Đứng trước những thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, CCNA là một trong những chứng chỉ quan trọng công nhận năng lực của người lập trình. CCNA là gì? Sở hữu chứng chỉ CCNA mang đến những cơ hội gì? Mời bạn đọc cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
CCNA là gì?
CCNA, viết tắt của Cisco Certified Network Associate, là chứng chỉ mạng máy tính uy tín và được công nhận rộng rãi, được cấp bởi Cisco Systems – nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu thế giới. Hiện nay, có đến 150 quốc gia công nhận và sử dụng chứng chỉ CCNA. Theo tạp chí Certification Magazine, CCNA là 1 trong 10 chứng chỉ nghề nghiệp hàng đầu thế giới về kiến thức và kỹ năng công nghệ mạng.
Những kỹ sư, chuyên viên mạng sở hữu chứng chỉ CCNA được chứng nhận có kiến thức về mạng (networking), bao gồm mạng cục bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN) và Internet. Cùng với khả năng cài đặt, cấu hình, vận hành và sửa chữa mạng máy tính. CCNA đã trở thành tiêu chuẩn của cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực mạng máy tính.
Tầm quan trọng của chứng chỉ CCNA
Cơ sở kiến thức và kỹ năng vững chắc về mạng
Chứng chỉ CCNA là minh chứng cho việc bạn đã nắm vững các kiến thức cơ bản và nâng cao về lĩnh vực mạng. Bạn có khả năng cài đặt, cấu hình, vận hành và xử lý sự cố các mạng quy mô vừa, cũng như quản lý các thiết bị mạng của Cisco như router và switch, các giao thức mạng cơ bản, IP addressing,… Đây là nền tảng cần thiết để hiểu và làm việc với các mạng máy tính.
Mở rộng cơ hội nghề nghiệp
Trong thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, sở hữu chứng chỉ CCNA sẽ giúp bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Các công việc liên quan đến mạng và hệ thống như chuyên viên mạng, quản trị viên mạng, kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật mạng,… thường yêu cầu hoặc ưu tiên ứng viên có chứng chỉ CCNA.
Tăng thu nhập và cơ hội thăng tiến
CCNA là chứng chỉ quốc tế được công nhận trên toàn thế giới. Dù bạn làm việc ở bất kỳ đâu, chứng chỉ này vẫn có giá trị và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Các kỹ sư, chuyên viên mạng có chứng chỉ CCNA có mức thu nhập hấp dẫn. Chứng chỉ này còn mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, giúp bạn dễ dàng tiến lên các vị trí cao hơn.
Tạo nền tảng cho các chứng chỉ cao hơn
CCNA là bước đệm lý tưởng để bạn theo đuổi các chứng chỉ Cisco nâng cao hơn. Bạn phải có chứng chỉ CCNA trước khi học và thi chứng chỉ như CCNP (Cisco Certified Network Professional) và CCIE (Cisco Certified Internetwork Expert) – chứng chỉ cao cấp nhất trong hệ thống chứng chỉ của Cisco Systems.
Xây dựng uy tín
Có chứng chỉ CCNA giúp xây dựng uy tín và sự tín nhiệm trong mắt nhà tuyển dụng, khách hàng và đối tác. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho thấy rằng bạn đã đầu tư thời gian và công sức để phát triển kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Nhờ đó, bạn có thể được cân nhắc cho các vị trí hoặc dự án cấp cao.
Cập nhật kiến thức công nghệ mới nhất
Ngoài các thiết bị của Cisco, CCNA trang bị cho bạn kiến thức và kỹ năng làm việc với các công nghệ mạng khác nhau. Hơn nữa, chương trình học và thi lấy chứng chỉ CCNA được cập nhật liên tục để bắt kịp những thay đổi và xu hướng trong lĩnh vực công nghệ mạng. Cisco Systems là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu toàn cầu và nhiều tổ chức sử dụng sản phẩm của Cisco.
Mở rộng mạng lưới nghề nghiệp
Khi tham gia lấy chứng chỉ CCNA, bạn sẽ có cơ hội kết nối với nhiều chuyên gia đã được chứng nhận CCNA, chuyên gia mạng và nhiều nhà tuyển dụng tiềm năng. Đây là cơ hội tốt để mở rộng mạng lưới nghề nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước và tìm kiếm những cơ hội hợp tác hấp dẫn.
Chương trình đào tạo chứng chỉ CCNA
Khi tham gia chương trình đào tạo chứng chỉ CCNA, bạn sẽ được trang bị các kiến thức về ngành hệ thống thông tin quản lý mạng:
- Network Fundamental (OSI, Cabling, Network Basics. Subnet, TCP/IP,…)
- Switching (Etherchannel, Ethernet LAN, Switch, VLAN, Trunking,…)
- Routing (OSPF, HA Layer 3, EIGRP, Router, Static Routing,…)
- Ip services (TRACEROUTE, ICMP, CDP, ACL, DHCP, ARP,…)
- IP6
- WAN (Frame – relay, VPN, PPoE, Leased line (HDLC, PPP),…)
Quy trình nhận chứng chỉ CCNA
Chuẩn bị cho kỳ thi: Học hỏi những kiến thức và kỹ năng được yêu cầu trong tài liệu học của Cisco Systems hoặc các bộ tiêu chuẩn của CCNA. Cisco Systems cung cấp bộ giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo cần thiết cho kỳ thi CCNA.
