Chỉ khi bị sếp “đì”, tôi mới hiểu ra lý do nghỉ việc của các nhân viên cũ

Làm việc ở công ty hơn 2 năm, tôi cũng được xem là một trong những nhân viên cứng và kỳ cựu của công ty. Mọi chuyện nơi công sở tưởng như sẽ luôn sóng yên biển lặng, cho đến khi phòng kinh doanh của tôi có sếp mới.

Trưởng phòng kinh doanh của tôi tên Tấn. Chưa đầy 1 năm nhưng anh ta thay đổi nhân sự trên dưới 3-4 lần. Làm việc ở đây lâu như thế, chưa bao giờ tôi thấy nhân viên đến rồi đi khỏi phòng kinh doanh nhanh và nhiều như vậy.

Trước đây sếp Tấn làm việc bên phòng nhân sự. Trong vài lần ăn trưa với đồng nghiệp, tôi có nghe nói anh ta đã ép nhiều đồng nghiệp dưới quyền nghỉ việc chỉ vì người ta giỏi hơn, quan hệ xã hội rộng hơn. Sợ nhân viên lăm le cái ghế trưởng phòng của mình, nên chỉ cần có cơ hội là anh ta sẽ tìm mọi cách chèn ép, tạo áp lực và khiến người anh ta ghét mất mặt mà tự động bỏ việc.

Thật ra tôi vốn là một người hòa đồng, vui vẻ, không làm mích lòng ai nên những chuyện đấu đá nhau nơi công sở tôi không quan tâm lắm. Thế nhưng đến cả tôi cũng thấy sếp mới là hạng người “đạo đức giả”. Anh ta lúc nào cũng làm ra vẻ bản thân luôn tạo mọi điều kiện cho nhân viên phát triển, luôn tỏ vẻ không muốn sa thải bất kỳ nhân viên nào khi họ phạm lỗi. Thế nhưng cả phòng kinh doanh ai mà không biết anh ta có thừa cách khiến nhân viên tự động viết đơn thôi việc.

chi-khi-bi-sep-di-toi-moi-hieu-ra-su-kho-chiu-cua-nhung-nhan-vien-da-xin-nghi-viec-hinh-anh-1
Anh ta lúc nào cũng làm ra vẻ bản thân luôn tạo mọi điều kiện cho nhân viên phát triển (ảnh minh họa)

Bản thân là sếp, nhưng có việc gì là anh ta không bao giờ báo trực tiếp cho nhóm làm việc mà luôn thông qua một “đồng minh” của mình tên là Huy. Tôi giữ vị trí trưởng nhóm nhiều kế hoạch kinh doanh nhưng có nhiều thông tin tôi không hề hay biết. Đi hỏi trực tiếp anh ta thì anh ta nói mình là trưởng phòng, chẳng có trách nhiệm phục tùng trưởng nhóm như tôi. Thế là tôi cũng cho qua và cố gắng làm việc.

Nhưng chỉ khi bị “sếp” đì, tôi mới hiểu ra sự khó chịu của những nhân viên đã xin nghỉ việc. Số là tôi chẳng làm gì sai. Công việc tôi luôn cố gắng hoàn thành đúng hẹn, đầy đủ, chất lượng. Ấy thế mà cuối tháng vẫn bị anh ta xếp loại C dù là người làm nhiều việc nhất. Những người trong nhóm có những kẻ không làm gì mà được xếp loại B, thậm chí A. Tôi thấy không công bằng nên đi tìm anh ta nói cho rõ. Thế nhưng lần nào anh ta cũng bác bỏ ý kiến của tôi, còn nói tôi là đồ trẻ con. Đáng nói hơn là những nhân viên trước đây làm việc dưới quyền tôi, bây giờ họ cũng theo phe của anh ta. Cuối cùng, tôi quyết định xin thôi việc sớm để khỏi nhìn mặt đám đồng nghiệp đáng ghét nhất quả đất.

chi-khi-bi-sep-di-toi-moi-hieu-ra-su-kho-chiu-cua-nhung-nhan-vien-da-xin-nghi-viec-hinh-anh-2
Thế nhưng lần nào anh ta cũng bác bỏ ý kiến của tôi, còn nói tôi là đồ trẻ con (ảnh minh họa)

1 tháng sau khi nghỉ việc, tôi mới biết được lý do mình bị “đì” khiến tôi phải chủ động xin nghỉ. Thì ra “sếp” muốn đưa thằng em họ mới tốt nghiệp đại học vào vị trí của tôi nhưng không tiện ép tôi thôi việc. Thế nên mới dùng trò đó để khiến tôi tự động rút lui còn “sếp” thì đỡ mang tiếng ác.

Bây giờ tôi đã tìm được một công việc mới. Môi trường làm việc tốt hơn và nhất là không có mấy “ông thần” mang danh “sếp” mà thực chất là “hạng tiểu nhân”. Nhiều người cho mình cái quyền được đối xử tệ với nhân viên chỉ vì không thích họ. Cũng có nhiều người không muốn mang tiếng sa thải nhân viên nên dùng chiêu chửi mắng, xúc phạm khiến họ nản mà tự rời đi. Tôi cho rằng đó không phải là cách một người có tri thức nên làm và những kẻ như thế không đáng mặt làm sếp.

Chia sẻ của H. Như

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục