Trong cuộc sống hiện đại, khi sự cạnh tranh và áp lực lên ngôi, tính vị kỷ có thể len lỏi vào môi trường làm việc, gây ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể. Vị kỷ là gì? Vì sao chúng ta dễ dàng hành động vì lợi ích cá nhân? Làm thế nào loại bỏ tính vị kỷ trong công việc? Tất cả sẽ được Nghề Nghiệp Việc Làm 24h giải đáp trong bài viết dưới đây.
Vị kỷ là gì?
Vị kỷ là xu hướng đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả, không quan tâm đến cảm nhận và lợi ích của người khác. Từ góc độ tâm lý học, vị kỷ được xem là một phần của bản năng sinh tồn, nhưng nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Tại sao chúng ta lại trở nên vị kỷ?
Một trong những lý do cơ bản của tính vị kỷ là bản năng sinh tồn. Từ xa xưa, con người phải đối mặt với nhiều nguy hiểm sống còn, hình thành xu hướng ưu tiên bản thân để tăng khả năng sống sót. Trong trường hợp cảm thấy không an toàn hoặc thiếu thốn, cơ chế tự bảo vệ bản thân có thể dẫn đến suy nghĩ chỉ tập trung thỏa mãn nhu cầu của cá nhân mà không cần cân nhắc đến người khác.
Tính vị kỷ có thể bắt nguồn từ môi trường nuôi dưỡng. Trong giai đoạn phát triển tâm lý, sự vị kỷ là một phần bình thường của quá trình trưởng thành. Trẻ em phải học cách phát triển sự đồng cảm và chia sẻ qua quá trình giáo dục và trải nghiệm xã hội. Một đứa trẻ được dạy phải đặt bản thân lên hàng đầu và phải cạnh tranh để giành lấy những gì mình muốn, điều này vô tình hình thành nên tâm lý ích kỷ.
Những người trưởng thành với sự thiếu thốn tình cảm thường có chủ nghĩa cá nhân cao, họ tập trung vào nhu cầu bản thân để bù đắp những khoảng trống này. Họ không biết cách thể hiện sự quan tâm và không thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác. Đặc biệt là những người thiếu mục tiêu, động lực và định hướng trong cuộc sống, lợi ích cá nhân được ưu tiên hơn.
Trong xã hội hiện đại, thành công và sự hoàn hảo từ những doanh nhân, người nổi tiếng,… được các phương tiện truyền thông hết bút mực ca tụng. Những giá trị này vô tình bị phóng đại và khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy lợi ích. Trong môi trường làm việc, áp lực cạnh tranh khiến mọi người cảm thấy phải “chiến đấu” để đạt được mục tiêu và dẫn đầu.
Những dấu hiệu nhận biết vị kỷ trong công việc
Thiếu hợp tác và chia sẻ
Người vị kỷ không sẵn lòng chia sẻ thông tin quan trọng hoặc tài nguyên với đồng nghiệp. Họ chỉ quan tâm đến phần việc của mình, không chịu hợp tác với các thành viên khác và luôn tìm cách đổ lỗi khi công việc gặp khó khăn. Khi đồng nghiệp cần sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ, họ thường không mấy quan tâm và từ chối hỗ trợ thẳng thừng. Họ cảm thấy việc giúp đỡ người khác chỉ làm giảm cơ hội của bản thân.
Luôn đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu
Những người có tính vị kỷ thường đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Họ có thể từ chối làm những công việc không mang lại lợi ích trực tiếp cho họ, dù đó là vì lợi ích chung của cả nhóm. Họ tìm kiếm cơ hội để nhận sự công nhận và bỏ qua những đóng góp của người khác, ngay cả khi sự đóng góp đó không thực sự nổi bật.
Thiếu sự đồng cảm và tôn trọng đồng nghiệp
Người vị kỷ thường có xu hướng kiêu căng, tự cao về khả năng và thành tích của bản thân, xem nhẹ người khác. Họ thường xuyên khoe khoang và cảm thấy mình vượt trội hơn đồng nghiệp. Trong một cuộc họp, họ luôn muốn thể hiện mình là người thông minh nhất, không lắng nghe ý kiến và cắt ngang lời người khác.
Tâm lý này khiến họ thiếu đồng cảm và tôn trọng cảm xúc, ý kiến của đồng nghiệp. Thậm chí là coi thường và làm ngơ trước những khó khăn của người khác. Khi nhận được sự giúp đỡ, việc bày tỏ lòng biết ơn đối với “ân nhân” cũng là một việc quá khó đối với họ.
Tác động của vị kỷ là gì?
Trong môi trường làm việc, vị kỷ là tác nhân chính gây mâu thuẫn và rạn nứt tinh thần đồng đội, giảm hiệu suất làm việc. Hành vi giành lấy công lao của người khác, không muốn chia sẻ thông tin và tài nguyên quan trọng không chỉ gây ra mâu thuẫn trong nhóm mà còn khiến công việc bị trì trệ. Về lâu dài, nhân viên này sẽ bị cô lập và khó được đồng nghiệp, cấp trên tin tưởng.
