Khi nghiên cứu và tìm hiểu về lĩnh vực tâm lý, bạn đã bao giờ nghe qua thuật ngữ Enneagram chưa? Đây được biết đến như một hệ thống phân loại tính cách dựa trên phương diện hành vi và tâm lý. Vậy thực chất Enneagram là gì? Có bao nhiêu nhóm tính cách trong Enneagram Test? Ý nghĩa của Enneagram là gì? Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc về Enneagram qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu tổng quan về Enneagram
Enneagram là gì?
Enneagram là một hệ thống phân loại tính cách con người. Cơ sở để phân loại của hệ thống này dựa trên các khía cạnh tâm lý và hành vi.
Hệ thống này phân loại con người vào 9 loại tính cách cơ bản. Theo đó, mỗi loại tính cách sẽ có những đặc điểm, cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi riêng.
Để giải đáp câu hỏi “Enneagram là gì?”, bạn có thể hiểu đơn giản thuật ngữ này là một công cụ hữu ích giúp ta hiểu rõ về bản thân, nhận định được sự phát triển cá nhân và cải thiện mối quan hệ xã hội. Enneagram có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như tâm lý học, quản lý, quan hệ tình cảm và gia đình. Không chỉ giúp ta nhìn nhận chính mình, hệ thống Enneagram còn thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ về tư duy.
Xem thêm: Bạn thông minh não trái hay não phải? Làm ngay bài test não trái não phải
“Cha đẻ” của hệ thống Enneagram là ai?
Hệ thống Enneagram được một nhóm nghiên cứu và phát triển nhân cách tạo ra. Đứng đầu nhóm nghiên cứu này là Oscar Ichazo và Claudio Naranjo.
Oscar Ichazo – người Bolivia. Ông đã sử dụng những nguyên tắc và triết lý từ các truyền thống tâm linh, cộng hưởng cùng triết học như Sufism, đạo Phật, Cơ Đốc giáo để triển khai Enneagram. Chính vì thế, Enneagram đóng vai trò như một công cụ tối ưu để khám phá nhân cách và phát triển cá nhân.
Claudio Naranjo – nhà tâm lý học người Chile, đã nối tiếp và mở rộng Enneagram thành một công cụ tâm lý học và phân tích nhân cách. Ông thực hiện nhiều nghiên cứu, ứng dụng Enneagram trong việc khám phá sâu sắc về con người và mối quan hệ xã hội.
Công trình nghiên cứu của Oscar Ichazo và Claudio Naranjo đã tạo tiền đề cho sự phát triển và lan rộng của Enneagram trên toàn thế giới. Hiện tại, có nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên và chuyên gia sử dụng Enneagram như một bài test để giúp con người hiểu rõ về bản thân, tăng cường sự phát triển cá nhân hiệu quả.
Enneagram Test là gì?
Sau khi hiểu rõ Enneagram là gì, bạn cũng nên tìm hiểu về Enneagram Test (bài kiểm tra Enneagram). Về cơ bản, Enneagram Test là một công cụ trực tuyến hoặc tài liệu giấy được dùng để xác định tính cách của con người. Để xác định loại tính cách trong Enneagram của mình, người dùng cần trả lời một loạt câu hỏi về suy nghĩ, hành vi và cảm xúc.
Những bài kiểm tra Enneagram thường cung cấp một loạt các tình huống và yêu cầu bạn chọn phản ứng hoặc mô tả suy nghĩ của mình trong tình huống ấy. Thông qua câu trả lời, kết quả sẽ xác định loại tính cách Enneagram phù hợp với bạn.
Enneagram Type là gì?
Enneagram type là thuật ngữ dùng để chỉ các loại nhân cách trong hệ thống Enneagram. Hệ thống Enneagram chia con người vào 9 tính cách cơ bản. Mỗi loại tích cách có một tập hợp đặc điểm, cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi riêng.
