Công ty nợ bảo hiểm xã hội, người lao động nên làm gì?

Nợ bảo hiểm xã hội là một vấn đề đáng quan ngại khiến nhiều người lao động lao đao Công ty được nợ bảo hiểm xã hội bao lâu? Công ty nợ bảo hiểm xã hội thì phải làm sao? Bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ khuyến nghị những gì mà người lao động nên biết khi rơi vào hoàn cảnh này.

Các mức đóng BHXH của doanh nghiệp

Căn cứ Quyết định số 595/QĐ-BHXH, người sử dụng lao động phải đóng BHXH hằng tháng theo mức tiền lương đóng BHXH của người lao động với tỷ lệ sau:

MỨC ĐÓNG BHXH CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
BHXH Bảo hiểm thất nghiệp Bảo hiểm y tế
Hưu trí và tử tuất Ốm đau và thai sản Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
14% 3% 1% (hoặc 0,5%) 1% 3%

Công ty được nợ bảo hiểm xã hội bao lâu?

công ty nợ bảo hiểm xã hội
Công ty nợ bảo hiểm xã hội, người lao động nên làm gì?

Căn cứ Điều 7 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH năm 2020) quy định phương thức đóng bảo hiểm xã hội cụ thể như sau:

1. Đóng hằng tháng

Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

2. Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH

Theo quy định trên thì công ty phải hoàn thành việc đóng BHXH cho người lao động vào ngày cuối cùng của tháng. Nếu doanh nghiệp lựa chọn phương thức đóng BHXH 03 tháng hoặc 06 tháng một lần thì có thể chậm đóng BHXH đến ngày cuối cùng trong tháng của phương thức đó.

Công ty nợ bảo hiểm xã hội thì phải làm sao?

1. Quyền lợi BHYT của người lao động khi công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội

Theo điểm 2.3 khoản 2 Điều 47 Quyết định số 595/QĐ-BHXH (sửa đổi tại Quyết định số 505/QĐ-BHXH), đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 17 Quyết định số 595/QĐ-BHXH chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi 2014). 

Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội. 

Cơ quan BHXH ghi nhận quá trình đóng BHXH của người lao động để giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định giá trị sử dụng thẻ BHYT tương ứng số tiền đóng BHYT, trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi. Do đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng và người lao động không được hưởng các quyền lợi BHYT khi khám chữa bệnh. Như vậy, công ty phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

2. Yêu cầu công ty đóng BHXH để được hưởng các chế độ BHXH

Tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH (sửa đổi tại Quyết định số 505/QĐ-BHXH) quy định: Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ – BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ – BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Người lao động nên làm gì để tránh trường hợp công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội

công ty nợ bảo hiểm xã hội
Bảo vệ quyền lợi cá nhân khi công ty nợ bảo hiểm xã hội bằng cách nào?

Dưới đây là một số cách giúp người lao động bảo vệ quyền lợi khi công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội:

Kiểm tra thông tin đóng BHXH

Người lao động có thể kiểm tra thông tin đóng BHXH, BHYT dễ dàng qua Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam hoặc ứng dụng BHXH số VssID để xem công ty đã đóng BHXH hay chưa. Nếu thấy công ty chậm đóng hoặc không đóng BHXH, người lao động có thể yêu cầu công ty giải trình và khắc phục.

Khiếu nại đến cơ quan BHXH hoặc Công đoàn Công ty

Nếu công ty không giải quyết hoặc giải quyết khiến người lao động không hài lòng, người lao động có thể khiếu nại đến cơ quan BHXH hoặc Công đoàn Công ty. Cơ quan BHXH hoặc Công đoàn sẽ tiếp nhận, xác minh và giải quyết khiếu nại dựa theo quy trình và thẩm quyền. 

Khởi kiện ra tòa 

Nếu người lao động đã khiếu nại đến cơ quan BHXH hoặc Công đoàn nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không hài lòng, người lao động có quyền khởi kiện công ty ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Tòa án sẽ xét xử theo luật định và yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại cho người lao động.

Kết luận

Trên đây là những chia sẻ của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h về việc công ty nợ bảo hiểm xã hội, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này ngay trên website Việc Làm 24h

Xem thêm: Thuế PIT là gì? Hướng dẫn cách tính thuế PIT chi tiết từ A – Z

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục