Ngay cả khi bạn không quen thuộc với từ viết tắt FMCG nhưng gần như chắc chắn bạn đã tiếp xúc (có thể là hàng ngày) với nhiều loại sản phẩm và thương hiệu FMCG. Ở bài viết này, hãy cùng Việc Làm 24h khám phá FMCG là gì và cơ hội nghề nghiệp ở ngành này nhé!
FMCG là gì?
FMCG là từ viết tắt của Fast Moving Consumer Goods, có nghĩa là hàng tiêu dùng nhanh. Đây là những sản phẩm tiêu dùng được sản xuất thường xuyên, tiêu thụ nhanh, có nhu cầu cao và chi phí thấp. Cụ thể như sau:
- Sử dụng thường xuyên: các sản phẩm FMCG có thể được sử dụng hàng ngày, ví dụ như bánh mì, xà phòng, dầu gội đầu, nước rửa chén…
- Tốc độ tiêu thụ nhanh: vì được sử dụng thường xuyên nên tốc độ tiêu thụ các sản phẩm FMCG khá nhanh. Ví dụ: một khách hàng có thể mua bánh mì từ một cửa hàng hoặc siêu thị và ăn nó vào cùng ngày mua.
- Có nhu cầu cao: nhu cầu về hàng tiêu dùng nhanh thường rất cao. Điều này có thể là do khả năng chi trả hoặc lý do thực tế. Chẳng hạn người dùng thường xuyên sử dụng sữa tắm là do nhu cầu sạch sẽ.
- Chi phí thấp: hàng tiêu dùng nhanh thường không đắt hoặc ít nhất là rẻ hơn các loại hàng hóa khác trên thị trường.
- Ngoài ra, cụm từ “fast moving” còn có nghĩa là hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng từ khu vực bán hàng đến điểm tiêu thụ trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ mua từ siêu thị và mang về nhà, hay đơn giản là những sản phẩm này rất dễ mua ở bất kỳ đâu.
Các sản phẩm FMCG là gì?
Sản phẩm tiêu dùng nhanh được chia thành nhiều loại khác nhau. Bao gồm:
Thực phẩm và đồ uống
Các thực phẩm và đồ uống thuộc FMCG là do có hạn sử dụng ngắn và tỷ lệ doanh thu cao. Các loại thực phẩm và đồ uống thường thấy như:
- Thực phẩm đã qua chế biến, ví dụ bánh mì, khoai tây chiên…
- Thực phẩm đóng gói ăn nhanh, ví dụ bim bim, bánh ngọt, xúc xích…
- Đồ uống, ví dụ nước đóng chai, lon nước ngọt, cà phê pha sẵn…
Sản phẩm chăm sóc cá nhân
Lý do các sản phẩm này thuộc FMCG là gì? Đó là do chúng được hầu hết người tiêu dùng sử dụng thường xuyên, mua với chi phí thấp và không lâu dài. Bao gồm: kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, son môi, kem đánh răng, dầu gội…
Sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Đặc điểm của nhóm sản phẩm này là nhu cầu sử dụng cao và rất dễ phân phối. Ví dụ miếng dán, ống tiêm, băng gạc,…
Sản phẩm chăm sóc nhà cửa
Các sản phẩm được sử dụng cho gia đình cũng thuộc FMCG vì là hàng tiêu chuẩn hóa, phân phối rộng rãi và giá thấp. Chúng bao gồm các mặt hàng tẩy rửa, thuốc tẩy, giấy vệ sinh…
Một số công ty FMCG nổi tiếng
Top công ty FMCG Việt Nam
- Nhóm ngành đường, bánh kẹo và thực phẩm dinh dưỡng khác: công ty CP Bibica, công ty CP thực phẩm Hữu Nghị, công ty CP bánh kẹo Hải Hà…
- Nhóm ngành sữa và sản phẩm từ sữa: công ty CP sữa Việt Nam, công ty CP sữa TH, công ty CP sữa Đà Lạt, công ty CP sữa Vitadairy Việt Nam…
- Nhóm ngành thực phẩm đóng gói, gia vị, dầu ăn: công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân, công ty CP dầu thực vật Tường An, công ty CP thực phẩm Á Châu, công ty CP Sài Gòn Food…
- Nhóm ngành thực phẩm tươi sống, đông lạnh: công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, công ty CP Ba Huân, công ty CP thực phẩm Đức Việt…
- Nhóm đồ uống không cồn: công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát, tập đoàn Trung Nguyên Legend, công ty CP Vinacafe Biên Hòa…
Top công ty FMCG nổi tiếng trên thế giới
Một số công ty FMCG vang danh thế giới có thể kể đến như: Johnson & Johnson, Nestle, Procter & Gamble, Coca-Cola, PepsiCo, Unilever, L’Oreal, Shiseido, KAO, Anheuser-Busch Inbev, LVMH, Kering, Estee Lauder, Colgate-Palmolive…
FMCG là ngành với cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Như đã tìm hiểu về FMCG là gì, có thể thấy rằng ngành này vô cùng tiềm năng với nhiều nhóm ngành, sản phẩm khác nhau. Đặc điểm của FMCG đó là rất năng động, đa dạng và mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp. Các nhà tuyển dụng là một số thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng và nhìn thấy hàng ngày.
