Big Five Test: Đánh thức thế mạnh bản thân qua trắc nghiệm tính cách

Định vị tính cách luôn là chủ đề hấp dẫn nhưng không kém phần phức tạp. Bạn đã bao giờ tự hỏi các yếu tố tạo nên tính cách mỗi người là gì và tính cách đó ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao? Trải qua quá trình nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ, mô hình tính cách Big Five được mệnh danh là tiêu chuẩn vàng giúp bạn hiểu rõ hơn về chính mình. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu bài trắc nghiệm tính cách Big Five trong bài viết này để khám phá bản thân nhé!

Big Five là gì?

big five
Big Five là mô hình tính cách 5 yếu tố

Mô hình tính cách Big Five hay mô hình tích cách 5 yếu tố (The Big Five Personality Traits) là một mô hình nổi tiếng trong tâm lý học để đo lường 5 đặc điểm tính cách cốt lõi con người. 

Bằng chứng của mô hình này là lý thuyết về các đặc điểm tính cách cơ bản được phát triển vào năm 1949 bởi nhà tâm lý học D. W. Fiske. Sau đó được mở rộng bởi các nhà nghiên cứu khác bao gồm Warren T. Norman (1967), Gene M. Smith (1967), Lewis R. Goldberg (1981) và Robert McCrae & Paul Costa (1987). Những nghiên cứu đã được bộ đôi McCrae & Costa mở rộng và xây dựng mô hình nền tảng của Big Five hiện nay.

Quá trình hình thành của Big Five Test

big five
Big Five Test là một trong các bài trắc nghiệm tính cách nổi tiếng trên toàn thế giới

Một số nhà tâm lý học đã nỗ lực xác định số lượng đặc điểm tính cách có thể tồn tại ở con người. Năm 1936, nhà tâm lý học Gordon Allport đã tạo ra một danh sách với hơn 4.000 đặc điểm tính cách và chia thành 3 nhóm khác nhau bao gồm: đặc điểm cơ bản – đặc điểm trung tâm – đặc điểm phụ.

Sau này, khi sử dụng kỹ thuật thống kê gọi là phân tích nhân tố, nhà tâm lý học Raymond Cattell đã rút gọn danh sách của Allport từ 4000 còn 16 đặc điểm tính cách. Theo ông, 16 đặc điểm cơ bản này là thứ tác động đến hành vi con người.

Thậm chí, nhà tâm lý học Hans Eysenck còn rút gọn danh sách chỉ còn 3 đặc điểm tính cách là hướng ngoại/hướng nội, cảm xúc ổn định/cảm xúc bất ổn và nhiễu tâm. Đặc điểm nhiễu tâm ở đây liên quan đến xu hướng mắc chứng loạn thần kinh hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội. 

Tuy nhiên, nếu lý thuyết của Cattell tương đối phức tạp thì của Eysenck lại có phạm vi quá hạn chế. Cho đến cuối cùng, lý thuyết 5 yếu tố (Five-Factor Theory) đã ra đời với 5 đặc điểm thiết yếu, đóng vai trò nền tảng để xây dựng tính cách con người.

5 nét tính cách của mô hình Big Five

big five
Bạn thuộc nét tính cách nào trong bài trắc nghiệm tính cách Big Five?

Mô hình tính cách Big Five được chia thành 5 nét tính cách, được viết tắt thành OCEAN (Openness – Cởi mở, Conscientiousness – Tận tâm, Extraversion – Hướng ngoại, Agreeableness – Dễ chịu và Neuroticism – Tâm lý bất ổn). Cụ thể như sau:

1. Openness – Sự cởi mở

Đặc điểm tiêu biểu của nét tính cách này là trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Những người có chỉ số Cởi mở cao thường thể hiện sự tò mò mãnh liệt và khát khao học hỏi, khám phá thế giới và trải nghiệm những điều mới lạ. Họ thường có tinh thần mạo hiểm và khao khát đối mặt với những thử thách phức tạp. 

Chính vì thế mà những người này thường có nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau về con người, thế giới xung quanh; sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới và luôn vận dụng tư duy sáng tạo trong cách tiếp cận vấn đề. 

Ngược lại, những người có chỉ số Cởi mở thấp thường khép kín, thích sự ổn định và không thoải mái khi phải đối mặt với những biến động trong cuộc sống. Họ là mẫu người thực tế, truyền thống nên thường gặp khó khăn khi vận dụng trí tuệ tưởng tượng ở mức độ cao. 

2. Conscientiousness – Tận tâm

Nét tính cách này có đặc điểm tiêu biểu là thấu hiểu cao, hành động có mục đích rõ ràng và kiểm soát mong muốn hoặc hành vi bốc đồng tốt. Những người có chỉ số Tận tâm cao thường là người có tổ chức, trách nhiệm, kỷ luật, tự giác, chu đáo, cẩn thận, năng suất và kiểm soát cảm xúc hiệu quả. Họ là người luôn chú trọng đến chi tiết, bám sát kế hoạch cụ thể và dành nhiều thời gian để ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. 

Những người có chỉ số Tận tâm thấp thường có xu hướng trì hoãn, suy nghĩ bốc đồng, ít cẩn thận và có phần cẩu thả. Họ thường gặp khó khăn khi hoàn thành mục tiêu và không thích tuân thủ các quy tắc, luật lệ hay lịch trình cụ thể. 