Đồng thời, mỗi loại tính cách trong Enneagram sẽ đại diện cho một mô hình tâm lý và cách tiếp cận với cuộc sống khác nhau. Ví dụ, Loại 1 (The Perfectionist) thường có xu hướng kiểm soát, hoàn hảo hoá và tuân thủ quy tắc, trong khi Loại 4 (The Individualist) có xu hướng tập trung vào cảm xúc, cá nhân hóa và tự nhìn chính mình.
Những tích cách Enneagram còn mô tả các lối suy nghĩ, cảm xúc, sự phát triển và mối quan hệ của cá nhân.
9 nhóm tính cách đặc trưng trong Enneagram là gì?
1. Nhóm 1 – The Perfectionist
The Perfectionist (Người cầu toàn) là nhóm người có xu hướng muốn mọi thứ xung quanh phải luôn toàn diện. Đồng thời, họ cũng là nhóm sống theo nguyên tắc nhất.
Nhóm 1 thường chú trọng đến tiểu tiết, có mức độ trách nhiệm cao. Họ đề cao sự công bằng, đúng đắn và hiệu quả trong công việc. Đặc biệt, những người thuộc nhóm này cũng rất tỉ mỉ, cẩn trọng và đặt chất lượng lên hàng đầu.
Vì luôn hướng đến sự hoàn hảo, nhóm 1 có thể trở nên khắt khe và vị kỷ hơn. Họ thường đặt áp lực lên bản thân và cả người khác, khó chấp nhận những sai sót hoặc bất kỳ điều gì không hoàn hảo. Nhóm người này thường có khả năng tự đánh giá và kiểm soát rất tốt. Họ tự lập và không sợ đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình chinh phục mục tiêu, họ rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, bất mãn.
2. Nhóm 2 – The Helper
The Helper (Người tốt bụng) là những người có xu hướng quan tâm đến người khác hơn bản thân mình, thậm chí họ luôn sẵn lòng hỗ trợ người khác dù là công việc gì.
Nhóm 2 luôn có lòng tử tế và sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của người khác. Họ thường xem việc giúp đỡ và chăm sóc người khác là một phần quan trọng của bản thân. Những người thuộc nhóm này thường rất quan tâm đến sự hài lòng, hạnh phúc của người khác. Đôi lúc, họ còn đặt người khác lên hàng đầu.
Tuy nhiên, điểm yếu của nhóm 2 là họ dễ bị lợi dụng và tự gây mệt mỏi, phiền phức cho bản thân. Để nhận được sự hài lòng từ người khác, họ có thể bất chấp làm mọi việc. Một số người còn đặt nhu cầu của bản thân sang một bên để giúp đỡ người khác. Điều này có thể khiến họ lãng phí sức lực và không biết cách đặt giới hạn cho bản thân.
3. Nhóm 3 – The Achiever
The Achiever (người thành công) là những người có khát khao vượt qua mọi thử thách để đạt thành công. Họ có xu hướng quan trọng về thành tích và công nhận từ mọi người xung quanh.
Người thành công thường có tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu. Họ luôn làm việc chăm chỉ để đạt được thành công. Tính cách nổi bật của nhóm 3 là năng động, nhiệt huyết và giàu năng lượng. Vì vậy, họ luôn có những kế hoạch để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Điểm yếu của nhóm 3 là quá phụ thuộc vào sự công nhận từ bên ngoài hay đánh giá từ người khác. Đôi lúc, họ sẽ mất đi khả năng tự nhìn nhận, đặt nặng quan điểm và cách nhìn từ bên ngoài. Đây là nhóm người dễ “hơn thua”, ưa cạnh tranh và đặt áp lực lên bản thân mình.
4. Nhóm 4 – The Individualist
The Individualist (người nghệ sĩ) là những người chú trọng về mặt cảm xúc và có nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống.
Nhóm người nghệ sĩ thường khá nhạy cảm, có khả năng thấu hiểu cảm xúc của mình và người khác. Đây là nhóm người sở hữu khả năng sáng tạo thiên bẩm, thường diễn đạt góc nhìn thông qua nghệ thuật và cái đẹp.
The Individualist có lòng tự trọng cao, khát khao sự đặc biệt trong mắt người khác. Họ mong muốn trở nên “độc nhất vô nhị” và được mọi người công nhận tài năng của mình.
Tuy nhiên, nhóm 4 cũng rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng và bị chi phối bởi cảm xúc. Thậm chí, đây là nhóm người dễ rơi vào trầm cảm, tách biệt với xã hội nếu họ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc không ai hiểu mình.
5. Nhóm 5 – The Investigator
The Investigator (người tri thức) là những người có sự tò mò và khao khát muốn hiểu biết sâu sắc về thế giới xung quanh.
Nhóm người tri thức có xu hướng tìm kiếm kiến thức, nghiên cứu và phân tích. Họ đặt mục tiêu là hiểu rõ nguyên lý và cơ sở của mọi vấn đề, thích truyền đạt kiến thức cho người khác.
Nhóm 5 thường rơi vào trạng thái cô đơn và cách biệt với xã hội. Họ có nhu cầu cô lập để tập trung vào việc suy nghĩ và nghiên cứu. Nhóm người này thường ưu tiên sự riêng tư, không thích ai xâm nhập vào không gian cá nhân của mình.
Một điểm yếu của nhóm 5 là dễ bị cô đơn và cách biệt với xã hội. Thậm chí, họ còn ngại giao tiếp, tự cô lập tâm tư, tình cảm của mình. Đôi khi, họ sẽ cảnh giác quá mức và từ chối sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác.
6. Nhóm 6 – The Loyalist
The Loyalist (người trung thành) là những người có xu hướng tìm kiếm sự an toàn và ổn định trong cuộc sống, đặt sự trung thành lên hàng đầu.
Người trung thành thường rất đáng tin cậy. Họ trung thành với gia đình, bạn bè và các giá trị xã hội.
Nhóm 6 có xu hướng lo lắng và thường cảm thấy bất an trước những tình huống không chắc chắn. Họ có nhu cầu được hỗ trợ và định hướng từ người khác. Đôi khi, nhóm 6 sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi sự lưỡng lự và nghi ngờ.
Người trung thành thường có khả năng nhận biết trước rủi ro, biểu hiện sự chu đáo và cảnh giác. Họ là người thực tế, có khả năng xác định và đối mặt với khó khăn một cách hợp lý.
7. Nhóm 7 – The Enthusiast
The Enthusiast (người hăng hái) là những người có xu hướng tìm kiếm niềm vui, tránh những cảm xúc và trạng thái tiêu cực. Người hăng hái thường rất năng động, nhiệt tình và đam mê. Họ tận hưởng cuộc sống, tìm kiếm những trải nghiệm mới, thú vị và kích thích. Đồng thời, họ cũng là người sáng tạo và có khả năng thích nghi nhanh trước mọi tình huống.
Nhóm 7 có xu hướng tránh những cảm xúc tiêu cực, khó khăn. Họ cố gắng tìm kiếm sự vui vẻ và hưng phấn trong cuộc sống. Chính vì vậy, cuộc sống của họ thường ít buồn chán, rối loạn và chất chứa quá nhiều cảm xúc tiêu cực. Họ chính là đại diện của những người có góc nhìn tích cực và năng lượng nhất.
Một điểm yếu của nhóm 7 là thường thiếu kiên nhẫn và không kiên định. Họ có xu hướng trốn tránh trách nhiệm hay cam kết lâu dài. Đôi lúc, họ sẽ dễ dàng chuyển hướng, mất tập trung.
8. Nhóm 8 – The Challenger
The Challenger (người thách thức) là nhóm người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và kiên định trong việc bảo vệ quyền lợi cũng như tự do cá nhân.
Người thách thức thường có sức mạnh nội tại, khao khát kiểm soát và quyền lực. Họ thích đứng ra để bảo vệ người yếu và chống lại sự bất công. Nhóm người này thường có khả năng lãnh đạo tốt, luôn muốn làm chủ cuộc sống của mình và môi trường xung quanh.
Nhóm 8 có xu hướng thể hiện sự độc lập, không sợ thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình. Họ tin tưởng vào bản thân và khó để ai đó chi phối hay áp đặt ý kiến lên họ. Đây là những người bộc trực, thẳng thắn và thường không che giấu cảm xúc hay ý kiến của mình.
