Rất khó để nói về những ngày đầu tiên bước chân vào môi trường công sở của tôi. Đó là ngày tôi rời bỏ giảng đường Đại học đến một khung trời rộng mở hơn, nơi mà tôi cho rằng sẽ rèn luyện cho tôi sự trưởng thành.
Tôi là một kẻ khá hướng nội. Và bạn có thể hình dung được thế nào rồi đấy, tôi cảm thấy vô cùng khó khăn để hòa nhập với một điều gì đó. Cầm tấm bằng đỏ trên tay không hẳn là hạnh phúc, mà là cả một nỗi lo, cả một gánh nặng đang chờ đón tôi. Phía trước thật có quá nhiều điều mà bản thân tôi chưa đủ tự tin để mạnh mẽ bước vào.
Sự nỗ lực suốt những năm tháng Đại học đã mang đến cho tôi một công việc tương đối trong một công ty cũng không phải dạng vừa. Tôi bỡ ngỡ lẫn háo hức vào những ngày đầu tiếp xúc với môi trường mới. Thời điểm đó, tôi là em út trong phòng. Các anh chị cùng bộ phận đều là lão làng dày dặn kinh nghiệm, đã gắn bó với công ty khá lâu rồi.
Bạn biết đấy, ở đâu cũng có người này người kia, với môi trường công sở cũng vậy. Ở đó có cái gọi là văn hóa chốn công sở mà có lẽ ai cũng biết. Những ngày đầu đi làm, hôm nào về nhà tôi cũng trong tình trạng có thể “bùng nổ” bất cứ lúc nào, vì núi công việc cứ rối ren trong đầu chưa đâu vào đâu và vì tôi không biết những biểu hiện của tôi có đúng không, có làm sếp đánh giá không tốt không… Hàng vạn nỗi lo tồn đọng trong đầu tôi mỗi khi kết thúc một ngày làm việc và trở về nhà.
Tôi khá khép mình, cũng chẳng nói chuyện nhiều với các anh chị trong phòng nên tôi có cảm giác mình như bị cô lập. Đôi khi muốn mở lời nhưng mình còn quá trẻ so với câu chuyện của họ nên tôi lại đâm ra lúng túng rồi im bặt. Tôi duy trì tình trạng đó suốt 1 tháng đầu thử việc. Mệt mỏi vô cùng. Tôi nghĩ mình không thể mãi như thế, sẽ chỉ khiến mỗi ngày đi làm của tôi trở thành một cơn ác mộng mà thôi. Tôi quyết tâm hòa nhập với văn hóa chốn công sở nơi mà tôi đang làm việc, quyết tâm vứt bỏ những nặng nề suốt 1 tháng qua.
Điều đầu tiên mà tôi làm trong hành trình của mình chính là nói chuyện, nói nhiều hơn ngày hôm qua. Mục tiêu đơn giản là mỗi ngày hãy cố gắng cởi mở hơn ngày hôm qua một chút. Tôi bắt đầu từ 2 chị đồng nghiệp ngồi cạnh. Tôi bắt đầu bằng những điều liên quan đến công việc, những kinh nghiệm, những kỹ năng, cách làm việc, về sếp, về công ty,… tất tần tật những thứ có thể trao đổi. Thế rồi, đột nhiên một ngày, các chị rủ tôi cùng đi ăn tối chỉ vì các chị bỗng dưng “ngẫu hứng”. Thật tốt, vì đây chính là cơ hội để tôi thân thiết với các chị hơn.
Với văn hóa công sở, khi bạn kết nối được với một người, bạn sẽ rất dễ dàng để kết nối với nhiều người khác. Tôi bắt đầu hiểu rằng mình phải chủ động hơn. Vì nhút nhát, tôi trở thành một người thụ động, ai bảo gì làm nấy, không tự mình đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và không tự mình kết nối với mọi người. Điều đó mang đến cho tôi khá nhiều bất lợi, bởi lẽ nếu có tự giúp đỡ từ người khác, tôi đã hoàn thành công việc của mình nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.
Tôi học cách chủ động, từ những thứ đơn giản như bắt chuyện, mời mọi người ăn một món nào đó, hỏi thăm và dĩ nhiên là tương tác với họ tích cực hơn. Từ đó, tôi dần trở thành một thành phần trong hội của các chị em của phòng. Bớt đi ngại ngùng, bớt khép mình. Tôi không ép mình phải chủ động, mà tôi khuyến khích bản thân mình chủ động hơn vì những điều tích cực. Đó là cách để tôi hòa nhập với văn hóa công sở. Mất vài tháng để mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Và tôi nhận ra rằng, hòa nhập chính là điều mang đến sự hiệu quả trong công việc, giảm căng thẳng và áp lực cho mình.
Có một quy luật phổ biến là: Hoặc bạn hòa nhập cùng môi trường mới hoặc sẽ bị nó đào thải. Giờ đây, tôi đã hòa nhập được với nhiều người trong công ty. Điều đó thật tuyệt và nó có thể mang lại cho bạn một ngày làm việc tốt hơn. Ai cũng có tính cách, suy nghĩ, quan điểm riêng trong cuộc sống và trong công việc. Nhưng không phải vì tôi hướng nội mà người khác phải chủ động với tôi, mà tôi mới chính là người chủ động, cởi mở hơn để hòa vào tập thể.
Chia sẻ từ độc giả Nguyễn Tường Minh