Trong hệ thống quản lý nhà nước, các khái niệm về công chức và viên chức thường xuyên xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và vận hành các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai khái niệm này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vậy công chức là gì, làm thế nào để phân biệt giữa công chức và viên chức trong bối cảnh hiện nay? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ngay trong bài viết bên dưới nhé!
1. Công chức là gì?
Dựa theo khoản 2 Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019), quy định như sau:
Công chức là những công dân Việt Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các ngạch, chức vụ, chức danh, thuộc biên chế, và nhận lương từ ngân sách Nhà nước, đồng thời làm việc trong các cơ quan, đơn vị được nêu rõ tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP, bao gồm:
- Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập;
- Cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện;
- Hệ thống Tòa án nhân dân, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân;
- Cơ quan của các tổ chức chính trị – xã hội tại Trung ương, tỉnh, huyện;
- Các cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
2. Phân loại các cán bộ công chức
Công chức được phân loại dựa trên trình độ đào tạo và ngạch chuyên môn:
Phân loại theo trình độ đào tạo
- Công chức loại A: Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
- Công chức loại B: Có trình độ chuyên môn từ trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng.
- Công chức loại C: Có trình độ chuyên môn ở bậc sơ cấp.
- Công chức loại D: Có trình độ chuyên môn dưới bậc sơ cấp.
Phân loại theo ngạch chuyên môn
- Công chức ngành hành chính – sự nghiệp
- Công chức ngành lưu trữ
- Công chức ngành thanh tra
- Công chức ngành tài chính
- Công chức ngành tư pháp
- Công chức ngành ngân hàng
- Công chức ngành hải quan
- Công chức ngành nông nghiệp
- Công chức ngành kiểm lâm
- Công chức ngành thủy lợi
- Công chức ngành xây dựng
- Công chức ngành khoa học kỹ thuật
- Công chức ngành khí tượng thủy văn
- Công chức ngành giáo dục, đào tạo
- Công chức ngành y tế
- Công chức ngành văn hóa – thông tin
- Công chức ngành thể dục, thể thao
- Công chức ngành dự trữ quốc gia
Phân loại theo vị trí công tác
- Công chức lãnh đạo
- Công chức chuyên môn nghiệp vụ
3. Điều kiện đăng ký dự tuyển thi công chức là gì?
Theo Điều 36 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi bởi điểm đ khoản 20 Điều 1 của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019), quy định như sau:
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
Những người có đủ các điều kiện dưới đây, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, đều có thể đăng ký dự tuyển công chức:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
- Đủ 18 tuổi trở lên;
- Có đơn dự tuyển và lý lịch rõ ràng;
- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng;
- Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt;
- Đủ sức khỏe để thực hiện công việc;
- Các điều kiện khác theo yêu cầu tuyển dụng.
Những người thuộc các trường hợp sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
- Không cư trú tại Việt Nam;
- Bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích; hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Sự khác nhau giữa viên chức và công chức là gì?
Tiêu chí | Công chức | Viên chức |
Nơi công tác | Làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện;Các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội (không bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng);Các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân (không bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp) | Làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập |
Nguồn gốc | Được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế | Được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc theo hợp đồng lao động |
Tập sự | 12 tháng đối với công chức loại C; 06 tháng đối với công chức loại D | Từ 3 đến 12 tháng, quy định trong hợp đồng lao động |
Hợp đồng làm việc | Không làm việc theo chế độ hợp đồng | Làm việc theo chế độ hợp đồng |
Tiền lương | Nhận lương từ ngân sách nhà nước | Nhận lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập |
Bảo hiểm | Không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp | Bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp |
Hình thức kỷ luật | Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc | Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc (có thể bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp) |
Ví dụ về từng đối tượng | Giám đốc Sở, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng phòng Tổng hợp – Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương | Bác sĩ, giáo viên, giảng viên đại học |
Căn cứ pháp lý | Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019, Nghị định 06/2010/NĐ-CP | Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 |
5. Điều kiện chuyển đổi từ viên chức sang công chức là gì?
Theo Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 58 của Luật Viên chức 2010, việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức được quy định như sau:
- Viên chức đã có ít nhất 60 tháng công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm thời gian tập sự), có trình độ đào tạo và kinh nghiệm đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển. Khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng, viên chức có thể được xét chuyển sang công chức mà không cần qua thi tuyển, theo quy định của pháp luật về công chức.
- Khi viên chức được tiếp nhận và bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quy trình xét chuyển viên chức thành công chức không qua thi tuyển sẽ được thực hiện theo quy định. Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm này cũng đồng thời là quyết định tuyển dụng.
- Viên chức khi được bổ nhiệm vào các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức, khi bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm, cần phải hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch công chức đó. Đồng thời, viên chức được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp, hưởng chế độ tiền lương và các quyền lợi khác như khi còn là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cán bộ, công chức khi được điều động về làm viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật về viên chức.
Vì vậy, theo các quy định nêu trên, viên chức có thể được chuyển sang công chức nếu đáp ứng ba điều kiện:
- Đã có ít nhất 5 năm làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
- Có trình độ và kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mới.
- Cơ quan quản lý có nhu cầu tuyển dụng phù hợp với công việc mà viên chức đang đảm nhiệm.
Tạm kết
Công chức là một lực lượng nòng cốt trong bộ máy nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách và quản lý hành chính quốc gia. Hiểu rõ về khái niệm công chức là gì, cũng như phân biệt giữa công chức và viên chức, giúp chúng ta nắm bắt được cơ cấu tổ chức của nhà nước và tầm quan trọng của từng vị trí trong hệ thống này.
Đừng quên đón đọc các bài viết hữu ích khác tại Vieclam24h.vn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: MC là gì? Cần sở hữu kỹ năng nào để trở thành MC chuyên nghiệp?