Có những đêm, tôi vắt tay lên trán và suy nghĩ về tương lai của mình. Tôi thèm khát cái cảm giác phấn khởi khi bắt tay vào công việc của một ngày mới. Nhưng tới tận bây giờ, sau hai năm ra trường, tôi vẫn loay hoay với con đường sự nghiệp phía trước, chưa định hướng được ngày mai mình sẽ làm những gì…
Thiếu định hướng nghề nghiệp
Tôi đã từng đọc rất nhiều bài báo nói về việc sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp, hậu quả của điều này chính là sự chán chường trong học tập, không tìm được lối đi thích hợp khi ra trường. Tôi thấy hình ảnh của chính mình trong đó…
Mỗi ngày, báo chí đưa tin về con số đáng giật mình của tình trạng thất nghiệp, thực trạng học trái ngành cũng như thiếu định hướng việc làm. 80% người trẻ Việt Nam đang dấn thân vào những công việc mà họ gần như không yêu thích thực sự, trong đó có tôi. Sau gần hai năm ra trường, tôi vẫn luôn ở trạng thái bấp bênh, loay hoay với con đường sự nghiệp của mình.
Tôi từng là sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng của một trường Đại học – con đường mà tôi lựa chọn theo nguyện vọng của bố mẹ, chứ không phải là mơ ước của riêng mình. Ngày cầm trên tay lá phiếu đăng ký thi vào Đại học, mọi thứ trong tôi hiện ra một cách mơ hồ, không chắc chắn, không rõ ràng. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, đi theo con đường mà bố mẹ vạch ra, tương lai của tôi có lẽ sẽ tươi sáng hơn.
Thế rồi, những tháng ngày sinh viên, biết bao bon chen của cuộc sống xa nhà khiến tôi dần nhận ra rằng chỉ có quyết tâm và động lực mới có thể giúp tôi đứng vững. Tôi khổ sở vượt qua bốn năm Đại học, khổ sở bởi không tìm thấy đam mê, cảm hứng trong ngành học của mình. Cầm tấm bằng đỏ ra trường cũng là lúc tôi đối mặt với hàng loạt những thử thách không thể lường trước được.
Vẫn quyết tâm tìm kiếm
Tôi đem sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm tìm kiếm cho mình một công việc mặc dù bố mẹ đã sắp xếp cho tôi một chỗ làm tử tế. Tôi được nhận vào làm trong một ngân hàng tư nhân, đúng theo chuyên ngành của mình. Thế nhưng, trải qua 2 tháng thử việc, tôi quyết định rời khỏi nơi này. Tôi không thể chịu đựng được cách làm việc hà khắc, vô lý và xem thường nhân viên của lão sếp. Tôi ra đi và lại loay hoay với con đường sự nghiệp dở dang phía trước.
Lần này, tôi trúng tuyển vào vị trí Thẩm định giá cũng trong một ngân hàng tư nhân. Tôi đã có sự suy xét kỹ hơn trước khi chấp nhận vào làm việc ở đây. Những ngày đầu, tôi thở phào vì môi trường làm việc không như ở công ty trước, sếp cũng có vẻ hòa đồng hơn. Thế rồi, một tháng sau đó, hàng tá những công việc trời ơi bắt đầu rơi xuống đầu một đứa sinh viên vừa mới ra trường. Tôi phải làm quen với những công việc mới, rất mới. Việc thì chưa thuần thục mà cấp trên cứ giục mãi khiến tôi rơi vào trạng thái căng thẳng vì áp lực.
Không sao, tôi nghĩ. Ai cũng phải trải qua giai đoạn đó khi ra trường. Suy nghĩ ấy giúp tôi cố gắng đối diện với áp lực, với những lần sếp trách phạt và cả những lời khó chịu từ các anh chị đồng nghiệp. Mỗi ngày thức dậy là mỗi ngày tôi cảm thấy chán nản khi phải đến văn phòng, nhìn thấy những số liệu nhảy múa mà tôi vốn chẳng yêu thích gì. Tôi đã trải qua cảm giác ấy suốt một khoảng thời gian dài.
Có những đêm, tôi trằn trọc suy nghĩ về ngày mai, tại sao tôi cứ mãi loay hoay với con đường sự nghiệp của mình? Liệu tôi sẽ gắn bó với nó đến bao giờ? Liệu làm công việc này, tôi có được thăng tiến? Tôi nhận ra trong muộn màng, rằng khi được sống với đam mê, tôi mới có thể được cháy hết sức, nỗ lực hết mình vì đam mê ấy. Tôi mới có thể tiến xa hơn, mới tồn tại được lâu hơn… Mỗi lần trong phòng có người nghỉ việc, tôi lại dao động. Nhưng nghỉ rồi công việc mới liệu có khác gì hơn không? Suy nghĩ đó đã giữ tôi ở lại nơi này…
Thế đấy, sau gần hai năm ra trường, tôi vẫn quanh quẩn trong vòng tròn bế tắc, chưa định hướng được lối đi riêng. Có lẽ, tôi sẽ phải suy nghĩ lại thật kỹ để tìm một hướng đi đúng đắn hơn cho mình, tìm được cảm giác phấn khởi để cháy hết mình với đam mê của mình!
Trần Đức Anh