Khi bắt đầu ký hợp đồng lao động với bất cứ đơn vị nào, người sử dụng lao động và người lao động sẽ có những thỏa thuận nhất định về quyền lợi, phúc lợi. Trong đó có các quyền lợi về bảo hiểm. Bài viết sau của Việc Làm 24h sẽ giới thiệu về các loại bảo hiểm bắt buộc mà người lao động cần biết khi đi làm, giúp bạn hiểu và sử dụng quyền lợi này hiệu quả hơn.
Các loại bảo hiểm bắt buộc là gì
Bảo hiểm bắt buộc là hình thức bảo hiểm được quy định bởi pháp luật nhà nước. Người lao động và người sử dụng lao động đều phải tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc này khi bắt đầu ký hợp đồng lao động. Điều kiện tham gia đóng bảo hiểm, mức phí, điều kiện hưởng bảo hiểm đều được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật.
Mục đích chính của bảo hiểm là bảo vệ các lợi ích công cộng cho người lao động cũng như sự an toàn xã hội. Việc tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động khi san sẻ rủi ro cho cộng đồng và xã hội.
Với người lao động, các loại bảo hiểm bắt buộc là phương tiện bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của họ trong quá trình tham gia lao động.
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các loại bảo hiểm bắt buộc trong doanh nghiệp hiện nay gồm: Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp. Với một số doanh nghiệp có đặc thù nghề nghiệp riêng sẽ có thêm bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Các loại bảo hiểm bắt buộc
Sau đây, Việc Làm 24h sẽ giới thiệu kỹ hơn về từng loại bảo hiểm bắt buộc dành cho người đi làm.
Bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam được đóng từ chính một phần thu nhập nhất định hàng tháng của người lao động kể từ khi chính thức ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Bảo hiểm xã hội sẽ được chi trả cho người lao động trong các trường hợp: ốm đau, thai sản, thất nghiệp, về hưu…
Hiện nay có hai loại hình bảo hiểm xã hội chính là:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc: loại hình BHXH do nhà nước tổ chức bắt buộc người lao động và người sử dụng lao động đều phải tham gia với mức đóng theo quy định. BHXH bắt buộc sẽ chi trả cho các chế độ: thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện: loại hình BHXH do nhà nước tổ chức, người tham gia được lựa chọn phương thức và mức đóng phù hợp với mức thu nhập của mình. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người tham gia đóng tiền bảo hiểm cũng như hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Theo nghị định mới nhất 38/2022, mức lương tối thiểu vùng mới được điều chỉnh tăng do đó mức đóng BHXH cũng được sửa đổi lại như sau:
- Từ ngày 01/07 đến 30/09/2022, tổng mức đóng BHXH là 31%: người lao động đóng 10.5%, người sử dụng lao động đóng 20.5%
- Từ ngày 01/10/2022: tổng mức đóng BHXH là 32%: người lao động đóng 10.5%, người sử dụng lao động đóng 21.5%
Để được BHXH chi trả lương hưu, người lao động cần có đủ các điều kiện sau:
- Lao động là nam giới: tham gia BHXH ít nhất 20 năm, đóng đủ 35 năm sẽ được hưởng lương hưu tối đa là 75% mức lương đóng BHXH hàng tháng
- Lao động là nữ giới: tham gia BHXH ít nhất 15 năm, đóng đủ BHXH 30 năm sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa.
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tra cứu thông tin về quá trình đóng BHXH dễ dàng bằng nhiều cách:
- Tra cứu qua tin nhắn
- Tra cứu thông tin trực tuyến trên website của cơ quan Bảo hiểm Việt Nam tại đây
- Tra cứu thông tin qua ứng dụng trên điện thoại VssID
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội là gì? 7 câu hỏi thường gặp nhất về Bảo hiểm xã hội của người lao động
Bảo hiểm y tế
Một trong các loại bảo hiểm bắt buộc tiếp theo là Bảo hiểm Y tế (BHYT). Đây là loại bảo hiểm riêng biệt về chăm sóc sức khỏe. Mục đích của BHYT là giúp người tham gia bảo hiểm giảm thiểu được chi phí chăm sóc sức khỏe, phục hồi sức khỏe hay điều trị bệnh tật trong quá trình lao động.
Cụ thể, BHYT sẽ chi trả trong các trường hợp như sau
- Khám chữa bệnh theo đúng tuyến: khi người lao động tới khám hoặc chữa bệnh tại đúng địa chỉ bệnh viện được đăng ký trong BHYT sẽ được chi trả mức phí từ 80%, 85% hoặc 100% tùy theo trường hợp.
- Khám chữa bệnh tại cơ sở trái tuyến: BHYT sẽ chi trả 40% chi phí điều trị tại tuyến trung ương, 100% chi phí điều trị nội trú tuyến tỉnh và 100% chi phí điều trị tại tuyến huyện.
Mức đóng BHYT là 4,5% dựa trên mức lương hàng tháng, trong đó, người lao động đóng 1,5% và người sử dụng lao động đóng 3%.
Xem thêm: Cách tra cứu giá trị thẻ bảo hiểm y tế đơn giản và nhanh nhất 2022 người lao động cần biết
Bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc tiếp theo mà người lao động và doanh nghiệp phải tham gia.
Loại hình bảo hiểm này sẽ chi trả cho người lao động khi thất nghiệp một khoản trợ cấp theo quy định. Mức trợ cấp là 60% tiền lương bình quân đóng bảo hiểm trong 06 tháng liên tiếp trước khi thất nghiệp. Đồng thời, mức chi trả không vượt quá 5 lần so với mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu theo vùng.
Bạn có thể tham khảo cách tính trợ cấp thất nghiệp theo công thức sau:
Mức trợ cấp = mức lương trung bình của 6 tháng trước khi thất nghiệp X 60%
Sau khi đóng bảo hiểm đủ từ 12 đến 36 tháng, người lao động đang thất nghiệp có thể được nhận trợ cấp trong 3 tháng. Sau đó, khi tham gia thêm 12 tháng đầy đủ sẽ được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp, tuy nhiên thời gian nhận không vượt quá 12 tháng.
Cụ thể, điều kiện để được nhận BHTN như sau:
- Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) một cách hợp pháp (trừ trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, đang hưởng lương hưu hoặc đang được hưởng trợ cấp cho mất sức lao động)
- Trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, người lao động đã tham gia BHTN đủ 12 tháng
- Chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xét duyệt BHTN
Người lao động có thể nhận trợ cấp trong 03 tháng khi đóng bảo hiểm đủ 12 tháng liên tục.
Hồ sơ cần chuẩn bị để nhận BHTN gồm:
- Đơn đề nghị hưởng BHTN (điền theo mẫu có sẵn)
- Quyết định thôi việc/ quyết định chấm dứt hợp đồng/ thông báo chấm dứt hợp đồng/quyết định buộc thôi việc
- Sổ bảo hiểm xã hội
- 2 ảnh 3×4
- Căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú tạm vắng (dùng bản sao có công chứng)
Xem thêm: Cách tính bảo hiểm thất nghiệp chuẩn 2022 đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Bảo hiểm tai nạn lao động hoặc bệnh tật do nghề nghiệp
Một trong các loại bảo hiểm bắt buộc khác là Bảo hiểm tai nạn lao động hoặc bệnh tật do nghề nghiệp. Đây là loại hình bảo hiểm đặc biệt quan trọng với nhiều ngành nghề/công việc có nguy hiểm hoặc rủi ro. Bảo hiểm sẽ giúp bù đắp một phần khó khăn về tài chính cho người lao động khi không may xảy ra tai nạn không mong muốn trong quá trình làm việc. Đồng thời, bảo hiểm cũng đóng góp một phần chi phí vào quỹ phòng tránh tai nạn lao động.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cũng được quy định dựa trên mức tiền lương của người lao động. Mức đóng thông thường là từ 0.3% đến 0.5% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Bên cạnh các loại bảo hiểm bắt buộc trên, bạn có thể tham gia thêm các loại bảo hiểm tự nguyện để đảm bảo lợi ích khi đi làm.
Xem thêm: Người lao động cần biết gì về bảo hiểm tai nạn lao động, cách tính như thế nào?
Lời kết
Trên đây, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã giới thiệu tới bạn các loại bảo hiểm bắt buộc người đi làm cần biết, bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn lao động. Đây là những quyền lợi cơ bản, chính đáng và vô cùng quan trọng mà người lao động được hưởng trong quá trình làm việc khi đã ký kết hợp đồng lao động chính thức.
Hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về quyền lợi khi đóng bảo hiểm và sử dụng quyền lợi của mình hiệu quả.
Xem thêm: Chế độ nghỉ thai sản 2022: Người lao động cần biết nếu có dự định sinh con