Thời gian qua, Việt Nam ngày càng chứng minh tiềm năng phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghệ bán dẫn như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore,… Đây vừa là cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam khi đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, nguồn đầu tư lớn mạnh và đội ngũ nhân lực, chuyên gia trình độ cao. Bạn quan tâm ngành bán dẫn là gì? Công nghệ bán dẫn học ngành gì? Triển vọng công việc ngành bán dẫn ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Tổng quan về công nghệ bán dẫn
Chất bán dẫn là gì?
Chất bán dẫn (Semiconductor) là một loại vật liệu có khả năng dẫn điện giữa chất dẫn điện (conductors) và chất cách điện (insulators). Vì chất bán dẫn có thể dẫn điện ở một điều kiện nhất định, trong khi ở điều kiện khác lại không nên được gọi là “bán dẫn”. Ở nhiệt độ thấp, chất này hoạt động như một chất cách điện và chỉ dẫn điện ở nhiệt độ phòng.
Chất bán dẫn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử. Chất bán dẫn thường được dùng để chế tạo các transistor trong chip điện tử, linh kiện máy tính, điện thoại di động, xe, máy bay,… Chất bán dẫn phổ biến nhất hiện nay là Silicon với khả năng dễ tinh chế và giá thành rẻ.
Vật liệu bán dẫn là gì?
Vật liệu bán dẫn là các loại chất có khả năng dẫn điện ở một mức độ nhất định giữa chất dẫn và chất cách điện. Trong lĩnh vực công nghiệp và điện tử, những vật liệu bán dẫn phổ biến thường là silic, germanium, indium phosphide và gallium arsenide.
Đặc điểm quan trọng của vật liệu bán dẫn là khả năng kiểm soát dòng điện, cho phép chúng được sử dụng để sản xuất các linh kiện và chip điện tử. Quá trình sản xuất vật liệu bán dẫn đòi hỏi các kỹ thuật chế tạo đặc biệt để đảm bảo tính năng và hiệu suất cao.
Chip bán dẫn là gì?
Chip bán dẫn hay vi mạch tích hợp (Integrated circuit), đây là thành phần điện tử được tạo ra trên các lớp chất bán dẫn (thường là silic). Chip này chứa nhiều vi mạch tích hợp, kết hợp hàng loạt linh kiện điện tử như như transistor, điốt, điện trở,… được tích hợp trên một bảng mạch nhỏ.
Chip bán dẫn thường được thiết kế với kích thước nhỏ gọn, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của các thiết bị điện tử và sản phẩm công nghệ. Nhiệm vụ của chip này hỗ trợ xử lý thông tin và điều khiển chức năng của các thiết bị điện tử, từ máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy chơi game, thiết bị y tế, và nhiều ứng dụng khác.
Ngành bán dẫn là gì?
Ngành bán dẫn là một lĩnh vực công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các linh kiện điện tử sử dụng chất bán dẫn. Các sản phẩm chính của ngành này bao gồm chip bán dẫn (vi mạch tích hợp) và các linh kiện điện tử khác mà chúng ta thường gặp trong các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, máy ảnh,… Ngành bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất và tính năng của các sản phẩm công nghệ, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ bán dẫn học ngành gì, trường nào?
Hiện nay, nhiều nước phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn trên thế giới trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam. Hơn nữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhu cầu đào tạo ngành bán dẫn trong một vài năm tới rơi vào khoảng 3.000 người/năm, trong đó tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%, bao gồm kỹ sư bậc 7, thạc sĩ và tiến sĩ. Đón đầu xu hướng này, các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam đã sẵn sàng về năng lực đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.
Các ngành đào tạo phù hợp nhất bao gồm kỹ thuật điện tử, điện tử – viễn thông và các ngành gần như kỹ thuật điện, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa,… Nhiều trường đại học tại Việt Nam đang đào tạo các ngành gần với ngành Vi mạch bán dẫn. Sinh viên có thể học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối hoặc sinh viên đã tốt nghiệp các ngành liên quan có thể theo học các khóa đào tạo bổ sung trong vài tháng đến 1 năm để đáp ứng yêu cầu lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.
Dưới đây là các trường đào tạo ngành, chuyên ngành công nghệ bán dẫn mà bạn có thể tham khảo.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội:
- Ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, đào tạo về thiết kế IC, VLSI và các hệ nhúng liên quan đến thiết kế chip, linh kiện điện tử – bán dẫn.
- Ngành Vật lý kỹ thuật, chuyên ngành về vật liệu điện tử liên quan đến chế tạo chip và linh kiện điện tử – bán dẫn.
- Kỹ thuật Vật liệu có mô-đun đào tạo về vật liệu liên quan đến chế tạo vi điện tử và bán dẫn.
- Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano (mới đưa vào tuyển sinh năm 2023).
Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội: Chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng các chuyên ngành thiết kế và sản xuất chip bán dẫn chuyên sâu.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn hoặc thạc sĩ – tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Ở bậc đại học, sinh viên được học về vật liệu bán dẫn và vật liệu – công nghệ nano trong ngành Khoa học vật liệu. Sinh viên chuyên ngành Vật lý, Kỹ thuật điện tử và Tin học cũng được đào tạo một số nội dung có liên quan.
Trường Đại học Quốc gia TPHCM: Chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học ngành thiết kế vi mạch. Chương trình đào tạo cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho hơn 15.000 kỹ sư trong giai đoạn 2023 – 2030.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM: Chương trình đào tạo về chuyên ngành thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học. Trong đó:
- Bậc đại học: Ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, Kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp), Hệ thống mạch – phần cứng.
- Bậc cao học: Ngành Kỹ thuật Điện tử – Kỹ thuật Viễn thông, chuyên ngành thiết kế vi mạch.
Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM: Ngành Kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng.
Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM: Xây dựng đề án mở ngành đào tạo thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển sinh trong năm tới.
Trường Đại học CMC: Dự kiến năm 2024 mở thêm ngành và chuyên ngành thiết kế vi mạch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trường Đại học FPT – Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT: Thành lập khoa Vi mạch Bán dẫn tuyển sinh vào năm 2024, định hướng đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu và thực hiện nghiên cứu ngành vi mạch bán dẫn.
Triển vọng ngành công nghệ bán dẫn
Hiện nay, có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư công nghiệp vi điện tử và bán dẫn vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực thiết kế vi mạch hiện tại khoảng 5.000 người. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới, nhu cầu nhân lực lĩnh vực chip bán dẫn rơi vào khoảng 20.000 người và trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 50.000 người từ bậc đại học trở lên.
Ngành công nghiệp chip bán dẫn có mức thu nhập vô cùng hấp dẫn, tăng đều hàng năm. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao của các công ty đang rất lớn. Sinh viên năm 3 ngành vi mạch bán dẫn đã có thể đi làm, thường tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế,… Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường có thu nhập là 220 triệu đồng/năm. Với 5 năm kinh nghiệm, thu nhập của những người làm công việc này là 330 triệu đồng/năm và những người có kinh nghiệm lâu năm từ 15 – 20 năm có thể lên đến 1,3 – 1,5 tỷ đồng/năm.
Các bạn theo đuổi ngành này có thể tham khảo các công việc liên quan đến nghiên cứu, phát triển, sản xuất vật liệu bán dẫn hoặc thiết kế, sản xuất vi mạch,…
Kết luận
Mong rằng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã mang đến những thông tin hữu ích về ngành bán dẫn là gì cũng như triển vọng công việc ngành công nghệ bán dẫn. Đừng trước cuộc đua khốc liệt và đầy biến động trong kỷ nguyên công nghệ, yếu tố đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được đặt lên hàng đầu. Tận dụng lợi thế này, các bạn trẻ yêu thích công nghệ bán dẫn có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường đầy triển vọng. Chúc các bạn thành công!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Kỳ lân công nghệ VNG tuyển dụng các vị trí nào? Yêu cầu tuyển dụng ra sao?