Mọi người luôn cần thực phẩm, đồ uống và các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác, vì vậy luôn có cơ hội việc làm ở ngành này. Mỗi tháng hay thậm chí mỗi tuần sẽ chứng kiến sự ra mắt của hàng trăm sản phẩm mới và đằng sau những sản phẩm này là đội ngũ gồm nhiều người với nhiều vai trò khác nhau.
Ngành FMCG mang đến cho các bạn trẻ một sự nghiệp thú vị trong “đấu trường sáng tạo” và thích nghi với sự thay đổi liên tục. Với những nhân sự “lão luyện”, FMCG vừa là điểm đến của đỉnh cao sự nghiệp, lại vừa luôn tràn đầy sự đổi mới và không ngừng phát triển.
Hằng năm ngành FMCG đều có các chương trình tuyển dụng
Các “ông lớn” trong ngành FMCG hàng năm sẽ có những chương trình mới mẻ để thu hút nhân tài, đặc biệt là các bạn sinh viên, người mới tốt nghiệp. Thông qua các chương trình này, các ứng viên được đào tạo tất cả các vai trò từ quản lý đến lãnh đạo. Họ cần có các nhìn tổng quan về ngành đang phát triển với tốc độ nhanh ở nhiều lĩnh vực như tiếp thị, bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng, tài chính kế toán. Do sự cạnh tranh gay gắt và phát triển của các thương hiệu nên đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng qua từng năm.
Đọc thêm: 5 kỹ năng mở khóa tương lai sinh viên mới ra trường cần biết sớm
Cơ hội nghề nghiệp ở ngành FMCG là gì?
Brand Manager (Giám đốc thương hiệu)
Trách nhiệm của Brand Manager là nghiên cứu, lập kế hoạch và thực hiện các công cụ tiếp thị để quảng bá thương hiệu. Mục tiêu quan trọng nhất là tăng doanh số và thị phần. Bên cạnh đó, việc phân tích thị hiếu người tiêu dùng để đưa ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả cũng là nhiệm vụ của Brand Manager.
Quản lý chuỗi cung cứng và phân phối
Vai trò của nhà quản lý chuỗi cung ứng và phân phối trong FMCG là gì? Họ đứng sau các kế hoạch và tổ chức các quy trình, công việc cung cấp sản phẩm phù hợp và đúng thời điểm cho bộ phận sản xuất. Đồng thời, họ cũng quản lý việc đặt hàng, nhận sản phẩm từ nhà cung cấp, lưu kho và chuyển hàng hóa đến các cửa hàng bán lẻ.
Quản lý bán hàng (Sales Manager)
Công việc của họ là quản lý các hoạt động kinh doanh của nhóm ngành/sản phẩm phụ trách nhằm đảm bảo tăng trưởng doanh thu, tăng tỷ lệ hài lòng và chuyển đổi khách hàng. Họ vừa là đại diện cho công ty, vừa là đại diện cho khách hàng để việc hợp tác giữa các bên luôn thuận lợi và bền lâu.
Giám đốc bán lẻ (Retail Manager)
Nhiệm vụ của giám đốc bán lẻ ở ngành FMCG là gì? Như tên gọi thì công việc của họ là lập kế hoạch và điều phối các điểm bán lẻ. Vì đặc thù ngành FMCG rất chú trọng vào các điểm bán lẻ. Vị trí này sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng, sự phù hợp của các lựa chọn hàng tồn kho và quản lý tài chính. Nhiệm vụ sẽ thay đổi theo quy mô của cửa hàng bán lẻ. Đôi khi, họ cũng kiểm soát trực tiếp công việc của quản lý chuỗi cung ứng, bán lẻ và lựa chọn kho.
Giám đốc tài chính
Đối với vị trí này cần phải có kiến thức về kế toán và công việc liên quan. Thông thường, nhiều sinh viên sẽ lấy bằng MBA để tăng tốc trong nghề nghiệp và tạo ra sự khác biệt cho bản thân. Ở thời gian đầu thường là thực hiện các công việc chuyên môn để báo cáo theo kỳ hạn. Về lâu dài với thâm niên và sự phát triển, vai trò sẽ chuyển sang các dự án quản lý thay đổi và tiết kiệm chi phí để cải thiện lợi nhuận chung của công ty.
Với những thông tin trên hy vọng bài viết của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về FMCG là gì cũng như cơ hội nghề nghiệp ở ngành này. Nếu bạn đang tìm kiếm công việc hay mong muốn trải nghiệm trong ngành FMCG, hãy truy cập ngay Việc Làm 24h nhé!