Tư duy chỉ tập trung vào bản thân khiến bạn mất cảm giác kết nối và trở nên tách biệt với tập thể. Sự cạnh tranh không lành mạnh và thái độ ích kỷ có thể gây ra nhiều căng thẳng và áp lực tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hiệu suất làm việc.
Môi trường làm việc tồn tại những cá nhân vị kỷ có thể làm xói mòn các giá trị tích cực như hỗ trợ, đồng cảm, hợp tác,… Sự ích kỷ và cạnh tranh thiếu lành mạnh lên ngôi là nguyên nhân gây cản trở sự phát triển của tổ chức.
Làm cách nào loại bỏ tính vị kỷ trong công việc?
1. Nhận thức bản thân
Bạn nên quan sát hành vi của bản thân và đánh giá mình có thực sự quan tâm đến lợi ích cá nhân, né tránh trách nhiệm hay thiếu tinh thần giúp đỡ người khác không? Hãy tìm hiểu xem điều gì khiến bạn trở nên ích kỷ, có thể là do áp lực công việc, sự cạnh tranh hoặc những trải nghiệm không tốt đẹp trong quá khứ. Càng nhận thức rõ ràng những thói quen tiêu cực này giúp bạn dễ dàng điều chỉnh hành vi.
2. Thay đổi tư duy
Thay vì chỉ quan tâm đến bản thân, hãy hướng đến mục tiêu chung. Hiểu rõ và nhìn nhận tầm quan trọng của mục tiêu mà nhóm, công ty đang hướng đến sẽ giúp bạn tái thiết lập trọng tâm. Bạn cũng có thể tìm kiếm những điểm chung giữa bản thân và đồng nghiệp để dễ dàng hợp tác hơn.
- Hãy định nghĩa lại thành công, bởi lẽ thành công không chỉ là đạt được mục tiêu cá nhân mà còn là đóng góp vào tập thể.
- Hãy tôn trọng thành công của người khác, điều này sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
- Thực hành biết ơn những gì mình có sẽ giúp bạn không đem bản thân ra so sánh với người khác.
- Không ai sinh ra đã hoàn hảo, hãy nhận thức những điểm yếu của bản thân và mở lòng, sẵn sàng học hỏi từ người khác.
- Đừng chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng mà hãy tận hưởng quá trình làm việc. Bởi thất bại là một phần không thể thiếu của cuộc sống, bạn có thể học hỏi từ những thất bại để hoàn thiện bản thân.
Xem thêm: Tư duy mở là gì? Làm thế nào để rèn luyện cho tư duy mở?
3. Đặt mình vào vị trí của người khác
Hãy cố gắng hiểu những gì đồng nghiệp của bạn đang cảm thấy. Khi hiểu được cảm xúc của họ, bạn sẽ dễ dàng đồng cảm và hỗ trợ họ hơn. Đừng chỉ nhìn vấn đề từ góc nhìn cá nhân mà hãy xem xét nhiều góc độ khác nhau để có cái nhìn toàn diện.
Khi giao tiếp, bạn nên tập trung hoàn toàn vào người nói để hiểu rõ quan điểm của họ và phản hồi lại chân thành. Việc này giúp bạn kết nối tốt hơn với đồng nghiệp và thể hiện sự quan tâm thực sự đến vấn đề mà họ đang gặp phải.
4. Xây dựng tinh thần hợp tác
Hãy coi việc chia sẻ là cách bạn có thể hỗ trợ và góp phần vào sự thành công chung của nhóm. Khi đồng nghiệp cần sự giúp đỡ, hãy chủ động “đề cử” bản thân. Việc giúp đỡ người khác không chỉ làm tăng sự đoàn kết mà còn làm bạn cảm thấy bản thân có giá trị và được đánh giá cao.
Khi làm việc nhóm, hãy ghi nhận và khen ngợi những đóng góp của đồng nghiệp. Thay vì tìm cách đổ lỗi cho người khác khi có vấn đề xảy ra, hãy nhận rõ lỗi lầm của bản thân và nghiêm túc học hỏi từ những sai phạm. Đây là cơ hội giúp bạn phát triển bản thân và cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp.
5. Đặt mục tiêu cho bản thân
Hãy lập kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu phát triển bản thân. Kế hoạch này nên bao gồm các bước cụ thể, thời gian và các nguồn lực cần thiết để giúp bạn tiến bộ. Không quên tạo thói quen thực hành và duy trì những thói quen tích cực trong mọi tình huống, không phải chỉ khi nào bạn cảm thấy cần thiết.
Xem thêm: Mục tiêu cá nhân là gì? Cách xác định mục tiêu cá nhân hiệu quả
Kết luận
Dù xuất phát từ đâu, tâm lý vị kỷ đều mang lại những tác động tiêu cực đến cá nhân và cả tập thể. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn hiểu rõ vị kỷ là gì và cách loại bỏ tâm lý ích kỷ. Chúc bạn thành công.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Ái kỷ là gì? Phải làm gì khi làm việc cùng đồng nghiệp có chứng ái kỷ?