Có sự khát khao, đủ kỹ năng, đủ kiến thức về lĩnh vực chuyên môn là chưa đủ để tạo nên thành công và khiến bạn tỏa sáng ở bất kỳ một vị trí nào. Còn nếu bạn nhút nhát, như tôi, thất bại từ vòng phỏng vấn cũng là điều dễ hiểu mà thôi.
Thành tích tốt nhưng vẫn thất bại liên tiếp
Tôi tự nhận mình là một con mọt sách. Từ ngày học cấp 3, tôi đã nổi tiếng với thành tích học tập khủng và phong độ đó tôi vẫn giữ vững suốt những năm tháng Đại học sau này. Nếu ngày ấy, có ai hỏi điều gì khiến tôi tự hào nhất, đó có lẽ là quá trình học tập không mệt mỏi, những điểm số sáng ngời tạo nên tấm bằng loại ưu khi tôi ra trường.
Thế nhưng, cái ngày tôi bước chân ra ngoài xã hội, dấn thân vào hành trình tìm kiếm việc làm thì cái niềm tin mạnh mẽ của tôi về tương lai tươi sáng đã phút chốc tan biến. Tôi đã biết được cái cảm giác thất bại thật sự là như thế nào. Đó là khi tôi liên tiếp thất bại trong các cuộc phỏng vấn.
Tôi chỉ được cái mác chăm học, còn lại, tôi khá nhạt nhòa. Dù thành tích học tập tốt nhưng khi học Đại học, tôi lại không được thầy cô chú ý đến nhiều so với các bạn khác. Chung quy lại cũng vì tôi nhút nhát. Trong khi mấy đứa chơi cùng trong đám đều đi làm thêm, việc lớn việc nhỏ gì cũng làm thì tôi lại chỉ biết quanh quẩn ở nhà làm bạn với sách vở.
Trong khi làm bài tiểu luận, những bạn khác xung phong là người thuyết trình trước lớp thì tôi chấp nhận là người đứng sau chỉnh sửa nội dung. Đó là chưa kể đến việc, tôi là thành phần chẳng bao giờ giơ tay phát biểu, tương tác trong lớp học. Trong khi, trong khi mọi người đều nỗ lực phát triển bản thân mình bằng cách làm cho mình năng động lên thì tôi vẫn chỉ thu mình trong một cái vỏ ốc, quá an toàn, quá tẻ nhạt.
Phỏng vấn thất bại, tôi nhận ra điểm yếu
Lần đầu tiên phỏng vấn, tôi bị nhà tuyển dụng từ chối. Khi đó, tôi không chọn nộp hồ sơ vào những công ty nhỏ mà mang ảo tưởng vào những công ty quy mô lớn, có chút tiếng tăm. Tôi tự tin với những kiến thức mà tôi có. Thế nhưng thật buồn bã và đáng thất vọng khi đối mặt với những câu hỏi của nhà tuyển dụng chỉ là thái độ lúng túng, những câu từ ấp úng lan man của một kẻ chưa biết đến phỏng vấn là gì. Sau lần đầu tiên phỏng vấn, tôi bắt đầu thấy sợ hãi khi đối mặt với nhà tuyển dụng.
Lần đầu tiên thất bại trong phỏng vấn khiến tôi cảm thấy mớ kiến thức mà tôi nhồi nhét vào đầu thật vô dụng, ít nhất là khi phỏng vấn. Tôi vẫn cố gắng nộp hồ sơ vào những nơi khác, nhưng sau cuộc phỏng vấn là sự im lặng kéo dài, không một cuộc gọi, không một email nào từ nhà tuyển dụng. Điều quan trọng là tôi hiểu được nguyên nhân của sự im lặng đó. Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được, tự trách bản thân mình sao nhút nhát, không bản lĩnh, không tự tin khi làm việc lớn. Đó thực sự là đêm dài đầy ám ảnh tôi nhốt mình trong nỗi thất vọng tột cùng.
Có lẽ bạn cũng hiểu được phần nào cảm giác của tôi. Cảm giác của một đứa con gái đã nỗ lực hết sức trong những năm tháng Đại học, để trang bị cho mình những kiến thức tốt nhất, để cầm trên tay tấm bằng đỏ với thành tích cao nhất, để rồi đổi lại là một giấc mộng vỡ đôi, sự vô dụng vây bám hằng đêm. Sự nhút nhát là bản chất, nhưng đó không phải là lý do để tôi đổ lỗi cho thất bại của mình. Chẳng có ai sinh ra là có đủ tố chất để thành công, mà đó là cả một quá trình rèn luyện cả tinh thần, ý chí và định hướng mình. Tôi đã có một định hướng sai lầm, và đó là nguyên nhân cho sự thất bại trong phỏng vấn của tôi.
Sau 5 tháng ròng rã, cuối cùng tôi được nhận vào một công ty chuyên sản xuất, quy mô nhỏ thôi nhưng bấy nhiêu đó là đủ cho một đứa mới ra trường như tôi. Nhìn bạn bè cùng trang lứa, vừa ra trường đã xin được công việc ngay mà tôi chạnh lòng, cảm thấy ghen tị với họ. Thế mới biết rằng học vấn không phải là tất cả những gì mà tương lai của tôi cần, mà bên cạnh học vấn, tôi vẫn còn thiếu rất rất nhiều thứ khác nữa. Trong đó có kỹ năng. Tôi chỉ biết tự trách mình đã không rèn luyện bản thân từ khi còn đi học. Đã thờ ơ với việc khiến cho bản thân mình mạnh dạn hơn qua nhiều cách khác nhau. Tôi giờ đây mới hiểu rằng, đây mới chính là lúc tôi bắt đầu hoàn thiện mình, tự tin và mạnh mẽ hơn.
Kiến thức là quan trọng, thế nhưng để trở thành một ngôi sao thì bạn cần phải có nhiều thứ khác, đặc biệt là bản lĩnh và sự tự tin. Thất bại trong các cuộc phỏng vấn chính là bài học lớn để tôi nhìn lại mình, thay đổi mình.
Chia sẻ từ độc giả giấu tên