Không công bằng
Theo ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch Công Đoàn Công ty TNHH Domex Việt Nam thì nếu đời sống khá giả sẽ không mấy ai quan tâm mỗi tháng nhiều hơn hay bớt đi vài trăm nghìn đồng. Nhưng thực tế lao động nữ còn vô vàn khó khăn, chạy ăn từng bữa, ráng sức tăng ca từng giờ để có thêm chút thu nhập ít ỏi thì đây là vấn đề lớn.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), rất ít công nhân có thể tiếp cận lương hưu. Một mặt là hầu hết doanh nghiệp không thích lao động lớn tuổi. Mặt khác bệnh nghề nghiệp dẫn đến sức khỏe của công nhân hạn chế. Thế nên họ khó kéo dài được đến lúc hưởng mức lương hưu cao nhất.
Ông Phê nhấn mạnh: “Lương hưu là chính sách an sinh thì phải mở rộng điều kiện để tất cả người dân, người lao động dễ dàng tiếp cận. Nhưng các nhà quản lý lại thêm điều kiện khó. Vậy thì khó trách người lao động không mặn mà với việc chờ hưởng lương hưu. Thay vào đó, họ chọn lĩnh BHXH một lần”.
Thực tế lao động nữ còn vô vàn khó khăn
Quyền lợi bị cắt giảm
Dù có tô hồng thế nào đi nữa thì thực tế rõ ràng là từ ngày 1/1/2018, lương hưu của lao động nữ sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Bà Thiều Ngọc Yến, Chủ tịch Công Đoàn cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn cho rằng: “Năm nay tôi 53 tuổi, đã công tác trong ngành giáo dục và đóng BHXH được 32 năm. Giả sử tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017. Thì ngoài việc được hưởng mức tối đa là 75% cho 25 năm đóng BHXH, tôi còn nhận được khoản trợ cấp một lần cho 7 năm đóng dư còn lại. Thế nhưng, nếu nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, tôi mất đi 5 năm đóng BHXH. Nghĩa là chỉ còn nhận khoản trợ cấp một lần cho 2 năm đóng dư. Điều này hết sức phi lý và bất công, gây sốc cho lao động nữ”.
Khó lường hậu quả
Hiện mức tiền lương đóng BHXH của đa số lao động ngoài nhà nước chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Với mức đóng này, lương hưu sẽ rất thấp. Nếu áp dụng giảm lương hưu đột ngột như thế có thể xảy ra hiện tượng nhiều người xin nghỉ việc để “lĩnh một lần”. Và từ chối đóng tiếp BHXH để lĩnh lương hưu.
Nhiều lao động nữ muốn nghỉ để lĩnh một số tiền về quê làm ăn sinh sống. Nhiều người thì đang chần chừ. Nửa muốn tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu. Nửa muốn “lĩnh một cục” để có tiền về quê. Giờ lương hưu quá thấp, họ cũng hết ham chờ lương hưu.
Nhiều trường hợp lao động nữ rất mừng vì có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Song, khi tìm hiểu kỹ hơn về chế độ hưu trí thì họ bỏ luôn ý định tham gia BHXH tự nguyện và quyết định sẽ hưởng BHXH một lần.
Nhiều lao động nữ muốn nghỉ để lĩnh một số tiền về quê làm ăn sinh sống
Cách tính lương hưu từ 1/1/2018
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện (về thời gian đóng BHXH và tuổi đời) được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm. Năm 2019 là 17 năm. 2020 là 18 năm. Năm 2021 là 19 năm. Từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH. Người lao động cả nam và nữ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Trong khi đó theo quy định hiện hành (áp dụng đến năm 2017), tỷ lệ tiền lương hưu được hưởng của lao động nữ kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi là 3%.
Theo Người Lao Động