1. CV “nghèo nàn” của sinh viên mới ra trường
Khi tuyển dụng ứng viên, hầu hết nhà tuyển dụng đều mong muốn sở hữu trong tay hồ sơ có ít nhiều dấu ấn cá nhân về lĩnh vực chuyên môn. Nhưng thực tế, kinh nghiệm làm việc của sinh viên mới ra trường thật sự thường nghèo nàn, thậm chí là trống trơn. Lẽ dĩ nhiên, công ty sẽ đặt ra dấu chấm hỏi về các hoạt động của ứng viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bởi cuộc sống hiện đại đòi hỏi người trẻ tuổi phải biết dấn thân, lăn xả, tự tích lũy vốn sống cho bản thân mình.
Là sinh viên mới ra trường, họ luôn có tâm lý cố gắng hết mình với tinh thần học hỏi, tích lũy kinh nghiệm là chính. Vì thế, nếu quyết định lựa chọn thì công ty sẽ nhận thấy sự năng nổ, nhiệt tình khi được tiếp nhận công việc ở họ, đây cũng là nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy công việc đạt hiệu quả cao hơn hẳn.
2. CV đầy rẫy công việc trái chuyên môn
Nhà tuyển dụng sẽ dễ rơi vào trạng thái choáng ngợp với những CV có danh sách kinh nghiệm làm việc dài ngoằng như cộng tác viên, bán thời gian…, nhưng lần mò mãi chẳng thấy nội dung nào liên quan đến lĩnh vực chuyên môn mà mình đang cần.
Thật ra, đối với loại CV này, các công ty nên có sự cân nhắc trước khi đưa ra quyết định gạt bỏ ứng viên qua một bên. Cuộc sống chính là sự trải nghiệm, họ không quá đòi hỏi một công việc “chuẩn mực” theo bằng cấp, thay vào đó, ứng viên lựa chọn sống và trải nghiệm đến mức “quên ăn quên ngủ” dù là làm bất kì điều gì để tìm kiếm ra công việc phù hợp với bản thân nhất hay đó là quá trình tự tìm câu trả lời cho câu hỏi sở trường của họ thực chất là gì? Ở họ, công ty sẽ nhận thấy được các kỹ năng mềm tốt, chịu khó học hỏi, chấp nhận thử thách, rủi ro nhằm mở rộng sự hiểu biết về thế giới quan – nhân sinh quan và có được tầm nhìn bao quát hơn hẳn so với những ai chấp nhận sống theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”.
3. CV của ứng viên là tín đồ cuồng “nhảy việc”
Do có điều kiện được tiếp xúc với nhiều môi trường làm việc trước đây, những ứng viên này sẽ mang ưu thế về khả năng thích nghi cao, linh hoạt, nhanh nhạy, biết cách chủ động làm quen với mọi sự thay đổi mà không mất quá nhiều thời gian, bởi họ nắm rõ một vài nguyên tắc cơ bản như: cách thức làm việc mang lại hiệu quả cao; cách xử lý vấn đề thông minh; phong cách giao tiếp cởi mở, có thể tiếp xúc và làm quen với các “tuýp” tính cách khác nhau…
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng cần có sự cân nhắc về quãng thời gian mà các ứng viên từng làm việc tại các công ty cũ và đưa ra câu hỏi lý do chuyển việc là gì, thay vì e ngại mức độ trung thành của họ thì công ty sẽ hiểu rõ hơn những bất cập mà bản thân họ từng phải đối mặt, từ đó đưa ra sự lựa chọn hợp lý cho quyết định cuối cùng có nên tuyển ứng viên đó hay không.
4. CV của ứng viên có thâm niên trong nghề
Ứng viên có thâm niên trong nghề luôn là đối tượng được nhiều nhà tuyển dụng săn tìm bởi đây là đối tượng hội tụ đầy đủ các yếu tố về “chất xám” lẫn kỹ năng cần thiết trong công việc. Đổi lại ứng viên cũng sẽ có yêu cầu riêng đối với môi trường làm việc hiện tại, bạn cần phải hết sức khéo léo trong quá trình trao đổi – phỏng vấn thì mới có thể “giữ chân” được họ, đặc biệt khi vị trí tuyển dụng là quản lý cấp cao.
Đồng thời, đức tính thận trọng, kĩ lưỡng sẽ là một ưu thế lớn, nên công ty cũng cần cẩn thận trong khâu sàng lọc, tránh trường hợp bỏ lỡ ứng viên sáng giá. Các bạn trẻ thường có khuynh hướng học hỏi và mày mò cách làm đúng, nhưng với ứng viên thuộc bậc lão làng thì họ sẽ biết làm thế nào để không bị sai và mang lại hiệu quả cao, đó là bài học quý báu mà bản thân mỗi người sẽ tự đúc kết khi phạm phải những lỗi tương tự trước đây.
Khi tuyển dụng ứng viên, các công ty nên có sự cân nhắc kĩ lưỡng, đưa ra đánh giá đúng đắn, quyết định sáng suốt để tìm ra được nguồn nhân lực phù hợp nhất cho công ty. Đây cũng là kỹ năng cần có với vai trò là người quản lý nhân sự. Chúc bạn thành công.
Nguồn: Sưu tầm