Đăng ký kỳ thi: Đăng ký tham gia kỳ thi CCNA qua Pearson VUE, đây là đối tác chính thức được Cisco Systems uỷ quyền.
Tham gia và vượt qua kỳ thi: Bạn sẽ tham gia kỳ thi CCNA tại một trung tâm được chỉ định. Để đủ điều kiện nhận chứng chỉ CCNA, bạn cần đạt được số điểm quy định.
Nhận chứng chỉ: Sau khi vượt qua kỳ thi, bạn sẽ nhận được chứng chỉ CCNA từ Cisco Systems.
Học CCNA ra làm gì?
Khi hoàn thành chương trình học và đạt chứng chỉ CCNA, bạn sẽ có khả năng:
- Thiết kế và triển khai các hệ thống mạng từ việc thi công cáp mạng, cáp tường đến cấu hình các thiết bị mạng.
- Thiết lập và cấu hình các hệ thống mạng bao gồm các thiết bị định tuyến (routers) và chuyển mạch (switches) cho cả mạng nội bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN).
- Quản trị mạng và xử lý các sự cố mạng thường gặp, từ đó nâng cao hiệu suất và bảo mật cho hệ thống mạng của doanh nghiệp.
- Nắm vững các nguyên tắc hoạt động của hệ thống mạng, tiếp tục học lên các chứng chỉ cao cấp hơn như CCNP và CCIE.
- Am hiểu các công nghệ mạng diện rộng hiện đại như Frame-Relay, ISDN, ADSL cùng với các giao thức định tuyến như RIP, EIGRP, OSPF để làm việc hiệu quả trong các hệ thống mạng WAN.
- Điều kiện tiên quyết để theo đuổi các lĩnh vực chuyên sâu hơn như Security, Service Provider, Data Center, Wireless,…
Những công việc cần đến chứng chỉ CCNA
Chứng chỉ CCNA mở ra nhiều cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia khác nhau.
1. Kỹ sư mạng (Network Engineer)
Kỹ sư mạng là người chịu trách nhiệm thiết kế, triển khai và quản lý các hệ thống mạng máy tính cho tổ chức hoặc doanh nghiệp. Công việc này làm việc với các thiết bị mạng như router, switch và firewall để đảm bảo mạng hoạt động hiệu quả, an toàn.
2. Quản trị viên hệ thống (System Administrator)
Quản trị viên hệ thống chịu trách nhiệm duy trì và quản lý các hệ thống mạng, máy chủ hoạt động hiệu quả. Công việc này đòi hỏi khả năng cấu hình thiết bị mạng, quản lý tài khoản người dùng và bảo trì hệ thống mạng.
3. Kỹ thuật viên hỗ trợ mạng (Network Support Technician)
Kỹ thuật viên hỗ trợ mạng chịu trách nhiệm xử lý sự cố mạng, hỗ trợ người dùng cuối và đảm bảo kết nối mạng ổn định. Chứng chỉ CCNA giúp họ nắm vững các kỹ thuật xử lý sự cố và bảo trì mạng.
4. Chuyên gia bảo mật mạng (Network Security Specialist)
Chuyên gia bảo mật mạng tập trung vào việc bảo vệ hệ thống mạng khỏi các mối đe dọa và tấn công. Họ triển khai các biện pháp bảo mật như firewall, hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) và các chính sách bảo mật để bảo vệ dữ liệu và thông tin của tổ chức.
Mặc dù chứng chỉ CCNA không chuyên sâu về bảo mật, nhưng cung cấp kiến thức cơ bản về cấu hình và quản lý thiết bị mạng, giúp chuyên gia bảo mật hiểu cách hoạt động của các thiết bị mạng và làm việc hiệu quả hơn khi triển khai các biện pháp.
5. Chuyên gia tư vấn mạng (Network Consultant)
Chuyên gia tư vấn mạng giúp các tổ chức thiết kế và triển khai các giải pháp mạng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Họ sẽ đánh giá yêu cầu của khách hàng và cung cấp các giải pháp tối ưu để cải thiện hiệu suất và bảo mật mạng.
6. IT Service
IT Service cung cấp hỗ trợ cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến hệ thống mạng, phần mềm và phần cứng. Trách nhiệm của họ là giải quyết các yêu cầu và vấn đề của khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Đạt chứng chỉ CCNA làm việc ở đâu?
- Tại Việt Nam, nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ như FPT, Viettel, VNPT,… sử dụng rộng rãi các sản phẩm của Cisco và yêu cầu nhân viên có chứng chỉ CCNA để đảm bảo khả năng quản lý và vận hành hệ thống mạng.
- Các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM,…
- Các tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Cisco, HP,…
- Các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
- Các công ty viễn thông.
- Các công ty phát triển phần mềm và công nghệ.
- Các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn mạng.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ CCNA là gì và tầm quan trọng của chứng chỉ nghề quốc tế này ảnh hưởng như thế nào đến con đường sự nghiệp.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: VNPT tuyển dụng vị trí nào? VNPT mức lương bao nhiêu?