục và cập nhật thường xuyên để có thông tin chính xác vì không có bất kỳ đối thủ nào “giậm chân tại chỗ” mà luôn thay đổi và phát triển. Nếu bạn không hiểu họ, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bằng cách hiểu rõ đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội, định vị thương hiệu và phát triển các chiến lược kinh doanh nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về đối thủ. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn để đón đọc những chủ đề bổ ích khác nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Làm sao để xây văn hóa cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy tinh thần nhân viên?