5 năm về trước, cầm tấm bằng thạc sĩ nước ngoài trong tay, tôi hăm hở tạo profile xin việc nhưng nhiều tuần trôi qua chẳng có ai gọi điện mời phỏng vấn. Đến khi nhận được lời mời phỏng vấn, một kết quả bất ngờ là tôi đã thất bại. Buổi phỏng vấn đầu tiên, sự tự tin ngất trời đã khiến tôi có một bài học đắt giá cho mình.
Không biết mọi người cảm thấy như thế nào khi phỏng vấn xin việc thất bại, đặc biệt là khi gặp công việc mà bạn đang mong đợi. Riêng bản thân mình lúc đó có những cảm xúc rất khó quên và rất đáng giá. Mặc dù đã 5 năm trôi qua, nhưng câu chuyện thất bại ngày hôm ấy mình vẫn nhớ và luôn coi nó là bài học đắt giá.
5 năm về trước, cầm tấm bằng thạc sĩ nước ngoài trong tay, tôi hăm hở tạo profile xin việc nhưng nhiều tuần trôi qua chẳng có ai gọi điện mời phỏng vấn. Đến khi nhận được lời mời phỏng vấn thì tôi phải thực hiện bài test.
Vòng 1: Test kiến thức
Nói chung là tôi và nhiều người khác phải làm các công việc ghi ghi chép chép và hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng với kiến thức chuyên môn vững vàng, tôi cũng đậu vào vòng.
Vòng 2: Phỏng vấn trực tiếp
Buổi phỏng vấn trực tiếp được diễn ra sau khi trúng tuyển vòng đầu tiên 2 ngày. Chính bởi vậy, tôi có thời gian để chăm chút ngoại hình sao trông cho thật bảnh trai. Thế nhưng tôi không hề tìm hiểu bất cứ tài liệu gì liên quan đến công ty đang tuyển dụng, chỉ là chờ đợi tới thời khắc phỏng vấn.
Ngày phỏng vấn đến, tôi phải gặp rất nhiều người, họ cứ hỏi và hỏi, và tôi cứ thế trả lời. Nhà tuyển dụng đã đặt ra tình huống có phần hóc búa cho tôi và hỏi vặn lại tôi rất nhiều điều. Dù chưa có kinh nghiệm đi làm ở đâu, tôi cũng cố gắng đặt mình vào vị trí khách hàng và huyên thuyên “chém gió” rất nhiều với nhà tuyển dụng. Tôi thấy nét mặt của họ có vẻ càng lúc càng giãn ra như gặp chuyện gì vui vẻ, hài hước. Được nước, cứ thế tôi nói rất nhiều điều cứ như thể xung quanh không có ai tài giỏi bằng tôi. Phải nói rằng, tôi đã thể hiện sự tự tin có phần thái quá trong buổi phỏng vấn trực tiếp này.
Sau khi phỏng vấn xong, nhà tuyển dụng bảo tôi cứ về và họ sẽ gửi email thông báo vào tuần sau.
Vòng 3: Chờ đợi và thất bại
Tôi an tâm trở về và chờ đợi kết quả phỏng vấn. Một tuần sau, tôi nhận được kết quả với cái format rất đẹp với kết quả thông báo “rớt”.
Vâng, đó là thất bại, thật sự là một thất bại! Thất bại này khiến tôi cảm giác thất vọng, ấm ức, tôi mất ăn mất ngủ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cảm giác của tôi lúc đó là “nuốt không trôi sự thất bại”. Và hiển nhiên cảm giác đó theo tôi suốt một thời gian dài không dứt. Vì cảm thấy rằng mình không có lý do gì phải bị từ chối như vậy cả. Nhưng thời gian rồi cũng cho tôi những câu trả lời càng ngày càng rõ ràng. Khi lớn hơn, trưởng thành hơn một chút cũng chính là lúc tôi tự nghiệm lại những gì đã qua, nhìn lại mình thật quá trẻ con và nông cạn. Ngày đó mang cái tính ngông cuồng của tuổi trẻ, thích thể hiện, thích mọi người biết ta đây có tất cả, thích mọi người chú ý. Lúc đó thấy mình đã quá tin tưởng vào bản thân mình. Sự tin tưởng dẫn đến những ngông cuồng. Sau này rồi tôi mới hiểu, dù kinh nghiệm của tôi chẳng bằng ai cả nhưng cái quan trọng là thái độ của tôi. Thái độ của tôi thành thật hay giả dối là cách tôi nói chuyện, tôi giao tiếp với nhà tuyển dụng. Và tôi hoàn toàn thất bại trong lần ấy. Nó là một bài học. Tôi tin là người trẻ nào cũng từng vấp phải một lần như mình, cũng từng ôm cục tức trong lòng vì sự ngạo mạn và cũng từng có những giây phút tự nghiệm lại như tôi thời điểm này. Nhưng quan trọng là bản thân tôi biết nhìn nhận lại những thất bại đó, biết đối diện với nó. Có lẽ có được một con đường không mấy khó khăn trên con đường sự nghiệp hiện tại bây giờ chính là kết quả của những lần vấp ngã thời non dại. Chính bản thân tôi đã đánh đổi không ít nhưng không có gì là hối tiếc cả . Người ta cần trưởng thành là cần phải đi qua những lần thất bại mà, tôi tin thời gian chưa bao giờ là phung phí cho với những bài học đắt giá của tôi trong quá khứ kia.
Chia sẻ từ độc giả Trần Hạo