Nỗi đau đắng lòng của người tuyển dụng

Những ngày chưa ra trường, sinh viên nào cũng nói bản thân muốn tìm kiếm một công việc ổn định, đi làm để lấy kinh nghiệm hay học hỏi là chính, chỉ cần được nhận vào là mừng lắm rồi. Nhưng với tư cách là một người tuyển dụng, tôi thấy nhiều em chỉ nói suông mà thôi.

Tôi đã công tác trong lĩnh vực nhân sự khoảng 3 năm trở lại đây. Tôi thiết nghĩ dù làm ở đâu đi chăng nữa, một trong những yếu tố quan trọng quyết định một người có khả năng trụ vững trong ngành hay không chính là thái độ làm việc. Ở đây tôi chưa bàn đến năng lực vì nếu thiếu kiến thức, chúng ta sẽ được đào tạo lại qua những khóa training của doanh nghiệp. Nhưng nếu thiếu thái độ và kỹ năng, thì coi như bị loại ngay vòng đầu.

Một người có khả năng trụ vững trong ngành hay không chính là ở thái độ làm việc

Không ít lần phụ trách tuyển người mới cho công ty, tôi nản khi ứng viên thử việc 2 tuần đã xin nghỉ vì không chịu nổi khó khăn. Mỗi lần như thế là tôi bị cấp trên nhắc nhở. Nhiều em lúc vào phỏng vấn cứ dạ dạ vâng vâng, em làm được cái này, em làm được cái kia. Nhưng khi thử việc thì đụng khó khăn là mặt nhăn mày nhó, vài ba ngày là xin nghỉ. Ứng viên lịch sự thì báo nghỉ trực tiếp, nhưng có ứng viên thì báo qua email, hay sát ngày nghỉ mới báo, nếu không đọc email thì không biết tại sao hôm đó ứng viên không đi làm luôn.

Cách đây không lâu, tôi có tuyển dụng một nhân viên cho vị trí kho. Thời điểm đó công việc rất bận rộn, đơn hàng nhiều mà lại thiếu nhân sự. Cứ nghĩ tuyển được người thì khỏi lo, nào ngờ tuyển nhầm ứng viên trời ơi. Ngày thứ ba đi làm em ấy đã nhắn tin cho tôi xin nghỉ vì bận việc đột xuất. Tôi vội nhắn lại hỏi thăm thì em báo em đã về quê tận Nha Trang, không có mặt ở Sài Gòn, xin tôi nghỉ 1 tuần. Sau này tôi mới biết là em ấy từng than công việc quá cực nhọc, khó khăn.

Tôi há hốc mồm luôn vì hôm đó không có người làm. Thế là tôi nhắn lại và nhắc nhở chân thành rằng sau này em ấy có việc gì đột xuất thì nên chuyên nghiệp hơn, báo sớm cho quản lý biết thì em ấy xin nghỉ luôn, thậm chí còn chả buồn xin lỗi. Nhớ lại cái hôm phỏng vấn, em ấy khá tự tin và vui vẻ, nhiệt tình nên khiến tôi có cảm tình mà nhận vào làm. Nào ngờ lại thành ra như thế.

Khả năng giúp có được công việc, nhưng thái độ mới là điều khiến chúng ta giữ được công việc và thăng tiến. Thái độ ở đây là tinh thần cầu tiến, nghiêm túc, không ngừng học hỏi. Có rất nhiều yếu tố để chinh phục được nhà tuyển dụng: CV đẹp, kinh nghiệm làm việc, kiến thức nền tảng, hiểu văn hóa doanh nghiệp,… nhưng không có thái độ thì tất cả điều trên cũng bằng thừa.

Em ấy xin nghỉ luôn, thậm chí còn chả buồn xin lỗi!

Cái tôi cần ở mỗi ứng viên là kỹ năng mềm tốt, sau đó mới đến trình độ chuyên môn. Khi được tuyển dụng, không phải ngay lập tức ứng viên sẽ được làm việc luôn, mà thường trải qua những khóa đào tạo ngắn hạn về cả kỹ năng lẫn kiến thức tại công ty. Tôi thật sự không chấp nhận cách ứng xử của một số bạn ứng viên chút nào.

Kể từ hôm đó, tôi đưa ra tiêu chí tuyển dụng của mình là phải tìm được các ứng viên phù hợp với vị trí tuyển chọn, nhưng quan trọng hơn hết chính là thái độ phải tốt, làm việc phải chuyên nghiệp để khỏi phải lịch sử lặp lại. Có những việc nếu ngay khi bắt đầu mà các bạn sinh viên mới ra trường không chịu học (những thứ nhỏ nhất, cơ bản nhất) thì cả đời các bạn cũng đừng mong làm được trò trống gì, chứ đừng nói đến những công việc lớn lao.

Chia sẻ của độc giả H.H.N

 

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục