Trong xã hội hiện đại, khi sự công bằng và nhân quyền luôn được đề cao thì hành vi bóc lột sức lao động đã và đang là một hiện tượng đáng báo động. Bóc lột sức lao động là gì? Quy định xử phạt hành vi bóc lột sức lao động cụ thể ra sao? Mời bạn đọc cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bóc lột sức lao động là gì?
Bóc lột sức lao động là hành vi mà người sử dụng lao động, thông qua quyền lực hoặc dựa trên quyền sở hữu tư liệu sản xuất, địa vị xã hội,… thực hiện chiếm đoạt có hệ thống sức lao động hoặc thành quả lao động của người lao động. Đây là quá trình mà người lao động bị khai thác bất công, khi công sức và giá trị mà họ tạo ra không được đền đáp xứng đáng, trong khi người sử dụng lao động thu lợi nhuận từ chính sự bất công đó.
Bóc lột sức lao động hình thành dựa trên sự bất cân xứng về quyền lực giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong mối quan hệ này, người lao động bị đặt vào thế yếu và không có đủ quyền lực để bảo vệ quyền lợi của mình, vì họ cần công việc để tạo thu nhập và duy trì cuộc sống.
Sự chênh lệch về quyền lực này dẫn đến việc người lao động bị ép buộc chấp nhận các điều kiện lao động thiếu công bằng, bị trả lương thấp hơn so với giá trị thực tế họ tạo ra và đôi khi phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn hoặc không có quyền lợi hợp lý. Những trường hợp nghiêm trọng hơn là sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em.
7 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động bao gồm:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Bóc lột sức lao động là hành vi bị nghiêm cấm đối với các doanh nghiệp.
Các dấu hiệu công ty bóc lột sức lao động
1. Mức lương thấp và làm việc quá giờ
Nhiều người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt với mức lương thấp, không đủ trang trải các chi phí cơ bản như ăn uống, nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, việc ép buộc làm việc quá giờ mà không được trả thêm hoặc trả rất ít vẫn là hiện tượng phổ biến, khiến người lao động không có đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe.
2. Trả chậm lương/Nợ lương
Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Hành vi chậm trả lương cho người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được chậm trả lương cho người lao động trong trường hợp có lý do bất khả kháng mà phía người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Tuy nhiên không được trả lương chậm quá 30 ngày, nếu quá thời hạn, công ty vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương cụ thể như sau:
- Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 – 10 người lao động.
- Từ 10 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 – 50 người lao động.
- Từ 20 – 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 – 100 người lao động.
- Từ 30 – 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 – 300 người lao động.
- Từ 40 – 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức sẽ gấp 02 mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Điều kiện làm việc không an toàn
Trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng và sản xuất, người lao động phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn, thiếu thiết bị bảo hộ lao động. Điều này dẫn đến nguy cơ cao về tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp, nhưng người lao động lại ít được bảo vệ hoặc đền bù xứng đáng.
4. Thiếu quyền lợi lao động
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm hoặc lách luật để tước đoạt quyền lợi của người lao động. Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, cắt giảm chi phí lao động bằng cách ép buộc người lao động làm việc trong điều kiện không công bằng. Việc không đóng bảo hiểm xã hội, không cho nghỉ phép hoặc không ký hợp đồng lao động chính thức là những ví dụ điển hình của sự bóc lột này.
5. Sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức
Tại một số khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, lao động trẻ em vẫn bị sử dụng trong các công việc nặng nhọc mà không được trả công xứng đáng hoặc bị ép buộc làm việc mà không có sự lựa chọn.
Hành vi bóc lột sức lao động bị xử phạt ra sao?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP , vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề:
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật;
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả lại học phí đã thu của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình khi có hành vi thu học phí của người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Buộc người sử dụng lao động trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề, tập nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Buộc người sử dụng lao động nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định người sử dụng lao động mà có hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để bóc lột sức lao động có thể bị phạt tiền từ 50.000.00 đồng tới 75.000.000 đồng.
Căn cứ Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền trên quy định đối với các hành vi vi phạm của cá nhân, trong trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần.
Kết luận
Bóc lột sức lao động là một vấn đề nhức nhối, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng đều có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng này. Đặc biệt là người lao động cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hành vi bóc lột sức lao động.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Red flag là gì? 7 dấu hiệu nhận biết công ty độc hại từ vòng phỏng vấn