Yếu điểm của nhóm số 8 là quá quyết đoán và áp đặt. Trong nhiều trường hợp, họ thường tỏ ra quá mạnh mẽ, hung hăng, không lắng nghe ý kiến và cảm nhận của người khác. Nhóm người này rất khó chấp nhận sự yếu đuối hay phụ thuộc của chính mình.
9. Nhóm 9 – The Peacemaker
The Peacemaker (người hoà giải) là nhóm người xu hướng tìm kiếm sự hoà hợp, bền vững và tránh mâu thuẫn. Đây là những người nhạy cảm, nhân hậu, và có khả năng hiểu, chia sẻ cảm xúc của người khác. Họ thường tránh sự xung đột và muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định.
Nhóm 9 có xu hướng giữ im lặng và tránh tranh luận hoặc đối đầu trực tiếp. Họ thường không muốn gây rối hoặc gây sự chú ý từ người khác. Nhóm người này thích hợp tác và làm việc nhóm, thường đánh giá cao sự đồng thuận hay thấu hiểu mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, nhóm số 9 thường trở nên thiếu quyết đoán, dễ bị áp đặt ý kiến từ người khác. Đồng thời, họ cũng dễ bị chìm vào sự lười biếng, trì hoãn để tránh những tranh cãi, đối đầu trong một cuộc tranh luận.
Xem thêm: Bạn có phải là người sở hữu trí thông minh cảm xúc, kiểm tra EQ ngay hôm nay
3 công cụ test Enneagram là gì chuẩn xác 2023
1. Truity
Truity là công cụ trực tuyến hỗ trợ người dùng kiểm tra Enneagram chuẩn xác. Công cụ này cung cấp một loạt các câu hỏi, lựa chọn cho người dùng. Dựa vào câu trả lời, hệ thống sẽ xác định và đưa ra kết quả Enneagram tương ứng.
Trải nghiệm Truity tại: https://www.truity.com/test/enneagram-personality-test
2. Sakinorva
Sakinorva cung cấp rất chi tiết và đầy đủ kết quả kiểm tra Enneagram của người dùng. Trang web có 2 bài test Enneagram, bao gồm: Rohde và Rowe.
Thông qua kết quả từ bài kiểm tra, bạn có thể xác định được type (chỉ các nhóm tính cách trong Enneagram), wing (sự ảnh hưởng của 1 hoặc 2 type liền kề đến tính cách) và 3 thiên hướng sử dụng năng lượng (Self-Preservation, Sexual và Social). Đặc biệt là bài test tại trangSakinorva hoàn toàn miễn phí.
Trải nghiệm Sakinorva tại: https://sakinorva.net/test/enneagram
3. 123test
123test là một trang web chuyên cung cấp những bài kiểm tra và công cụ phân tích tính cách, bao gồm cả bài test Enneagram. Trang web này cho phép người dùng xác định tính cách dựa trên hệ thống Enneagram tiêu chuẩn. Bài kiểm tra thường đưa ra những câu hỏi xoay quanh các quan điểm, hành vi và cảm xúc của bạn trong các tình huống khác nhau.
Ngoài kiểm tra tính cách dựa trên Enneagram, bạn cũng có thể thực hiện 26 bài test khác nhau trên 123test. Mỗi bài test sẽ giúp bạn định hình rõ hơn về tính cách, định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Trải nghiệm 123test tại: https://www.123test.com/nl/enneagram/
Khi hiểu rõ Enneagram là gì, bạn có thể làm bài test tính cách theo hệ thống này để hiểu rõ bản thân mình hơn. Đồng thời, thông qua Enneagram, bạn cũng có thể nắm bắt được tâm lý của những người xung quanh. Từ đó, bạn sẽ cải thiện được các mối quan hệ xã hội, tăng sự đồng cảm và bao dung.
Qua bài viết trên, Việc Làm 24h hy vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc: “Enneagram là gì?” cũng như những nét tính cách trong hệ thống. Chúc bạn sớm tìm ra tính cách phù hợp với mình để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu hiệu quả nhé!