3. Extraversion – Hướng ngoại

Chỉ số Hướng ngoại thể hiện ở đặc điểm hòa đồng, cởi mở, tràn đầy năng lượng và bộc lộ nhiều cảm xúc. Những người có chỉ số Hòa đồng cao thường có xu hướng tìm kiếm năng lượng khi tương tác với các tình huống xã hội. Họ thường náo nhiệt, nói nhiều, hoạt bát, có nhiều biểu cảm, bộc lộ nhiều cảm xúc và thấy hứng khởi khi trở thành trung tâm của sự chú ý. 

Những người có chỉ số Hướng ngoại thấp thường được gọi là người hướng nội. Họ dè dặt, trầm tư, thường tránh xa các nơi đông đúc và có xu hướng dành thời gian ở một mình để nạp năng lượng. Họ thích lắng nghe hơn là thể hiện lời nói và thường suy nghĩ cẩn thận trước khi nói bất kỳ điều gì. 

Xem thêm: Điểm nổi bật của người hướng ngoại là gì? Phù hợp với công việc nào?

4. Agreeableness – Dễ chịu

Nét tính cách này thể hiện qua sự tin tưởng, tử tế, cảm thông, lòng vị tha. Đây là chỉ số đo lường mức độ hoà hợp với những người xung quanh. Những người có chỉ số Dễ chịu cao thường thân thiện, ân cần, tốt bụng, có thiện chí hợp tác và nhạy cảm với những nhu cầu của người khác. Họ được lòng nhiều người ở sự đáng tin cậy, dễ gần.

Ngược lại, người có chỉ số Dễ gần thấp thường khó gần, bất hợp tác, đề cao chủ nghĩa cá nhân. Họ ít quan tâm đến vấn đề hoặc cảm xúc của người khác, có xu hướng cạnh tranh hay thậm chí là thích thao túng người khác để đạt được thứ họ muốn.

5. Neuroticism – Tâm lý bất ổn

Nét tính cách này diễn tả sự bất ổn khi cân bằng cảm xúc của một người. Chỉ số này càng cao, người đó càng có xu hướng trải nghiệm cảm xúc tiêu cực nhiều hơn. Họ thường buồn bã, ủ rũ, lo âu, bất an, tự ti, dễ mất bình tĩnh và bộc phát sự giận dữ trong các tình huống biến động diễn ra. Những người này thường có nguy cơ phải đối mặt với chứng trầm cảm và thậm chí là chứng rối loạn tâm lý.

Những người có chỉ số thấp thường bình tĩnh, tâm lý vững vàng, chịu áp lực tốt, cảm giác an toàn, tự tin và hài lòng với bản thân. Họ thường thoải mái, hiếm khi thấy buồn bã hay chán nản và đối phó tốt với căng thẳng. 

Xem thêm: Top các bài test trầm cảm uy tín, nếu cảm thấy chán nản bạn nên làm ngay!

Vì sao nên làm trắc nghiệm tính cách Big Five?

big five
Big Five Test giúp bạn tự nhận thức bản thân và tận dụng những điểm mạnh hiệu quả

Tự nhận thức bản thân không phải việc dễ dàng, do đó, Big Five Test là công cụ quan trọng giúp bạn khám phá các nét tính cách đặc trưng của bản thân. Dựa vào kết quả trắc nghiệm tính cách Big Five, bạn có thể nhận thức những điểm mạnh và điểm yếu trong tính cách để khắc phục kịp thời. Nếu bạn có nét tính cách Tâm lý bất ổn, bạn có thể tham gia các hoạt động thiền, thể thao và kết nối tinh thần để giải phóng suy nghĩ tiêu cực. 

Đặc biệt là các bạn có thể dựa vào cách phân loại nét tính cách đặc trưng để tìm việc làm phù hợp. Chẳng hạn như, nếu bạn có nét tính cách Tận tâm, bạn là người có khả năng kiểm soát và tổ chức cao, hãy thử sức với công việc như quản lý dự án, hành chính văn phòng,… Nếu bạn có tính cách Sáng tạo và Cởi mở, bạn phù hợp với các công việc có thiên hướng nghệ thuật, sáng tạo như thiết kế thời trang, hướng dẫn du lịch,…

Làm trắc nghiệm tính cách Big Five ở đâu?

Các bạn muốn kiểm tra các nét tính cách đặc trưng có thể làm trắc nghiệm tính cách Big Five qua 2 bài sau: Big Five Personality TestThe Big Five Personality Test

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là Big Five Test là bài trắc nghiệm tính cách mang tính tham khảo. Do kết quả sẽ phân thành chỉ số thấp hoặc cao nên bạn cần đặt câu hỏi đối với từng yếu tố được đưa ra trong Big Five Test để tránh hình thành định kiến cá nhân. 

Kết luận

Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn những khía cạnh cơ bản của tính cách con người qua mô hình Big Five. Trắc nghiệm tính cách Big Five chính là công cụ quan trọng giúp bạn tự nhận thức và phát triển bản thân. Hãy dành thời gian hoàn thành Big Five Test để hiểu rõ hơn nhé!

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Xem thêm: Đi tìm 4 đỉnh cao cuộc đời qua kim tự tháp thần số học

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục