Thuật ngữ “CEO” chắc đã không còn quá xa lạ với mọi người khi mà phong trào khởi nghiệp (start-up) trở nên thịnh hành như ngày nay. Nhắc đến một doanh nghiệp hay một start-up, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị trí CEO như người thành lập và đại diện cho tổ chức ấy. Nhưng liệu suy nghĩ đó đã đầy đủ và chính xác? Vậy thì hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu rõ hơn về CEO là gì, vai trò của CEO trong doanh nghiệp và con đường để trở thành một CEO tương lai ngay bên dưới nhé!
CEO là gì?
Đây là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Chief Executive Officer”, có nghĩa là Giám đốc điều hành, đây là những người sẽ có trách nhiệm chính để thực hiện các chính sách của hội đồng quản trị công ty.
Trong một công ty, hay tổ chức thì đây là chức vụ điều hành cấp cao, chịu trách nhiệm cho sự thành công của công ty vì CEO sẽ có quyền để đưa ra những quyết định cuối cùng. Hiện nay ở Việt Nam, các vị trí như Tổng giám đốc, Tổng Giám đốc điều hành, Giám đốc công ty cũng là những chức danh của một CEO trong doanh nghiệp.
Mô tả công việc của một CEO
Qua những chia sẻ trên chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về vị trí CEO là gì, nhưng cụ thể hơn thì một CEO sẽ làm những công việc gì?
Là một trong những chức vụ cao cấp nhất trong doanh nghiệp, CEO luôn phải xử lý hàng loạt các vấn đề khác nhau để đảm bảo công ty luôn hoạt động liên tục và hiệu quả. Một số nhiệm vụ chính của CEO có thể kể đến như:
- Đưa ra định hướng phát triển, đề xuất các chiến lược, kế hoạch đầu tư, kinh doanh để mang lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp
- Xây dựng các chiến lược để đạt được tầm nhìn và sứ mệnh của công ty.
- Chủ trì, điều hành việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch kinh doanh đã được Hội đồng quản trị phê duyệt.
- Chịu trách nhiệm về lợi nhuận và sự tăng trưởng của công ty để đảm bảo rằng công ty có thể đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
- Đưa ra các ý tưởng và đề xuất để cải thiện công việc kinh doanh.
- Xây dựng, phát triển, quảng bá hình ảnh và thương hiệu của công ty.
- Thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư của công ty.
- Làm đại diện cho công ty đàm phán và ký kết các hợp đồng thương mại.
- Phê duyệt các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, giám sát và đánh giá, điều chỉnh ngân sách và tiêu chuẩn chi phí.
- Tổ chức, điều hành và đánh giá định kỳ hoạt động kinh doanh của công ty.
- Thiết lập bộ máy quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực.
Lưu ý, trên đây chỉ là tóm tắt về các công việc mà Giám đốc điều hành thực hiện trong một công ty hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, khối lượng công việc có thể lớn hơn và được điều chỉnh để phù hợp với mỗi tổ chức khác nhau.
Vai trò của CEO là gì
Với định nghĩa CEO là gì và những công việc mà một CEO phải làm ở trên, ta có thể thấy được vai trò vô cùng quan trọng của CEO trong doanh nghiệp.
Xác định tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp
Tầm nhìn và sứ mệnh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc xác định mục đích và kết quả đạt được của doanh nghiệp, bởi các tiêu chí trong tầm nhìn, sứ mệnh sẽ ăn sâu vào tâm thức của nhân viên, tạo nên động lực làm việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, xác định tầm nhìn và sứ mệnh sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một hướng đi rõ ràng để tất cả đều hướng đến mục tiêu đã đề ra.
Vì thế, nếu CEO là người thành lập nên doanh nghiệp thì việc xác định tầm nhìn và sứ mệnh sẽ là vai trò quan trọng đầu tiên của vị CEO đó.
Chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh
CEO chính là người đứng đầu trong các hoạt động kinh doanh của công ty. Họ sẽ thực hiện các kế hoạch và quản lý nguồn nhân lực, tài chính của một công ty.
Không chỉ vậy, CEO còn là người điều hành, giám sát những công việc của các phòng ban, đảm bảo quy trình đúng tiến độ cũng như chất lượng sản phẩm tốt nhất,… nếu như những việc làm ấy không có sự giám sát kỹ càng của người CEO thì sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Cố vấn cho các lãnh đạo doanh nghiệp
Vị trí Giám đốc điều hành (CEO) là cầu nối giữa Hội đồng quản trị và doanh nghiệp. Vì thế, CEO sẽ giúp cung cấp cho lãnh đạo những thông tin cần thiết để từ đó có được những quyết định chính xác nhất, đồng thời sẽ là người cố vấn cho lãnh đạo, hỗ trợ họ đưa ra định hướng cho công việc nhanh chóng
Người đại diện cho doanh nghiệp
Trong các sự kiện hay hiệp hội, CEO chính là người sẽ đại diện cho các doanh nghiệp tham gia vào các buổi lễ này, từ đó giúp cho doanh nghiệp có thể quảng bá được sản phẩm, thương hiệu của mình cũng như thúc đẩy quá trình kinh doanh, hoạt động kinh doanh được tốt hơn.
Ngoài ra, CEO còn đại diện cho doanh nghiệp trong các hoạt động cộng đồng, hoạt động xã hội, từ thiện,… nhằm nâng cao hình ảnh và xây dựng thương hiệu.
Những kỹ năng cần có ở một CEO thành công
Để trở thành một người có thể đảm nhận các vai trò quan trọng như trên thì một vị CEO thành công sẽ có những kỹ năng cần thiết dưới đây:
Kỹ năng lãnh đạo
Vì CEO là người quản lý, điều hành cả một doanh nghiệp, do đó kỹ năng lãnh đạo là một trong những yếu tố tiên quyết cần có ở một người CEO thành công.
Kỹ năng lãnh đạo sẽ hỗ trợ đắc lực cho người CEO trong vai trò điều phối, chỉ đạo triển khai các kế hoạch, giúp ủy thác, phân bổ đúng người đúng việc, đồng thời giải quyết xung đột hiệu quả, công bằng, tạo sự an tâm cho nhân viên.
Kỹ năng giao tiếp
Trong mọi môi trường thì giao tiếp chính là chìa khóa quan trọng để đảm bảo hiệu quả công việc. Sở hữu một kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp CEO điều hành hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn, quản lý nhân sự hiệu quả hơn, bên cạnh đó, có thể thuyết phục và thu hút thêm nhiều khách hàng cũng như các đối tác cho doanh nghiệp.
Kỹ năng quản lý tài chính
Mỗi doanh nghiệp đều cần có một nguồn lực tài chính ổn định để duy trì và phát triển. Do đó, một người đứng đầu như CEO cần biết cách quản lý tài chính sao cho hiệu quả nhất để mang lại nguồn lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp.
Là Giám đốc điều hành (CEO) của cả một doanh nghiệp thì việc có kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu như CEO không có khả năng quản lý tài chính tốt thì rất khó đem lại sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.
Kỹ năng lập kế hoạch
Đây được xem như nền tảng của một người CEO thành công trong mọi lĩnh vực. Người Giám đốc điều hành (CEO) biết lập kế hoạch hiệu quả là người có tầm nhìn xa trông rộng, tư duy logic và bộ óc phán đoán linh hoạt để đưa doanh nghiệp phát triển.
Từ đó, họ sẽ luôn chủ động trong mọi tình huống, nhanh chóng nhận diện cơ hội cũng như các thách thức để đảm bảo tiến độ thực hiện và đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.
Kỹ năng hiểu biết chuyên môn
Sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ là kỹ năng mà một người CEO cần có. Họ phải thấu hiểu các khái niệm, quy trình làm việc, công cụ và kỹ thuật của các vị trí nhằm phục vụ cho việc giám sát các yêu cầu của công việc.
Hơn thế nữa, khi có sự am hiểu về các kiến thức chuyên môn, người CEO cũng sẽ nhận được sự kính trọng từ các nhân viên cấp dưới và sự tin tưởng từ các vị lãnh đạo.
Học ngành gì để có thể làm CEO?
Khi các bạn trẻ tìm hiểu về vị trí CEO là gì và mong muốn được trở thành CEO trong tương lai nhưng vẫn còn mông lung không biết nên học ngành gì? Hãy để Việc Làm 24h gợi ý cho bạn nhé!
Ngày nay, Quản trị Kinh doanh được xem là ngành học cho những CEO tương lai, hay nói một cách dễ hiểu học ngành Quản trị Kinh doanh bạn sẽ tiến gần hơn mục tiêu trở thành CEO của mình.
Khi học ngành này bạn sẽ được đào tạo kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, từ tổng quan đến chuyên sâu về quản trị kinh doanh mà cụ thể là cách điều hành một doanh nghiệp, quản lý tốt tài chính, quản trị marketing, thống kê, thông thạo về chứng khoán, giải quyết rủi ro và kỹ năng lãnh đạo…
Ngoài những kiến thức trong trường học, bạn cũng nên trau dồi kiến thức về xã hội, con người, xây dựng các mối quan hệ. Bạn nên tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đảm nhận các chức vụ bí thư, lớp trưởng… để rèn luyện kỹ năng phân tích, phân công, hướng dẫn đồng đội ngay khi còn đi học.
Con đường để trở thành một CEO tương lai
Theo kết quả nghiên cứu của CEO Genome Project từ hơn 17.000 đánh giá giám đốc điều hành và hơn 2600 nghiên cứu chuyên sâu phân tích cho thấy, trung bình một người có tiềm năng sẽ mất khoảng 24 năm làm việc để có thể đảm nhận vai trò CEO trong tương lai. Điều này không bao gồm xuất thân từ doanh nghiệp gia đình hay có bệ đỡ hoàn hảo nào, kết quả nghiên cứu trên là từ những cá nhân có nỗ lực và tự đi lên bằng thực lực bản thân trong suốt quá trình làm việc.
Qua đó, ta cũng thấy được để trở thành một CEO tương lai, bạn phải trải qua một khoảng thời gian dài cố gắng và phấn đấu hết mình. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rút ngắn khoảng thời gian đó bằng việc xác định ngay từ bây giờ cho mình một lộ trình cụ thể, rõ ràng để đạt tới vị trí CEO mơ ước. Thông thường, con đường để trở thành một CEO sẽ trải qua 3 bước:
Bước 1: Trau dồi kiến thức và kỹ năng
Bước đầu tiên bạn cần thực hiện để theo đuổi mục tiêu trở thành CEO là chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc. Giai đoạn này bạn có thể thực hiện và trau dồi, tích luỹ mọi thứ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Khuyến khích bạn nên theo học tại các trường đại học để lấy được bằng cử nhân thuộc các chuyên ngành như: quản trị kinh doanh, kinh tế, marketing,… Bên cạnh đó, bạn cũng nên tích cực tham gia các khóa học bên ngoài hay các hoạt động ngoại khóa để được học hỏi, rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, góp phần hỗ trợ rất nhiều cho bạn khi đi làm và thăng tiến sau này để trở thành một CEO tương lai.
Bước 2: Tích lũy kinh nghiệm làm việc
Cho dù sau này bạn mong muốn trở thành CEO của doanh nghiệp mình lập ra hay làm CEO của một công ty khác thì việc tích lũy kinh nghiệm làm việc cũng vô cùng quan trọng.
Ban đầu bạn có thể làm việc tại vị trí nhân viên, rồi dần dần tiến tới những vị trí cao hơn tại công ty đó hoặc là ở một công ty khác. Trong suốt quá trình đó, bạn sẽ học hỏi, bổ sung cho mình các kiến thức chuyên môn và đồng thời cũng giúp bạn xây dựng các mối quan hệ với mọi người trong công ty và ngay cả với các đối tác bên ngoài. Việc này sẽ giúp bạn trong việc lãnh đạo doanh nghiệp sau này ở vị trí CEO.
Bước 3: Tạo bước đột phá trong sự nghiệp
Theo CEO Genome Project cho thấy, hơn 33% những nhân viên mong muốn trở thành CEO trong tương lai đều có bước tiến nhảy vọt đáng kể, giúp họ bật xa hơn trong sự nghiệp bản thân và điều này thường xảy ra trong 10 năm đầu họ làm việc. Những người này luôn nắm bắt mọi cơ hội và thách thức để tạo nên một bước đột phá trong sự nghiệp của riêng họ.
Nếu là bạn mong muốn trở thành CEO tương lai mà không mong đợi hay trân trọng bất kỳ cơ hội nào đến với mình thì mơ ước ấy sẽ chỉ mãi nằm trong đầu bạn. Hãy luôn tận dụng những cơ hội để tạo nên những bước đột phá, những cột mốc thành công của riêng mình trong doanh nghiệp, để từ đó những người nhân viên, lãnh đạo sẽ tin tưởng, trọng dụng và đề xuất cho bạn vị trí CEO trong tổ chức.
Lời kết
Ngay từ bé, khi được hỏi về ước mơ sau này sẽ làm nghề gì, không ít người đã tự tin trả lời rằng muốn làm “Giám đốc”. Giờ đây khi lớn hơn, đã biết một trong những vị trí giám đốc trong công ty chính là CEO và cũng đã hiểu hơn về CEO là gì trong bài viết trên, chắc hẳn nhiều bạn đã có trong mình những dự định riêng để theo đuổi ước mơ hồi bé ấy.
Qua bài viết trên, Việc Làm 24h cũng mong rằng có thể đưa ra thông tin, những gợi ý bổ ích để giúp bạn nhanh chóng đạt được những thành công trong sự nghiệp trở thành CEO tương lai. Đừng quên đón đọc những bài viết bổ ích khác tại Blog của Việc Làm 24h nhé!